Chị Dậu mặc áo cổ xanh
Chị Dậu, một trong những mẫu mực của người công nhân thuộc “lực lượng tiền phong của giai cấp vô sản tại VN” đang làm nền tảng cho đ/v cộng sản trở thành “giai cấp thống trị mới , “giai cấp vô vàn sản”. BBT
Bình luận của Lục Cung – 2023.10.3
Các nữ công nhân ngoại tỉnh đtp xe đi làm ở Hà Nội (minh họa)
Cuối tháng 10/2023, chị T.T.T sinh đứa con thứ ba tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Cháu bé ra đời bằng biện pháp mổ bắt con, chỉ nặng hơn 1 kg. Còn nhỏ hơn cả con búp bê tí xíu, nhưng bé bị suy hô hấp, non tháng, nhiễm trùng sơ sinh, nhẹ cân (chẩn đoán của các bác sĩ). Con nằm viện nhưng mẹ cũng không có tiền ăn cơm. Bệnh viện hỗ trợ viện phí, còn bà con xung quanh thấy hoàn cảnh của chị nên mỗi người cho 50.000 đ, 100.000 đ.
Nhưng cháu bé cũng chỉ sống được vỏn vẹn một tháng.
Xin thùng giấy làm quan tài cho con
“Về nguyên nhân tử vong, bệnh nhi được chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm phổi, non tháng, nhẹ cân so với tuổi thai, còn ống động mạch, hở van 2 lá, hở van 3 lá, đa hồng cầu, ối xấu, mẹ bạch cầu máu cao, sinh mổ” (trích báo Vietnamnet ngày 28/10/2023).
Con chết, trong túi mẹ chỉ còn 900.000 đ. Vé xe từ Bình Dương về quê nhà Hậu Giang khoảng 120.000 đ. Chị T. không còn đủ tiền mua cho con một chiếc quan tài.
Chị đi xin một thùng mì tôm bằng giấy carton. Đặt con vào thùng giấy, chị định sẽ ôm thùng mang lên xe đò về quê an táng. Đâu có ai hay trong thùng là gì, chị sẽ mang được con về quê.
Chị T. và chồng đều từ quê Hậu Giang lên Bình Dương làm công nhân. Hai con lớn 17 tuổi và 12 tuổi cũng bỏ học để theo cha mẹ kiếm sống. Nếu vẫn còn việc làm đều đặn, gia đình chị kiếm được 8-9 triệu đồng/tháng, tạm đủ ăn. May mà phòng trọ do công ty hỗ trợ nên bớt được khoản này.
Nhưng nhiều tháng nay, công ty mất đơn hàng. Công nhân thất nghiệp hoặc bị giãn việc gần hết. Chị T. đang mang thai nhưng không đủ ăn, mẹ yếu, thai suy.
May, bà con đi chăm bệnh chung với chị T. biết chuyện nên lập tức báo cho bệnh viện và liên hệ những nhà hảo tâm. Ngay trong đêm, tổ chức Chuyến xe cấp cứu và mai táng từ thiện Nhật Tâm sắp xếp một xe từ thiện từ TP HCM qua Bình Dương mang quan tài cho cháu đồng thời đưa gia đình chị T. và cháu bé về quê.
Chuyến đi của gia đình chị T. cùng cực và bi thương không khác gì chuyến chạy dịch trối chết của hàng trăm ngàn người suốt dọc đường Nam-Bắc cách đây vài năm, dù một bên được ngồi an toàn trên xe hơi, một bên thì cầm tay lái xe máy đội mưa, đội nắng suốt cả ngàn cây số.
Có ai còn nhớ? Trong đêm dài, đường trường thăm thẳm, cả đoàn người dằng dặc ôm con, ôm chó, cột sau xe máy chiếc quạt, nồi cơm điện… nhẫn nại vượt từng cây số, mệt quá thì ngủ lăn ngay trên lề đường, lề cầu, bất cứ chỗ nào có đèn sáng và gió mát để được thêm chút an toàn.
