Cha đẻ của súng FAMAS, tướng Paul Tellié đã qua đời – Nhữ Đình Hùng
Một cáo phó đăng trên Midi Libre ngày 10.11.2014 cho biết tướng Paul Tellié đã qua đời hưởng thọ 95 tuổi và được an-táng vào ngày 12.11.2014. Ngoài tin dăng trên báo địa phương, không thấy báo chí cấp quốc gia hay giới truyền thông nói đến việc ra đi vĩnh viễn của vị tướng này. Dù rằng phần đóng góp của tướng này cho quân-đội Pháp không nhỏ!
Với phần lớn các quân nhân đã phục vụ trong quân ngũ kể từ 1978, khẩu súng FAMAS là một võ khí quen thuộc (FAMAS là viết tắt của Fusil d’assaut de la Manufacture d’armes de Saint-Etienne: súng tấn công do nhà máy vũ khí Saint-Etienne). Nhưng không mấy ai được biết người nghĩ ra khẩu súng này là Paul Tellié, vị tướng vừa từ trần vào thượng tuần tháng mười một tại Sorède (Pyrenées-Orientales), nơi ông quy ẩn sau khi hồi hưu.
Paul Tellié là một sĩ-quan tốt nghiệp Saint Cyr vào năm 1940, đã đi học trở lại khi 30 tuổi để lấy bằng kỹ sư, sau đó được bổ nhiệm về Manufacture d’armes de Saint Etienne. Ông đã góp phần thực hiện súng FR-F1 vào năm 1956 và súng này được các lực lượng GIGN dùng cho đến 1989. Sau đó, Paul Tellié là người đã nghĩ ra kiểu súng FAMAS được dùng cho đến hiện nay. Súng này được thực hiện dưới sự điều khiển của ông vào năm 1967 và được đưa vào xử dụng từ 1978, cũng vào năm đó, Paul Tellié được thăng lên cấp tướng và về hưu sau đó. Theo phu nhân của tướng Tellié, ông này chỉ được một khoản tiền thưởng tầm thường cho việc nghĩ ra và chế tạo súng FAMAS. Được biết ông Tellié đã từ chối việc thực hiện một loại súng phun lửa vì đánh giá loại vũ khí này ‘quá tàn nhẫn’.
Trong dự án hiện nay của quân đội Pháp, súng FAMAS sẽ được thay thế! Nhưng vũ khí mới sẽ phải có những đặc tính gì?
Súng tấn công FAMAS được chế-tạo trong khung cảnh lực lượng quân sự Pháp dựa trên tình-trạng quân-dịch. Điều này đòi hỏi súng phải đơn giản, dễ xử dụng và bảo-trì. Sau đó, với việc chuyên nghiệp hoá quân-đội, súng đã được cải-tiến với các kiểu thay đổi G2 (dành cho biệt kích hải quân và thủy-quân), FAMAS Félin (có trang-bị hệ thống liên lạc). Cho đến nay, đã có hơn 400.000 súng được sản xuất. Tuy súng có ít trở ngại nhưng quân đội Pháp mong muốn có một loại súng cá nhân cho tương lai (arme individuelle future: AIF) rẻ hơn nhưng có thể Pháp sẽ mua đồ có sẵn trên thị trường vì ngành sản xuất súng tấn công của Pháp hầu như đã ngừng hoạt động, việc cải tiến súng FAMAS đã không còn đặt ra và việc chế tạo các phụ tùng thay thế cũng ngưng, tính ra súng FAMAS đã được 40 tuổi, không còn đáp ứng cho nhu cầu chiến trường hiện tại. Loại súng cá nhân cho tương lai phải vừa gọn, nhẹ, dễ xử dụng, thích hợp cho mọi binh chủng, có tầm chính xác cao và có độ bền lớn và có thể bảo trì trong dài hạn, có thể xử dụng như một súng phóng lưu, nói tóm lại, một loại súng đa năng đa hiệu.
Mikhaïl Kalanikov đã mất vào cuối năm 2013
Nếu cái chết của tướng Paul Tellié, cha đẻ của súng FAMAS, đã được cử hành trong lặng lẽ, số phận dành cho Mikhaïl Kalachnikov cũng chẳng hơn gì.
Mikhaïl Kalachnikov
Mikhaïl Kalachnikov từ trần vào ngày 23 tháng 12 năm 2013 tại Ijevsk trong vùng Oural, thọ 94 tuổi. Như thế, ông ta và tướng Paul Tellié đã sinh cùng năm nhưng cha đẻ của súng Kalachnikov đã chết một năm trước che đẻ của súng FAMAS. Tên ông ta đã gắn liền với khẩu súng do ông chế tạo thường được gọi là súng AK.
Mikhaïl Kalaknikov sinh ngày 10.11.1919, trong một gia-đình ‘koulaks’ (nông dân) đông con (có 17 người con nhưng chỉ có 8 người còn sống) bị đày đi Tây Bá Lợi Á, nhưng ông đã thành-công trong việc đào thoát và xin được việc làm trong một xưởng của hỏa-xa và tập nghề về cơ-khí. Năm 1941, ông bị gọi vào quân ngũ và làm việc cho một công xưởng chế tạo xe tăng. Sau đó, ông trở thành lính lái xe tăng và bị thương nặng trong trận đánh ở Briansk. Trong khi nằm ở nhà thương, ông suy nghĩ việc chế tạo một khẩu súng dùng để ‘bảo vệ tổ quôc’ dựa trên kiểu mẫu súng tấn công Sturmgewehr 44 của Đức.
