Chiến tranh Nga-Ukraine sẽ kết thúc thế nào? – Cao Tuấn
PHẦN THỨ NHẤT
Các kịch bản
Cuộc chiến của người Ukraine chống Nga xâm lăng là cuộc chiến tranh vệ quốc có chính nghĩa rất khó phủ nhận. Ngay cả đối với những người muốn bênh vực hay ủng hộ nước Nga của ông Tổng thống Vladimir Putin.
Chính nghĩa tất thắng?
– Đúng vậy, theo quan điểm đạo lý.
– Không hẳn, nếu nhìn vào lịch sử các cuộc chiến tranh hoặc vào “chính trị thực tế”.
Cuộc chiến tranh Phần Lan chống một triệu quân Liên Xô xâm lăng 1939-1940 là một thí dụ gần gũi nhất. Chính nghĩa của Phần Lan đầy đủ, minh bạch – một nước nhỏ hiền hòa bị một nước lớn vô cớ xâm lược. Quân đội Phần Lan ngày ấy, không kém gì quân đội Ukraine bây giờ, khôn ngoan và anh dũng – đánh bại quân Liên Xô nhiều lần trước sự thán phục của cả thế giới. Tuy nhiên cuối cùng vì tương quan lực lượng quá chênh lệch, Phần Lan phải chịu thất trận và chịu mất một phần lãnh thổ cho Liên Xô.
Chính nghĩa, như thế, dù có tầm quan trọng chiến lược, chỉ là một yếu tố – cần nhưng chưa đủ – để thắng một cuộc chiến tranh.
Để trả lời câu hỏi chủ yếu “chiến tranh Nga-Ukraine sẽ kết thúc thế nào?” thử xem xét một số kịch bản khác nhau và bàn về mức độ khả hữu của mỗi kịch bản.
Kịch bản 1
Chiến tranh kết thúc với Nga toàn thắng, đè bẹp Ukraine trên chiến trường, chính quyền Ukraine đầu hàng và bị thay thế bởi một chính quyền bù nhìn thân Nga.
Bước qua năm thứ hai của cuộc chiến, kịch bản này có mức độ khả hữu rất thấp. Lý do :
– Ukraine có lãnh đạo chính trị xuất sắc, nổi bật là Tổng thống Zelensky tài năng, khôn ngoan và rất phong cách. Trước công luận thế giới, chính nghĩa của Ukraine “chống Nga xâm lược” áp đảo hẳn tuyên truyền của Nga về “chiến dịch quân sự đặc biệt chống Mỹ và các nước NATO đang sử dụng Ukraine để bao vây, chèn ép, phá hoại nước Nga trong sách lược làm tan rã nước Nga – như đã làm tan rã Liên Xô trước đây”.
– Dân Ukraine rất đoàn kết chống xâm lược. Xâm lược càng tàn bạo, căm thù càng cao, quyết tâm càng mạnh.
– Quân đội Ukraine quả cảm,
càng đánh càng tinh nhuệ.
– Ukraine được các nước trong khối NATO chi viện rất nhiều về đủ mọi mặt. Đặc biệt là Mỹ đã cung cấp trên dưới 80 tỉ đô la quân viện và kinh viện chỉ trong năm đầu tiên của cuộc chiến – một con số phá kỷ lục. Kế đó là Anh, Ba Lan, Canada, Hòa Lan, Na Uy, Đan Mạch, các nước vùng Baltic… cũng giúp tận tình.
– Mạnh như Liên Xô, như Mỹ mà không khuất phục được nước Afghanistan 40 triệu dân thì Nga, dù có leo thang tổng tấn công tràn ngập Ukraine (có kích thước tương đương Afghanistan), dù chiếm được các thành phố kể cả thủ đô Kiev, sẽ không bình định nổi Ukraine, sẽ bị sa lầy với chiến tranh du kích của người Ukraine.
Kịch bản 2
Putin, tác nhân chủ yếu – hoạch định, phát động, điều khiển cuộc chiến tranh – bị ám sát hay bị lật đổ, chiến tranh Nga-Ukraine kết thúc.
Kịch bản này cũng có mức độ khả hữu không đáng kể.
Ám sát hay lật đổ Putin cũng khó như ám sát hay lật đổ Tập Cận Bình hay Kim Jong-un.
