Chánh sách bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc với các lân bang

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chánh sách bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc với các lân bang

Lâm Văn Bé

Bành trướng lãnh thổ là một sách lược ngàn năm của Trung Quốc và vẫn tiếp diễn hôm nay. Từ một vùng đất nhỏ hẹp vùng sông Hoàng Hà gồm người Hán tộc, Trung Quốc đã lần lượt xâm chiếm Mãn Châu, Mông Cổ, Tân Cương và Tây Tạng để tạo dựng thành một đế quốc khổng lồ với hơn 9.2 triệu km2. Mặc dù với chánh sách đồng hóa và đàn áp tôn giáo khắc nghiệt của Trung Quốc đã khiến người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) gốc Hồi giáo, hậu duệ của người Turk ở Tân Cương và người Tạng ở Tây Tạng liên tiếp nổi dậy và đã bị Trung Quốc đàn áp đẫm máu, Trung Quốc vẫn không từ bỏ mộng làm bá chủ vùng Đông Nam Á và Trung Nam Á.

Bài viết lược khảo những cuộc tranh chấp và bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc với các quốc gia lân bang từ nửa thế kỷ qua, đặc biệt  trong bối cảnh dự án «Một Vành Đai, Một Con Đường» do Tập Cận Bình đề xướng năm 2013.

Sách lược bành trướng lãnh thổ

Trong cuộc tranh chấp và bành trướng lãnh thổ với các lân bang, Trung Quốc đã dùng nhiều sách lược từ xâm nhập bất hợp pháp đến di dân theo kiểu tàm thực, từ chiến tranh du kích đến chiến tranh toàn diện, kể cả chiến tranh tâm lý như hù dọa và xách động.

Tại các vùng biên giới ít người cư trú và canh phòng lỏng lẻo (thí dụ như vùng Hy Mã Lạp Sơn), Trung Quốc cho nông dân, tiều phu, kể cả các đản súc vật (trâu bò, dê cừu)  lén lút xâm nhập vào lãnh thổ lân bang để sinh sống, rồi đưa quân đội đến lập lều trại, tổ chức cơ quan cai trị theo chánh sách «người dân đi trước, nhà nước theo sau». Theo cơ quan tình báo Ấn Độ, chỉ trong một thập niên qua, Trung Quốc đã xâm nhập  theo kiểu nầy khoảng 2000 km2 vào lãnh thổ Ấn Độ.

Tại các vùng biên giới đông người, Trung Quốc thiết lập các cơ sở thương mại (thường là chợ trời) lấn sâu trong vùng đất xâm chiếm để cư dân Trung Quốc qua lại buôn bán, rồi lần lần định cư thành làng xóm. Để hợp thức hóa đất đai vừa xâm chiếm, Trung Quốc nhổ các cọc biên giới đem cắm sâu vào nội địa của lãnh thổ địch. Trường hợp như Việt nam có 7 tỉnh giáp ranh với Trung Quốc (4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang giáp ranh với Vân Nam, 3 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh giáp ranh với Quảng Tây)  đã bị Trung Quốc xâm chiếm dưới hình thức nầy.

Tại các quốc gia lân bang yếu hèn với Trung Quốc (như Việt Nam, Lào, Cambot), Trung Quốc áp dụng chánh sách tàm thực, dựa vào các thỏa ước ký kết với các chánh phủ thuộc loại khuyển mã để đưa dân chúng và công nhân Trung Quốc nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp vào «nhượng địa » để tự do sinh sống và khai thác tài nguyên. 

Ngoài các sách lược như trên, Trung Quốc thường dùng  các bản đồ gian dối để biện minh cho chánh sách xâm lược và bành trướng lãnh thổ. Bản đồ là một công cụ  để khích động sự căm hờn, lòng ái quốc của người dân Trung Quốc chống lại các quốc gia  mà Trung Quốc cho là đã xâm chiếm Trung Quốc trong quá khứ, và sử dụng như văn kiện để Trung Quốc thực hiện cuộc xâm lăng. Với chiêu bài «Sự  sỉ nhục của Trung Quốc» (Humiliation of China), Trung Quốc đã liên tiếp tung ra nhiều bản đồ gian dối, in trong sách giáo khoa, phổ biến trong các cơ quan chính phủ và hiệp hội, vẽ lại các bản đồ Trung Quốc với những phần đất Trung Quốc viện dẫn là đã bị ngoại bang cướp đoạt mà Trung Quốc cần đòi lại.

