Chính quyền Biden có thể hỗ trợ Đài Loan như thế nào?
Các tác giả Chip Gregson, Russell Hsiao, và Stephen Young trong một bài viết trên The Diplomat đã đề xuất cách chính quyền Biden có thể hỗ trợ Đài Loan như thế nào trước một Bắc Kinh ngày càng hiếu chiến.
Dưới đây là phần chuyển ngữ nội dung chính của bài viết:
Chính quyền Biden nhậm chức ở một thời điểm quan trọng đối với Hoa Kỳ. Trật tự thế giới và đặc biệt là khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đang trải qua sự thay đổi mạnh mẽ với sự trỗi dậy của chính quyền Trung Quốc và sự thay đổi địa chính trị đang diễn ra đối với châu Á. Chính quyền mới của Mỹ đã bắt đầu đưa ra chương trình nghị sự của mình để giải quyết các vấn đề nhằm bảo đảm lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực quan trọng này.
Eo biển Đài Loan ngày càng trở thành một tiêu điểm quân sự quan trọng. Căng thẳng đang gia tăng khi Trung Quốc tăng cường sức ép chính trị, kinh tế và quân sự đối với Đài Loan và các nước láng giềng khác. Có những dấu hiệu cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể đang đẩy nhanh kế hoạch chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Đô đốc Philip Davidson, tư lệnh Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương hồi tháng 3/2021 nói rằng Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan trong vòng 6 năm nữa.
Dự đoán thời điểm về cuộc xâm lược Đài Loan có thể xảy ra là điều khó khăn và gây tranh cãi. Nhưng điều không thể chối cãi là mối đe dọa, bằng cả “quyền lực sắc và quyền lực cứng”, của Bắc Kinh đối với an ninh của Đài Loan, cũng như hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đang ngày càng gia tăng. Hoa Kỳ cùng với các đồng minh và đối tác của mình cần phải đáp trả. Giảm thiểu mối đe dọa đối với Đài Loan là bước quan trọng đầu tiên.
Quyền lực sắc (Sharp power)
Chính quyền Trung Quốc đã vận dụng quyền lực sắc, tức loại quyền lực dựa trên việc gây sức ép và bắt nạt, bao gồm việc điều lực lượng quân sự, để ép Đài Loan có lập trường mềm mỏng hơn trước Bắc Kinh. Đáng chú ý là Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực và trên thực tế đã thực hiện các bước cụ thể để tăng cường khả năng chinh phục hòn đảo bằng quân sự như một biện pháp cuối cùng. Điều này liên quan đến “quyền lực cứng” mà chúng ta sẽ phân tích sau. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, Bắc Kinh muốn thuyết phục hoặc ép buộc Đài Loan chấp nhận đầu hàng mà không sử dụng vũ lực; do đó họ sử dụng các chiêu trò của “quyền lực sắc”.
Bắc Kinh và nhà lãnh đạo ngày càng chuyên quyền Tập Cận Bình muốn loại bỏ tất cả các phương án để Đài Loan chấp nhận đầu hàng và đạt được mục tiêu của mình một cách hòa bình. Nhưng trong vài năm qua, chính chính quyền Trung Quốc đã tự hủy hoại các biện pháp ôn hòa để đạt được mục tiêu này. Việc nghiền nát những dấu tích cuối cùng về quyền tự trị của Hồng Kông theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” có thể đã thỏa mãn các mục tiêu ngắn hạn của giới lãnh đạo Bắc Kinh, nhưng nó đã làm xói mòn sâu sắc hy vọng rằng những người dân chủ của Đài Loan sẽ sẵn sàng chấp nhận quyền bá chủ của chính quyền Trung Quốc. Không chỉ vậy, cuộc sống của người dân Trung Quốc là bằng chứng cho thấy “mô hình Bắc Kinh” không mang lại giá trị gì cho 23 triệu công dân Đài Loan.
Tại sao ông Tập lại quyết định đi theo con đường này là một điều khó hiểu. Có lẽ ông ta cảm thấy quyền cai trị chuyên quyền của mình sẽ được củng cố bằng cách nghiền nát một mô hình phát triển rất khác của Trung Quốc ngay bên kia eo biển. Nếu vậy, ông ta đã tính toán sai lầm. Trên thực tế, tất cả các dấu hiệu cho thấy người Đài Loan ngày càng quyết tâm chống lại mọi nỗ lực thống nhất của Bắc Kinh.
