Chernobyl: Truyện tranh Pháp chế giễu “mây phóng xạ dừng ở biên giới”
Trang bìa truyện tranh “Chernobyl, đám mây không hồi kết”, của hội Bệnh nhân Tuyến giáp của Pháp, 64 trang, 23×30 cm.DR. sortirdunucleaire.org
Ngày 23/04/2016, hội Bệnh nhân Tuyến giáp của Pháp (AFMT) chính thức phát hành cuốn truyện tranh “Chernobyl, đám mây không hồi kết”, được sáng tác dựa trên 900 tài liệu nằm trong hồ sơ vụ kiện Nhà nước Pháp. Tuy nhiên, hội AFMT và 51 bệnh nhân tuyến giáp đã bị thua kiện vào tháng 11/2012, sau hơn 10 năm theo đuổi vụ việc, tính từ tháng 03/2001.
Câu chuyện kể lại việc chính phủ Pháp thời kỳ đó đã tìm cách giảm thiểu hậu quả của thảm hoạ Chernobyl trên lãnh thổ Pháp. Sau vụ nổ vào ngày 26/04/1986, chính phủ Pháp đã không đưa ra bất kỳ một biện pháp phòng ngừa nào về mặt y tế.
Ngoài mục đích an ủi các nạn nhân bị thua kiện, cuốn truyện tranh là phương tiện hữu hiệu“giải thích cho mọi người chuyện gì đã thực sự xảy ra”, theo phát biểu của ông André Crouzet, thành viên từ 13 năm nay của hội Bệnh nhân Tuyến giáp Pháp. Ông cho biết: “Rất nhiều người thấy vô lý chuyện đám mây Chernobyl dừng lại ở biên giới… (không bay vào lãnh thổ Pháp)” như lời giải thích của các cơ quan chức năng thời đó. Ngược lại, “rất ít người biết tới những hậu quả thật sự ẩn sau vấn đề sức khoẻ của người Pháp”.
Levothyrox, thuốc hormon tuyến giáp bán chạy từ sau năm 1986
Trang mạng Slate.fr cho biết, trong 64 trang của cuốn truyện tranh, người đọc có thể phát hiện rằng số lượng thuốc Levothyrox, loại hormon tuyến giáp, được bán ra rất nhiều trong thập niên 1980. Thông tin này được tiết lộ trong một bản tài liệu của các hãng bào chế dược phẩm mà hội AFMT may mắn có được.
Thẩm phán Bertella Geffroy, phụ trách việc thu thập chứng cứ, cho biết : “Từ năm 1986, việc tiêu thụ (thuốc Levothyrox) chỉ theo hướng tăng lên, đến mức hiện nay, 1/10 thậm chí là 1/8 người Pháp phụ thuộc vào loại hormon tuyến giáp này”.
Theo các tác giả của cuốn truyện tranh “Chernobyl, đám mây không hồi kết”, vào mùa xuân năm 1986, nhà nước Pháp đã có thái độ coi thường, thậm chí là phủ nhận hậu quả tác động của thảm họa Chernobyl tới người dân. Hai ngày sau vụ nổ, giáo sư Pellerin, lúc đó phụ trách Trung tâm Phòng chống Bức xạ ion hóa (SCPRI), phát biểu trên truyền hình rằng độ phóng xạ từ Chernobyl không gây “bất kỳ hậu quả nào đến sức khoẻ cộng đồng… trừ trường hợp có thể là những vùng lân cận nhà máy, và trong khu vực nhà máy…”
Ngày 06/05/1986, đến lượt bộ trưởng Nông Nghiệp, François Guillaume, khẳng định rằng“lãnh thổ Pháp, nhờ vị trí cách xa, đã tránh được hoàn toàn bụi hạt nhân do tai nạn tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl”.
Câu chuyện về rau chân vịt (épinard) bị nhiễm 2.600 đơn vị phóng xạ (becquerel)/kg thật đáng sợ. Tỉnh trưởng Haut-Rhin, Madhi Hacène, muốn cấm vận chuyển loại rau này. Thế nhưng, theo giải thích của ông Marc-Saint Aroman, thuộc hội AFMT, “10 ngày sau, Charles Pasqua, lúc đó là bộ trưởng Nội Vụ, đã phản ứng lại khi cho rằng không cần phải thay đổi thói quen ăn uống. Ông còn nói thêm cũng không cần phải theo các khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) ngày 06/05 yêu cầu cam kết về chất lượng các mặt hàng xuất khẩu”.
Pháp không phản ứng… để bảo vệ điện hạt nhân
Trong khi các nước láng giềng khẩn trương loại bỏ những sản phẩm bị nhiễm xạ (thịt, sữa, rau…), chỉ mỗi nước Pháp không đứng ra bảo vệ người dân và vẫn tiếp tục xuất khẩu nông phẩm, đồng nghĩa với việc gây nguy hiểm cho công dân các nước lân cận. Nhiều biện pháp phòng ngừa đơn giản được áp dụng khắp châu Âu, trừ nước Pháp với một khẩu hiệu duy nhất : “Không làm gì cả!”
Cuốn truyện tranh tái dựng dòng lịch sử để tìm giải đáp cho câu hỏi : Tại sao nước Pháp lại phản ứng ngược đời như vậy? Ông Marc Saint-Aroman giải thích : “Cần phải biết là vào năm 1986, Pháp có hơn 15 nhà máy điện hạt nhân đang xây dở và sẽ được đưa vào hoạt động. Như vậy, chúng ta đã rõ động cơ gây tội”.
Ba mươi năm sau, nước Pháp trở thành nhà sản xuất điện nguyên tử lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, và sản xuất ra tới hơn một nửa sản lượng điện của châu Âu.
Đối với bà Michèle Rivasi, nghị sĩ đảng Xanh tại nghị viện châu Âu từ năm 2009, ảnh hưởng của giới vận động hành lang về hạt nhân hiện nay vẫn còn rất mạnh. Và “những lời dối trá của Nhà nước” thời hậu Chernobyl (theo cáo buộc của tổ chức AFMT) có nhiều khả năng sẽ tái diễn, nếu như không may xảy ra một thảm họa hạt nhân tại Pháp.
Nghị sĩ đảng Xanh lấy làm tiếc : “Hiện nay, trong lĩnh vực hạt nhân, mọi quyết định liên quan không phải do các bộ hay uỷ ban đưa ra, mà trực tiếp từ điện Elysée. Hạt nhân là một lĩnh vực tách biệt, không do nền dân chủ quyết định, mà như kiểu một vùng vô luật”.
Thu Hằng