Thí dụ như  «Bản đồ Sỉ Nhục Quốc Gia Trung Quốc» (Map of  China’s National  Humiliation) do Đại Học Hong Kong xuất bản năm 1927 bao gồm một vùng đất lớn gẩn gấp hai lãnh thổ Trung Quốc hiện nay. Tương tự như vậy, năm 1954, dưới thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc công bố  một bản đồ  khác gồm 3,2 triệu km2 đất đai vùng lân bang trong đó có Liên Sô 1,6 km2,  Ấn Độ 130 000 km2, Miến Điện 70 000 km2, Pakistan 7 500 km2, Mông Cổ, Triều Tiên, Thái Lan, Malaysia, Lào, Kampuchia, Việt Nam, nếu tính thêm cả vùng lãnh hải thì lên đến hơn 10 triêu km2.


Tháng 5-2009, Trung Quốc gởi công hàm đến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và kèm theo một tấm bản đồ có vẽ 9 đoạn đứt khúc (còn gọi là “đường chữ U” hay “đường lưỡi bò”) đòi cộng đồng quốc tế thừa nhận “vùng biển lịch sử” của họ trong phạm vi nằm trong  “đường lưỡi bò” bao gồm  đảo và biển thuộc Việt Nam, Phi Luật Tân, Brunei, Mã Lai và Đài Loan. Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng Tài La Haye (Hòa Lan), chiếu theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 đã  tuyên bố Philippines thắng kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cũng như Trung Quốc không có «quyền lịch sử» với các vùng biển ở Biển Đông. Dù có phán quyết, Trung Quốc vẫn tiếp tục tung hoành ngang ngược trong vùng Biển Đông trước sự hèn nhát của Việt Nam và những lời tuyên bố đe dọa linh tinh của các phía.

Tháng 8-2017 Trung Quốc lập khu hành chánh Tứ Sa  gồm 4 quần đảo là : Đông Sa (Dongsha, Pratas, gần Hồng Kông), Trung Sa (Zhongsha, bãi Macclesfield & Scarborough của Philippines), Tây Sa (Xisha, Hoàng Sa), Nam Sa (Nansha, Trường Sa) của VN, đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm (Hoàng Sa  mà Trung Quốc gọi là Vinh Hưng trực thuộc  Hải Nam).

Biên giới Trung Quốc với các lân bang

Trung Quốc có 20 341 km ranh giới (theo Frederic Lasserre. L’éveil du dragon), 22 141 km (theo Sébastien Colin. La Chine et ses frontières) với 14 quốc gia, dài nhất thế giới. Các ranh giới nầy đã được ấn định trong thời gian từ 1858 đến 1945 bởi các đế quốc Tây Phương và Nhật Bổn, thời kỳ mà  Trung Quốc gọi là « thế kỷ sỉ nhục» (Century of Humiliation). Tưởng cũng nên biết là sau khi thua 2 cuộc Chiến Tranh Nha Phiến (1839-1842 và 1856-60) , nhà Mãn Thanh phải lần lượt nhường cho Tây Phương và Nhật Bổn nhiều vùng đất : Hồng Kông và 5 hải cảng vùng châu thổ sông Dương Tử cho Anh, bán đảo Sơn Đông cho Đức, vùng Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây cho Pháp, vùng Đông Bắc cho Nga và Nhựt.

Trừ hai hiệp ước giữa Trung Quốc và Nga ký kết năm 1689 và 1727, tất cả thỏa ước hay quy định biên giới với các nước lân bang đều bị Trung Quốc đòi xét lại dựa vào những yếu tố lịch sử, địa lý, nhân văn. Thí dụ như hiệp định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 1887 và 1895 với Pháp ; giữa Lào và Trung Quốc cũng ký năm 1895 với Pháp ; giữa Ấn Độ và Trung Quốc ký với Anh và Tây Tạng năm 1895, 1904,1906 và 1914 đều bị Trung Quốc phản đối. Đó là lý do mà Trung Quốc viện dẫn để chủ động những cuộc chiến tranh biên giới triền miên với các quốc gia lân bang.

