Chính trường sôi động, dân Mỹ và thế giới hoang mang
Bùi Văn Phú
Gửi tới BBC Tiếng Việt từ California1
7 tháng 3 2017
Đã nhiều lần quyền lãnh đạo quốc gia Hoa Kỳ được chuyển từ đảng cầm quyền sang cho đảng đối lập, nhưng chưa bao giờ không khí chính trị chuyển giao quyền hành lại ồn ào và hoang mang như đang xảy ra.
Ồn ào vì việc ông Donald Trump thắng cử tổng thống đã làm nổi lên những cuộc biểu tình, nhiều nhất ở những tiểu bang đã bầu chọn Hillary Clinton như California, New York, Washington.
Sau khi Tổng thống Trump nhậm chức ngày 20/1/2017, lại có biểu tình lớn với cả triệu người tham gia và có vẻ những cuộc xuống đường phản đối sẽ còn kéo dài.
Dân chúng Mỹ đang hoang mang không biết chính sách của Tổng thống Trump sẽ có những thay đổi gì, ảnh hưởng ra sao đến đời sống.
Các kênh truyền hình của Hoa Kỳ thì CNN và MSNBC ủng hộ Đảng Dân chủ, còn FOX ủng hộ Đảng Cộng hòa. Vì thế những thông tin đưa lên có chiều hướng thuận lợi cho đảng này và bất lợi cho đảng kia.
Các chương trình phân tích, bình luận với khách mời góp ý kiến trên FOX trước đây đã ủng hộ George W. Bush (con) rồi liên tục tấn công Tổng thống Barack Obama trong tám năm qua. Còn kênh MSNBC có những khách mời với quan điểm ngược lại, tấn công Bush và ủng hộ Obama.
Những nhà bình luận Bill O’Reilly và Glenn Beck trên FOX thường đưa ra nhận định Tổng thống Obama có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện qua những chính sách, đặc biệt là Obamacare để toàn dân có bảo hiểm y tế.
Trên kênh MSNBC, Rachel Maddow thường bình luận và đưa ra nhận định cho rằng Tổng thống Donald Trump có chủ trương như giáo điều phát-xít.
Tại sao truyền thông Mỹ chống Trump?
Một phần vì những phát biểu của hồ đồ của ông, phần khác vì đa số truyền thông Mỹ trước nay có khuynh hướng ủng hộ Đảng Dân chủ và trong kỳ bầu cử vừa qua đã tiên đoán, đưa ra thăm dò dư luận cho thấy phần thắng chắc thuộc về Hillary Clinton. Nhưng kết quả ngược lại.
Trump được 306 phiếu đại biểu cử tri, nhưng lại thua Clinton hơn 3 triệu phiếu phổ thông, vì thế nhiều người nghi ngờ kết quả bầu chọn đã bị Nga Sô làm thay đổi. Sự kiện liên quan đến Nga Sô đến nay vẫn đang được tranh cãi và điều tra xem hư thực ra sao. Chính ứng viên Trump là người đã đưa ra cáo buộc Nga Sô tìm cách thay đổi kết quả từ trước ngày bầu chọn.
Vì có nhiều tuyên bố, cáo buộc mà không đưa ra bằng chứng nên các hành động của Tổng thống Trump bị soi mói, chỉ trích, và điều đó khiến ông bực bội với báo chí và đã tuyên bố công khai rằng “truyền thông là kẻ thù của nhân dân Mỹ”.
Đó là một nhận định hết sức đần độn vì truyền thông có thể không ưa Đảng Cộng hòa mà Tổng thống Trump đại diện, nhưng trong một nền dân chủ truyền thông không thể là kẻ thù của nhân dân.
Những chỉ trích và xuống đường ồn ào phản đối Tổng thống Trump cũng là vì Đảng Cộng hòa đã nắm cả hành pháp và lập pháp, trong khi Đảng Dân chủ đã mất hết quyền lãnh đạo. Nhiều người lo sợ những chính sách của Tổng thống Barack Obama ban hành trong tám năm qua sẽ bị dẹp bỏ, quan trọng nhất là Obamacare mà Đảng Cộng hòa đã tìm cách loại bỏ nhiều lần mà không thực hiện được.
Việc thay đổi chính sách là điều bình thường trong vận hành chính trị khi đảng đối lập lên nắm quyền.
Giới phân tích thường nhận định rằng khi có một tổng thống đối lập lên làm lãnh đạo thì đối nội có nhiều thay đổi nhưng đối ngoại thì không vì dù là tổng thống Dân chủ hay Cộng hòa cũng không có những khác biệt trong tầm nhìn chiến lược về an ninh và quyền lợi nước Mỹ trên thế giới.
Nhưng với Tổng thống Donald Trump, ông là người có nhân thân và trải nghiệm không giống bất cứ lãnh đạo tiền nhiệm nào, cho nên đối ngoại ông cũng làm khác.
Thường sau khi nhậm chức ít lâu, tổng thống Mỹ sẽ có lịch trình công du để thể hiện chiều hướng đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ đặt trọng tâm vào đâu mà trong quá khứ là châu Âu và Đông Á.
Tổng thống Trump chưa có lịch trình công du, tuy nhiên ông đã mời nhiều lãnh đạo trên thế giới đến thủ đô Washington để thảo luận về hợp tác. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu đã đến Mỹ hội kiến với Tổng thống Trump.
