Source: Người Đưa Tin
Author: Vũ Thu Hương
Posted on: 2018-02-13
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang triển khai một chiến lược mới tại Thế vận hội mùa Đông, Olympics 2018 để đối phó với những lệnh trừng phạt và đe dọa mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt với Bình Nhưỡng vì chương trình hạt nhân của nước này.
Theo Bloomberg, chiến lược đặc biệt được nhà lãnh đạo Kim Jong-un triển khai tại Olympics 2018 này chính là em gái của ông, cô Kim Yo-jong.
Cô Kim Yo-jong đã bắt tay với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cổ vũ cho đội tuyển bao gồm tuyển thủ của cả hai miền Triều Tiên, và thể hiện sự hài hước trong những cuộc gặp gỡ bên lề. Em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đưa ra lá thư mời Tổng thống Hàn Quốc đến gặp anh trai mình tại Bình Nhưỡng và muốn ông Moon đóng “vai trò chủ đạo” trong sứ mệnh thống nhất bán đảo Triều Tiên sau gần 7 thập kỷ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và em gái.
“Tôi không nghĩ mình có thể đến đây trong một thời gian ngắn như vậy và tôi nghĩ mọi chuyện sẽ rất kỳ lạ và khác biệt, nhưng hóa ra sự thật không phải như vậy,” cô Kim Yo-jong phát biểu trong một bữa tiệc tối hôm Chủ nhật trước khi quay trở về Triều Tiên.
“Có rất nhiều thứ tương tự và giống nhau. Tôi kỳ vọng chúng ta có thể nhanh chóng trở thành một và gặp lại những người tốt này tại Bình Nhưỡng”, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết thêm.
Những ngôn từ thân thiết, nồng ấm của cô Kim Yo-jong đã góp phần “đào” sâu hơn nữa sự chia rẽ giữa Mỹ và Hàn Quốc quanh vấn đề đâu là biện pháp tốt nhất để loại bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Chuyến thăm của cô Kim Yo-jong dường như là một sự tấn công quyến rũ nhằm chống lại chiến dịch gây sức ép lên Bình Nhưỡng của Mỹ.
Với lời kêu gọi gặp gỡ người đồng cấp Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang tìm cách củng cố những lợi ích mình có thể đạt được, trong khi vẫn duy trì kho vũ khí hạt nhân phòng ngừa sự tấn công từ Mỹ.
Đội cổ vũ Triều Tiên tham gia sự kiện chào mừng Thế vận hội ở Gangneung, Hàn Quốc ngày 8/2.
Mỹ và Hàn Quốc liệu có còn đồng lòng trong việc gây sức ép đối với Triều Tiên hay không? Đây là câu hỏi đang được nhiều nhà phân tích đặt ra. Trong khi các cố vấn của ông Trump đe dọa sử dụng hành động quân sự khi cần thì Tổng thống Hàn Quốc lại tìm cách loại bỏ một cuộc chiến tranh có thể khiến Hàn Quốc và cả khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.
Bình luận về lời đề nghị gặp gỡ của ông Kim Jong-un với Hàn Quốc, ông Andrei Lankov, Giáo sư lịch sử tại đại học Kookmin, Seoul cho rằng đây là “một kế hoạch ngoại giao cực kỳ thông minh”.
“Lời đề xuất, cũng như sự hiện diện của Triều Tiên tại Olympics gửi đi một tín hiệu rằng Triều Tiên đã sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Và tín hiệu này giúp phản đối chiến dịch quân sự tại Washington và các nơi khác”, ông Lankov cho biết.
Giới quan sát Triều Tiên cho rằng Tổng thống Hàn Quốc từng nhiều lần bày tỏ mong muốn về một cách tiếp cận mềm mỏng hơn trước Bình Nhưỡng và không ít lần tìm kiếm một cơ hội gặp gỡ với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Thái độ mềm mỏng của Tổng thống Moon được đánh giá có thể sẽ khiến Mỹ không hài lòng và điều này cũng sẽ gây nên nguy cơ phản đối từ chính quê nhà. Tỷ lệ ủng hộ của ông Moon đã sụt giảm sau khi ông thúc đẩy việc thành lập đội tuyển khúc côn cầu liên Triều. Các nhóm bảo thủ Hàn Quốc cũng đã phản đối sự tham gia của Triều Tiên tại Olympics PyeongChang 2018.
Ông Moon nên tham dự hội nghị thượng đỉnh nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un đồng ý thảo luận về các vấn đề hạt nhân – tên lửa; đồng thời quay trở lại đàm phán 6 bên về giải trừ hạt nhân, Joseph DeTrani, người từng tham gia vào quá trình thiết lập thỏa thuận hạt nhân Triều Tiên 2005 nhận định.
Tổng thống Moon sẽ không có nhiều lợi thế trong thương lượng với Triều Tiên nếu thiếu sự giúp đỡ từ Mỹ, Christopher Green, một cố vấn cấp cao về bán đảo Triều Tiên tại tổ chức Khủng hoảng quốc tế tại Amsterdam, cảnh báo.
“Mục tiêu của ông Moon là tác động trong quan hệ liên Triều vừa đủ để Mỹ và Hàn Quốc có thể nói chuyện cùng nhau,” ông Green phân tích.