Putin, Tập, Kim đều là những lãnh tụ độc tài cai trị bằng bàn tay sắt cùng lúc ban phát quyền lợi hậu hĩ cho các thuộc hạ trung thành được tuyển chọn kỹ, nắm vững tình hình nội bộ, không để lộ sơ hở. Riêng Putin – xuất thân tình báo cao cấp KGB, thâm hiểm, mưu mẹo, phất cờ dân tộc chủ nghĩa, khai thác mặc cảm tự tôn, tự ti, các ẩn ức của dân Nga – đã trở thành nhà độc tài, độc tôn gần 1/4 thế kỷ sau khi diệt trừ hết mọi đối thủ. Triển vọng Putin đột nhiên biến mất trên chính trường nước Nga là ảo vọng.
Mặt khác, Putin có thể đang là một hình ảnh xấu xí trên thế giới nhưng có thể rất khác ở bên trong nước Nga, ngược hẳn lại với trường hợp của Gorbachev – được ca tụng ở các nước Tây Phương như một vĩ nhân, lại bị ghét bỏ ở Nga. Gorbachev bị dân Nga, công bằng hay không, quy trách nhiệm đã làm đế chế Liên Xô tan vỡ, quy trách nhiệm đã làm cho nước Nga tang thương, lụn bại cả chục năm sau đó – một nước Nga dưới sự lãnh đạo của… Boris Yeltsin ! Thay vì tặng huy chương “quán quân dân chủ” hay “quán quân hòa bình” cho Gorbachev thì dân Nga gắn mề đay cho Putin vì “đã vực dậy nước Nga của họ từ đống tro tàn”. Thực tế này, sai đúng đến đâu, vẫn là một thực tế phải ghi nhận.
Kịch bản 3
Cuộc chiến kết thúc với Ukraine đại thắng trên chiến trường, lấy lại toàn bộ lãnh thổ bị xâm chiếm kể cả Crimea, Nga đại bại phải bồi thường thiệt hại như Ukraine đòi hỏi.
Kịch bản này cũng có mức khả hữu thấp. Nga sẽ không đại bại. Ukraine sẽ không đại thắng. Và không có bồi thường chiến tranh.
Lý do :
– Nga có lợi thế và tận dụng lợi thế của một cường quốc sở hữu vũ khí nguyên tử vĩ đại, lợi hại bằng hoặc hơn Mỹ. Đánh nhau với bất cứ nước nào, với lợi thế này, chung cục thì Nga hoặc thắng, hoặc hòa chứ rất khó bại, trừ khi tự ý buông tay, ngửa cổ cho địch thủ chặt đầu mình.
Điều này, vào ngày 22/02/2023 vừa qua tại thủ đô của đồng minh Ba Lan, ngay sau chuyến viếng thăm Ukraine bất ngờ, đã được Tổng thống Mỹ Biden xác nhận một cách gián tiếp nhưng lại rõ ràng đến mức không giải thích khác được. Lời phát biểu của Biden ngày này, nơi này, được báo chí thế giới đồng loạt đăng tải, nghe qua có vẻ đanh thép nhưng thực ra lại rất… “khiêm tốn” nếu không nói là “yếu xìu” : “Ukraine will never be a victory for Russia – never” (Ukraine sẽ không bao giờ là một chiến thắng đối với Nga – không bao giờ”).
Nếu nhớ lại thông điệp của Mỹ gửi cho Nhật vào cuối thế chiến thứ hai : “Đầu hàng vô điều kiện hoặc bị tiêu diệt !”, người ta phải tự hỏi tại sao Biden không tuyên bố, ít nhất, một lời minh bạch chẳng hạn như : “Nga chắc chắn sẽ bị đánh bại hoàn toàn ở Ukraine. Không thể khác được !” Tại sao không nói ?!
Phải chăng, “vừa đánh, vừa run” hay “vừa đánh, vừa hồi hộp” ? Phải chăng đánh mà không dám thắng ? Phải chăng “thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ bần cùng cố thây ?”
