“Chiến Tranh Lạnh Mới” Giữa Mỹ-Trung Có Thể Xảy Ra? – Hoàng Đình Khuê
Đại dỊch Virus Vũ Hán đã gây thiệt hại về nhân mạng và kinh tế trầm trọng nhất cho thế giới từ trước đến nay mà Hoa Kỳ là nước bị tổn thất nhiều nhất.
Tính đến ngày 26 tháng 5 năm 2020, nước Mỹ đã có 1,714,371 ca lây nhiễm, 100,103 tử vong và 469,049 người phục hồi.
Nguyên nhân tạo ra Corona Virus đang được thế giới điều tra và thủ phạm chính là Trung cộng cố tình tạo ra khủng hoảng cho thế giới nhất là Mỹ để Trung cộng thực hiện giấc mộng bá chủ thế giới.
Sự việc đã tạo nên mối căng thẳng nặng nề mà hai bên đã hiềm khích bấy lâu nay.
Từ cuộc chiến thương mại đến khẩu chiến liên quan đến nguồn gốc gây ra Virus, căng thẳng giữa Mỹ và Trung cộng ngày càng trầm trọng hơn và đang lao xuống bờ vực thẩm, mà nhiều ý kiến cho rằng có thể dẫn tới cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới.
Kể từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng Thống, với chánh sách “Nước Mỹ Trên Hết” đã bắt đầu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đẩy quan hệ song phương xuống hố sâu.
Lời đe dọa “cắt đứt toàn bộ quan hệ với Trung cộng” mà Tổng Thống Donald Trump đã trả lời phỏng vấn Truyền hình Fox Business ngày 14 tháng 5 vừa qua
cho thấy mối quan hệ song phương thực sự căng thẳng và khởi đầu cho một cuộc Chiến Tranh Lạnh “Mới”?
Xin phép được nói về thuật ngữ Chiến Tranh Lạnh.
Khi chiến tranh thế giới thứ II chấm dứt, bối cảnh Châu Âu bị tàn phá, Anh, Pháp bị suy yếu và Đức bị đổ nát trước sự chia đôi đất nước.
Lúc này hai nước Mỹ, Liên Xô thắng cuộc trở thành hai siêu cường của thế giới về kinh tế cũng như quân sự.
Tuy nhiên Mỹ và Liên Xô lại có hai ý thức hệ đối lập hoàn toàn, tuy không phải đối đầu trực tiếp nhưng mở đầu cho một giai đoạn mới của thế giới với tên gọi “Chiến Tranh Lạnh”
Thực tế Chiến tranh Lạnh là thời kỳ căng thẳng địa chính trị giữa Liên Xô (cùng với các quốc gia Đông Âu) và Hoa Kỳ (cùng với các quốc gia đồng minh).
Chiến tranh Lạnh bắt đầu năm 1947 với học thuyết Truman và kết thúc với sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu đưa đến chấm dứt Chiến tranh Lạnh năm 1991.
Thuật ngữ LẠNH được dùng đến vì không có giao tranh trực tiếp trên diện tích rộng lớn của hai cường quốc, nhưng Họ đã ủng hộ những cuộc xung đột của các quốc gia đồng minh như là cuộc chiến tranh ủy nhiệm (proxy wars).
– Những nước tư bản phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ (một quốc gia theo thể chế cộng hòa liên bang với hệ thống chính trị đa đảng) được gọi là First World là những quốc gia trong khối NATO hay những nước cộng hòa hoặc quân chủ lập hiến với hệ thống chính trị đa đảng.
– Còn Liên Xô tự tuyên bố mình là quốc gia theo chủ nghĩa xã hội, áp dụng hệ thống chính trị độc đảng, khống chế toàn bộ quốc gia từ báo chí, chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội …, còn các quốc gia đồng minh của Liên Xô theo hệ thống chủ nghĩa xã hội, thành viên của hiệp ước Warsaw gọi là Second World.