                                Chiều dài ranh giới và thỏa ước Trung Quốc với lân bang

Quốc gia Chiều dài (km) Năm ký thỏa ước
Népal 1 236 1961,1963
Bhoutan 560 chờ đợi từ 1998
Ấn Độ         2 204 chờ đợi từ 1996
Miến Điện 2 186 1965,1994
Lào 425 1991,1994
Việt Nam 1 282 1999, 2008 *
Bắc Hàn 1 334 1962, 1964
Mông Cổ 4 673 1962, 1964, 1984
Nga 2 978 1991, 2004, 2008
Kazakhstan 1 533 1994, 1996, 1998
Kirghzstan 858 1996, 1999, 2002
Tadjikistan 414 1999, 2002, 2010
Afghanistan 80 1963, 1965
Pakistan 523 1963, 1965

            Nguồn : L’éveil du dragon/ Frédéric Lasserre. Presses de l’Université du Québec,  2007, p. 215

*Chú thích : Năm 2008, VN và TQ đã đóng 1971 cột móc, VN mất 720 km2 so với trước đó ; không kể trong vịnh Bắc bộ, VN mất 3200 lãnh hải vuông (11 000 km2). Nói chung, trừ trường hợp Ấn độ chưa ký thỏa ước, tất cả các quốc gia đều bị mất đất sau khi ký thỏa ước với Trung Quốc và số diện tích bị mất so với số diện tích Trung Quốc đòi thay đổi từ 4% (Tadjikistan) đến 50% (VN, Lào), 52% (Nga), 60% (Pakistan). (Sébastien Colin. La Chine et ses frontières, p. 73).

Sơ lược các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với các quốc gia lân bang             

Trong các quốc gia kể trên, chỉ trừ Pakistan là lân bang duy nhất không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Các quốc gia khác đều có xung đột hay chiến tranh biên giới với Trung Quốc.

  • Vùng Bắc Á
  • Nga

Biên giới chung giữa Nga và Trung Quốc kéo dài gần 3 000 km. Năm 1969, Trung Quốc và Nga tranh chấp vùng đảo Zhenbao (Nga gọi là Damansky) trên sông Usuri và một số đảo khác trên sông sông Amur và Argun. Cùng năm ấy, Trung Quốc có chiến tranh với Tadjikistan vì tranh chấp núi Pamir (giáp Tân Cương), cả hai cuộc tranh chấp nầy khiến tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Liên Sô rạn nứt. Đến năm 2005, tranh chấp biên giới Nga-Trung tạm ổn định sau khi Nga lần lượt ký các thỏa thuận nhượng lại các khu vực trên cho Trung Quốc và hợp tác chiến lược để chống lại Mỹ. Tuy nhiên, sự kiện Trung Quốc đưa dân ồ ạt đến cư trú vùng thảo nguyên ít dân của Nga, thí dụ như thị trấn Chita, phía Bắc của Mông Cổ, vùng Vladivostok ở cực Đông Bắc khiến Nga luôn có thái độ dè chừng với Trung Quốc.

  • Mông Cổ

Với một diện tích bao la (1.5 triệu km2) phần lớn là sa mạc và thảo nguyên mà chỉ có 3 triệu dân, nhưng có rất nhiều mỏ khoáng sản, đặc biệt là uranium (1.3 triệu tấn sản lượng), Mông Cổ đã lần lượt lệ thuộc Trung Quốc rồi Nga cho đến năm 1992 mới thoát khỏi chế độ cộng sản. Nằm giữa hai đế quốc, Mông Cổ cố giữ sự thăng bằng nhưng thực tế, Trung Quốc áp đảo Mông Cổ về kinh tế lẫn chính trị. Viễn ảnh trở thành một tỉnh của Trung Quốc như Nội Mông làm dân Mông Cổ lo sợ.

