Chính sách đối ngoại của TT Obama có thể thay đổi sau bầu cử giữa kỳ
Tổng thống Obama có thể phải đối mặt với môi trường mới của chính sách đối ngoại trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ vì phe Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội.
Theo VOA – Scott Stearns – 05.11.2014
Vì phe Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội vào đầu năm tới sau cuộc bầu cử giữa kỳ hôm thứ ba, ông Obama có thể phải đối mặt với một môi trường mới của chính sách đối ngoại trong hai năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống. Từ trụ sở Bộ Ngoại giao ở Washington, thông tín viên Scott Stearns của đài VOA có bài tường thuật sau đây. Việc phe Cộng hòa kiểm soát cả hai viện quốc hội sẽ thu hẹp không gian hoạt động của Tổng thống Obama về những mục tiêu lớn nhất của ông trong chính sách đối ngoại. Đó là nhận định của ông Guy Ziv, giáo sư chính trị học của Đại học American University ở Washington. Điều này sẽ tạo thêm nhiều sự khó khăn cho Tổng thống Obama trong việc đạt được những tiến bộ mà ông muốn thấy trong cuộc thương thuyết về vấn đề hạt nhân Iran và tiến trình hòa bình giữa Israel với Palestine. Cả hai vấn đề này trong những năm qua, thật là đáng tiếc, đã trở thành một quả bóng chính trị mà cả hai đảng đã mang ra đá ở Điện Capitol. Cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran theo lịch trình sẽ kết thúc trong tháng này và các nhà thương thuyết quốc tế đang ra sức thuyết phục Iran hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lấy sự nới lỏng của một số biện pháp chế tài kinh tế. Nhiều thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa lo ngại là một thỏa hiệp đạt được sẽ cho phép Tehran tiếp tục tinh luyện uranium, nhưng Tổng thống Obama đã có quyền hạn để miễn áp dụng các biện pháp chế tài mà không cần có sự phê chuẩn của Quốc hội. Nhà phân tích Justin Logan của Viện Cato ở Washington nói rằng điều đó có thể thay đổi vì phe Cộng hòa sẽ có hành động cứng rắn hơn để đương đầu với Iran. “Có triển vọng là một thắng lợi áp đảo của phe Cộng hòa và việc phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Thượng viện sẽ làm tăng khả năng có những dự luật chế tài Iran không bao gồm điều khoản dành cho tổng thống quyền miễn áp dụng. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi quốc hội phải nhận lãnh trách nhiệm đối với chính sách này và có dấu ấn rõ rệt trên chính sách này. Và đó là điều mà từ trước tới nay họ vẫn thường ngần ngại không muốn làm.” Thượng nghị sĩ John McCain của đảng Cộng hòa đã dẫn đầu sự chỉ trích của đảng ông đối với sự hậu thuẫn chậm chạp của Mỹ dành cho phe nổi dậy có chủ trương ôn hòa ở Syria và có thể ông McCain sẽ thúc đẩy cho một vai trò quân sự mạnh mẽ hơn của Mỹ ở Syria. Đó là nhận định của nhà phân tích Robert Manning của Hội đồng Đại tây dương. “Tôi nghĩ rằng về mặt an ninh, có phần chắc chúng ta sẽ thấy Thượng nghị sĩ McCain lên nắm chức Chủ tịch Uûy ban Quân vụ Thượng viện, và tôi nghĩ rằng việc đó sẽ tạo ra nhiều ý kiến bất đồng đối với vấn đề chi tiêu quốc phòng và một số hoạt động quân sự của chúng ta ở Trung Đông và những nơi khác.” Theo nhà phân tích Logan của Viện Cato, tuy Hoa Kỳ đã bắt đầu một chương trình để huấn luyện và trang bị cho phe nổi dậy ở Syria, vấn đề này có phần chắc sẽ không biến mất trong bối cảnh cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo đang tiếp diễn. “Có một chương trình đang được thực hiện. Chương trình này không được thực hiện theo cách mà Thượng nghị sĩ McCain mong muốn. Do đó tôi nghĩ rằng sự thay đổi ở đây là cuộc thảo luận sẽ diễn ra như thế nào, sẽ có những cuộc điều trần như thế nào, và làm thế nào để phe Cộng hòa ở Thượng viện có thể ảnh hưởng tới sự tường thuật của báo chí, báo chí sẽ nói gì về những chính sách của tổng thống.” Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki nói rằng các nhà ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với bất cứ ai nắm quyền kiểm soát quốc hội. “Bộ Ngoại giao là một nơi không có tính chất đảng phái và là nơi mà chúng tôi làm việc với phe Dân chủ và phe Cộng hòa. Cho nên chúng tôi sẽ tiếp tục đi tới với nhận thức đó.” Về vấn đề ông Kerry có tiếp tục giữ chức ngoại trưởng hay không, các bài tường thuật của giới truyền thông trong cuộc vận động bầu cử giữa kỳ trích dẫn những nguồn tin trong chính phủ của ông Obama chỉ trích ông Kerry là không tuân hành sát sao chính sách đối ngoại của ông Oabma. Phát ngôn viên Jen Psaki nói rằng Tòa Bạch Ốc đã “cho biết rất rõ là ông Kerry sẽ tiếp tục ở đây.”