Chiến thắng của Taliban: Thất bại của “ảo tưởng” nhập khẩu dân chủ
Thủ đô Afghanistan thất thủ, Taliban trở lại nắm quyền sau 20 năm là chủ đề chính của hầu hết các báo Pháp hôm nay, 17/08/2021, hai ngày sau khi Taliban tiến vào Kabul. Hồ sơ trang nhất của Le Monde mang hàng tít: “Taliban: Những chủ nhân tại Kabul”. “Taliban người chủ của cuộc chơi” cũng là tựa chính của La Croix.
Le Figaro hoàn toàn bi quan với nhận định: “Taliban áp đặt trật tự Hồi giáo tại Kaboul”. Libération dành hình ảnh trang nhất cho cảnh nhiều người đang cố leo qua một bức tường cao với tựa chính : “Afghanistan. Mạnh ai nấy chạy”. Nhật báo kinh tế Les Échos tìm cách rút ra “10 câu hỏi về thảm kịch Afghanistan”.
Sau 20 năm bị lật đổ, ngày 15/08/2021, Taliban trở lại chiếm Kabul mà không cần nổ súng. Tổng thống Ashraf Ghani bỏ chạy, người phát ngôn Taliban thông báo “chiến tranh kết thúc”. Các sứ quán phương Tây khẩn trương sơ tán, sân bay quốc tế Kabul hỗn loạn. Với vài mô tả nói trên, Le Monde đã tóm lược biến cố bất ngờ mà một số nhà quan sát đánh giá như là một thất bại lớn nhất của phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Những “ảo tưởng” nguy hiểm và hai nạn nhân chính
Về chiến thắng nhanh chóng và sự sụp đổ bất ngờ của chính quyền Kabul, được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn, Libération có bài xã luận mang tên “Những ảo ảnh”. Tại sao lại là ảo ảnh ? Ảo ảnh đầu tiên là “những tuyên bố tương đối mang tính hòa giải” của nhiều thủ lĩnh Taliban. Tuy nhiên, điều đó không lừa được ai ! Đối với Libération, hậu quả đã rõ ràng.
Có hai bên mất lớn trong chuyện này. Thứ nhất là người dân Afghanistan. Libération dự đoán: một nền thống trị độc đoán sẽ nhanh chóng chùm lên xã hội Afghanistan, và trước hết là đối với những thành phần cấp tiến nhất, giới trẻ, những người dân đô thị. Nạn nhân đầu tiên sẽ là phụ nữ, các quyền được làm việc, quyền được học hành, trang phục theo ý mình sẽ bị cấm đoán. Một xã hội tự do và dân chủ đang bước đầu hình thành ở Afghanistan, mà các nước phương Tây từng ủng hộ, đang đứng trước nguy cơ bị nghiền nát. Các nước phương Tây không thể nhắm mắt làm ngơ trước những người đã từng cộng tác. Nếu không làm như vậy, thì “thêm vào thảm bại sẽ là ô nhục”.
Bên mất lớn thứ hai, vẫn theo Libération, là sự thất bại của quan điểm có thể bằng sức mạnh từ bên ngoài áp đặt được nền dân chủ, theo cách hiểu phương Tây. Quan điểm này một lần nữa bị chôn vùi hôm Chủ Nhật vừa qua, với việc Kabul thất thủ. Theo nghĩa này, Nhà nước Afghanistan cũng chỉ là một “ảo ảnh”, “nền dân chủ phôi thai tại Afghanistan chỉ là một giấc mộng nhập khẩu hão huyền”. Theo Libération, “hiện còn quá sớm để nói chắc chắn là quyền can thiệp vì động cơ dân chủ có bị chôn vùi hoàn toàn không vào một kỳ nghỉ cuối tuần đau buồn tháng 8 này, nhưng chắc chắn là phe Taliban đã đổ thêm nhiều xẻng đất lên nấm mồ chôn vùi ý tưởng này”.
Cũng Libération có bài “Afghanistan : Làn sóng gây sốc toàn cầu”, duyệt xét diễn biến mới đây tại Afghanistan với tất cả các tác nhân chính trên trường quốc tế, từ phương Tây, đến Nga, Trung Quốc, cũng như các cường quốc khu vực như Iran.
