Chỉ mới 39 tuổi, ít kinh nghiệm chính trị, vì sao ông Emmanuel Macron lại giành chiến thắng ngoạn mục?
Cafef.vn
08/05/2017
13 tháng trước, Emmanuel Macron lập ra đảng của riêng mình – En Marches! (On the Move! hay nước Pháp tiến lên). Khi đó, hi vọng xây dựng 1 bộ máy khác hẳn với bộ máy chính trị đã tồn tại lâu đời của ông bị không ít người coi là viển vông.
Sau vòng đua ồn ào và gay cấn nhất trong mấy chục năm trở lại đây, cuối cùng thì nước Pháp đã quyết định không đi theo làn sóng dân túy. Cách đây ít giờ, người Pháp bầu Emmanuel Macron, vị cựu Bộ trưởng Kinh tế 39 tuổi và chưa từng tranh cử Tổng thống, trở thành người kế nhiệm ông Hollande. Theo kết quả sơ bộ, vị cựu quan chức ngân hàng giành được 65,8% số phiếu trong vòng bầu cử cuối cùng, đánh bại đối thủ Marine Le Pen. Giới phân tích nhận định sự kiện này cho thấy người dân châu Âu chọn lựa đường lối ôn hòa và ủng hộ Liên minh châu Âu để phản ứng với làn sóng chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc.
Cuộc bầu cử mang tính biểu tượng
Cuộc bầu cử 2017 mang tính biểu tượng ở nhiều khía cạnh. Ông Macron sẽ vượt qua hậu duệ của hoàng đế Napoleon Bonaparte – Louis-Napoleon (người lên nắm quyền vào năm 1848, khi 40 tuổi) – để trở thành vị Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp. Ở một đất nước mà những ứng viên Tổng thống đều dày dặn kinh nghiệm chính trường, ông Macron thậm chí chưa từng ra tranh cử.
13 tháng trước, Emmanuel Macron lập ra đảng của riêng mình – En Marches! (On the Move! hay nước Pháp tiến lên). Khi đó, hi vọng xây dựng 1 bộ máy khác hẳn với bộ máy chính trị đã tồn tại lâu đời của ông bị không ít người coi là viển vông bởi kể từ năm 1958 đến nay, chưa từng có 1 ứng viên độc lập và không có kinh nghiệm chính trường nào có thể trở thành ông chủ điện Elysse.
Ông Macron đã tận dụng rất tốt tâm lý “vỡ mộng” của người dân Pháp trước thực trạng hiện tại. Đó là sự kết hợp giữa sự sợ hãi trước khủng bố, cuộc khủng hoảng ở những đảng lớn và 1 chút may mắn.
10 năm gần nhất, trong tất cả các cuộc bầu cử toàn quốc dù ở cấp nào đi chăng nữa, người Pháp luôn bỏ phiếu chống lại đảng cầm quyền. Sau 5 năm dưới sự lãnh đạo của 1 vị Tổng thống thuộc đảng Xã hội, đảng Cộng hòa từng nghĩ rằng cuộc bầu cử này thuộc về họ. Nhưng ứng viên Fracois Fillon lại bị “vùi dập” bởi bê bối và trở thành một trong những chính trị gia dày dặn kinh nghiệm bị gạt ra bên lề (trong đó có cựu Tổng thống Nicholas Sarkozy, 2 cựu bộ trưởng Alain Juppe và Manuel Valls).
Có lẽ “cuộc phiêu lưu” của ông Macron với chính trường xuất phát từ một điều ông quan sát được: các đảng lâu đời của nước Pháp không chỉ thất bại trong việc đối phó với nỗi sợ, thứ vũ khí rất mạnh của chủ nghĩa dân túy. Hơn nữa, sự phân cực sâu sắc khiến hệ thống chính trị ít khi đạt được đồng thuận, đẩy các chương trình cải cách vào ngõ cụt.
Sinh ra ở Amiens (một tỉnh miền Bắc nước Pháp) và có bố mẹ đều là bác sĩ, ông Macron được theo học ở ngôi trường danh giá Ecole Nationale d’Administration. Năm 2002, khi cha của bà Le Pen là ông Jean-Marie Le Pen đưa đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) vào vòng bầu cử cuối cùng (nhưng thua cuộc trước Jacques Chirac), chính là thời điểm mà ông bắt đầu có suy nghĩ về sự thất bại của các đảng phái chính trị.
