Charlie Hebdo: Bắc Kinh tố cáo tự do báo chí quá trớn

Cac Bai Khac

No sub-categories

Charlie Hebdo: Bắc Kinh tố cáo tự do báo chí quá trớn

Tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát tại tòa soạn Charlie Hebdo, Paris, trong trụ sở Liên minh người Pháp ở nước ngoài ở Thượng Hải, 09/01/2015. – REUTERS/Aly Song

Theo RFI – Thụy My – 13-01-2015  17:31

Le Figaro phiên bản trên mạng có bài viết mang tựa đề «Charlie Hebdo: Bắc Kinh tố cáo tự do báo chí quá trớn» với tấm ảnh Tập Cận Bình và chú thích: «Chính quyền cộng sản Trung Quốc kiểm tra nghiêm ngặt báo chí và mới đây đã bỏ tù mấy chục nhà báo».
Tác giả nhận xét, TC rõ ràng là không «Charlie» lắm. Sau loạt khủng bố tại Pháp làm cho 17 người chết đặc biệt nhắm vào tòa soạn Charlie Hebdo, báo chí chính thức nước này lại tố cáo những sự «chệch hướng», «quá trớn» về tự do báo chí. Một số tờ còn đi xa hơn, nhấn mạnh sự nguy hiểm mà theo họ là do được tự do quá lố. Những cuộc biểu tình lịch sử chống khủng bố tại Paris và các tỉnh chỉ là «liều thuốc giảm đau», theo tờ Global Times. Trong bài xã luận hôm nay, tờ báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đạo cho rằng hàng mấy triệu người xuống đường cùng với khoảng năm mươi nguyên thủ quốc tế «không mang lại kết quả đáng kể». Với giọng điệu dân tộc chủ nghĩa cực đoan vốn có, tờ này nhấn mạnh:«Điều mà các xã hội phát triển phương Tây phải nhận lãnh, là cái giá của các hành động thực dân, chiếm giữ nô lệ trong quá khứ». Le Figaro ghi nhận, tuy Tập Cận Bình đã gởi lời chia buồn đến Tổng thống Pháp François Hollande, đánh giá khủng bố là «kẻ thù chung của cả nhân loại» nhưng cả Tập lẫn các quan chức TC, không ai nhắc đến việc xâm phạm các quyền tự do, đặc biệt là tự do báo chí. Thứ Năm tuần trước, một hôm sau vụ thảm sát, cuộc mít-tinh do Câu lạc bộ các thông tín viên ngoại quốc tại TC (FCCC) tổ chức để tưởng nhớ các nhà báo Charlie Hebdo bị sát hại, đã bị công an gây khó dễ. Nhiều công an viên giựt lấy những tấm áp-phích «Je suis Charlie» mà các phóng viên đang cầm trong tay để chụp một tấm ảnh chung. Ông Peter Ford, chủ nhiệm câu lạc bộ và là thông tín viên tờ Christian Science Monitor của Mỹ cho biết: «Tất cả những cuộc tập họp ủng hộ tự do báo chí dưới mắt công an TC đều đáng ngờ, nhất là khi có các nhà báo nước ngoài tham gia». Tối Chủ nhật 11/1, cộng đồng người Pháp ở Bắc Kinh đành phải chen chúc trong khuôn viên Đại sứ quán Pháp, vì chính quyền TC cấm mọi cuộc hội họp đông người, trong khi Pháp kiều tại Berlin, Luân Đôn hay Washington thoải mái xuống đường. Tuy lên án các vụ khủng bố tại Pháp, nhưng báo chí nhà nước TC lại lợi dụng dịp này để «dạy» cho Paris và phương Tây vài bài học, nhấn mạnh đến «sự trỗi dậy của những xung đột văn hóa và tín ngưỡng ở châu Âu». Tân Hoa Xã hôm qua cho rằng vụ thảm sát ở Charlie Hebdo «không thể cho là một vụ tấn công vào tự do ngôn luận, vì bản thân tự do có những giới hạn của nó». Le Figaro nhắc nhở, trong khi chính TC phải đối mặt với một loạt các vụ tấn công mà theo các tổ chức quốc tế, là do Bắc Kinh đàn áp ở Tân Cương. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC nhấn mạnh, đại sứ TC tại Pháp là Zhai Jun có tham gia cuộc biểu tình ở Paris hôm Chủ nhật. Trên các mạng xã hội, bị Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ, cư dân mạng cũng hòa giọng với chính quyền, vừa tố cáo «khủng bố man rợ» nhưng lại nhấn mạnh «tự do quá trớn». Chỉ có các nhà ly khai mới thẳng thắn nêu ra vấn đề tự do báo chí. Chẳng hạn nghệ sĩ Ngải Vị Vị, đăng ảnh ông đang cầm một cây bút chì với dòng chữ «Je suis Charlie».
“Que sera sera…”