Đảng Dân Tiến của Tổng thống Thái Anh Văn đã phát triển mạnh mẽ hơn ở Đài Loan, đảng này chiếm đa số trong cơ quan lập pháp và ở hầu hết các chính quyền địa phương. Điều này bảo đảm cho bà Thái có một đất nước vững chắc khi phải đối mặt với những nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm bắt nạt bà trong một số thỏa thuận. Còn ba năm nữa trong nhiệm kỳ của bà Thái, căng thẳng giữa Trung-Đài sẽ không giảm bớt.
Quyền lực cứng (Hard Power)
Kho vũ khí ngày càng tăng của Trung Quốc dùng để chống lại Đài Loan là điều đáng lưu tâm.
Tiềm năng hủy diệt của các lực lượng quân đội Trung Quốc được hiển thị một cách công khai. Họ không giấu giếm các cuộc tập trận dàn xếp cách thức tấn công vào tòa nhà chính phủ Đài Loan. Tên lửa thường xuyên được tung ra với mục đích răn đe. Hải quân Trung Quốc phản ứng gay gắt với các hoạt động hợp pháp của lực lượng hải quân các quốc gia khác, trong đó có cả lực lượng hải quân Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn xâm phạm không phận của các quốc gia khác, và ngư dân của các quốc gia này bị lực lượng tuần duyên và các tàu dân quân hàng hải Trung Quốc bắt nạt. Tuy nhiên, một trong những mục tiêu mà những biểu hiện của quyền lực cứng này nhắm đến là để chống lại bất kỳ phản ứng tiềm tàng nào của Hoa Kỳ đối với sự xâm lược của Trung Quốc.
Để chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh và tăng cường khả năng bảo vệ Đài Loan, Hoa Kỳ, phải thiết lập và duy trì sức mạnh để chắc chắn giành ưu thế trước các nỗ lực vũ trang từ Trung Quốc. Ý định và khả năng của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ Đài Loan phải rõ ràng.
Khái niệm Phòng thủ Tổng thể của Đài Loan (ODC) là một bước tiến lớn và nó thể hiện một cái nhìn rất thực tế về những thách thức mà Đài Loan phải đối mặt. ODC mô tả mối đe dọa chính là chiến lược của Trung Quốc, kết hợp giữa cưỡng bức, dụ dỗ các thị trường quốc tế, cô lập khỏi các tổ chức quốc tế và chèn ép Đài Loan.
Rõ ràng, Hoa Kỳ có lợi ích lớn nếu Đài Loan đứng vững trước các chiến lược gây áp lực của chính quyền Trung Quốc. Hơn nữa, Hoa Kỳ và Đài Loan hiện cùng phải đối mặt với việc làm thế nào để bảo đảm ưu thế trên biển và trên không. Không chỉ thế, tất cả các quốc gia châu Á có biển cũng đang cùng đối mặt với thách thức này. Do vậy, tất cả phải đồng lòng để vượt qua thách thức.
Kết luận
Một số nhà quan sát bày tỏ lo ngại rằng chính quyền Biden có thể mang lại cơ hội cho Bắc Kinh tấn công quân sự qua eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, các nhà phân tích của Diplomat không nghĩ vậy. Chính quyền Trump và Biden liên tục có những động thái nhằm ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào nhằm ép buộc hoặc đe dọa Đài Loan. Những nỗ lực từ Quốc hội Hoa Kỳ cho thấy điều này. Quân đội Hoa Kỳ thường xuyên huấn luyện để bảo vệ bạn bè và đồng minh trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Lực lượng Hoa Kỳ ở Okinawa và phần còn lại của Nhật Bản, cũng như các căn cứ khác ở Thái Bình Dương, sẵn sàng di chuyển khẩn cấp bất cứ khi nào cần thiết.
