‘Chặt đầu người Cơ đốc giáo’ Ai Cập
Người dân biểu tình ở Ai Cập đòi chính phủ nỗ lực giải cứu con tin
Video này cho thấy một nhóm người mặc đồ màu da cam bị đẩy xuống đất và sau đó bị hành quyết. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tuyên bố Ai Cập có quyền đáp trả thích đáng. Dân quân IS nói đã tiến hành một số cuộc tấn công tại Libya, nơi gần như không có chính quyền. Tuy nhiên tại quốc gia có khá nhiều các nhóm vũ trang, và hiện chưa rõ IS thực sự ảnh hưởng tới đâu.
Quốc tang
Những người Ai Cập bị bắt cóc, tất cả đều là người Cơ đốc giáo Coptic, bị bắt từ tháng 12/2014 hoặc tháng 1/2015 tại thị trấn duyên hải Sirte miền đông Libya, nơi đang nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm Hồi giáo. Băng video chặt đầu họ được những kẻ thánh chiến Hồi giáo Libya, vốn theo IS, tung lên mạng. Lời bình nói rõ họ bị hành quyết vì đức tin của họ. Tổng thống Sisi nói: “Ai Cập và cả thế giới đang trong trận chiến ác liệt chống lại các nhóm quá khích theo đuổi lý tưởng quá khích”. Al-Azhar, tổ chức thần học Hồi giáo có uy tín ở Ai Cập nói vụ hành hình là “man rợ”.
Giáo hội Cơ đốc giáo Coptic thì tin rằng Ai Cập sẽ có hành động giáng trả. Nước này công bố bảy ngày quốc tang. Libya đang ở trong tình trạng hỗn loạn kể từ 2011, sau khi lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ. Kể từ đó nhiều nhóm dân quân vũ trang tranh giành quyền lực. Người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội của Hoa Kỳ tháng trước cảnh báo rằng IS đang mở rộng phạm vi ra “các khu vực có chính phủ và cả những khu vực không có ai quản lý”. Libya có hai chính phủ đối đầu nhau, một ở Tripoli, một ở Tobruk. Trong khi đó thành phố Benghazi ở phía đông, nơi khởi nguồn cuộc cách mạng 2011, lại nằm trogn tay các chiến binh Hồi giáo, một số có liên hệ với al-Qaeda. Vào hôm Chủ nhật 15/2, Ý đã đóng cửa sứ quán ở Tripoli. Ý nằm cách Libya có 750 cây số. Thủ tướng Ý Matteo Renzi đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc can thiệp vào Libya. Hàng nghìn người nhập cư đã qua ngả đường biển Libya để tìm cách sang châu Âu trốn bạo lực. Cũng vào Chủ nhật 15/2, Tổng thống Sisi ra lệnh cấm công dân Ai Cập sang Libya. Cho dù nước này đang nhiễu loạn, hàng nghìn người Ai Cập vẫn tới đây tìm việc làm.