  • Triều Tiên (Bắc Hàn)

Là đồng minh cộng sản của Trung Quốc, Triều Tiên chia sẻ với “đàn anh” 1.334 km đường biên giới, chủ yếu bằng 2 con sông Yalu (Áp Lục) và Tumen (Đồ Môn) theo hiệp ước ký năm 1962. Tranh chấp cũng từ 2 con sông này, bao gồm giới tuyến giữa sông, các hòn đảo trên sông và đặc biệt là ngọn núi Paektu cao nhất trong vùng. Paektu được cả người Triều Tiên lẫn  Đại Hàn  xem là núi thiêng của dân tộc. Tất cả những tranh chấp chưa bao giờ được chính thức đàm phán vì Triều Tiên, tuy là đàn em cộng sản nhưng có những hành động gây rối phiền phức cho uy tín của Trung Quốc như những vụ thử bom gần đây.

  • Vùng Trung Á

Trung Quốc đạt được thắng lợi dễ dàng trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước Trung Á vốn thuộc Liên Sô cũ. Ngoài quyền lợi kinh tế và đất đai, đặc biệt hệ thống đường dẫn dầu và khí đốt khổng lồ từ biển Caspienne đi xuyên qua,  các quốc gia nầy ( tên quốc gia có vần cuối là chữ – tan, đa số là dân Hồi giáo) còn là các địa điểm chiến lược trong kế họach đi về phía Tây theo sách lược Con đường tơ lụa mới và là những căn cứ quân sự để đàn áp các phong trào ly khai của người Uyghur ở Tân Cương.

  • Kyrghyzstan

Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn Kyrgyzstan với lý lẽ những vùng đất này bị nhượng lại cho Nga vào thế kỷ 19 theo những thỏa ước thiếu công bằng. Theo thỏa ước ký năm 1999, Kyrgyzstan nhận 40% diện tích tranh chấp, còn Trung Quốc lấy 9 km2 thuộc vùng núi Uzengi-Kush nằm ở phía Nam khu vực Issyk Kul.

  • Kazakhstan

Tranh chấp giữa Trung Quốc và Kazakhstan bắt đầu từ thời Liên Sô, liên quan đến khu vực rộng 680 km2 gần đèo Baimurz và 280 km2 gần sông Sary-Charndy.Thỏa ước ký năm 1998 đem lại cho Trung Quốc 20% diện tích này, bù lại Trung Quốc giúp Kazathstan xây dựng hạ tầng cơ sở,  đầu tư vào việc khai thác  những mỏ dầu lớn nhất của Kazakhstan và đưa dân Trung Quốc sang làm ăn. Để tránh áp lực quá độ của Trung Quốc, Kazathstan gần đây liên kết với Liên Minh Âu châu và hạn chế di dân Trung Quốc.

  • Tadjikistan

Sau một cuộc xung đột, thỏa ước năm 1999 đem lại cho Trung Quốc một khu vực rộng 1.000 km2 ở núi Pamir. Diện tích này khoảng 4% so với yêu sách của Trung Quốc dựa vào «các bằng chứng  lịch sử cổ đại».

  • Afghanistan

Bất chấp hiệp ước song phương năm 1963, Trung Quốc vẫn xâm lấn Afghanistan và đang chiếm tỉnh Bahdakhshan. Bởi lẽ người Taliban ủng hộ người Uyghur ly khai ở Tân Cương nên Trung Quốc tăng cường đầu tư vào giao thông, thương mại và kinh tế Afghanistan để giúp  chính quyền Kabul đối phó với Taliban. Điều nghịch lý là Mỹ càng ổn định Afghanistan, Trung Quốc càng được dễ dàng trong kế hoạch phát triển hệ thống dẫn dầu từ Afghanistan qua Pakistan để tiếp tế cho nhu cầu của Trung Quốc.

  • Vùng Hy Mã Lạp Sơn
  • Bhoutan

Là một vương quốc nhỏ đã có tranh chấp với Trung Quốc vùng cao nguyên Doklam ở phía Đông và thung lũng Jakarlung ở phía Tây Bắc, và bang giao với Trung Quốc càng thêm lạnh nhạt sau khi Tây Tạng bị Trung Quốc sát nhập năm 1951. Mặc dù những cuộc thương thuyết biên giới với Trung Quốc từ năm 1984 không đem lại kết quả, nhưng vì Bhoutan là vị trí chiến lược của Trung Quốc để liên lạc với Pakistan là quốc gia đồng minh nên TQ  dùng nhiều biện pháp khuynh đão kinh tế Bhoutan, nhưng Bhoutan vẫn gần Ấn Độ vì cùng văn hóa và liên hệ lịch  sử.

