Chính phủ đề nghị lùi thông qua Luật Đặc khu, nhượng bộ trước phản đối
Chính phủ Việt Nam sẽ đề nghị Quốc hội xem xét cho lùi việc thông qua một luật về đặc khu kinh tế gây nên nhiều tranh cãi và nói rằng thời hạn cho thuê đất sẽ không kéo dài tới 99 năm, theo một thông cáo của Văn phòng Chính phủ công bố hôm thứ Bảy.
Quyết định này đánh dấu một bước lùi của chính phủ trước làn sóng phản đối dữ dội đối với luật bị nhiều người cho là sẽ làm mất chủ quyền lãnh thổ vào tay Trung Quốc và giữa lúc có những lời kêu gọi biểu tình rộng khắp ở trong và ngoài nước.
Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, theo lịch trình sẽ được Quốc hội biểu quyết vào ngày 15 tháng 6, giờ được chính phủ đề nghị dời từ kỳ họp thứ năm sang kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV “để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.”
“Sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia,” thông cáo nói.
Chính phủ cũng khẳng định dự luật này “đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng 3 đặc khu kinh tế, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, có sức lan tỏa lớn.”
Những người phản đối nói rằng việc dự luật cho phép nước ngoài thuê đất trong thời hạn 99 năm là quá dài và họ đặc biệt lo ngại về một điều khoản cho phép công dân của “nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh” được vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch được miễn thị thực với thời hạn xác định. Họ chỉ ra nước láng giềng được nhắc tới đó là Trung Quốc.
Lịch sử xâm lược của Trung Quốc và tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở Biển Đông lâu nay đã khiến người Việt Nam cảnh giác với mọi hành động của Trung Quốc. Khả năng Trung Quốc có thể thuê cả ba đặc khu kinh tế được đề xuất đã khơi nên một phản ứng bùng nổ và chống đối quyết liệt từ mọi tầng lớp người dân.
Chưa rõ quyết định của chính phủ có giúp giảm bớt sự bất bình sôi sục của công chúng hay không trong khi hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy một số cuộc biểu tình dường như đã diễn ra trong nước vào ngày thứ Bảy. Các cuộc biểu tình rộng khắp được kêu gọi diễn ra vào Chủ nhật ở trong và ngoài nước.
09/06/2018
Theo https://www.voatiengviet.com/a/chinh-phu-de-nghi-lui-thong-qua-luat-dac-khu-nhuong-bo-truoc-phan-doi/4431705.html