Những vấn đề đặt ra sau cuộc tuần hành cộng hòa thành công rực rỡ Chủ nhật vừa qua tại Paris, chiếm trang nhất của tất cả các nhật báo lớn của Pháp ra ngày hôm nay. «Đó là ngày 11 tháng Giêng của Pháp» – Le Monde nhận xét. Tờ báo dẫn lời các nhà sử học đánh giá cái mốc 11 tháng Giêng, cũng như ngày 11 tháng Chín của nước Mỹ, là một ngày đã đi vào lịch sử của Pháp. «Lời đáp nào cho chủ nghĩa khủng bố?» Le Figaro đặt vấn đề và cho biết: «Chính phủ đã loan báo triển khai quy mô quân đội trên đất nước, và đang cân nhắc những phương cách để đón đầu mối đe dọa khủng bố. Còn đối lập thì đưa ra những giải pháp riêng». «Và ngày mai sẽ ra sao?» – câu hỏi của La Croix. Tờ báo cho rằng: «Để chống lại khủng bố, cần đảm bảo sống chung hòa bình. Sau cuộc biểu tình lịch sử ngày 11 tháng Giêng, xã hội Pháp cần phải sáng tạo ra những lời giải mới». Tương tự, tờ báo miễn phí 20 Minutes chạy tựa «Khủng bố – những ngày sau đó», quay lại với vấn đề đang được tranh cãi, liệu sẽ phải đưa ra một Patriot Act kiểu Pháp hay không. Đưa lên trang nhất hình ảnh người biểu tình đội nón kippa, giơ cao biểu ngữ «Tôi là Charlie, Do Thái, cảnh sát, Tôi là người Pháp» với dòng tựa «Người Pháp gốc Do Thái, sợ hãi nhưng hy vọng» – nhật báo Libération nhấn mạnh: «Sau vụ khủng bố và cuộc biểu tình hôm Chủ nhật, cộng đồng người Do Thái, xúc động trước tình tương thân tương ái chưa từng có trên đất nước, nhưng vẫn lo ngại là mục tiêu bị tấn công». Nhật báo L’Humanité băn khoăn: «Và bây giờ làm thế nào để thắng được những kẻ gieo rắc hận thù?» Tương tự, nhật báo Le Parisien đặt câu hỏi: «Và nay thì sao?», cho rằng đây là lúc chính quyền phải quyết định. Tờ Les Echos khi đặt vấn đề «Khủng bố: Những việc khẩn cấp của Pháp», đã nêu ra những biện pháp ban đầu để tăng cường chống khủng bố. Riêng trang nhất nhật báo thể thao L’Equipe đăng tấm ảnh biếm họa với tựa đề «Blanc kháng cự», trong đó chủ tịch câu lạc bộ Paris Saint Germain nói với huấn luyện viên Laurent Blanc: «Tôi càng lúc càng nghĩ đến việc chấm dứt nhiệm vụ huấn luyện của anh, Laurent à». Blanc trả lời: «Anh nói ai? Tôi ấy à, tôi là Charlie».
Một ngày Chủ nhật đã đi vào lịch sử
Trong bài viết mang tựa đề «Một ngày làm nên nước Pháp», ba nhà sử học được nhật báo Le Monde phỏng vấn đều khẳng định, ngày 11 tháng Giêng năm 2015 tuyệt vời sẽ còn lưu lại mãi mãi trong lịch sử Pháp quốc. Bài báo mở đầu bằng câu hỏi, ngày Chủ nhật hôm ấy đã trôi qua, nhưng liệu có thể ghi khắc mãi trong tâm khảm con người, và trong hai mươi năm, một trăm năm rồi ba trăm năm tới, trẻ em Pháp cũng sẽ được biết những gì đã diễn ra trong ngày lịch sử đó hay không? Đối với các nhà sử học Jean-Noel Jeanneney, Pascal Ory và Michel Winock, đây là điều không cần bàn cãi. Theo ông Ory: «Số lượng người xuống đường rất đáng quan tâm, trong một xã hội dân chủ. Bên cạnh việc tổ chức phổ thông đầu phiếu cho phép đánh giá một cách chính thống, còn có các cuộc biểu tình giúp đo lường được về mức độ tình cảm. Về điểm này, thì cuộc biểu dương lực lượng hôm Chủ nhật là vô cùng đặc biệt». Tương tự, ông Winock cho rằng trước hết, số lượng người biểu tình xuống đường đông đảo chưa từng thấy kể từ khi thủ đô nước Pháp được giải phóng là hết sức độc đáo. Nhưng ông nhấn mạnh đến tầm cỡ, không chỉ ở Paris mà còn ở khắp nơi trên toàn quốc, trong khi những sự kiện lịch sử hầu như chỉ diễn ra tại thủ đô. Đây là điều chưa từng thấy. Bên cạnh đó là tầm vóc quốc tế, chưa bao giờ có bằng ấy nguyên thủ quốc gia trên thế giới cùng tuần hành trên đường phố Paris, mà nhà sử học đánh giá là «ngày quốc tế dân chủ». Điểm độc đáo khác nữa: những ngày xuống đường tưởng niệm, ngày phẫn nộ lâu nay đã có, nhưng xuống đường để biểu thị tình tương thân tương ái thì khá hiếm hoi, nhất là khi nhìn thấy những người không cùng đảng phái hoặc tín ngưỡng lại sát cánh bên nhau. Một cuộc tập hợp khổng lồ những con người mà đa số tôn sùng tự do cá nhân. Tuy nhiên các nhà sử học cũng cảnh báo: «Trong lịch sử, những cuộc vui thường ngắn ngủi, và những thời điểm tưng bừng hiếm khi tiếp theo là một ngày mai tươi sáng».