  • Népal

Népal là quốc gia  thường được biết đến với đỉnh Everest và Đức Phật, Népal là quốc gia nằm giữa hai nước khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ. Vì lịch sử và văn hóa, Népal lệ thuộcẤn Độ về kinh tế từ nhiều thế kỷ qua, nhưng Trung Quốc đã dùng tiền để mua chuộc Népal thoát ra khỏi ảnh hưởng của Ấn Độ. Nhiều dự án thiết lập hạ tầng cơ sở đã được Trung Quốc tài trợ, nhứt là sau trận động đất năm 2015. Népal trở thành chiến trường của Trung Quốc và Ấn Độ.

  • Vùng Đông Nam Á
  • Nhật Bổn

Trung Quốc đã bình thường hóa ngoại giao với Nhật từ 1972 và hiện nay là một trong những quốc gia có nhiều thương vụ với Trung Quốc ở Châu Á. Tuy nhiên, mối bang giao giữa hai nước luôn căng thẳng vì mối thù xưa và những tranh chấp mới. Năm 2005, dân Trung Quốc bạo động đốt phá các cửa hàng người Nhật và biểu tình phản đối Nhật vì lẽ Nhật không chịu xin lỗi Trung Quốc về những hành vi bạo ngược họ đã gây ra cho  dân Trung Quốc trong thời chiến tranh mà còn tiếp tục biểu lộ sự xúc phạm trong các sách giáo khoa. Ngoài ra, Nhật và Trung Cộng còn tranh chấp chủ quyền đảo Điều Ngư (Senkaku ,Trung Quốc gọi là đảo Diaoyu Tai), một vùng ven duyên của cả hai quốc gia có nhiều quặng dầu khí. Trong cuộc tranh chấp nầy, Mỹ đứng về phía Nhật bởi lẽ hiện nay Mỹ có 50 000 quân trên hàng chục căn cứ ở Nhật trong đó Okinawa là căn cứ của Đệ Thất Hạm Đội. Tuy gần đây, ngoài mặt các lãnh đạo hai nước có các cuộc thăm viếng, nhưng cả hai vẫn ôm giữ mối thù không hóa giải.

  • Việt Nam, Lào

Việt Nam hiện nay như một chư hầu của Trung Quốc. Sau bài học Trung Quốc đã giáng trên đầu của đàn em Việt Nam  năm 1979 và sau đó tự do xây căn cứ, đi lại trơng vùng biển đảo  Hoàng Sa và Trường Sa, chánh phủ VN đã cho phép Trung Quốc khai thác tài nguyên, thương mại trên đất nước Việt Nam như  quốc gia không chánh phủ. Đất nước Việt Nam hôm nay có nhiều khu da beo là nhượng địa cho Trung Quốc. Tại các khu kỹ nghệ do Trung Quốc và Đài Loan đặc quyền khai thác. Người Trung Quốc trên Việt Nam  có mặt khắp nơi, khắp ngang cùng ngỏ hẽm, sống « thoải mái» hơn tại chính quốc của họ.

Công nhân Trung Quốc thuê mua phụ nữ Việt nấu ăn, làm osin và làm vợ. Đa số công nhân Trung Quốc  cưới vợ  Việt Nam để có thẻ cư trú, sinh con và nếu là con trai thì đưa về Tàu.

Một lớp học trẻ con lai mẹ Việt cha Tàu (Internet)

Chỉ trong vùng Dak Nong, nơi có hơn 10 000 công nhân TQ khai thác bauxite, trong 10 năm qua, đã có khoảng 3.000 trẻ em mẹ Việt cha Tàu và họ đòi chánh phủ  mở trường dạy tiếng Tàu.

Không kể vùng Tây Nguyên đã nhường cho Trung Quốc khai thác bauxite và đốn rừng, vùng Bình Dương lập khu kỹ nghệ chế xuất từ hơn 10 năm qua, Trung Cộng còn có những những khu kỹ nghệ tại các vị trí chiến  lược tại các vùng ven biển  như: Vũng Áng (Hà Tỉnh), Cửa Việt (Quảng Trị), Lăng Cô (Thừa Thiên), Đà Nẳng, Bãi Chuối (đèo Hải Vân), Vĩnh Tân (Bình Thuận), U Minh (Cà Mau ), Duyên Hải (TràVinh). Ngoài ra, nhiều nhân công, con buôn đến Việt Nam như du khách rồi ở lại làm ăn buôn bán, chánh quyền  từ trung ương đến địa phương làm ngơ vì sợ Trung Quốc hay ngậm miệng vì ăn chia.