– Mỹ và Nga có quyền lợi “địa chính trị” trái ngược nhau ở Âu Châu nói chung và Ukraine nói riêng. Cuộc chiến Nga-Ukraine cũng là cuộc chiến Nga-Nato, cốt lõi là cuộc chiến Nga-Mỹ bất kể hai nước có trực tiếp giao chiến hay không. Nga leo thang tấn công Ukraine đến đâu, Mỹ leo thang yểm trợ Ukraine ứng phó đến đó nhưng lại cẩn thận… trói tay Ukraine để yên tâm không làm Nga tức giận, mất mặt hay thất vọng đến mức phát khùng mà ấn nút phóng bom nguyên tử.
Nga biết thế, càng làm già, càng dậm dọa, càng mặc sức leo thang, mặc sức đánh Ukraine túi bụi. Nga tự tung, tự tác trên khắp lãnh thổ Ukraine – nay đánh chỗ này, mai đánh chỗ kia, muốn đến thì đến, muốn đi thì đi. Tự do mang xe tăng uy hiếp Kiev. Tự do bố trí hàng ngàn hỏa tiễn có tầm bắn vài trăm cây số hay hàng ngàn cây số, đặt sâu trong lãnh thổ Nga để ngày đêm bắn phá các mục tiêu ở khắp Ukraine. Tự do mang phi cơ bỏ bom bất cứ nơi nào… và có thể… tự do dùng vũ khí nguyên tử chiến thuật để tiêu diệt các sư đoàn của Ukraine, một quốc gia chưa chính thức là thành viên NATO – trong trường hợp Ukraine phản công quá mạnh và quân Nga bị nguy ngập trên chiến trường.
Cung cấp viện trợ khổng lồ cho Ukraine nhưng Mỹ từ chối cung cấp cho Ukraine đủ số lượng xe tăng có phẩm chất tốt, phi cơ tầm xa, pháo binh tầm xa, hỏa tiễn tầm xa mà Zelensky khẩn thiết yêu cầu… Thực tế có nghĩa là Ukraine bị “cấm” trả đũa tương xứng, bị “cấm” đánh qua biên giới, bị “cấm” tiến quân vào Moskva, bị “cấm” bắn phá các căn cứ hỏa tiễn, phi trường nằm trong đất Nga nơi xuất phát các cuộc tấn công có tính cách khủng bố của Nga, bị “cấm” đụng đến Belarus, một quốc gia “khách
hàng” đang tự nguyện làm “bệ phóng” cho Nga. Bị “cấm” rất nhiều thứ… Những giới hạn hay cấm đóan này cũng có nghĩa là Ukraine, chỉ tự chủ về chiến thuật, hoàn toàn lệ thuộc Mỹ về chiến lược. Mà chiến lược của Mỹ phải phục vụ an ninh nước Mỹ trước hết !
Ukraine hôm nay chẳng khác Việt Nam Cộng Hòa năm xưa bị Mỹ “cấm” tiến binh ra Bắc trong khi phe Cộng sản cứ tuỳ nghi hàng hàng lớp lớp đổ quân vào Nam. Chiến đấu tự vệ mà bị trói tay một cách bất công như thế thì chỉ có hòa hay thua, chứ làm sao thắng cả cuộc chiến tranh đến mức bắt buộc kẻ xâm lược phải bồi thường thiệt hại !?
Kịch bản 4
Cuộc chiến kết thúc bằng thỏa ước đình chiến như (trường hợp chiến tranh Triều Tiên – 1950-1953) hoặc hiệp định hòa bình như trường hợp chiến tranh Pháp-Việt (1945-1954). Cuộc chiến kết thúc khi mà cả Nga và Mỹ đều ý thức rằng tiếp tục chiến tranh là vô ích và chỉ có lợi cho… Tàu.
Kịch bản này có mức độ khả hữu cao nhất. Tuy nhiên nó sẽ trải qua một quá trình hình thành tiệm tiến – đồng nghĩa chiến tranh có thể còn kéo dài thêm một vài năm với những diễn biến, nguy hiểm đáng sợ. Xin lý giải như sau :
1. Tranh chấp giữa hai cường quốc nguyên tử cuối cùng chỉ có hai cách giải quyết : dàn xếp tương nhượng hoặc hoặc chiến tranh nguyên tử đồng nghĩa với tự sát tập thể. Không muốn chết thì phải hòa.