Trump thỏa thuận trực tiếp với Taliban về Afghanistan: Uy tín Kabul sụp đổ
Le Monde có bài “Taliban đã chuẩn bị cho cuộc chinh phục Afghanistan như thế nào”. Trước biến cố Kabul thất thủ, bài phân tích của Le Monde nhấn mạnh đến hai thời điểm quan trọng, đánh dấu sức mạnh của phe nổi dậy. Bước ngoặt đầu tiên vào năm 2015, khi quân Taliban chiếm được thành phố Kunduz trong vòng 15 ngày trước khi bị đánh bật. Nếu không có quân đội Mỹ, thì rất có thể hết thành phố này đến thành phố khác rơi vào tay Taliban. Cú đột kích thành công của Taliban tại Kunduz là do lực lượng này, xuất phát từ các căn cứ an toàn ở Pakistan đã tiến hành chiến lược bao vây dần dần các thành phố.
Bước ngoặt thứ hai rõ ràng là khi Taliban đã thành công trong việc ký thỏa thuận hòa bình với chính quyền Donald Trump ngày 29/02/2020 tại Qatar. Thỏa thuận hòa bình trực tiếp giữa Taliban với Hoa kỳ về tương lai của Afghanistan, không hề có sự tham gia của chính quyền dân cử ở Kabul. Thỏa thuận ký kết giữa Taliban và chính quyền Donald Trump đã làm mất đi toàn bộ uy tín của chính quyền Kabul, tước bỏ mọi khả năng có được các đàm phán tương lai giữa Kabul và Taliban. Thỏa thuận tại Qatar chính là kết cục của tiến trình đàm phán Doha, khởi sự cách đó hai năm cũng dưới thời tổng thống Donald Traump. Chính quyền Trump đã phá vỡ một húy kỵ cho đến thời điểm đó: nước Mỹ không đối thoại trực tiếp với quân nổi dậy.
Cũng trong bài viết nói trên, Le Monde ghi nhận việc Kabul đầu hàng nhanh chóng, trái ngược với mọi dự đoán, cho thấy sự yếu ớt tột độ của chính quyền Afghanistan được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Chỉ ba tháng sau khi quân đội Mỹ rút đi, toàn bộ hệ thống chính quyền Afghanistan đã tan rã dễ dàng. Thực tế này trái ngược hẳn với các tuyên bố chính thức của Hoa Kỳ, của khối NATO, cũng như chính quyền Afghanistan.
Vẻ ngoài “ôn hòa” của bên Thắng Cuộc
Bài phân tích của Le Monde muốn đưa đến độc giả một cái nhìn đa diện về thực tại, có thể được ít người chú ý, khi ghi nhận : một số thay đổi lớn trong “văn hoá chính trị” của lực lượng Taliban, được đánh giá là “đáng sợ”. Taliban trong cuộc tái chinh phục Afghanistan lần này có những hành xử khác hẳn hơn 20 năm về trước. Quân nổi dậy liên tục đưa ra các tuyên bố trấn an, không tỏ ra cực đoan. Sau khi chiếm được các thành phố, các đơn vị chiến đấu được rút đi, thế vào đó là các nhóm phụ trách việc tiếp xúc vào các nhân viên chính quyền, để yêu cầu họ tiếp tục công việc. Một ví dụ: sau khi chiếm được thành phố lớn nhất phía nam Kandahar, ngày 12/08, Taliban chỉ tước vũ khí của các vệ binh canh gác bên ngoài trụ sở LHQ, và để lại vũ khí cho lực lượng bên trong người Nepal, phụ trách bảo vệ các văn phòng trong trụ sở LHQ. Phe nổi dậy cũng kêu gọi văn phòng của các tổ chức quốc tế, như Acted, Y Sĩ Không Biên Giới, Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế, nhanh chóng mở cửa trở lại tại các thành phố như Faizabad, Taloqan, Kunduz, Pol-e Khomri, Aybak, Sheberghan hay Sar-e Pul, mà phe nổi dậy vừa chiếm được.
Một số nhân chứng ghi nhận việc có rất nhiều người trẻ xuất thân từ các thành phố lớn tham gia vào hàng ngũ Taliban hiện nay ắt hẳn cũng góp phần làm cho hành xử của lực lượng này có phần trở nên khác nhiều so với thế hệ Taliban chủ yếu là dân nông thôn, lên nắm quyền vào năm 1996. Tuy nhiên, đằng sau các vẻ bên ngoài thay đổi mang tính ngoại giao ấy, Le Monde cũng ghi nhận là, lực lượng Taliban không hề thay đổi về quan niệm, khi tin rằng họ là thế lực duy nhất được uỷ nhiệm để điều hành xã hội theo các quy định nghiêm ngặt của đạo Hồi.
