Chĩa súng vô đầu – Lê Minh Nguyên
Về địa chính trị ở nam Thái Bình Dương thì Úc hai vai gánh hai biển lớn Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Chính vì vậy mà Mỹ coi Úc là vị trí địa chiến lược tối ư quan trọng, nên đã đặt căn cứ quân sự ở thành phố Darwin, bắc Úc.
Trung Quốc thấy rõ điều này và bây giờ đang muốn dùng Solomon Islands để chĩa súng vào màng tang của Úc.Năm 1962 khủng hoảng tên lửa ở Cuba suýt đưa tới chiến tranh nguyên tử, bởi vì Mỹ không chấp nhận Liên Xô chĩa súng vào yết hầu của mình. Nếu Cuba đứng một mình thì Cuba muốn theo bất cứ chế độ chính trị nào cũng được, bởi vì nó không nguy hiểm cho Mỹ. Nhưng nếu một cường quốc nào đem súng vào Cuba để chĩa vào yết hầu Mỹ thì Mỹ không thể nào chấp nhận được và sẵn sàng gây chiến.
Bây giờ Trung Quốc đang muốn chĩa súng vào mang tang của Úc, một cường quốc bậc trung nên dễ bắt nạt hơn. Nhưng Úc và sau lưng Úc là Mỹ chắc chắn sẽ không để yên. Điều này có nghĩa là chảo nước sôi châu Á sẽ dễ nổ tung nắp nồi và chiến tranh có thể xảy ra ở vùng Nam bán cầu.
Theo Financial Times, các công ty Trung Quốc đã cố gắng mua các hòn đảo chiến lược, TQ “đang tìm kiếm một chỗ đứng cho hải quân của họ ở nam Thái Bình Dương khi họ cố gắng thách thức sự thống trị của Mỹ và các đồng minh của Mỹ… Các công ty Trung Quốc đôi khi hành động đồng bộ với chính quyền TQ và những tham vọng địa chính trị của nước này”.
Như đã được tiết lộ bởi một vụ rò rỉ tài liệu vào tháng 3 vừa qua, chính quyền TQ và Solomon Islands đã soạn thảo một thỏa thuận an ninh, cho phép hải quân TQ được cập các cảng của quần đảo này để phục vụ hậu cần, bổ sung và luân chuyển nhân sự.
Tuy thỏa thuận chưa được ký kết, nhưng dự thảo và những nỗ lực của công ty TQ đã tiết lộ hai điều. Đầu tiên, là không còn nghi ngờ gì nữa về việc TQ đang tìm kiếm một chỗ đứng cho hải quân ở nam Thái Bình Dương khi nước này cố gắng thách thức sự thống trị của Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Và thứ hai, nó thể hiện cách thức phức tạp, TQ dùng các công ty nhỏ để che mắt, hành động đồng bộ với chính quyền và tham vọng địa chính trị của họ.https://on.ft.com/3E4uPM
“Chúng tôi không muốn một nước Cuba khác sát bờ biển nước Úc”
Đó là lời tuyên bố của ngoại trưởng Úc, Marise Payne, hôm 20/4 lên tiếng chỉ trích tính chất “không minh bạch” và phê phán chính quyền quần đảo Solomon đã không tham khảo các quốc gia khác trong khu vực Thái Bình Dương về vấn đề Trung Quốc và Solomon ký kết thỏa thuận an ninh, cho phép sự hiện diện của quân đội TQ ngay trên đỉnh đầu của Úc.
Hôm Thứ Tư 20/4, Thủ tướng quần đảo Solomon, ông Manasseh Sogavare, cho biết chính quyền quần đảo đã ký một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc “cách đây ít hôm”. Tuyên bố của chính phủ quần đảo Solomon được đưa ra ngay sau khi TQ thông báo ký “Hiệp định khung về an ninh” với quần đảo ngày 19/4.
Hồi tháng Ba vừa qua, một văn bản dự thảo Hiệp ước an ninh Trung Quốc-quần đảo Solomon, trong đó có đề xuất cho phép TQ triển khai hải quân và cảnh sát tại quần đảo, bị rò rỉ ra ngoài. Chính quyền Úc và Mỹ lo ngại Bắc Kinh xây dựng căn cứ hải quân tại quần đảo này.
Cuối năm 2021, quần đảo Solomon rung chuyển với nhiều vụ bạo động đẫm máu, trong bối cảnh thất nghiệp, nghèo đói gia tăng và sự thù ghét dâng cao của một bộ phận cư dân chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhiều cơ sở thương mại TQ bị cướp phá, đốt cháy tại thủ đô Horiara.Solomon nằm cách nước Úc khoảng 1.500 km, có diện tích khoảng 29.000 km² hơi nhỏ hơn bang Maryland của Mỹ, và có khoảng 700.000 dân. Tổng sản lượng chưa tới 2 tỷ đôla.Solomon được độc lập từ nước Anh ngày 7/7/1978.
Do vị thế nằm cạnh đỉnh đầu nước Úc nên về địa chính trị nó vô cùng quan trọng cho an ninh của Úc. Nếu nó đứng một mình thì không sao, nhưng nếu nó cho phép sự hiện diện quân sự của một đại cường, nhất là đại cường theo độc tài và có chủ trương bành trướng, thì là mối đe doạ nặng nề cho nước Úc.Tựa như Cam Bốt với Việt Nam, nếu Cam Bốt đứng một mình thì không sao, nhưng nếu Trung Quốc hiện diện quân sự ở căn cứ hải quân Ream, ngay mông VN, thì là mối đe dọa nặng nề cho VN.