Chiến tranh và ký ức về chiến tranh
Theo VOA – Nguyễn Hưng Quốc – 07.07.2014
Trong các môn tôi dạy tại trường Victoria University ở Melbourne, Úc, có một môn tập trung vào chiến tranh Việt Nam: “Nhiều Việt Nam: Văn hóa Chiến tranh và Ký ức” (ASI2003 Many Vietnams: War Culture and Memory).
Như tên gọi, ở môn này, trọng tâm không phải là lịch sử mà là văn hóa; không phải văn hóa chung chung mà là văn hóa chiến tranh; cũng không phải là văn hóa chiến tranh chung chung mà là thứ văn hóa chiến tranh được nhìn thấy từ và qua ký ức. Đó chính là điểm mới của môn học. Nếu chỉ nhìn chiến tranh Việt Nam từ góc độ lịch sử hay chính trị, người ta dễ dàng nắm bắt cái khung thời gian của nó: bắt đầu từ 1954 và kết thúc vào năm 1975. Nhưng nhìn từ góc độ văn hóa, chiến tranh Việt Nam, về phía chính phủ Mỹ, lại bắt đầu từ sau đệ nhị thế chiến, với thuyết domino vốn được xem là nền tảng của chiến lược đối đầu với chủ nghĩa cộng sản thời Chiến tranh lạnh của Mỹ. Nhìn từ góc độ văn hóa, với người Mỹ, chiến tranh Việt Nam được gọi là cuộc chiến ở phòng khách (lounge room war), cuộc chiến tranh truyền thông (media war) hoặc cuộc chiến tranh truyền hình (television war), ở đó, chiến tranh ngoài chiến trường biến thành cuộc chiến tranh của con tim; chiến tranh ở Việt Nam thành chiến tranh về Việt Nam. Nhìn từ góc độ ký ức chiến tranh, cũng với người Mỹ, chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến vô tận (endless war), một cuộc chiến tranh chưa kết thúc (unfinished war). Cho đến tận bây giờ.
Tuy nhiên, ở đây, tôi không nhằm giới thiệu nội dung môn học ấy. Tôi chỉ xin kể một câu chuyện mới xảy ra cách đây mấy tuần, trong buổi học cuối cùng của học kỳ 1 tại Úc.
Giống như mọi năm, trong bài giảng cuối, tôi cho sinh viên xem một cuốn phim ngắn nhan đề Ngày Giỗ (The Anniversary, 2004) của Hàm Trần, một đạo diễn trẻ gốc Việt tại Mỹ. Phim chỉ dài có 28 phút. Nội dung khá đơn giản, có thể tóm tắt như sau: Trong cuộc biến động năm 1963 ở Sài Gòn, có một thanh niên tham gia rất tích cực trong phong trào Phật giáo chống lại chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm. Bị cảnh sát truy nã, anh định mang vợ và hai đứa con trai chạy trốn, nhưng một đứa đang bị bệnh, không thể đi được, anh bèn mang theo một đứa ra bưng, và sau đó, ra miền Bắc. Đứa còn lại sống với mẹ trong Nam. Mười năm sau, hai anh em ruột gặp nhau trên chiến trường, cuối cùng, người này giết người nọ. Rồi họ nhận ra nhau. Nhưng đã quá muộn. Kẻ còn sống, sau đó, đi tu. Cứ đến ngày giỗ lại tụng kinh, cầu cho hương hồn người anh em ruột thịt của mình.
Truyện phim khá đơn giản nhưng kỹ thuật khá già giặn, ở đó, quá khứ và hiện tại cứ xen kẽ nhau.
Như đã nói ở trên, năm nào tôi cũng cho chiếu cuốn phim này cho sinh viên xem. Năm nào cũng có một số sinh viên khóc. Khi phim hết, bật đèn sáng, tôi thấy trong lớp, mắt nhiều em đỏ hoe. Riêng tôi thì dù buồn, vẫn bình tĩnh: Một mặt vì tôi đã quen thuộc với cuốn phim ấy; mặt khác, cũng quá quen thuộc với những bi kịch kéo dài trong chiến tranh Việt Nam. Cả quãng đời thơ ấu của tôi trôi qua trong chiến tranh. Chưa bao giờ đi lính, chưa bao giờ nhìn thấy chiến trường, nhưng trước năm 1975, tôi đã nhiều lần bị ba mẹ gọi giật dậy giữa khuya và lôi xuống hầm trú ẩn vì pháo kích; tôi đã nhiều lần nhìn thấy quan tài của một số thanh niên trong làng đi lính bị tử trận…
Vậy mà, không hiểu sao, lần này, xem phim, tôi lại thấy xúc động lạ lùng.
Xem xong, quay lại bài giảng, giọng tôi cứ nghẹn lại. Bọn sinh viên, trước, vốn đã xúc động; sau, thấy thầy như vậy, càng xúc động thêm, mắt đứa nào đứa nấy đều đỏ hoe. Cuối cùng, cả thầy và trò đều ngồi im lặng. Thật lâu. Thật lâu. Các sinh viên nữ lấy khăn chùi nước mắt, trong khi các sinh viên nam thì ngước nhìn lên trần hoặc ngó lảng đi chỗ khác.
Thật lâu sau, tôi mới cố gắng nói vài điều, để kết thúc môn học, trong đó, tôi nhấn mạnh ý này: Nhìn từ bên ngoài, như từ Úc và Mỹ, chẳng hạn, người ta chỉ biết, trong giai đoạn 1954-75, Việt Nam bị chia làm đôi, trước hết là về phương diện địa lý và sau đó, về chính trị; nhưng từ cái nhìn bên trong, của người Việt Nam, sự chia cắt ấy đi sâu đến tận từng tế bào nhỏ nhất của xã hội: gia đình. Bi kịch của đất nước, do đó, biến thành bi kịch của gia đình. Ngay sau tháng 4 năm 1975, lúc nhiều gia đình được đoàn tụ, những xung đột gay gắt về quan điểm chính trị giữa cha con, vợ chồng, anh em… khá phổ biến. Nhiều sự xung đột kéo dài đến tận ngày nay. Chúng làm cho cái gọi là ký ức chiến tranh, với người Việt Nam, như những vết thương chưa kéo da non. Trong các vết thương ấy có cả sự thù hận lẫn sự đau xót: Không hiếm trường hợp ở những người mình chống đối quyết liệt có cả hình ảnh của người thân nhất của mình. Sự xung đột ở ngoài, do đó, trở thành một sự xung đột tận bên trong. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi, liên quan đến chiến tranh và hậu quả của chiến tranh, mỗi người Việt Nam là một khối mâu thuẫn khổng lồ. Không hiểu được sự mâu thuẫn ấy, không thể nào giải quyết được các xung đột hiện nay.
Khi buổi học kết thúc, theo thói quen, tôi đứng lại, chờ sinh viên ra trước. Khi đi ngang qua tôi, một sinh viên Úc, mắt còn đỏ hoe, ôm chầm lấy tôi. Vừa như một sự chia sẻ vừa như một sự từ biệt sau một học kỳ.