Đài VOA, trong bài viết ngày 31/05/2016 tựa là Báo động Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải sắp trở thành căn cứ của Trung Quốc đã mô tả chi tiết Trung Quốc đã đưa hàng ngàn công nhân Trung Quốc đến huyện Duyên Hải tỉnh Travinh xây 4 nhà máy nhiệt điện và một hải cảng với vốn đầu tư mỗi nhà máy hơn 1 tỷ USD. Nằm trực tiếp trên Biển Đông, Trung Tâm Nhiệt Điện nầy là một căn cứ chiến lược có thể phối hợp với cảng Sihanoukville của Miên khi có chiến tranh. Cũng giống như Trung Tâm Nhiệt Điện ở Trà Vinh,  Trung Tâm Nhiệt Điện ở Vĩnh Tân (Bình Thuận) nằm sát biển, các trung tâm nhiệt điện cách xa khu thị tứ, việc vận chuyển điện đến người tiêu thụ khó khăn, tốn kém, nhưng đó không phải là thiệt hại chính yếu mà nguy hại to lớn là các trung tâm nhiệt điện nầy thực sự là các căn cứ quân sự và Trung Quốc đưa dân  đến lập làng xóm vì những nơi nầy người Việt thưa thớt.

Trung Quốc thực sự đã làm chủ Việt Nam mà không cần đánh chiếm. Dương Kiết Trì (Jang Jiechi) cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc (2007-2013) đã viết  một bài dài về vấn đề nầy với giọng ngạo mạn tựa là : Cần gì phải đánh chúng nó được Vũ Đông Hà dịch đăng trong Dân Làm Báo ngày 09/03/2016. Sau đây là đoạn mở đầu:

«…Tại sao phải đánh chúng khi hơn 700km2 vùng biên giới phía nam của ta đã được chúng dâng cho ta, một nửa Thác Bản Giốc đã được ta cắm cờ 5 sao, Ải Nam Quan đã trở thành Hữu Nghị Quan mà chúng vẫn cực kỳ coi trọng đại cục hữu nghị giữa hai đảng và nâng niu gìn giữ để trao lại cho những thế hệ mai sau của chúng.

Súng đạn nào mãnh liệt bằng phong bì tống vào miệng chúng để sau đó Đại Hán ta ngồi ngay trên nóc nhà Tây Nguyên, đào mồ xới mả đất Mẹ của chúng, thải chất độc vào môi trường của chúng và Bộ Chính trị của chúng vẫn khăng khăng đấy là chiến lược đã quyết, là chính sách công nghiệp hóa hiện đại đất nước không thể ngừng.

Xe tăng đại pháo nào bằng hàng ngàn công trình xây dựng để những sư đoàn Trung Hoa trong bộ áo công nhân có mặt trên xứ sở của chúng, kéo dài từ mũi Cà mau cho đến Hữu Nghị Quan.

Phi cơ, chiến hạm sao bằng 90% gói thầu của chúng ta đang khống chế nền kinh tế của chúng, hàng hóa thặng dư made in China đang ở trên thân thể chúng, bàn ăn của chúng, bao tử của chúng, nhà cầu của chúng.

Tại sao phải đánh chúng khi chỉ cần đóng đường biên giới là dân của chúng không đủ tiền mua quần áo mặc, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng, xe dream là giấc mơ thấp hèn của chúng không còn chạy đầy đường, cắt xăng dầu là cả nước chúng tối đen và chỉ cần một cú nổ là Tây Nguyên của chúng sẽ nhuộm bùn đỏ.

Chúng ta không phải đánh, không phải bắn một viên đạn nào mà vẫn có thể làm sụp đổ thị trường chứng khoán của chúng, làm tán gia bại sản những tên đồng chí tư bản đỏ mà tài sản vốn liếng có được là nhờ vào và đang lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Hoa made in Vietnam.