Liên Xô đã tài trợ cho các đảng cs trên khắp thế giới nhưng lại bị thách thức quyền lực bởi nước Công Hòa Nhân Dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông, theo đó đã xảy ra chia rẽ giữa Trung quốc và Liên Xô.
Trong thời gian này những quốc gia giành độc lập trong thời gian 1945-1960 là những quốc gia Trung lập, gọi là Third World như Ấn Độ, Indonesia, Nam Tư trong Phong trào Không Liên Kết. Nhiều biến cố cũng đã xảy ra trên thế giới nào là chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và kết thúc trong sự bế tắc, nhưng mỗi bên đều có chiến lược vũ khí nguyên tử để thủ thế với nhau; nào là Liên Xô củng cố quyền lực kiểm soát các quốc gia Đông Âu như phong tỏa Berlin (1948-1949), dẹp tan cách mạng Hungary, tạo khủng hoảng ở Suez (1956), khủng hoảng Hỏa tiễn ở Cuba – Vịnh Con Heo (1962) suýt gây ra một cuộc chiến tranh nguyên tử…
Cho nên Phong trào Hòa bình Quốc tế được thành lập vì người dân lo lắng với những vụ thử nghiệm vũ khí nguyên tử, Phong trào lan rộng sang Châu Âu và Hoa Kỳ được dân chúng ủng hộ đông đảo qua những cuộc tuần hành, biểu tình, phản đối chiến tranh và kêu gọi thế giới Phi nguyên tử hóa.
Sau cuộc khủng hoảng Hỏa tiễn ở Cuba, giai đoạn chia rẽ giữa Trung quốc và Liên Xô bắt đầu, đồng minh của Hoa Kỳ là Pháp rút khỏi NATO và Phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ phản đối chiến tranh Việt Nam (1955-1975).
Rồi cuối thâp niên 1970, chiến tranh Liên Xô-Afghanistan bùng nổ và tình hình chiến sự gia tăng khi Liên Xô bắn hạ máy bay Nam Triều Tiên.
Nhân dịp này Hoa Kỳ đã gia tăng sức ép kinh tế, ngoại giao, quân sự lên Liên Xô qua các cuộc chạy đua vũ trang “Chiến tranh giữa các Vì Sao” năm 1980.
Giữa thập niên 1980, ông Mikhail Gorbachev đã đưa ra Chánh sách Cởi mở Glasnost (1985) và Cải cách Tự do hóa (Perestroika (1987).
Chính ông Gorbachev là tác nhân đưa đến sụp đổ chính thức của Liên Xô vào tháng 12 năm 1991 và kéo theo sụp đổ của các nước Đông Âu.
Chiến tranh Lạnh đã để lại ảnh hưởng rất tai hại cho đến ngày nay khi sự căng thẳng ngấm ngầm tái diễn giữa Nga và Hoa Kỳ vào giữa năm 2010 và nhất là gần đây sự gia tăng căng thẳng giữa cường quốc mới trỗi lên là Trung cộng với cường quốc lâu đời là Hoa Kỳ, đây là điều tất yếu đưa đến cuộc Chiến tranh Lạnh lần 2 gọi là “Chiến tranh Lạnh Mới” hay “Chiến tranh Lạnh 2.0’”.
Thật ra căng thẳng Mỹ-Trung đã gia tăng từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền được thể hiện qua cuộc chiến thương mại và khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vừa đạt được thì Đại dịch Covid-19 đẩy quan hệ Mỹ-Trung vào một giai đoạn tồi tệ đưa đến cuộc Chiến tranh Lạnh Mới.
Dư luận hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau về cuộc Chiến tranh kiểu Mới giữa Mỹ và Trung cộng:
– Ông Clete Willems, cựu Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia và từng là chuyên viên đàm phán thương mại hàng đầu của Nhà Trắng trả lời đài CNBC cho rằng thực tế căng thẳng giữa Mỹ và Trung cộng đã leo thang đáng kể trong hiện tại. Nếu không cẩn thận mọi thứ có thể tồi tệ hơn nhiều.