Ông Tập nên tỉnh táo suy nghĩ về mặt trái của bất kỳ chủ nghĩa phiêu lưu nào hiện tại hoặc trong tương lai. Nền kinh tế Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng trong đợt suy thoái toàn cầu gần đây nhất. Bất chấp những lời tuyên truyền có vẻ hoa mỹ, nhiều công dân Trung Quốc biết rằng giới lãnh đạo ở Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về tình trạng này. Họ đã đến Đài Loan đủ nhiều để hiểu được sự khác biệt đáng kể giữa hai bờ eo biển, và có lẽ đã nuôi dưỡng một số thiện cảm đối với xã hội tự do và dân chủ bên kia eo biển.
Phản ánh mối quan hệ song phương ngày càng phát triển, Hoa Kỳ và Đài Loan nên thực hiện các bước tiếp theo để tăng cường “các mối quan hệ thương mại, văn hóa và các mối quan hệ khác sâu rộng, gần gũi và thân thiện”. Điều này sẽ phù hợp với ngôn ngữ của Đạo luật Quan hệ Đài Loan cũng như Đạo luật Du lịch Đài Loan, Đạo luật Sáng kiến Tái bảo hiểm Châu Á (ARIA).
Ngoài ra, cần phải xem xét lại chính sách, cùng với việc tăng cường khả năng răn đe thông thường. Đạo luật Quan hệ Đài Loan dựa trên giải pháp hòa bình. Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ phải nói rõ rằng chúng tôi tận tâm với đề xuất đó.
Đài Loan phải bảo đảm khả năng tích hợp các nỗ lực an ninh, trong đó có việc ngăn chặn “quyền lực cứng”, trên tất cả các yếu tố bị đe dọa và phản ứng tốt hơn với “quyền lực cứng” của Trung Quốc, cũng như bảo vệ các giá trị tự do và thể chế dân chủ của Đài Loan.
Lực lượng tác chiến trên mặt đất của Đài Loan phải được tích hợp trong cuộc chiến giành ưu thế trên không và trên biển, từ đó dẫn đến việc cần phải trang bị những loại vũ khí cần thiết.
Hợp tác với Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong khu vực có cùng mối đe dọa là điều cần thiết. Một Liên minh các nền dân chủ trong khu vực và hơn thế nữa phải được cung cấp năng lượng để hỗ trợ các lý tưởng dân chủ và thể hiện sự hấp dẫn của chính phủ đại diện đối với tất cả những người bị giam cầm ở Trung Quốc và khu vực.
Hoa Kỳ cùng với các đồng minh của mình, đặc biệt là Nhật Bản, với sự tham vấn chặt chẽ với Đài Loan, nên phát triển một chiến dịch liên lạc phối hợp để chống lại sự ép buộc và tăng cường răn đe.
Một cách tiếp cận toàn diện để tăng cường khả năng của Đài Loan phải bao gồm các biện pháp kinh tế. Đây là một yếu tố then chốt để chống lại chiến lược tạo ra sự phụ thuộc kinh tế của Bắc Kinh. Chính quyền Biden nên tích cực xem xét việc theo đuổi một hiệp định thương mại song phương với Đài Loan.
Ngoài ra, việc chính quyền Biden cần rõ ràng hơn đối với cam kết bảo vệ Đài Loan là rất quan trọng cho các mục đích răn đe và ổn định.
Chính quyền Biden, với sự tham vấn chặt chẽ của Quốc hội Hoa Kỳ, nên xem xét lại chính sách hiện tại đối với Đài Loan nhằm tăng cường phạm vi và bề rộng của mối quan hệ hợp tác – về kinh tế, chính trị và quân sự. Điều này sẽ bao gồm một tín hiệu sớm rằng Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho các mối đe dọa hoặc hành động nhằm đe dọa hoặc tấn công Đài Loan. Washington cũng nên tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự gia tăng của các mối đe dọa của quân đội Trung Quốc đối với hòn đảo và gửi một cảnh báo chính xác rằng Hoa Kỳ sẽ thực hiện các cam kết của mình với người dân Đài Loan và chính phủ của họ.
Hải Lam – 01/05/2021
https://www.dkn.tv/the-gioi/chinh-quyen-biden-co-the-ho-tro-dai-loan-nhu-the-nao.html