Chưa bao giờ trong lịch sử bành trướng, chúng ta có được một đám thái thú địa phương làm tay sai đắc lực và hiệu quả như chúng. Khi chúng ta có mặt ở biển Đông ngay trước cửa nhà chúng, chúng đã ra lệnh hải quân của chúng không được bén mảng sợ làm phiền lòng ta. Khi cần đốt phá, cướp của, giết người để bôi đen những tên biểu tình yêu nước, công an mật vụ của chúng ngoan ngoãn nghe lời ta tạm lánh. Khi cần cấm ngặt từng tên yêu nước năng nỗ xuống đường phản đối chúng ta, chúng đã nhiệt tình như những con chó Tứ Xuyên quên ăn quên ngủ canh gác ngày đêm. Tại sao chúng ta phải đánh chúng và sau đó phải cai trị dân của chúng? Tại sao ta phải làm công việc đối phó với 90 triệu dân của chúng trong khi giống cẩu phương nam này làm giỏi hơn chúng ta? 

Chúng ta không cần đánh bởi chúng đã đánh dân của chúng thế chúng ta. 

Chúng ta cũng không cần phải cướp vì chúng đã tự cướp nước của chúng để dâng để bán và sẽ tiếp tục dâng, tiếp tục bán cho chúng ta…» (xem tiếp trên Dân Làm Báo)

Tương tự như vậy, nước Lào của đồng chí Cộng Sản Pathet Lào cũng bán đứng nước Lào cho Trung Quốc. Ký giả Sébastien Faletti của báo Le Point (Pháp) đã mô tả thành phố Boten, một thị trấn nghèo của Lào giáp ranh với tỉnh Vân Nam có đoạn như sau :« Boten có 3000 dân mà 85% là người Trung Quốc. Duan Yenping, nữ Giám Đốc Khuyến mãi của công ty địa ốc Heifeng Group, công ty phụ trách phát triển Boten thành một đô thị hiện đại đã phát biểu : Chúng tôi đã đuổi người Lào đi nơi khác, họ chậm chạp quá, không có khả năng. Trong vòng 3 năm tới, sẽ có 30 000 người TQ đến cư ngụ và sau đó 100 000. Chúng tôi sẽ san bằng 7 ngọn đồi để có thêm 10 000 mẫu đất. Chúng tôi sẽ xây một khu thương mại với các cửa hàng duty free, hệ thống khách sạn cho 10 000 du khách, chưa kể một trường đua ngựa 500 mẫu, lớn nhứt Á Châu. (Les nouvelles ambitions de la Chine. Le Point, no.2343, 3 octobre 2017).

  • Vùng Nam Á
  • Pakistan

Là quốc gia duy nhứt trong vùng không có tranh chấp với Trung Quốc vì là 2 nước đồng minh đã  ký thỏa ước biên giới năm 1963, theo đó Trung Quốc nhượng 1.942 km2 đất cho Pakistan, bù lại Pakistan công nhận nhiều khu vực ở Bắc Kashimir và Ladakh của Ấn Độ thuộc về Trung Quốc.

  • Ấn Độ

Điểm nóng tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nước là vùng Aksai ChinArunachal Pradesh. Với Aksai Chin, Trung Quốc xem đây là một phần của thị trấn Hòa Đoàn thuộc khu tự trị Tân Cương, còn Ấn Độ xem là vùng đất của quận Ladakh thuộc tiểu bang Jammu và Kashmir. Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép 38.000 km2 tại đây. Aksai Chin ít có tài nguyên và dân cư nhưng lại có vị trí chiến lược bởi nối Tây Tạng với Tân Cương và tuyến đường qua Pakistan. Với Arunachal Pradesh, Trung Quốc chiếm giữ 90.000 km2 viện dẩn thuộc vùng nam Tây Tạng. Trung Quốc và Ấn Độ đã có một cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu năm 1962 và cho đến nay cả 2 phía đều tiếp tục quân sự hóa vùng tranh chấp.

