“Chợ” Sapa, hương Việt giữa lòng Praha (CH Séc)

Cac Bai Khac

No sub-categories

“Chợ” Sapa, hương Việt giữa lòng Praha (CH Séc)

TẠP CHÍ VĂN HÓA

Podcast
Phát Thứ sáu, ngày 23 tháng chín năm 2016
entree_sapa_1.jpg


Tải nạp chương trình này

“Đến Praha, phải nhớ đến chợ Sapa!” Nhớ lời người bạn dặn, tôi dành một buổi để đến chợ Sapa, nằm ở Praha 4, cách trung tâm thủ đô Cộng hoà Séc khoảng 10 cây số.
Tôi vẫn thường nghe nói về sự thân thiện và cởi mở của người Việt tại CH Séc, nhưng tôi còn may mắn hơn khi gặp chị Linh, dẫn một gia đình người quen Việt Kiều từ Đức, đúng lúc đang loay hoay tìm xe buýt từ bến tầu điện ngầm để đến chợ. Chừng 15 phút đi xe buýt, chúng tôi chuyện trò như đã biết nhau từ lâu, cùng chia sẽ những kinh nghiệm du lịch châu Âu, so sánh ẩm thực Việt giữa Pháp, Đức và CH Séc. Vì đều có chung “tâm hồn ăn uống”, dĩ nhiên chị không quên khuyên những hàng ăn không thể bỏ qua ở chợ Sapa.
Chợ Sapa, 100% vốn của người Việt
Trung tâm thương mại Sapa, mà mọi người vẫn thân mật gọi là “Chợ Sapa”, rộng mênh mông, khác hẳn với lối vào không quá lớn giành cho người đi bộ. Những dãy nhà dài, chỉ một tầng, được sơn xen kẽ hai mầu vàng tươi và tím nhạt với những tấm biển quảng cáo được viết bằng tiếng Việt, xen kẽ tiếng CH Séc.
Ở đây có đủ mọi mặt hàng, dịch vụ và đặc biệt là cảm giác thích thú, gần gũi như đang ở quê hương, trong tiếng nói chuyện, tiếng nhạc, chương trình truyền hình cũng là tiếng Việt. Tản bộ dọc theo con đường đi vào, người ta có cảm giác như đang đi vào chợ Long Biên, Cầu Mới (Hà Nội). Đến khu vực chợ có mái che ở cuối chợ thì lại có cảm giác đang ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) hay chợ Bến Thành (thành phố Hồ Chí Minh).
Ông Hoàng Đình Thắng, chủ tịch Hội Người Việt Nam tại CH Séc, đã giới thiệu với ban tiếng Việt đài RFI về nguồn gốc của “chợ”:
“Sau Cách Mạng Nhung, tại CH Séc, cũng như một số nước Đông Âu khác, họ cho tự do kinh doanh buôn bán nên hình thành các chợ đồ hàng của người Việt để phục vụ cho người Việt, cũng như người châu Á và người bản địa trong quá trình kinh doanh. Và từ đó, chúng tôi tập trung nhau mua một khi liên hiệp sản xuất thực phẩm của CH Séc bị phá sản năm 1999. Chúng tôi cải tạo, xây dựng để biến nhà máy này thành một trung tâm thương mại và mục đích chủ yếu là cung cấp hàng cho người Việt để bán ở khắp nơi trên CH Séc.
Chúng tôi cũng muốn đặt cho nó một cái tên làm sao để rất Việt Nam nhưng cũng để cho người Tây dễ phát âm và chúng tôi đã chọn ra từ “Sapa”. Cho nên mọi người thấy tại sao chúng tôi lại chọn tên trung tâm thương mại Sapa Praha là như vậy. Sở hữu trung tâm thương mại này là 100% của người Việt, với tổng diện tích 35 ha, có nghĩa là 350.000 mét vuông. Sau quá trình xây dựng, đây không những là một trung tâm thương mại, mà nó còn trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao của cộng đồng.
Trong quá trình xây dựng, được sự ủng hộ của bà con thì hiện nay, nó đã trở thành một địa chỉ tương đối tin cậy đối với cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc. Mọi người Việt Nam ở lứa tuổi trưởng thành ở CH Séc, nếu hỏi trung tâm thương mại Sapa ở đâu thì họ đều biết cả”.
Xen giữa những gian hàng đầy mầu sắc là nhà trẻ “Sen Việt”. Đây chỉ là một trong những hoạt động được bản quản lý chú ý phát triển trong cộng đồng. Theo ông Hoàng Đình Thắng, ngoài việc kinh doanh, tại trung tâm thương mại Sapa còn có một trung tâm y tế và rất nhiều câu lạc bộ khác nhau, như CLB phụ nữ, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, quần vợt, võ thuật dân tộc, trung tâm tiếng Việt, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm luyện thi… Ngoài ra, tất cả các tờ báo Việt ngữ của cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc đều có trụ sở tại trung tâm thương mại Sapa.
