Chỉ cần yêu cầu đi mua cam, vị sếp này đã phân định được ai sẽ được thăng cấp, người làm 5 năm hay kẻ vào 6 tháng?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chỉ cần yêu cầu đi mua cam, vị sếp này đã phân định được ai sẽ được thăng cấp, người làm 5 năm hay kẻ vào 6 tháng?

Cafebiz

27/07/2017 02:47 PM

Những nhân viên xuất sắc thường được sắp xếp làm ở vị trí quan trọng, trả lương cao và có con đường sự nghiệp rộng mở. Tuy nhiên với nhiều nhân viên, họ cần phấn đấu thế nào để trở thành cá nhân xuất sắc lại là một câu hỏi khó.

Chỉ cần yêu cầu đi mua cam, vị sếp này đã phân định được ai sẽ được thăng cấp, người làm 5 năm hay kẻ vào 6 tháng?

Ở cương vị CEO hay chủ doanh nghiệp, người lãnh đạo nên giải thích với nhân viên phía dưới một cách rõ ràng và chỉ ra những tiêu chí cụ thể mình đang tìm kiếm ở họ. Câu chuyện về những quả cam dưới đây được xem là một trong những cách giải thích tuyệt vời nhất cho tố chất lãnh đạo mong chờ từ phía nhân viên.
“Có một thanh niên trẻ rất muốn tìm việc tại một công ty vốn nổi tiếng trong vấn đề trả lương hậu hĩnh cũng như phúc lợi tốt. Sau khi chuẩn bị sơ yếu lý lịch kỹ càng và trải qua vài cuộc phỏng vấn, anh được nhận vào vị trí nhân viên cơ bản trong công ty. Vì là người tham vọng, anh lại đặt tiếp mục tiêu làm sao để trở thành giám sát viên, một vị trí mang nhiều uy tín hơn và mức lương cao hơn. Anh luôn cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đến sớm vào buổi sáng và ở lại rất muộn, chỉ mong sếp sẽ nhận ra nỗ lực của mình.
Sau 5 năm, vị trí giám sát cuối cùng đã bỏ trống. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của người nhân viên, một chàng trai mới vào công ty khoảng 6 tháng đã được chọn. Người nhân viên rất tức giận. Anh lập tức đến văn phòng gặp sếp và yêu cầu một lời giải thích thỏa đáng.
– Trước khi tôi trả lời các câu hỏi của cậu, cậu có thể giúp tôi một việc được không?
– Vâng, chắc chắn – Người nhân viên đáp.
– Cậu có thể đến cửa hàng và mua cho tôi một ít cam không? Vợ tôi đang cần.
Người thanh niên đồng ý và lập tức đi mua cam. Khi anh trở lại, vị sếp hỏi: 
– Cậu đã mua loại cam nào?
– Tôi không biết. Ông chỉ nói là mua cam và tôi đã mua chúng về đây rồi.
– Cậu mua hết bao nhiêu tiền?
– À, cái này tôi cũng không chắc. Ông đưa tôi 30 USD. Đây là hóa đơn còn đây là tiền thừa.
– Cảm ơn cậu. Giờ cậu hay ngồi xuống và chú ý kỹ một chút nhé.
Sau đó, vị sếp gọi nhân viên đã được thăng chức vào phòng và yêu cầu làm việc tương tự. Anh này cũng đồng ý và đi đến cửa hàng mua cam.
Khi trở lại, vị sếp hỏi
– Cậu đã mua loại cam nào thế?
– Cửa hàng có rất nhiều loại: cam vàng, cam ruột đỏ, cam không hạt… và tôi thực sự không biết mua loại nào. Nhưng tôi nhớ ông nói vợ ông cần mua cam, vì vậy tôi gọi điện cho bà ấy. Vợ ông nói rằng đang chuẩn bị một bữa tiệc và cần đến nước cam, nên tôi hỏi người bán hàng loại nào vắt nước là phù hợp nhất. Người này nói với tôi cam vàng cho nước ép ngọt, vì vậy tôi mua và ghé qua đưa bà nhà trên đường trở lại văn phòng. Bà ấy có vẻ rất hài lòng.
– Cậu mua hết bao nhiêu tiền?
– À, đây lại là một vấn đề khác. Tôi không biết có bao nhiêu người tham gia, vì vậy tôi gọi vợ ông để hỏi xem bà nhà dự định tiếp đón bao nhiêu khách. Bà ấy trả lời khoảng 20. Tôi hỏi người bán hàng cần mua bao nhiêu cam để làm đủ nước ép cho 20 người. Con số đưa ra khá lớn nên tôi đề nghị người bán hàng giảm giá cho mình. Một quả cam bình thường bán giá 75 cent, nhưng tôi được giảm còn 50 cent. Đây là hóa đơn mua hàng và tiền thừa.
– Cám ơn cậu, cậu có thể đi được rồi – Vị sếp mỉm cười nói.
Sau đó ông quay sang nhìn người nhân viên lúc đầu, người đã có cơ hội theo dõi toàn bộ câu chuyện. Anh này ủ rũ đứng dậy đầy thiểu não:“Tôi hiểu ý rồi” và bước chệch choạc ra khỏi văn phòng”.
Sự khác biệt giữa hai nhân viên trong câu chuyện nói trên là gì? Nhiều người cho rằng một bên làm việc hiệu quả hơn, chú ý đến chi tiết hơn còn một bên thì không. Tuy nhiên sự khác biệt quan trọng nhất nằm ở mục đích hành động. Người đầu tiên làm vì tiền bạc, địa vị còn người thứ hai làm vì động lực bên trong là muốn phấn đấu thành nhân viên tốt, có thể đáp ứng mọi yêu cầu của sếp – và kết quả đã quá rõ ràng.
Bất cứ ai cũng có thể trở thành nhân viên tuyệt vời. Nhưng ý chí này phải đến từ trong con người họ, chứ không phải bắt nguồn từ các tác động bên ngoài như tiền tài hay địa vị. Một người nhân viên giỏi phải là người sẵn sàng giúp đỡ người khác đạt được thành công, và trong quá trình đó họ cũng tự gặt hái thành công cho riêng mình.
Hồng Lam
Theo Trí Thức Trẻ/Forbes