Trong cuốn sách có tựa đề “Révolution” (tạm dịch: Cuộc cách mạng), Macron viết rằng tầng lớp chính trị gia của Pháp đã rơi vào trạng thái “mộng du” suốt từ đó đến nay. Theo ông, thay vì cố gắng bác bỏ mọi ý tưởng của đảng FN, các đảng truyền thống nên tập trung vào việc kiềm hãm quyền lực của họ. “Chừng nào các đảng truyền thống vẫn chỉ dùng những lời lẽ hoa mỹ về nhân cách hay nỗi sợ hãi để chống lại FN, họ sẽ chẳng thu được kết quả gì cả”, Macron nói trong cuộc phỏng vấn với tờ The Economist năm ngoái.
Theo ông, các chính trị gia cần phải đưa ra thứ gì đó tích cực, thuyết phục và có tính tương tác cao với dân chúng. Ông vẽ ra một tương lai tươi sáng về 1 xã hội cởi mở, vị tha, ủng hộ Liên minh châu Âu, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân và tạo ra những con đường giúp “nạn nhân” của toàn cầu hóa thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Ở những buổi vận động tranh cử của ông, đám đông phía dưới hò reo và lá cờ của Liên minh châu Âu tung bay phấp phới.
Chặng đường chông gai phía trước
Khi dư âm của những bữa tiệc ăn mừng chiến thắng dần lắng xuống, Emmanuel Macron sẽ phải tìm cách nói chuyện với những người đã không bỏ phiếu cho ông (khoảng 1/3 tổng số cử tri).
Nhiều người trong số này đến từ những thị trấn nhỏ và vùng nông thôn. Sau khi chứng kiến các nhà máy phải đóng cửa và việc làm cũng theo đó mà biến mất, họ không thể nhìn thấy những ích lợi của toàn cầu hóa. Một số chọn bỏ phiếu cho ông chỉ vì họ không muốn bà Le Pen chiến thắng, trong khi một số đã bỏ phiếu trắng
Bà Le Pen sẽ thất vọng với kết quả này, nhưng nhìn lại thì bà đã thiết lập 1 kỷ lục mới cho đảng FN, giành được tỷ lệ ủng hộ cao gấp đôi so với cha mình. Đảng FN và chủ nghĩa dân tộc sẽ tiếp tục đè nặng nền chính trị Pháp.
Trong những ngày sắp tới, ông Macron sẽ bắt đầu cảm nhận thành tựu của bản thân, nhưng đi kèm với đó sẽ là gánh nặng phải chèo lái đất nước. Ông sẽ là người lựa chọn đội ngũ cho Chính phủ tạm thời, nhưng sau đó ông phải xây dựng được sự hậu thuẫn vững chắc ở Quốc hội sau nhiều cuộc bầu bán sẽ diễn ra vào tháng 6 tới. Dù chiếc ghế Tổng thống quyền lực đến đâu, ông vẫn cần sự ủng hộ của các nghị sĩ để thực hiện cải cách như đã cam kết. Đảng En Marche! sẽ phải chiến đấu với các đảng truyền thống, trong đó đặc biệt là đảng Cộng hòa vốn đang cảm thấy bị cướp mất cơ hội.
Emmanuel Macron thừa kế không chỉ 1 nước Pháp bị chia rẽ sâu sắc mà còn phải gánh vác sức nặng của nhiệm vụ đáp lại sự kỳ vọng của cử tri. Đức – nền kinh tế lớn nhất eurozone và là đồng minh lâu năm của Pháp – đang đặt kỳ vọng rất lớn rằng ông Macron sẽ không đi theo vết xe đổ của những người tiền nhiệm và phát lờ những cam kết về cải cách đã đề ra khi tranh cử.
Khả năng hồi sinh niềm tin của công chúng và đưa nước Pháp sang trang mới của ông Macron sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với toàn châu Âu. Nếu ông thất bại, lần tới sẽ rất khó để đẩy lùi chủ nghĩa dân túy.
Emmanuel Macron: Từ cậu học trò yêu cô giáo tới Tổng thống đắc cử của nước Pháp
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ/Economist