Những dịp lễ hội lớn, hai nhà hàng lớn nhất của trung tâm với sức chứa từ 700 đến 1.000 người được biến thành sân khấu và nơi giao lưu, sinh hoạt văn nghệ, văn hóa, thể thao của cộng đồng người Việt tại CH Séc.
RFI / Tiếng Việt
Ẩm thực Sapa : “Chuẩn cơm mẹ nấu”
Dạo quanh “chợ Sapa”, hương thơm từ chả quạt khiến khách hàng không còn đủ dũng cảm bước tiếp. “Có thực mới vực được đạo”, tôi “tự an ủi” để bước vào nhà hàng Dũng Liên, nổi tiếng với món ngan và bún chả Hà Nội mà chị Linh khuyên trước đó. Những miếng ngan luộc mềm mà không béo, còn những miếng ngan nướng thì thơm giòn dậy mùi vừng (mè). Khác hoàn toàn với các nhà hàng tại Paris, món bún chả của nhà hàng giữ đúng hương vị truyền thống của Hà Nội cùng với bát nước chấm thanh thanh được điểm thêm vài lát đu đủ xanh.
Kể về những ngày đầu mới mở, chị Liên cho biết ban đầu mở nhà hàng cũng vì kế mưu sinh như nhiều kiều bào ở nước ngoài, sau đó là để quảng bá ẩm thực của người Việt Nam. Những lời khích lệ của bạn bè trở thành động lực lớn cho anh chị mở tiệm vào năm 2004. Tài nấu ăn của cả hai anh chị, mà chị vẫn cười nói là “đủ để phục vụ gia đình thôi!” đã giúp nhà hàng Dũng-Liên đứng vị trí số một trong bảng xếp hạng tám nhà hàng Việt Nam được người nước ngoài yêu thích nhất thế giới của báo Kiến Thức.
“Từ khâu nấu nướng, khâu chọn đồ rất kỹ càng và toàn gia vị của Việt Nam, chứ không lai tạp. Ví dụ như món chả lợn, cũng làm như các cụ, là nước trong của nước chấm pha với dấm, với chanh nước để có vị thanh ngọt. Đó là nước chấm chả lợn. Còn nướng chấm chả ngan, thì thường người Tầu ăn với xì dầu, nhưng là xì dầu đậm đặc, còn bản thân mình, mình làm với xì dầu Chin-su, nhưng mình có pha chế theo thị hiếu của khách, nên món của mình thanh và ngọt nhưng cũng lai tạp theo món của mình và của Tầu, nhưng món của mình thanh chứ không phải đậm đặc như món của người Tầu. Đấy là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Vì mình là người Việt Nam thì mình chỉ làm tất cả những gia vị và khẩu phần ăn như người Việt Nam, không ăn béo, không ăn chất quá cay”.
Du khách có thể tìm được một thoáng hương vị đặc trưng của Việt Nam tại 35 nhà hàng lớn nhỏ ở “chợ Sapa”: từ bánh cuốn Thanh Trì ở nhà hàng Phương Phượng đến bún bò Nam Bộ và các loại chè tráng miệng ở nhà O Lý, từ xôi gấc, xôi ngô ở nhà Minh Tâm đến bánh bao, bánh mì pa-tê của nhà hàng Kim Anh.
Một góc chợ Sapa, Praha.RFI / Tiếng Việt
So với thời kỳ đầu mở cửa, nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng vải vóc, may mặc và giầy dép đã đóng cửa tiệm do sự cạnh tranh mãnh liệt của hệ thống siêu thị phát triển rất nhanh tại CH Séc. Ngược lại, ngành dịch vụ và nhà hàng lại phát triển sầm uất hơn. Ông Hoàng Đình Thắng nhận xét :
“Tất nhiên nếu nói về tình hình kinh doanh của bà con trong cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc nói chung và tại trung tâm thương mại Sapa nói riêng, thì càng ngày việc làm ăn càng khó khăn hơn. Và bà con mình cũng phải thích nghi với tình hình làm ăn đó (…).
Bà con giờ chuyển sang kinh doanh hàng thực phẩm và đa dạng hơn là kinh doanh các loại hình dịch vụ, cũng như là hàng quán, quán ăn, cắt tóc gội đầu và các dịch vụ khác. Tôi nghĩ rằng với sự năng động và tích cực của người Việt Nam thì họ vẫn có thể trụ được mặc dầu về mặt bằng chung là khó khăn”. 
So với các trung tâm thương mại khác của người Việt tại CH Séc trung tâm thương mại Sapa vẫn là một địa điểm lớn. Ông Hoàng Đình Thắng cho biết sắp tới, “chợ Sapa” sẽ được trùng tu để khoác lên mình tấm áo mới nhờ quyết định của thành phố Praha phê duyệt dự án quy hoạch trung tâm nổi tiếng này.