2. Qua năm thứ hai, cuộc chiến khốc liệt, đẫm máu hơn nhưng ngang ngửa, giằng co. Nga không đè bẹp được Ukraine có Mỹ và đồng minh Âu Châu chống lưng. Ukraine cũng không trục xuất được Nga ra khỏi lãnh thổ.
Ukraine chịu thiệt hại nhiều nhất. Viện trợ của các nước NATO gồm cả Mỹ dù lớn lao vẫn chỉ bù đắp được một phần rất nhỏ những tàn phá khủng khiếp, những đảo lộn đời sống kinh tế xã hội, những tổn thất nhân mạng. Kế đến là Nga, cuộc phiêu lưu đắt giá với hàng trăm ngàn thương vong trên chiến trường, cơ man khí tài quân sự bị phá hủy, với trừng phạt, cấm vận làm cho điêu đứng. Mỹ và các đồng minh ngoài tổn phí viện trợ hàng trăm tỉ đô la cũng phải chịu hệ lụy của cuộc chiến tranh – lạm phát, người tị nạn, kinh tế đình trệ, dân bất mãn, mất kiên nhẫn bỏ phiếu những kẻ chủ hòa…
Thế mà, chưa bên nào thực sự muốn ngưng chiến. Cả Nga, Ukraine, Mỹ, các nước NATO, Âu Châu đều… chưa sẵn sàng. Bởi vì còn sức, bởi vì còn hăng, còn nuôi hy vọng đạt mục tiêu bắt đối phương phải chấp nhận đòi hỏi của mình, bởi vì còn muốn dạy cho đối thủ một bài học, còn muốn nhận thêm… sự kính nể.
3. Nếu Nga và Mỹ cùng thực sự muốn hòa vào lúc này thì không nước nào ngăn cản được. Cuộc chiến sẽ giảm cường độ. Không có Mỹ, NATO sẽ như rắn mất đầu. Không có viện trợ Mỹ, Ukraine nếu muốn tiếp tục chiến tranh sẽ phải chuyển qua đánh du kích trường kỳ vô hạn định.
4. Chiến tranh Nga-Ukraine dù do Nga khởi xướng vẫn phải nhìn như là một phần của ván cờ chiến lược toàn cầu – không phải tay đôi mà tay ba : Mỹ, Tàu, Nga. Ba chiến lược gia quan trọng nhất thế giới hiện nay tất nhiên là Joe Biden, Tập Cận Bình, Vladimir Putin. Kết quả của ván cờ có thể là một trật tự thế giới mới khác hẳn với trật tự thế giới hiện nay.
5. Sáng kiến hòa bình 12 điểm công bố mới đây của Tàu là tuyên truyền, hỏa mù, không có thực tâm. Sách lược CĂN BẢN của Tàu là “Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo” kết hợp với “tọa sơn quan hổ đấu” – đợi cọp chết, cọp bị thương thì xuống núi ra tay làm nốt phần còn lại rồi lột lấy da. Áp dụng trong thực tế Tàu sẽ tiến, thóai, gia, giảm thích nghi miễn là lật đổ được Mỹ để làm bá chủ hay làm Thế Giới Đệ Nhất Siêu Cường.
6. Putin, Biden phải biết hay đóan biết Tập nghĩ gì, tính gì, làm gì. Tuy nhiên, mũi tên đã bắn đi, mũi tên đã bắn lại, mỗi bên đều có chiến lược riêng của mình… Khởi động chiến tranh thì dễ, kết thúc thì khó.
Thời gian đều có thể là kẻ thù của các bên lâm chiến – bộc lộ những điểm yếu. Thời gian có thể không đứng phía Nga. Không đứng về phía Mỹ. Không đứng về phía Ukraine.
7. Chiến lược của Mỹ là làm cho Nga kiệt quệ phải bỏ cuộc nhưng tới nay Nga chưa kiệt quệ. Một, hai năm nữa có lẽ chưa thành vấn đề. Độc tài, độc quyền và nắm vững tình hình nội bộ, Putin có khả năng huy động nhân lực, tài nguyên dễ dàng hơn hơn Biden rất nhiều.
