Charlie Hebdo trào lộng tình hữu nghị Việt – Trung
Theo Bauxite Việt Nam – Trần Thu Dung
Charlie Hebdo là một tờ báo trào phúng nổi tiếng ở Pháp. Các nhà hí họa rất nhanh nhạy với mọi tình hình thời sự, chính trị, và mọi khía cạnh trên thế giới. Họ đã mạnh dạn dùng bút vẽ để trào lộng những vấn đề được coi là nhạy cảm xã hội như tôn giáo. Mọi thứ lố bịch làm ảnh hưởng đến tự do nhân quyền con người họ đều đem ra chỉ trích dưới hình thức châm biếm. Chính vì thế họ đã bị bọn khủng bố theo đạo Hồi quá khích bắn chết khi đang họp ngày 07/01/2015 ở Paris. Mặc dù trụ sở đã từng bị đốt, từng bị đe dọa mạng sống, họ vẫn can đảm lên tiếng vì lý tưởng tự do ngôn luận, và vì hòa bình trên thế giới. Không chỉ trào lộng đạo tôn giáo mà những mối quan hệ chính trị của nhiều nước trên thế giới như quan hệ Trung – Mỹ, Việt – Trung, Mỹ – Nga Xô cũng bị họ đưa ra trào lộng. Việt Nam từng có bài hát suốt ngày đài phát “Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông… mổi tình hữu nghị thắm như rạng đông » và Hồ Chí Minh đã ví mối tình hữu nghị keo sơn như môi với răng, môi hở răng lạnh. Nhiều báo chí thế giới đã dịch câu này. Báo nhân đạo Pháp cũng từng đề cập mối quan hệ Việt – Trung. Năm 1979, quân đội Việt Nam sang giúp Campuchia để dẹp Kmer đỏ. Trung Quốc nhân cớ lợi dụng để tấn công Bắc Việt Nam. Tình hữu nghị biến thành chiến tranh biên giới. Charlie Hebdo đã nhanh nhạy trào lộng mối quan hệ Việt-Trung tan vỡ. Bức tranh chỉ trích mấy nước da vàng tưởng hòa bình rồi lại cắn xé lẫn nhau. Tác giả trào lộng tình hữu nghị môi hở răng lạnh giữa Trung Quốc và Việt Nam vốn được hai nước đề cao trong chiến tranh chống Mỹ, bây giờ lại dùng môi răng để cắn nhau khi Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Bắc Việt Nam.
Cắn nhau đi, hỡi người da vàng! Trong chiến tranh Việt Nam, Việt Nam và Trung Quốc coi nhau như «anh em», nhưng thực chất Mao đã bắt tay với Mỹ, trong khi Mỹ tiếp tục ném bom ở Việt Nam. Tình hữu nghị trá hình của Trung Quốc đã được các nhà báo chống chiến tranh ở Việt Nam hí họa đăng trong tạp chí Charlie Hebdo.
Mao và Nixon – Những mối tình lững lẫy Tháng 2/1972, Tổng thống Nixon thăm Trung Quốc. Mao và Nixon giao bang. Bom vẫn rơi xuống đầu Việt Nam. Đúng như Wolinski đã nói rằng báo của họ nói lên trước những điều sẽ xảy ra trong 10 năm tới. Tình hình hữu nghị Việt – Trung càng lộ rõ khi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan ở Biển Đông và chiếm Hoàng Sa và một số đảo nhỏ thuộc địa phận Việt Nam. Trào lộng là một vũ khí đấu tranh hòa bình để xã hội phát triển. Những nhà hí họa Charb, Wolinski, Tignous, Cabu thực sự là những anh hùng hy sinh trên mặt trận văn hóa vì tự do và hòa bình của toàn nhân loại. Tinh thần của họ mãi mãi được ca ngợi và thắp sáng. Những người yêu hòa bình và tự do đã ủng hộ Charlie Hebdo. Chính vì thế số báo ra đời sau vụ thảm sát dã man với 5 triệu bản vừa ra buổi sáng đã bán hết. Charlie Hebdo đã vinh dự được công nhận là công dân danh dự của thành phố Paris. Khi được coi là công dân, tức là tờ báo trở nên bất tử. Charb, Cabu, Wolinski, Tignous cùng tờ báo Charlie Hebdo đã trở nên bất tử vì đấu tranh cho Tự do và hòa bình trên toàn thế giới. T.T.D