Phài đợi mãi tới 1947 (sau khi đệ nhị thế-chiến đã chấm dứt) và sau một loạt thử các mẫu, súng AK-47 mới ra đời (AK: Avtomat Kalachnikova), đây là một súng trường tấn-công rất giản-dị, thô-sơ nhưng chắc chắn. Năm sau đó, súng được sản xuất ra hằng loạt, tính đến nay có thể đã lên tới số trên dưới 100 triệu khẩu (do Liên-sô trước đây và các nước trong khối Varsovie, Trung-Hoa, và ngày nay nhiều nước đã tự ý chế tạo). Nhưng Mikhaïl Kalachnikov không có được một xu teng tiền bản-quyền.(Công việc chế tạo súng AK-47 còn nhờ việc trợ thủ của một kỹ sư Đức, Hugo Schmeisser, cha đẽ của súng Sturgewehr 44 hay MP-43; ông này bị Nga bắt làm tù binh ở Đức và gởi về làm dưới quyền của Mikhaïl Kalachnikov).
Không chối cãi được việc súng AK-47 là vũ-khí đã được dùng đến nhiều nhất trong các cuộc tranh-chấp quân-sự trên thế-giới. Nhưng Mikhaïl Kalachnikov nói rằng các súng không tự nó bắn được, chính là người đã làm việc đó và nếu như không có võ khí của ông, người ta đã có thứ khác thay chỗ!.
Ông hãnh diện về ‘khẩu súng giản-dị làm cho một người lính không bằng cấp’. Điều mà ông không hài lòng là việc súng kalachnikov đã trở thành ‘vũ khí thích-hợp của quân khủng-bố’!
Năm 2012, ông cho ra kiểu Kalachnikov mới, lúc đó chánh-quyền Nga mới lưu ý đến ông, khi đó đang sống trong một căn nhà khiêm tốn ở tầng ba một khu chúng-cư tại Ijevsk thuộc Oudmourtie, cách Moscou 1300 cây số. Nhà nước đã ‘ưu ái’ làm thêm một thang máy trong toà nhà nhưng phần chính có lẽ dùng cho cuộc viếng thăm nhằm vinh danh ông của phó thủ-tướng Dmitri Rogozine.
Tính chung, Mikhaïl Kalachnikov đã tạo ra khoảng 150 vũ-khí khác nhau. Ông cũng là người được tưởng-thương nhiều huy chương cao cấp (huân chương Lénine, huân chương Staline 1949, hai bội tinh về lao-động xã hội chủ nghĩa), ủy viên của So Viết Tối Cao (dân biểu Quốc Hội) thời Staline và Kroutchev. Con trai của Mikhaïl, Victor Kalachnikov, cũng làm việc trong xưởng chế-tạo súng liên thanh.
Súng M-16 của Mỹ.
Nói đến AK-47 mà không nói đến M16 sẽ là một điều thiếu xót!
Trên chiến trường Việt Nam từ 68 đến 75, đã có hai loại súng trường tấn-công được nổi bật. Đó là súng AK-47 của Việt Cộng, được trang bị từ sau năm 1963; và súng M-16 được trang bị cho lính Việt Nam Cộng Hoà kể từ sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân của Việt Cộng.
Trước năm 68, quân-viện Mỹ cho Nam Việt Nam gồm những vũ khí có từ đệ nhị thế chiến. Súng trường tấn công có Garand M-1 bắn với kẹp đạn tám viên (chưa kể nút hơi thường hay bị sút khiến súng trở thành vô dụng) thường được trang bị cho lính và hạ sĩ quan, sĩ quan xử dụng súng trường nhẹ hơn, carabine M-1 kẹp đạn hai mươi viên nhưng bắn phát một hoặc carabine M-2 có hai vị thế bắn từng phát hay bắn liên thanh. Với kho vũ khí ối đọng từ sau đệ nhị thế chiến, Mỹ không nghĩ đến việc cung cấp cho đồng minh Nam Việt Nam các loại vũ khí tốt hơn. Phần khác, súng Garand tương đối dài và nặng so với tầm vóc người Việt, và khi hành quân trong rừng thường bị vướng mắc.
Khoảng năm 1966, Việt Cộng đã Xử dụng AK-47 hầu hết mọi trận đánh và đã hoàn toàn áp đảo về hỏa lực. Lúc đó, Mỹ mới nghĩ đến việc xử dụng vũ khí khá hơn để chống lại, họ bắt đầu cho xử dụng một súng tấn-công do hãng Armalite chế-tạo từ khoảng giữa những năm 1950. Súng mang tên AR-15 dùng cho dân sự, xử dụng đạn 5,56 ly. Khi đưa sang xử dụng tại Việt Nam để thử, các quân nhân Mỹ đã thấy mức hữu hiệu của súng và đề nghị trang bị cho quân lực VNCH với một vài sửa chữa như loa che lửa, nút tống vỏ đạn khi đạn bị kẹt. Sau đó, AR-15 được cải biến thành M-16 với các sửa đổi sau đó M16A1. Tuy nhiên M16 rất được lính VNCH thích vì gọn, nhẹ, nạp đạn nhanh, ngược lại, không thích hợp cho việc cận chiến.
Hiện M16 đã đi tới loại M16A4. Số lượng súng trường loại M16 cũng lên tới hằng trăm triệu khẩu, súng này giữ một vai trò quan trọng trong khối tự do cũng như súng AK-47 trong khối sô viết cũ và ở một số nước thuộc khu vực đang trên đường phát-triển.
Nhữ Đình Hùng/tổng hợp/21.11.2014
Nguồn: wikipédia và tài liệu báo chí trên internet