Phần lớn trong số họ là công nhân xa quê làm ăn.
Cứ lớn lên là đi thành phố làm công nhân
Có nhiều lý do để lên thành phố làm công nhân.
Vợ chồng chị T. ở Phụng Hiệp, Hậu Giang. Kinh tế Hậu Giang chủ yếu là nông nghiệp. Nên nếu không có đất để trồng trọt thì phải có nghề. Nếu cả nghề cũng không có mà lại lấy vợ lấy chồng sớm, có con sớm và có nhiều con, thì chẳng còn cách nào là đi làm công nhân.
Những năm trước dịch COVID, trước cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, lên thành phố làm công nhân là chọn lựa nhẹ nhõm dễ dàng nhất của những thanh niên nông thôn không được học hành nhiều. Không cần bằng cấp hay kinh nghiệm, hầu hết các công ty dệt may, giày da và chế biến thủy hải sản chỉ cần công nhân có sức khỏe, tuổi từ 18-35, lên ủy ban phường xin cái giấy chứng nhận hồ sơ lý lịch không có tiền án tiền sự rồi thì vào nhà máy làm liền.
Đây là một thông báo tuyển dụng công nhân đánh số của công ty May xuất khẩu Việt Thành (Cần Thơ), đăng lên cách đây ba ngày:
Mô tả công việc:
– Làm công việc thủ công đơn giản ở xưởng sản xuất.
– Có kỹ thuật hướng dẫn đào tạo nghề chi tiết.
- Yêu cầu:
– Siêng năng, trung thực.
– Sức khỏe tốt.
– Không bị các tật về mắt.
- Quyền lợi và chế độ:
PHỤ CẤP:
- Chuyên cần + xăng xe + thưởng tuân thủ nội quy: 760.000 đ/ tháng.
- Phụ cấp nuôi con nhỏ.
- Phụ cấp tiền hành kinh đối với lao động nữ trong tháng.
CHẾ ĐỘ PHÚC LỢI
– Thưởng tết mức 1,4 tháng lương trở lên.
– Quà tết: 500.000 đ/người, quà sinh nhật, quà 8/3, quà 20/10.
– Thưởng thâm niên, thưởng đầu năm mới.
– Thưởng các ngày lễ: 30/04 & 1/5, 2/9.
– Thưởng cho nhân viên nghỉ thai sản quay lại làm việc: 500.000đ/người.
– Trợ cấp trông giữ trẻ dưới 12 tháng tuổi: 1.000.000 đ/ tháng.
– Mừng kết hôn: 500.000 đ/ người, mừng sinh con: 500.000 đ/ người.
– Phép năm: Từ 14 ngày/ năm.
– Quà công đoàn:
+ Ốm đau từ 3 ngày: Phần quà đường + sữa.
+ Nằm viện từ 7 ngày: Phần quà 500.000 đ.
– THAM GIA ĐẦY ĐỦ CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM TAI NẠN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG.
Dòng cuối cùng viết hoa toàn bộ nhấn mạnh đây là các chế độ rất quan
trọng cho người lao động, giúp họ an tâm làm việc lâu dài tại một nơi.
Nếu các chế độ phúc lợi được thực hiện đúng như trong quảng cáo thì công việc công nhân như thế được xem là thiên đường.
So với đi thu hoạch nông sản mướn ở quê được trả công chừng 150.000
đ/ngày hoặc cao hơn vài chục ngàn tùy việc tùy mùa, nhưng không ổn định,
lại phải lao động cực nhọc ngoài nắng mưa thì làm công nhân hấp dẫn hơn
rất nhiều.
Tụi mới lớn càng mê lên thành phố làm công nhân. Tại hết lứa thanh niên này tới lứa thanh niên khác, người ta đi hết rồi, thuê nhà bám trụ thành phố quanh năm luôn. Ở quê ngó tới ngó lui chỉ còn mấy ông bà già ở nhà coi vườn với nuôi mấy đứa cháu cho ba má nó rảnh tay. Đâu còn ai cùng lứa tuổi để kết bạn, yêu đương hò hẹn, lấy vợ lấy chồng?