– Bà Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức Mạnh Trung quốc thuộc trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng hiện tại có những yếu tố cạnh tranh Mỹ-Trung gợi nhớ lại Chiến Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây nhưng có sự khác biệt căn bản về thương mại.
– Trong khi đó phát biểu trên truyền hình CNN, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cũng cho rằng sự tương tác về thương mại là điểm khác biệt lớn trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô với số lượng hàng hóa là 200 triệu USD, nhưng lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung cộng lên tới 500 tỉ USD trong năm 2018.
– Học giả Cheng Li thuộc Viện Brookings (Mỹ) cho rằng bối cảnh hiện nay hoàn toàn khác khi thế giới đều nhìn nhận “ Mỹ hắt hơi thì Trung cộng cũng sổ mũi”
– TNS Marco Rubio (Cộng Hòa) một trong những người có quan niệm cứng rắn với Trung cộng lập luận rằng quan hệ giữa Mỹ và Trung cộng phải được tái cân bằng, nhưng Chiến trạnh Lạnh Mới không phải là kết quả hay cách thức mà Washington mong muốn.
– Còn Trang Axios nhận xét Bắc Kinh hình như cho thấy họ không muốn
Chiến tranh Lạnh Mới với Washington, nhưng sẵn sàng chấp nhận xem đó như một rủi ro nếu tình hình xấu thêm.
– Ngược lại nhiều người Trung quốc cho rằng phần lớn những căng thẳng hiện nay
đều bắt nguồn từ Mỹ và Washington đã rơi vào “bẫy Thucydides” vì Mỹ quá lo sợ sự trỗi dậy của Trung cộng, cho nên dẫn tới các quyết sách sai lầm.
Vậy “bẫy Thucydides” là gì?
Đây là Thuật ngữ hoặc coi như Khái niệm mà học giả Graham Allison luôn quan tâm để lý giải sự xung đột giữa Mỹ và Trung cộng trong giai đoạn hiện tại.
“Bẫy Thucydides” là một khái niệm về chiến tranh, là xu hướng tự nhiên khi một trung tâm quyền lực mới trỗi lên đe dọa thay thế trung tâm quyền lực cũ.
“Bẫy Thucydides” mang tên của một sử gia Hy Lạp cổ đại là Thucydides, tác giả bộ sử “Lịch sử Chiến Tranh Peloponnese”, là người đã chứng kiến cuộc chiến tranh Peloponnese giữa quyền lực mới trỗi dậy là Thành ATHENS và quyền lực đang thống trị là Thành SPARTA vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Cuộc chiến đã làm cho nền văn minh Hy Lạp cổ đại sụp đổ.
Sử gia Thucydides phát biểu: “Chính sự trỗi dậy của ATHENS và nổi sợ hãi của SPARTA đã khiến chiến tranh trở thành điều tất yếu”.
Giáo sư Graham Allison là Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Chính trị tại trường Kennedy thuộc Đại học Havard-Mỹ. Ông đã từng làm trợ lý cho các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ thời Tổng thống Reagan đến thời Tổng thống Obama. Vì vậy có thể nói ông là một trong những chuyên gia hàng đầu về chiến lược và chính sách của Mỹ.
Năm 2017 ông đã cho xuất bản quyển sách với chủ đề “Destined For War: Can America and China escape Thucydides’s Trap?” (Định mệnh Chiến tranh: Mỹ và Trung Quốc có thoát bẫy Thucydides?)
Trong tác phẩm này ông đưa ra hai nhận định quan trọng:
I- Thứ nhất: Theo xu hướng hiện tại, chiến tranh giữa Mỹ và Trung cộng trong các thập niên tới không chỉ có khả năng xảy ra, mà còn xảy ra với quy mô lớn so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Chỉ cần một ngòi nổ nhỏ là chiến tranh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Allison đưa ra năm ngòi nổ có thể gây ra chiến tranh:
(1) Va chạm giữa lực lượng Trung cộng và tàu chiến Mỹ trên biển Đông.