Tây Tạng cũng là một vấn đề giữa Ấn-Trung bởi lẽ sau khi Trung Quốc chiếm Tây Tạng năm 1951 và khi Đạt Lai Lạt Ma rời Tây Tạng để phản đối cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1959, Ấn độ đã cho phép đức Đạt Lai lập tu viện ở Dharamsala trên đất Ấn mà tu viện nầy là biểu tượng của sức đề kháng của dân Tây Tạng  trước sự xâm lăng của Trung Quốc. Tuy Ấn Độ trao đổi thương mại với Trung Quốc, nhưng những hiềm khích xưa vẫn tiềm ẩn chưa kể những « chuổi ngọc trai » của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương khiến Ấn Độ lo ngại phải tăng cường lực lượng quân sự để bảo vệ vị thế của  Ấn Độ trong vùng Ấn Độ Dương .

Căn cứ « Xâu chuỗi Ngọc Trai» (Collier de Perles) của Trung Quốc

Trung Quốc đã bị Mỹ và Anh bao vây trên con đường chuyên chở dầu hỏa từ Phi Châu và Trung Đông về Trung Quốc, đặc biệt trong vùng Biển Đông.

Những eo biển quan trọng (Suez, Ormuz, Malacca) đều ngoài vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Để bảo vệ con đường huyết mạch nầy, Trung Quốc đã hợp tác với một số quốc gia trong vùng Ấn Độ Dương để thiết lập một số căn cứ gọi là « xâu chuổi ngọc trai» nối liền miền Trung Đông đến Biển Trung Hoa.

Xâu chuổi Ngọc Trai nầy đe dọa an ninh và quyền lợi kinh tế của Ấn Độ, đó là nguyên nhân của sự căng thẳng ngấm ngầm và bộc lộ giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Những căn cứ nầy là:

  • Tại Pakistan, Trung Quốc hợp tác trong việc xây dựng cảng Gwadar, cách biên giới Iran 72km, gần eo Ormuz, nối liền với vịnh Persique
  • Tại Bangladesh, Trung Quốc xây một hải cảng khổng lồ (Chittagong)
  • Tại Sri Lanka) : Trung Quốc xây một cảng container (Hambantota).
  • Tại Miến Điện (Birmanie, Myanmar) : Trung Quốc thiết lập một trung tâm liên lạc tàu ngầm và tàu chở dầu từ Ấn Độ Dương đến Malacca (Sittwe)
  • Tại Cambot : Trung Quốc cũng đã ký một thỏa ước xây một con đường sắt từ biên giới Hoa Nam ra Sihanoukville.
  • Tại Thái Lan, tuy là nơi có nhiều căn cứ của Mỹ, Trung Quốc cũng có dự án thương thuyết với Thái Lan để xây một con kinh xuyên qua bán đảo Kra để tránh lệ thuộc vào eo Malacca.

Dự án đào kinh Kra đã có từ thế kỷ trước nhưng thường được cả hai chính phủ Thái Lan và Trung Quốc nhắc đến từ nhiều năm nay, ít nhất trong nhiệm kỳ hai chính phủ Thái vừa qua. Mặc dù dự án gặp sự đối lập trong nước (đảo chánh, cựu nữ thủ tướng bị đi tù vì bị kết tội tham nhũng, thực và hư) và áp lực của các quốc gia đang hưởng lợi trong vùng eo biển Malacca (Singapore, Mã Lai, Nam Dương…) nhưng Trung Quốc kiên trì thuyết phục Thái Lan thực hiện dự án, nhất là trong bối cảnh Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường. Trường Đại Học Bắc Kinh, và Công Ty Đầu Tư Grand Dragon International của Trung Quốc luôn tích cực hỗ trợ khảo sát và cung cấp thông tin cho các tổ chức ủng hộ Kinh đào Kra. Vì quyền lợi lưỡng tương giữa Trung Quốc và Thái Lan, Kinh đào Kra sớm muộn gì cũng sẽ thực hiện.

Lâm Văn Bé (01/12/2017)

https://khoahocnet.com/2017/12/16/lam-van-be-chanh-sach-banh-truong-lanh-tho-cua-trung-quoc-voi-cac-lan-bang/

Xem thêm trên Google cùng đề tài, cùng tác giả

  • Khi Trung Quốc là nhà máy khổng lồ của thế giới
  • Trung Quốc một cường quốc nửa vời
  • Trung Quốc một cường quốc cô đơn