Putin đã ném vào chiến trường 5, 6 trăm ngàn quân, đã “nướng” cả 5, 7 chục ngàn, hay cả trăm ngàn quân nhưng vẫn còn dưới tay khoảng 15 hay 20 triệu thanh niên Nga trong tuổi nghĩa vụ quân sự để tùy nghi sử dụng trong tổng số 144 triệu dân.
Kẻ “bần cùng cố thây” thực ra là Bắc Hàn của Kim Jong-un chứ không phải Nga. Xung đột Nga với Mỹ chỉ nên ví von “chén sành đụng chén kiểu” là cùng. Bị trừng phạt, cấm vận, phong tỏa, tẩy chay, kinh tế của Nga có gặp khó khăn nhưng không sụp đổ hay chưa sụp đổ. Dự trữ ngoại tệ trị giá mấy trăm tỉ đô la vẫn còn đó. Kết quả của chuẩn bị và quản trị khá tốt từ nhiều năm trước. Đồng tiền “Rúp” của Nga vẫn tương đối ổn định cũng là một chỉ dấu phản ảnh thực trạng sức chịu đựng của Nga. Chủ yếu là nhờ bán vũ khí, khóang sản, nhất là dầu hỏa và hơi đốt. Âu Châu cấm vận thì Nga bán cho Á Châu, Phi Châu. Tiền vẫn vào như nước. Lợi tức thâu được không kém gì thời kỳ trước chiến tranh.
Nga cũng không hoàn toàn cô độc dù bị 141 quốc gia tại Liên Hiệp Quốc mới bỏ phiếu lên án trắng trợn xâm lược Ukraine. Nga vẫn có 38 nước ủng hộ gồm 7 nước công khai bỏ phiếu chống (Bắc Hàn, Belarus, Erithrea, Mali, Nga, Nicaragua, Syria) và 32 nước “bán công khai” bỏ phiếu… vắng mặt. Trong số này đáng lưu ý là Tàu, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Iran, South Africa, Việt Nam, Cuba, Mongolia, Algeria. Đáng lưu ý nhất, dĩ nhiên là nước Tàu của Tập Cận Bình – siêu cường số hai và cơ xưởng sản xuất của thế giới.
Hiện thời thế trận của Nga trông còn vững. Tuy nhiên nếu chiến tranh mở rộng, kéo dài, hết tiền, hết đạn, hết gạo, yếu sức, hụt hơi thì sẽ phải nghĩ đến việc cầu cứu Tàu. Tàu tất nhiên không để Mỹ thắng Nga một cách dễ dàng. Tàu tất nhiên cũng không cứu Nga vô điều kiện.
Từ tuyên bố miệng “đối tác vô giới hạn” đến hiệp ước đồng minh chính thức của hai nước Tàu – Nga sẽ có tác dụng chia đôi thế giới như thời kỳ chiến tranh lạnh hay thời gian ngay trước Thế chiến 1 và Thế chiến 2. Một bên Dân Chủ Tư Bản. Một bên Độc Tài Cộng Sản hay Độc Tài cựu Cộng Sản.
Nhưng trước hết giữa Tàu – Nga không thể có hợp tác bình đẳng. Làm sao có bình đẳng giữa một quốc gia có dân số gấp mười và qui mô kinh tế cũng gấp 10 quốc gia kia ? Lại chung biên giới ? Cùng có óc đế quốc tham lam ? Ân oán lịch sử chồng chất còn chưa giải quyết ?
Cái nguy cơ của Nga là “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”. Chưa chiếm được Ukraine có thể sẽ mất Ngoại Mông, Siberia, Vladivostok. Nga sẽ phải chịu lệ thuộc Tàu, phải chịu phận đàn em, phải làm con nợ, phải gán nợ, mất đất, mất nhà, phải chìa tay ăn xin, phải chịu cảnh thay bậc đổi ngôi – rất trớ trêu : “Trời làm một sự lăng nhăng, ông biến ra thằng, thằng biến ra ông !”.
Nga có muốn thế không ? Có muốn ký hiệp ước ràng buộc làm “đồng minh vô giới hạn” với Tàu như Ý với Đức làm thành phe Trục trong Thế chiến 2 ?
