Chính sách châu Á của chính quyền Trump sẽ ra sao?
15 tháng 11 2016
Phúc trình mới ra của tổ chức Asia Foundation (Quỹ châu Á) đánh giá rằng ở châu Á có nguy cơ xảy ra khoảng trống lãnh đạo và thậm chí chạy đua vũ khí hạt nhân nếu như Hoa Kỳ rút can dự khỏi khu vực này.
Với việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống, chính sách Á châu của chính phủ Hoa Kỳ được trông đợi sẽ có thay đổi đáng kể.
Asia Foundation là tổ chức phát triển quốc tế phi lợi nhuận với trụ sở đặt tại San Francisco, Hoa Kỳ. Hoạt động sáu thập niên nay, tổ chức này nói cam kết của họ là cải thiện đời sống của người dân Á châu.
Mặt tích cực và tiêu cực
Các tác giả của phúc trình mới ra hôm thứ Ba 15/11 nói tại một số quốc gia, đang có hy vọng là dịch chuyển khỏi chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama thực ra có mặt tích cực.
Nhiều người cho rằng chính sách “xoay trục” của ông Obama chủ yếu chỉ nhằm vào đối trọng với một nước Trung Quốc đang lên và ngày càng hung hăng. Chính sách này dẫn tới tăng đôi chút hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực, mở cửa chính trị ở Miến Điện và cải thiện quan hệ với nước cựu thù Việt Nam.
Về mặt kinh tế, kế hoạch Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) gần như phá sản. Chiến thắng của ông Trump đã xóa đi mọi cơ hội cho việc Mỹ thông qua hiệp định TPP giữa 12 quốc gia.
Ngoài hai điều trên, người ta cũng đang xem xét liệu còn gì trong các hứa hẹn dân túy của ông Trump sẽ trở thành hành động.
Tổng thống đắc cử Trump đã đưa ra ý tưởng rút quân từ Nam Hàn và Nhật Bản ngay cả khi đang có đe dọa từ Bắc Hàn, trừ phi hai nước này chia sẻ bớt gánh nặng phục vụ 80.000 binh lính Mỹ.
Hiện Nam Hàn đóng góp 860 triệu đôla/năm, và thêm 9,7 tỷ đôla cho việc di chuyển căn cứ quân sự Mỹ đi chỗ khác. Nhật Bản đóng góp 2 tỷ đôla/năm, phân nửa ngân quỹ cần để duy trì lính Mỹ ở đây.
Asia Foundation, dựa trên tham vấn các học giả và cựu quan chức 20 quốc gia châu Á, cảnh báo rằng việc rút quân Mỹ sẽ khiến cho Tokyo và Seoul tìm cách tăng cường khả năng tự vệ, ngay cả bằng vũ khí hạt nhân, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự khu vực.
Trấn an đồng minh
Donald Trump đã sớm đưa ra lời trấn an các đồng minh như lãnh đạo Australia, Nhật Bản và Nam Hàn.
Thứ Năm 17/11 tới ông Trump sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ở New York khi ông này đang trên đường tới tham gia hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương ở Peru.
Trung Quốc chưa thấy tỏ ra bấn động gì lắm về việc Trump thắng cử. Bắc Kinh luôn coi chính sách xoay trục của chính quyền Obama là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng quan ngại về đe dọa áp thuế nặng cũng như trừng phạt vi phạm thương mại và hối đoái từ phía tổng thống đắc cử của Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình hôm thứ Hai 14/11 đã gọi điện cho Trump và kêu gọi hợp tác giữa hai quốc gia.
Nói chung các tác giả phúc trình cho rằng châu Á sẽ tìm cách ít dựa dẫm vào Mỹ hơn và chọn con đường riêng của mình.
Hiện các cặp mắt đang đổ dồn vào xem Trump sẽ đề cử ai cho các vị trí lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng. Khi đó, ý định của vị tổng thống thứ 45 trong tương quan với châu Á sẽ rõ ràng hơn. – Theo BBC
Despite fears of chaos if the U.S. withdraws its military, former South Korean foreign minister, Yoon Young-kwan, there will be “strong reservations” about paying more.
AP-WF-11-15-16 0711GMT