Lãnh đạo nhiều quốc gia nôn nao muốn biết chủ trương “America First” (Ưu Tiên Cho Nước Mỹ) qua lăng kính đối ngoại của Tổng thống Donald Trump sẽ như thế nào.
Trong khi tổng thống ít nói về chính sách, truyền thông Mỹ cũng chỉ dò đoán chủ trương của tân lãnh đạo, vì trước giờ ông Trump chưa có một hồ sơ tham chính để biết đường hướng của ông.
Ngày nay với mạng xã hội bùng phát thì nhiều loại “tin dổm” – fake news, được mau chóng lan truyền khiến dân càng hoang mang.
Sự đón nhận của dân chúng đối với các chính sách mới của ông Trump
Sẽ có công việc tốt cho dân, bảo hiểm y tế có rẻ và tốt hơn, thuế thu nhập có được giảm, biên giới với Mexico có được kìểm soát chặt chẽ hơn, an ninh nước Mỹ có được bảo đảm hơn trước đe doạ khủng bố tấn công?
Dân Mỹ đang trông chờ chính sách đáp ứng được những yêu cầu đó, như ông Trump đã hứa khi tranh cử là sẽ đem đến những điều tốt đẹp hơn cho nước Mỹ, làm cho nước Mỹ hùng cường trở lại – Make America Great Again.
Tuy nhiên, một số chính sách mới của Tổng thống Trump như sắc lệnh về tị nạn và di dân ban hành ngày 27/1 đã bị các chánh án ra phán quyết đình chỉ thi hành vì vi hiến. Một sắc lệnh mới được ký hôm 6/3 cũng về tị nạn và di trú, có thay đổi chút so với trước nhưng cũng đã bị một thẩm phán liên bang từ Hawaii bác bỏ.
Để thay thế cho Obamacare, một chính sách bảo hiểm y tế mới được Đảng Cộng hòa đề xuất và đang được thảo luận tại quốc hội. Ảnh hưởng tốt xấu ra sao đối với dân chúng cho đến nay chưa được rõ, nhưng hình như chưa đáp ứng được chủ trương của mọi dân cử Cộng hòa. Những thành viên bảo thủ nhất của Đảng Cộng hòa đòi loại bỏ hoàn toàn Obamacare và thay thế bằng một đạo luật mới.
Với quyền lãnh đạo chuyển từ Đảng Dân chủ sang cho Đảng Cộng hòa thì nước Mỹ chắc chắc sẽ có thay đổi.
Không chấp nhận những thay đổi, nhiều người đã xuống đường biểu tình phản đối Tổng thống Trump. Nhưng đã có những cuộc biểu tình không còn giữ được tinh thần ôn hòa và đã có bạo động xảy ra tại Berkeley, một thành phố của vùng Vịnh San Francisco nổi tiếng với truyền thống tranh đấu cho quyền tự do phát biểu chính kiến.
Vùng San Francisco đa số cử tri theo Đảng Dân chủ và được biết đến là nơi khoan dung với mọi tư tưởng, khuynh hướng chính trị. Các ứng viên Dân chủ thường đạt trên 70% số phiếu, nhưng hoạt động của những người ủng hộ Đảng Cộng hòa vẫn có và không gặp trở ngại gì.
Trong hai cuộc biểu tình ở Berkeley gần đây, đã có bạo động do những người phản đối Trump gây ra. Nhóm ủng hộ bạo động biện luận rằng những phát biểu mang tính căm ghét (hate speech) không được phép lên tiếng mà phải bị dập tắt ngay bằng mọi cách. Đó là cách phản ứng của những người cực tả trong Đảng Dân chủ
Đảng Dân chủ đang ở thế yếu vì không còn nắm quyền trong chính trường Mỹ. Muốn lật ngược lại thế cờ, đến năm 2018 sẽ có cơ hội qua cuộc bầu cử quốc hội, năm 2020 qua bầu chọn tổng thống.
Trong quá khứ, năm 1992 Đảng Dân chủ đã kiểm soát cả Bạch Ốc, với Tổng thống Bill Clinton, và nắm đa số trong hai viện quốc hội.
Tuy thất bại nặng trong kỳ bầu cử 1992, nhưng đã không có cảnh xuống đường biểu tình rầm rộ phản đối tổng thống, dù trên truyền thông có những chỉ trích chính sách do Tổng thống Clinton đề xuất, trong đó có dự thảo bảo hiểm y tế toàn dân, do Đệ Nhất Phu nhân Hillary Clinton đứng sau vận động.
Đến kỳ bầu quốc hội năm 1994, Đảng Cộng hòa đã chiếm lại đa số tại hai viện Quốc hội. Chính sách y tế toàn dân của Tổng thống Clinton coi như chết.
Tổng thống Trump mới nhậm chức hơn một tháng và đã gặp dư luận ồn ào chống đối. Các chính sách của ông đưa ra trong thời gian tới có được đa số dân chúng ủng hộ hay không, đến kỳ bầu cử tháng 11/2018 sẽ rõ.
Hai năm không phải là thời gian quá dài trong chính trường Hoa Kỳ, nhưng nó dường như bất tận với những người không ủng hộ Tổng thống Trump.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California.