Chính phủ Thái hứa trả nợ, nông dân rút đe dọa chiếm sân bay

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chính phủ Thái hứa trả nợ, nông dân rút đe dọa chiếm sân bay

Nông dân Thái cùng đoàn xe máy cày biểu tình trên con lộ chính tại tỉnh Ayutthaya. Ảnh chụp ngày 21/02/2014.

REUTERS/Damir Sagolj

Trọng Thành  Thứ sáu 21 Tháng Hai 2014

Hôm qua 20/02/2014, hàng nghìn nông dân Thái Lan cùng máy cày đổ về Bangkok đòi chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra trả nợ tiền mua gạo, trong lúc phong trào biểu tình của đối lập đòi bà Yingluck từ chức không ngừng gây áp lực. Theo AFP, hôm nay 21/02, các nông dân Thái Lan quyết định trở về nhà, tạm hoãn ý định xâm chiếm sân bay chính của thủ đô, sau khi đạt được một hứa hẹn từ phía chính phủ.

Báo chí địa phương cho hay, đoàn xe của nông dân, bị chặn lại tại cửa ngõ phía bắc Bangkok, đã chấp nhận trở về nhà, sau khi chính phủ hứa sẽ trả tiền nợ cho họ trong tuần tới. Theo các nhà quan sát, chương trình mua gạo, với giá cao hơn 50% so với giá thị trường, để trợ giúp nông dân của chính phủ Yingluck Shinawatra đã từng là nhân tố mang lại uy tín cho bà Yingluck, giúp cho đảng của nữ Thủ tướng giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2011. Tuy nhiên, chính sách này nay đang trở thành cơn ác mộng đối với bà Yingluck.

Rất đông nông dân Thái, phẫn nộ vì không nhận được tiền từ chính phủ kể từ cuối năm 2013, quyết định đổ về Bangkok để phản đối. Virat Pennapa, 43 tuổi, một nông dân từ tỉnh miền trung Uthai Thani, kể lại với AFP : « Tình hình rất khó khăn cho tôi và gia đình, vì chính phủ hiện nay nợ tôi đến 350.000 baht (tương đương 10.800 euro) ».

Những người chống lại chính sách mua gạo giá cao cáo buộc bà Yingluck làm tham nhũng trở nên phổ biến, khiến ngân sách trở nên thâm hụt nghiêm trọng và để lại một khối lượng hàng tồn kho khổng lồ.

Theo Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan TDRI, chính phủ nợ một triệu nhà nông trồng lúa khoảng 2,6 tỷ euro. Chính phủ Thái Lan hy vọng tích trữ gạo sẽ gây khan hiếm và làm tăng giá trên thị trường quốc tế, tuy nhiên, chính sách này đã bị phá sản. Trong năm 2014, Thái Lan có khả năng chỉ xuất khẩu được 7,5 triệu tấn, giảm 30% so với năm 2011. Chính phủ Thái Lan không công bố tổng chi của chương trình trợ giá gạo, nhưng Viện TDRI đưa ra con số 3,4 tỷ đến 4,4 tỷ euro, tương đương 6 đến 8% ngân sách quốc gia.

Hôm 18/02, Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan (NACC) thông báo sẽ truy tố Thủ tướng Yingluck do những bất cẩn trong việc thực hiện chương trình trợ giá gạo và nữ Thủ tướng có thể bị hạ bệ. NACC quyết định « triệu tập bà Yingluck Shinawatra vào ngày 27/02 để thông báo các cáo buộc ». Hôm qua, 20/02, bà Yingluck khẳng định mình vô tội và sẵn sàng hợp tác với tư pháp để làm rõ vụ việc.

Kể từ mùa hè năm ngoái, nữ Thủ tướng Thái Lan liên tục phải đối mặt với các cuộc biểu tình đòi bà từ chức, với cáo buộc bà chỉ là một con rối trong tay người anh, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, hiện đang sống lưu vong sau cuộc đảo chính quân sự 2006. Trong khi đó, các đảng phái chính trị Thái Lan ủng hộ ông Thaksin liên tục giành chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử từ 10 năm nay. Những người biểu tình, đang tiếp tục chiếm giữ nhiều vị trí tại thủ đô Bangkok, cáo buộc gia tộc Shinawatra sử dụng tiền công quỹ để chi cho các chương trình hỗ trợ dân chúng ở nông thôn, nơi đa số cử tri trung thành với nhà Thaksin.

Cuộc bầu cử Quốc hội sớm được tổ chức vào ngày 02/02 đã không làm dịu bớt không khí căng thẳng kéo dài nhiều tháng nay, khiến ít nhất 16 người chết và hàng trăm người bị thương. Phe biểu tình, muốn thay thế chính phủ bằng một « hội đồng nhân dân » được chỉ định, đã nỗ lực ngăn cản cuộc bầu cử nói trên. Hiện tại, không có bất cứ kết quả chính thức nào được thông báo, trong khi chờ đợi các cuộc bầu cử bổ sung vào cuối tháng 4/2014.