Mỹ có muốn Nga như thế không ? Mỹ có muốn Nga “gán” vài ngàn hỏa tiễn liên lục địa có gắn đầu đạn hạt nhân cho Tàu để nhận lại gạo, mì, thịt, cá, đường, sữa, thuốc men, quần áo lạnh, đạn pháo binh, súng AK, đại liên, xe tăng, phi cơ… những thứ mà Nga đã cạn kiệt đúng vào lúc ngân khố đã trống rỗng ?
8. Tổng sản lượng GDP của Nga bằng 7% của Mỹ không có nghĩa trong chiến tranh Mỹ mạnh hơn Nga 14 lần (và mạnh hơn… Afghanistan (Taliban) hay Bắc Hàn (Kim Jong-un) mấy trăm lần). Chiến tranh là một nghệ thuật. GDP cũng là một yếu tố quan trọng phải tính đến trong nghệ thuật chiến tranh nhưng không phải là yếu tố quan trọng nhất.
Điều đáng quan tâm hơn ở đây là chính trị nội bộ của nước Mỹ. Một nước Mỹ dân chủ bất toàn. Mỹ là Siêu Cường nhưng không có khả năng thích hợp cho những cuộc chiến lâu dài.
Hệ thống lưỡng đảng và cung cách tranh cử để nắm quyền với bất cứ giá nào đã làm nước Mỹ phân hóa quá đáng. Như căn bệnh trầm kha, càng ngày càng nặng hơn. Đối lập mà như thù địch, trên chính trường và trong xã hội. Kẻ làm, người phá. Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Rất khó tập trung và vận dụng sức mạnh. Rất khó có một chính sách dài hạn trước sau như một. Rất bất công khi đặt đồng minh chiến tranh như Ukraine trong tình trạng thường trực bất an.
Hiện thời, chưa có dấu hiệu chính quyền Mỹ của Tổng thống Biden sẽ bỏ rơi Ukraine như chính Biden đã đôi lần bỏ rơi các đồng minh khác của nước Mỹ trong cuộc đời làm chính trị của mình. Tuy vậy, đang ở tuổi 80, giữa nhiệm kỳ Tổng thống 4 năm, với mức độ ủng hộ quanh quẩn 40% của dân Mỹ, Biden không được coi là một Tổng thống mạnh mặc dù ứng phó khá tốt với cuộc chiến ở Ukraine cho đến nay.
Dân Mỹ, nói chung, dù đã ngán ngẫm cả Joe Biden và cựu tổng thống Donald Trump, 76 tuổi thuộc đảng Cộng hòa, vẫn rất có thể, 20 tháng nữa, lại phải chọn 1 trong hai ông già “gần đất xa trời” này trong ngày tổng tuyển cử 5/11/2024 để giao phó sinh mệnh của nước Mỹ (và sinh mệnh của các nước quá lệ thuộc Mỹ và quá tin Mỹ).
Biden và Trump là… “kỳ phùng địch thủ” nên đều có cơ may được tái cử làm Tổng thống, theo các thăm dò mới nhất – trong bối cảnh hai đảng Dân chủ, Cộng hòa tiếp tục ngang ngửa. Một tin tức đáng lưu ý là Trump, bắt đầu vận động tranh cử, vừa cho nổ trái bom : “bảo đảm” sẽ giải quyết chiến tranh Nga-Ukraine trong vòng 24 tiếng đồng hồ !
Một hứa hẹn hấp dẫn với cử tri người Mỹ chán chuyện chiến tranh – xa xôi, tốn phí, thích… “America first” và chưa quên “mối thân tình rất đặc biệt và có phần bí hiểm” giữa Trump và Putin.
Riêng người Ukraine tất nhiên phải tự hỏi : Còn tin tưởng được nước Mỹ đến đâu ? Liệu Ukraine có bị tặng không hay bị bán rẻ cho Nga ? Ukraine sẽ phải chuẩn bị thế nào từ bây giờ hay cứ để “nước đến chân mới nhẩy” ?
***
Tóm tắt, sẽ đến lúc các bên lâm chiến ngộ ra rằng nên ngưng chiến vì đánh đến thời điểm này là vừa đủ, cố nữa cũng không hơn gì hoặc lợi bất cập hại. Ngưng chiến để thương thuyết. Thương thuyết đồng nghĩa với tương nhượng. Đồng nghĩa với cho hòa bình một cơ may.
Cao Tuấn
(11/03/2023)