Lên thành phố sống tự do, ở cùng rất đông người toàn lứa tuổi mình mới vui làm sao. Thanh niên chỉ cần nhiêu đó.
Người thành phố ăn trắng mặc trơn, lên mạng thấy ai cũng da trắng bóc, móng tay dài chuốt nhọn-cái bàn tay đó khoe rằng họ chẳng phải làm công chuyện chi hết trơn, bận đồ đẹp, đi chơi chỗ sang trọng, ăn nhà hàng lung linh… Ngó qua làng xóm thì nhà ai có nhiều con đi làm công nhân đều sống khá hơn trước. Có người cất được nhà mới, có tiền đầu tư vô ruộng vườn. Các anh chị về quê ăn tết coi cũng bảnh hơn hẳn dân quê, ai cũng chạy xe láng coóng, da dẻ trắng trẻo mịn màng hơn, đầu tóc quần áo đều mô đen hơn hẳn.
Đi, đi chứ!
Những năm trước, kinh tế còn phát triển tốt, cứ lãnh thưởng Tết xong là công nhân nghỉ việc hàng loạt. Người thì ôm mớ tiền về quê chơi bù cả năm đầu tắt mặt tối. Người đã kiếm số vốn đủ rồi ở lại quê luôn lấy vợ, lấy chồng hoặc đổi nghề khác. Không ít người ở xa còn đủng đỉnh chơi tới hết tháng giêng mới vô. Không ai sợ mất việc vì hàng loạt công ty cứ qua tết là tuyển công nhân rầm rộ, bảng giăng đỏ cả khu công nghiệp.
Mấy năm nay thì xuống quá. Nhất là từ khi chiến tranh Nga-Ukraie nổ ra, các công ty dệt may xuất khẩy và da giày mất đơn hàng trầm trọng. Báo chí đưa tin công ty dệt may xuất khẩu Garmex Sài Gòn cắt giảm nhân sự tới mức khủng khiếp. Trong gần hai năm, từ chỗ có 4.000 nhân sự, họ phải cắt giảm còn vỏn vẹn … 35 người.
Garmex là công ty lớn, từng được Forbes Việt Nam bình chọn là 1/50 doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam có hoạt động tốt nhất. Nhưng ngót hai năm nay, họ không tìm được một đơn hàng nào. Trong quý 3/2023, doanh thu của cả công ty chỉ có 73 triệu đồng, từ việc làm dịch vụ.
Vào cuối tháng 8 năm nay, đại diện Sở Lao động, Thương binh và xã hội
tỉnh Bình Dương-tỉnh được mệnh danh là thủ phủ khu công nghiệp cho biết
lượng đơn hàng về các doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 30%-50% so với năm
trước. Trong cả tỉnh chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp tuyển dụng nhưng số
lượng rất ít, chỉ khoảng hơn 3.000 lao động, tập trung vào lao động kỹ
thuật, có tay nghề.
Số công nhân mất việc một phần về quê, một phần chuyển sang các công việc khác như làm giúp việc nhà theo giờ, bán hàng online, chạy xe ôm, buôn bán nhỏ… Số còn lại vẫn tiếp tục đi tìm việc vì về quê cũng chẳng có ruộng đất để làm, con cái lại đang học quen ở thành phố. Họ hy vọng chiến tranh sẽ không thể kéo dài mãi, kinh tế trước sau cũng phải phục hồi và những công việc dành cho lao động phổ thông sẽ lại cần thiết.
Nhưng chân trời đó bao giờ mới hé sáng? Nghe có vẻ nhiều tiền hơn làm lao động ở quê, nhưng lương công nhân trung bình khoảng bảy triệu đồng/tháng phải chi thường xuyên cho nhà trọ, sinh hoạt phí giá cao ở thành phố. Khoản lương đó tạm nuôi được một thanh niên độc thân, nhưng nếu có gia đình con cái hoặc phải chăm sóc cha mẹ già thì biết cái cảnh. Công nhân phổ thông lại là loại lao động không có tuổi thọ nghề cao, ráo mồ hôi là hết tiền. Họ không có tiền bạc và thời gian để học nghề khác hay phát triển từ lao động phổ thông thành công nhân kỹ thuật.
