Câu hỏi cho Hội nghị Trung ương 7?
BBC
11/03/2018
Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra trong tháng Năm.
Đây là hội nghị đầu tiên trong năm 2018 của Trung ương Đảng kể từ Hội nghị 6 tháng 10/2017 cách chức ông Nguyễn Xuân Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng.
Sau đây là một số vấn đề có thể được Đảng Cộng sản bàn bạc trước và trong Hội nghị Trung ương 7.
Hệ lụy từ xử lý vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG?
Đầu tháng Ba, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nói việc Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG là vụ việc “rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm”.
Dự kiến Thanh tra Chính phủ sẽ thông báo công khai kết quả thanh tra, vốn bắt đầu từ tháng 9/2016.
Tháng 7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo kiểm tra, kết luận rõ đúng sai vụ Mobifone mua AVG.
Tháng 11/2017, trả lời tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn cho hay khi đó Bộ này vẫn chưa nhận được dự thảo kết luận thanh tra để tiếp thu, giải trình theo quy định.
Tiết lộ gì từ điều tra Vũ Nhôm?
Đầu tháng 1/2018, Việt Nam tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ Nhôm) và tiến hành điều tra khi ông này bị trục xuất về Việt Nam từ Singapore.
Doanh nhân có tiếng từ Đà Nẵng này bị khởi tố về “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”, và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Hồi tháng 12/2017, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu khi gặp mặt cán bộ quân đội nghỉ hưu nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12).
Ông Nghĩa nói Bộ Công an dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng bí thư và Bộ chính trị đang điều tra những vấn đề nóng trong cả nước trong đó có Đà Nẵng.
“Câu chuyện một số doanh nghiệp dựa vào mối quan hệ này nọ rồi bằng nhiều cách để làm giàu cho mình.
Và điều đáng buồn là trong quá trình làm giàu thì họ tìm mọi cách để làm giàu.
Nhưng khi giàu rồi thì tìm mọi cách để can thiệp vào một số việc của chính quyền nhà nước”, ông Nghĩa nói.
Trong diễn biến bất thường, ông Nghĩa tiết lộ hai cái tên: “Ở đây có Vũ Nhôm mà mọi người đang nói, còn ở ngoài Bắc, trong quân đội có Út trọc, cũng thượng tá cả.
Nhưng với quan điểm là người của ai thì đơn vị đó xử lý. Quân đội thì đã xử lý bắt Út trọc rồi.
Và Công an cũng đang xử lý và phải trả lời những câu hỏi đó. Và rõ ràng là không thể coi thường dư luận và ý chí người dân Đà Nẵng chúng ta được.
Hiện nay Bộ Công an đang tập trung vào làm, kết quả như thế nào thì phải chờ.
Tôi nghĩ, tôi rất tin là quyết tâm của Bộ Chính trị sẽ đến cùng những sự việc dư luận quan tâm, phải trả lời cho nó đúng,” ông Nghĩa nói.
Điều tra các ông Vũ Nhôm, Út trọc có thể dẫn tới việc kỷ luật trong Đảng hay không sẽ là câu hỏi lớn thời gian tới.
Doanh nghiệp nhà nước?
Hội nghị Trung ương 5 khoá XII tháng 5/2017 đã nhấn mạnh tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Một hệ lụy của chủ trương này là sẽ xóa bỏ chức năng đại diện sở hữu của các bộ, Ủy ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp.
Những người ủng hộ chủ trương này nói nó sẽ giúp giảm xung đột về mặt lợi ích có thể xảy ra khi một cơ quan nhà nước vừa thực hiện chức năng quản lý, vừa thực hiện chức năng chủ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước.
Kết quả là vào tháng 2/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Được đánh giá là “siêu ủy ban”, cơ quan này sẽ nắm giữ 5 triệu tỷ đồng vốn.
Dự kiến 30 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế sẽ chuyển giao cho Ủy ban này, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của các bộ.
Trong số này có cả Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Hàng không Việt Nam…
Báo cáo mới nhất năm 2018 của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho hay số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã giảm mạnh, từ hơn 6.000 DNNN năm 2011 hiện còn hơn 500 DNNN.
Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 150 DNNN.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh chưa bao giờ Chính phủ ban hành danh mục bán vốn tại doanh nghiệp, danh mục IPO tới năm 2020 và công khai cho các nhà đầu tư biết như năm 2017.
Dự kiến sắp tới sẽ có 4 doanh nghiệp lên sàn chứng khoán là Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Điện lực Dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Chiến lược cán bộ?
Ban Tổ chức Trung ương sẽ trình ra tại Hội nghị 7 Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Nói về đề án, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tinh thần là chuẩn hoá và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và tình hình mới đặt ra, giải phóng được nguồn lực, phát huy tiềm năng, trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực.”
Theo Ban chỉ đạo đề án, có 610 người được xếp vào diện cán bộ cấp chiến lược, là lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương; những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết những vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban bí thư.
Ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nói: “2018 là năm bản lề, cần phải chuẩn bị cán bộ cho nhiệm kỳ tới.”
Theo truyền thông Việt Nam, dự thảo đề án đặt ra, đến năm 2020 hoàn thành nghiên cứu, xây dựng chiến lược nhân tài, chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuẩn bị nguồn nhân sự đại hội Đảng các cấp thông qua các “tổ chức khảo sát nhân sự”.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã tổ chức 12 cuộc hội thảo, nhiều lần gửi văn bản xin ý kiến góp ý của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và một số tập đoàn, tổng công ty về đề án này.
Đề án này sẽ được trình Bộ Chính trị vào cuối tháng 3 và trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 vào tháng 5.
Cải cách tiền lương?
Hội nghị Trung ương 7 sẽ thảo luận về vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách người có công.
Đảng Cộng sản thừa nhận cải cách tiền lương không phải chỉ có việc tạo nguồn tiền mà phải dựa vào cả sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế.
Hội nghị Trung ương 6 khoá XII đã thông qua hai nghị quyết về Sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và Đổi mới cơ chế, đổi mới cơ chế tài chính, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công, nói đây là tiền đề “quan trọng” để Hội nghị Trung ương lần thứ 7 thảo luận cặn kẽ và thông qua một nghị quyết về cải cách tiền lương.