Sai lầm chiến lược: Đưa quân vào Afghanistan năm 2002
Cũng Le Monde có bài xã luận “Afghanistan : sau các sai lầm là những câu hỏi đau đớn”. Trong lúc nhiều người phê phán quyết định rút quân vội vã, thiếu chuẩn bị của chính quyền Mỹ, đã dẫn đến thất bại nhanh chóng, xã luận của Le Monde điểm lại những sai lầm gốc rễ đã dẫn đến kết cục hiện nay. Theo Le Monde, sai lầm lớn nhất là việc quân đội các nước phương Tây triển khai tại Afghanistan vào năm 2002, sau khi chính quyền Taliban bị lật đổ. Le Monde nhắc lại là cuộc chiến hơn hai tháng, từ ngày 7/10/2001 đến 17/12/2001, đã kết thúc với thắng lợi của phe chống Taliban. Hoa Kỳ ủng hộ phe chống Taliban vào thời điểm đó, với lý do chính quyền Taliban từ chối trao cho phía Mỹ Ben Laden và các đồng sự, những người chủ trương cuộc tấn công 11/09/2001. Thủ lĩnh al-Qaida Ben Laden ngay sau đó đã chạy ra nước ngoài. Theo Le Monde, như vậy không có lý gì khi duy trì quân đội nước ngoài tại một quốc gia nơi không còn kẻ thù nào. Sự có mặt của quân đội nước ngoài đã cung cấp cho Taliban một cái cớ hiệu quả, để thu hút đông đảo những người ủng hộ, trong bối cảnh mà theo Le Monde, đã không còn nội chiến kể tại Afghanistan từ cuối năm 2001.
Trách nhiệm của Biden: Cuộc tháo lui không được chuẩn bị
Khác với Le Monde, Le Figaro có cái nhìn nghiêm khắc với chính quyền Hoa Kỳ của tổng thống Joe Biden về chiến thắng nhanh chóng của Taliban.Xã luận của Le Figaro, với tiêu đề “Đầu hàng”, khẳng định bất luận việc rút quân là không thể tránh khỏi, tổng thống Mỹ phải có trách nhiệm về “hình ảnh tang thương”, khi lá cờ của Taliban phủ bóng lên đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kabul. Cùng với hình ảnh biểu tượng cho sự thất bại này là cảnh sơ tán trong hỗn loạn, các tài liệu được đốt cháy vội vã, vũ khí bị kẻ thù tước đoạt. Theo Le Figaro, đây là “nỗi ô nhục lớn nhất” kể từ cuộc sụp đổ của Sài Gòn, thủ đô Việt Nam Cộng Hòa năm 1975. Le Monde nhấn mạnh là cuộc thảm bại là điều lẽ ra hoàn toàn có thể tránh được, bằng các chuẩn bị các điều kiện về chính trị và cơ sở hậu cầu.
Một bài viết khác của Le Figaro về hồ sơ này (“Biden tin tưởng vào sự ủng hộ của cử tri”) tiếp tục lên án tổng thống Mỹ Joe Biden. Le Figaro ghi nhận ông Biden – đang nghỉ hè sau tại trại David ở Maryland, và hoan hỉ với thành công trong việc thông qua được kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ hơn 1.000 tỉ đô la – đã phải bỏ dở dịp nghỉ để phát biểu trên truyền hình vào tối hôm qua, để giải trình trước cử tri Mỹ về tình hình tại Afghanistan, và buộc phải thừa nhận là việc Taliban chiếm được Kabul đã diễn ra “sớm hơn dự kiến”.
Le Figaro lấy diễn đạt “bàn tay vấy máu”, lời của hạ nghị sĩ đối lập Cộng Hòa Michael McCaul làm tựa nhỏ. Theo Le Figaro, ngay cả một số dân biểu Dân Chủ, như Seth Moulton, vốn là một cựu chiến binh Irak, cũng chỉ trích mạnh mẽ việc chính quyền Biden đã không thành công trong việc bảo vệ khu vực dân sự tại sân bay Kabul. Rút lui là không thể tránh khỏi, nhưng rút lui như thế nào để vẫn bảo đảm được an ninh cho nhân viên, đồng minh, cộng sự, là điều quan trọng. Tuy nhiên, theo Le Figaro, cho dù tổng thống Biden có phạm sai lầm này, thì dường như điều đó cũng không ảnh hưởng nhiều đến uy tín của ông ta trong xã hội Mỹ. Dân biểu đảng Dân Chủ Ruben Gallego, cũng là một cựu binh tại Irak, thừa nhận rằng đã không có một cử tri nào gọi đến ông để chất vấn về tình hình tại Afghanistan, cho dù tại khu vực của dân biểu này, “có rất nhiều cựu chiến binh”.