Một cuộc đời công nhân thời nay là cuộc đời sống trong thấp thỏm: luôn có nguy cơ bị mất việc mà không tìm được việc thay thế; khi có thâm niên hàng chục năm đổi lại đồng lương kha khá thì cũng có nghĩa sẽ là những đối tượng đầu tiên bị giãn việc khi công ty thiếu đơn hàng. Vì nhận lao động mới thì công ty chỉ cần trả lương thấp hơn, đóng bảo hiểm cũng thấp hơn nhiều, thậm chí có công nhân sẵn sàng đi làm không cần có bảo hiểm.
Cho nên nếu bị mất việc khi ở độ tuổi trên 40, rất ít công nhân phổ thông nào tìm lại được việc tương tự.
Vòng lặp cuộc đời
Cha mẹ mất việc, phải về quê hay dời đi nơi khác có nghĩa việc học hành của con cái họ nhiều nguy cơ bị đứt đoạn.
Sâu trong những con hẻm ngoằn ngoèo nhỏ bé, các bãi đất hoang sình lầy và cỏ dại chờ quy hoạch ở xa trung tâm thành phố, có rất nhiều khu lều trọ mọc lên. Mái tôn, vách che bằng ván ép, bằng những tấm nhựa lớn hay tôn xi măng quây lại. Phòng tắm và vệ sinh chỉ là những túp lều bằng đủ thứ vật liệu tùy tiện, miễn che được con mắt nhìn. Nước thi cứ việc chảy tràn lan rồi tự khô. Người thuê sống nơi đó chủ yếu là công nhân và người buôn gánh bán bưng chỉ đủ tiền trả cho một mái che trên đầu, bất chấp điều kiện vệ sinh và an toàn tối thiểu. Trong vài lần đi theo các tổ chức thiện nguyện trao học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó, chúng tôi đã đến những nơi ấy.
Chúng tôi gặp không ít em bé học hành rất say mê và thông minh, ôm ước mơ lớn lên làm bác sĩ hay kiến trúc sư. Nhưng chỉ vài tháng sau quay lại đã không thấy gia đình họ ở đó nữa. Người lớn đã mất việc về quê hoặc may mắn hơn là đã đi theo công trình ở nơi khác, làm gì, ở đâu… không mấy ai rõ. Những cuộc đời nổi trôi như vậy nhiều quá, mấy ai đủ sức quan tâm nữa.
Dù lý do gì, những đứa trẻ đều khó có thể tiếp tục đến trường, vì điều kiện của chúng chỉ có thể học ở trường tình thương, nhưng trường tình thương không phải ở nơi nào cũng có.
Nếu thất học, lớn lên chúng chỉ có thể lặp lại cuộc đời của cha mẹ.
Đã nhiều chục năm, những cuộc đời công nhân quẩn quanh như thế.
Bi kịch đến tận cùng như của chị T., con chết mà mẹ không có đủ tiền mua nổi cái áo quan sơ sinh, là khá hy hữu.
Nhưng hầu như cả đời sống chui rúc trong những nhà trọ tối tăm ẩm ướt, cả món ăn vật chất lẫn tinh thần chủ yếu là hàng chợ chiều rẻ tiền, tương lai phấp phỏng… đó là cuộc sống của đa số công nhân Việt Nam hiện tại.
Bất chấp những danh xưng và vai trò lớn lao mà họ được gán vào, về thực chất, công nhân chỉ là những anh Dậu, chị Dậu mặc áo cổ xanh, với cái tiền đồ không sáng hơn màn đêm phủ quanh gian nhà tranh vách đất trong tiểu thuyết Tắt đèn là bao.
RFAViet