(2) Lãnh đạo Đài Loan tuyên bố độc lập.
(3) Xung đột quân sự giữa Trung cộng và một đồng minh của Mỹ.
(4) Chính quyền Bắc Triều Tiên sụp đổ.
(5) Chiến tranh thương mại biến thành xung đột quân sự.
II- Thứ nhì: Theo nhận định của ông, chiến tranh không phải là điều tất yếu và “bẫy Thucydides” không phải là thuyết định mệnh. Nó chỉ cho biết xu hướng chiến tranh sẽ xuất hiện khi một cường quốc mới trỗi lên thách thức một cường quốc thống trị. Vì vậy với tình hình hiện nay nó báo động áp lực khủng khiếp đang đè nặng lên quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Chính vì thế nếu hai bên muốn có hòa bình thì cả hai bên phải kiểm soát những áp lực khủng khiếp này.
Sau những nhận định của các nhà phân tích, chúng ta nhận thấy cả hai bên Mỹ -Trung đều đã rơi vào “bẫy Thucydides” và khó tránh được một cuộc Chiến tranh Lạnh Mới:
– Khẩu hiệu của Trump trong thời gian tranh cử và ngay cả khi đã ngồi vào Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump lúc nào cũng muốn làm cho “Nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Đồng thời trước khi vào Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump đã có dấu ấn về Chiến tranh thương mại với Trung cộng. Ông tin rằng Trung cộng đã trục lợi kinh tế từ nước Mỹ và gây ra tình trạng thâm hụt thương mại khổng lồ giữa hai nước.
Cho nên sau khi nắm quyền, ông đã áp thuế lên hàng hóa Trung cộng trị giá hàng tỷ đô la.
Và khi Covid-19 xảy ra, các cuộc khẩu chiến tố cáo nhau và Trump cho là Tâp Cận Bình cố tình không muốn cho Trump nắm quyền thêm bốn năm nữa.
– Còn Tập Cận Bình lúc nào cũng khát khao với lịch sử vĩ đại của dân tộc mình.
Tập muốn đưa đất nước trở lại vị trí mà lịch sử đã ghi nhận là bá chủ Châu Á với bao nhiêu chư hầu, nhưng rồi tham vọng này đã bị xóa sổ gần hai thế kỷ. Từ giữa thế kỷ 19, Trung quốc đã bị các thế lực bên ngoài làm nhục, đầu tiên là các đế quốc Châu Âu, sau đó là quân phiệt Nhật xâm lược vào những năm 1930.
Mãi đến khi Tập lên nắm quyền vào năm 2012, ông có ý định đưa đất nước trở lại vị trí lịch sử tự nhiên, xứng đáng lãnh đạo ở Châu Á.
Như vậy cả hai nhà lãnh đạo hai quốc gia đều cam kết “ khôi phục sự vĩ đại cho đất nước mình”, điều này khó tránh một cuộc xung đột mới và cảnh báo cuộc Chiến tranh Lạnh Mới sắp bắt đầu.
Tuy nhiên với sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế thương mại mà cả thế giới trông chờ, và Đại dịch Covid-19 đang hoành hành gây thiệt hại về nhân mạng lẫn kinh tế toàn cầu. Hy vọng các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ và Trung cộng sẽ dừng lại đúng lúc.
Bài này kết thúc Phần I: “Chiến Tranh Lạnh Mới” Giữa Mỹ-Trung Có Thể Xảy Ra?
Phần II sẽ tiếp nối với kết luận “Chiến Tranh Lạnh Mới” Khủng Hoảng Toàn Cầu Như Thế Nào?
Ngày 26 tháng 5 năm 2020
Hoàng Đình Khuê