Quan hệ với Taliban: Thế lưỡng nan của phương Tây
Nhật báo Công giáo La Croix có bài phỏng vấn một chuyên gia về Trung Á, ông Jean-Luc Racine, giám đốc nghiên cứu danh dự CNRS (Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp), với tựa đề “Các cường quốc phương Tây trong thế lưỡng nan”. Chuyên gia Pháp đặt thẳng vấn đề về phương Tây sẽ có quan hệ thế nào với chính quyền Taliban tương lai, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang tìm cách giành lợi thế về phần mình. Chuyên gia về Trung Á này nhấn mạnh đến tình thế đặc biệt hiện nay, khi Taliban khẳng định không chiếm chính quyền bằng bạo lực, bởi Kabul đầu hàng vô điều kiện. Theo ông Jean-Luc Racine, phương Tây sẽ phải tùy theo các hành xử cụ thể của chế độ Taliban với dân chúng để quyết định cách quan hệ. Chắc chắn sẽ không thể có việc công nhận nhanh chóng, nhưng điều quan trọng là để ngỏ các kênh đối thoại.
“Mười câu hỏi” xung quanh một thảm bại
Hồ sơ chính của nhật báo Kinh tế Les Échos hôm nay cũng là Afghanistan, với “Mười câu hỏi xung quanh một thảm bại”. Các câu hỏi chính mà nhật báo đặt ra là làm thế nào giải thích thắng lợi chớp nhoáng của Taliban, và điều gì chờ đợi người dân Afghanistan.
Theo Les Echos, quân đội Afghanistan được Hoa Kỳ đào tạo và chi trả đến 89 tỉ đô la trong 20 năm vừa qua. Về mặt chính thức, quân đội Kabul có 300.000 binh sĩ, tuy nhiên, theo một số chuyên gia, số lượng này có thể đã được thổi phồng để thu hút nhiều đầu tư quốc tế. Báo cáo đầu năm của Combatting Terrorism Center cho rằng quân Kabul chỉ có khoảng 100.000, chống lại 75.000 chiến binh Taliban. Tham nhũng nặng nề đã khiến vũ khí của quân đội sụt giảm, nhiều quân nhân bán cả vũ khí cho Taliban. Quân đội và cảnh sát cũng rã hàng, do nhiều người không được trả lương từ nhiều tháng nay. Không quân hoàn toàn tê liệt. Tình hình càng thêm tồi tệ sau khi quân Mỹ rút ồ ạt từ tháng 4/2021.
Về tương lai của chế độ chính trị tại Afghanistan, theo nhà phân tích Hameed Hakimi, thuộc Chatham House, thách thức lớn với Taliban là chuyển được lực lượng đã giành được thắng lợi quân sự thành một chính quyền tại một đất nước khác với nhiều với đất nước mà lực lượng này từng cai trị từ năm 1996 đến 2001. Theo Les Échos, cho dù Taliban cố phô trương hình ảnh “ôn hòa”, không có lý do gì để tin là lực lượng này có thể thể hành xử khác hẳn với cách nay 20 năm, bởi phong trào này hứa hẹn sẽ thực thi nhân quyền phù hợp với các “giá trị Hồi giáo”. Trong giai đoạn cầm quyền trước đây của Taliban, phụ nữ đã không được phép đi làm, đi học, chỉ được rời nhà khi mang khăn trùm burka, và phải có một người đàn ông trong gia đình đi kèm. Tại một số vùng bị Taliban chiếm trong những tuần gần đây, đã có nhiều thông tin về các vụ giết hại thường dân, cắt cổ, hay bắt cóc thiếu nữ để buộc họ làm vợ các chiến binh Hồi giáo. Nạn nhân của nhiều vụ giết hại là các nữ chính trị gia, nhà làm luật, người làm báo hay kể cả trong lĩnh vực y tế.
Trọng Thành