Chết bởi công an – Im hay nói?
04/01/2017
Trước vụ việc chị Nguyễn Thị Thắm – một nhân chứng quay clip và đưa lên Facebook việc công an đánh chết nạn nhân Phạm Đình Toàn tại Bình Định vào ngày 3/1/2017 – sau đó bị công an ép buộc phải phủ nhận đoạn phim đó và rút xuống;
Hay trước việc một thanh niên (không nói tên) bị 4 CSCĐ đánh ngay trên đường phố Cần Thơ ngày 1/1/2017, đã nhờ bạn đưa hình ảnh còn đầy máu me trên tay, trên mặt lên Facebook.
Nhiều người trong chúng ta không khỏi tự hỏi:
– Làm lớn chuyện như thế có thay đổi được gì không?
– Hay chỉ tổ rước họa vào thân? Nhất là lại chuyện của người khác chứ đâu phải mình là nạn nhân.
– Tóm lại, làm như thế lợi hay hại?
Lợi lắm chứ!
1- Cái lợi đầu tiên tại chỗ là khi nhiều người chung quanh thấy và hô hoán lập tức, thì thường công an dừng ngay bàn tay bạo hành. Đơn giản là vì chúng biết tiếng la hét của dân đồng nghĩa với nhiều máy điện thoại đang nhảy vào thu hình.
2- Cái lợi kế tiếp khi công bố các bằng chứng bạo hành là trả lại phần nào công lý cho các nạn nhân bị oan ức. Công an thường bôi nhọ họ tối đa sau khi sự việc xảy ra để chạy tội. Cụ thể như trong vụ anh Toàn bị đánh chết tại Bình Định, điều mà phía công an khó chạy tội là hàng trăm nhân chứng đã ngửi mùi rượu nồng nặc của 2 công an viên bị giữ tại trận.
3- Sự lên tiếng mạnh mẽ, tiếp tay nhanh chóng của người chung quanh là sức mạnh quí báu cho gia đình nạn nhân. Nếu không có sự ủng hộ tinh thần đó, thì chưa chắc chú ruột của anh Toàn đã dám nói lên tất cả sự thật bất chấp sức ép rất lớn hiện nay của công an Bình Định. Ông trình bày chi tiết: “Công an đã đánh cháu tôi gục tại chỗ, sùi bọt mép, bạn bè thấy vậy đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn nhưng Toàn đã chết trên đường đi”. Và hoàn toàn không có chuyện công an đưa nạn nhân đi bệnh viện như đăng trên báo đài nhà nước.
Cũng từ sự lên tiếng của người thân, bà con khắp nơi mới biết để tìm đến giúp đỡ gia đình nạn nhân lo việc tang lễ và lo cách kiếm sống tương lai.
4- Hình ảnh thủ phạm trong vụ việc một khi được quảng bá rộng rãi cũng có tác động giảm bớt mức bạo hành trong tương lai. Lý do là các hình ảnh này sẽ lan đến làng xóm, khu phố quanh nơi các thủ phạm sinh sống. Nhiều người biết gia đình chúng đang sống ở đâu và đang nợ máu nhân dân cỡ nào. Chính sự lo ngại của gia đình sẽ làm chùn bớt bàn tay bạo hành của từng công an viên.
5- Các chứng cớ rõ ràng của người dân cũng góp phần lớn đánh thức những ai còn mơ ngủ dưới khẩu hiệu “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Khi công an bất kể các chứng cớ, cứ ngang nhiên đưa ra những lý lẽ cực vô lý để bao che cho các thủ phạm, người dân thấy rất rõ nhà nước này là “của ai và vì ai”. Các tranh luận suông không thuyết phục hiệu quả bằng các kinh nghiệm sống loại này, vì cảnh bạo hành tương tự có thể xảy đến cho cả gia đình họ, ngay ngày mai.
6- Và xa hơn một chút, sự tiếp tay của người chung quanh các nạn nhân góp phần giữ lại tính nhân bản trong cả xã hội. Khi tính người đang bị giết dần qua hệ thống giáo dục và cai trị cộng sản, những hành động đầy tình người, dù lớn dù nhỏ, đều quí giá và có tác động không nhỏ lên người chung quanh.
Nếu đồng ý với những điểm trên, thì cụ thể chúng ta có thể làm gì? Người viết xin thử đưa ra vài đề nghị sau đây để ít là làm tốt hơn những việc chúng ta đang làm:
– Trước hết, không ai có quyền phê phán các anh chị em chấp nhận thụt lùi dưới áp suất của công an. Những lên tiếng lập tức của những anh chị em này khi sự việc xảy ra đã rất đáng quí và đáng phục rồi. Chúng ta chỉ có một việc là càng phải lên tiếng mạnh hơn nữa tố cáo công an đang nỗ lực bịt miệng nhân chứng; tán phát các bằng chứng đã có xa rộng hơn nữa; và ngỏ lời giúp các bạn có bằng chứng nhưng chưa dám tung ra.
– Tập thể cư dân mạng cần chung sức để kình với khối báo đảng, bằng cách tung đồng loạt các dữ kiện từ nhân chứng, từ thân nhân, và các bài vở vạch trần sự gian dối, bao che của công an.
(CTM)