Đài Loan nhượng bộ trước áp lực đòi quan hệ bình đẳng với Hoa Lục
Theo RFI
Sau 17 ngày biểu tình liên tục gây sức ép, phong trào sinh viên Đài Loan chống thỏa thuận thương mại với Trung Quốc giành được chiến thắng đầu tiên. Chính phủ Mã Anh Cửu chấp thuận một dự luật “giám sát” mọi hiệp ước hợp tác kinh tế với Bắc Kinh bất lợi cho an ninh và quyền lợi hải đảo.
Theo AsiaNews, dưới sức ép của phong trào phản kháng kéo dài 17 ngày qua do sinh viên Đài Loan dẫn đầu, sáng nay 4/4 chính phủ Đài Bắc chấp thuận một dự luật đòi hỏi hành pháp phải theo dõi chặt chẽ các hiệp ước hợp tác kinh tế và thương mại với Hoa lục trong tương lai.
Các biện pháp giám sát này, gồm thủ tục tham khảo ý kiến dân chúng và một cơ cấu bảo vệ an ninh quốc gia, đã được đưa ra nghị viện Đài Loan xem xét và biểu quyết.
Sau khi ký với Bắc Kinh thỏa thuận khung hợp tác kinh tế vào năm 2010 ECFA để mở rộng quan hệ thương mại với Trung Quốc, Đài Bắc quyết định tiến thêm bước thứ hai mở rộng dịch vụ cho doanh nhân Trung Quốc qua hiệp ước gọi là “Thỏa thuận Dịch vụ giữa hai bờ eo biển” nhưng đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của sinh viên và đối lập.
Phong trào phản kháng, nay mang tên là Hoa hướng dương, huy động hàng chục ngàn người biểu tình và chiếm đóng quốc hội để chống thỏa thuận mà nếu được thi hành thì Hoa lục sẽ mở 80 lãnh vực dịch vụ cho doanh nhân Đài Loan và ngược lại hải đảo phải mở 64 lãnh vực kinh tế cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới trẻ và công nhân Đài Loan lo ngại Trung Quốc sẽ đưa nhân công của họ sang làm việc tại hải đảo, các công ty vừa và nhỏ sẽ bị đóng cửa trước sự cạnh tranh của Hoa lục và công nhân Trung Quốc chấp nhận lương thấp, sẽ chiếm việc làm của công nhân Đài Loan.
Dự luật mới buộc chính phủ Đài Bắc mỗi khi đàm phán một hiệp ước thương mại với Trung Quốc phải dựa trên nguyên tắc “bình đẳng, tương kính, tôn trọng quyền lợi lẫn nhau và nhất là bảo vệ an ninh quốc gia”.