Câu chuyện Đài Loan
”…Thử thách ở phía trước quả là không dễ dàng, nhưng cộng đồng quốc tế sát cánh với chúng tôi. Đài Loan luôn đứng vững với quyết tâm của mình. Cùng nhau, chúng ta sẽ làm cho ánh sáng của tinh thần ấy chiếu lên mọi nơi trên thế gian…”
Bà Thái Anh Văn – Tổng thống Đài Loan – phát biểu tại Đại Học Columbia ở New York ngày 12/7/2019.
Được lời mời tới phát biểu ở đây, nơi tiền phong về tự do ngôn luận và sự đa dạng quả là vinh hạnh lớn lao.
Tôi tốt nghiệp trường Luật Cornell năm 1980, hôm nay trở lại môi trường đại học ở New York làm sống lại bao kỷ niệm. Đời sống ở New York những năm 1980 quả là đã mở mắt cho người sinh viên trẻ đến từ Đài Loan hồi đó chẳng thể nào dám coi là cái nôi của dân chủ. New York lúc đó với chuẩn mực về sự đa dạng cùng với các quan điểm khác nhau cùng tồn tại và hôm nay đứng đây tôi vui sướng thấy rằng điều này ở New York vẫn trường tồn và không hề thay đổi.
Câu chuyện về ‘sự thay đổi’ chính là điều tôi muốn nói hôm nay. Đó là câu chuyện Đài Loan. Đó là câu chuyện về một hành trình của hòn đảo không xa Trung Hoa lục địa đã tìm ra cho mình con đường dân chủ hoá và đã nêu tấm gương cho thế giới về bước đi lên tới nền dân chủ.
Trong thời kỳ đầu của sự quá độ về mặt chính trị, người ta bảo có dân chủ nào tồn tại được dưới cái bóng của Trung Quốc? Vậy mà Đài Loan hôm nay là biểu hiện của một xã hội dân chủ rộng rãi và hệ thống chính trị vững mạnh.
Người ta còn bảo hòn đảo tài nguyên hạn hẹp với số dân có 23 triệu người thì làm được trò trống gì trong nền kinh tế toàn cầu. Vậy mà nay chúng tôi đã trở thành đối tác kinh tế đứng thứ 11 trong số các đối tác lớn nhất của Hoa Kỳ.
Người ta còn nói các giá trị tiến bộ làm sao mà bén rễ được ở xã hội Đông Á. Nhưng hôm nay tôi đứng đây là người phụ nữ đầu tiên làm Tổng thống Đài Loan, và chúng tôi là quốc gia đầu tiên ở Châu Á thực hiện hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính.
Câu chuyện Đài Loan có vẻ như là không thể nào thành công. Người ta còn bảo chúng tôi là thể hiện sự kỳ diệu của dân chủ, nhưng bản thân tôi không bao giờ tin rằng trên đời này có ‘sự kỳ diệu’ nào cả. Mà tôi tin vào ý chí của người dân, tôi đặt niềm tin vào tầm nhìn của nhân dân về một thế giới tốt đẹp hơn.
Cũng như nước Mỹ, con đường tiến lên dân chủ của chúng tôi cũng thật gian nan, cũng có máu đổ, cũng thật khó nhọc với bao mồ hôi và nước mắt của tiền nhân. Giờ đây thế hệ chúng tôi phải gánh vác trọng trách và tiếp tục gương cao bó đuốc soi sáng con đường cho các quốc gia vẫn đang trên hành trình hướng tới dân chủ.
Trọng trách trên vai chúng tôi thật nặng nề, và con đường đang đi đâu phải dễ dàng. Bởi những thử thách ở trước Đài Loan hôm nay lại hoàn toàn khác với những thử thách mà chúng tôi đã vượt qua trong những thập niên trước. Những thử thách ấy cũng là điều mà tất cả quốc gia dân chủ của thế giới trong thế kỷ 21 phải đương đầu. Vì sao như vậy? Bởi vì nền tự do trên thế giới hiện đang đứng trước sự đe doạ chưa từng có trong lịch sử.
Chúng ta thấy sự đe doạ đó đang diễn ra tại Hồng Kông. Vì không có phương tiện nào khác để lên tiếng, giới trẻ đã xuống đường để đấu tranh đòi tự do trong một xã hội dân chủ. Nhân dân Đài Loan chúng tôi sát cánh với những thanh niên dũng cảm ấy.
Kinh nghiệm của Hồng Kông với cái gọi là “một quốc gia, hai thể chế” là bài học cho thế giới thấy rõ hơn bao giờ hết rằng độc tài không thể nào cùng tồn tại với dân chủ. Khi có dịp là thể chế độc tài sẽ bóp chết dân chủ, chỉ cần một tia sáng yếu ớt hé lên ánh dân chủ thôi thì cũng đã bị dập cho phải tắt. Hành trình dân chủ có thể từ từ như giọt nước thấm vào đất, chỉ nhẹ như làn gió và dường như người ta không cảm thấy điều đó đang diễn ra.
Thử tưởng tượng: Bộ máy độc tài càng ngày càng làm cho đời sống con người bị bó chặt. Bỗng nhiên một ngày quán sách bị đóng cửa vì bán sách cấm. Bỗng nhiên người ta bị đưa đi thẩm vấn vì đã đăng bài trên mạng xã hội phê phán chính sách gì đó của nhà nước. Quý vị đang yên đang lành, bỗng dưng lại cảm thấy như bị một thế lực vô hình kiểm soát từng bước đi. Vậy là quý vị bắt đầu phải ngẫm lại để tự kiểm duyệt lời nói và cách tư duy của mình. Quý vị không dám bàn thế sự với bạn bè như trước vì sợ lời nói của mình sẽ bị ai đó nghe. Quý vị phải dành bao thời gian cảnh giác trước sau để được an toàn thì còn đâu thời gian để suy nghĩ về tương lai chi nữa.
Từ giảng đường Đại học Columbia đây, điều tôi đang nói có vẻ như lạ lùng lắm, như xa xôi lắm. Nhưng trên thực tế, tình cảnh ấy đang diễn ra ngay trước mắt. Bởi vậy chính lúc này đây, câu chuyện của chúng tôi, câu chuyện Đài Loan cần phải được thế giới nghe thấy. Đó là câu chuyện về sự kiên trì hướng tới dân chủ, là câu chuyện về lòng quyết tâm với mục tiêu dân chủ sẵn sàng vượt qua mọi trở lực. Câu chuyện của chúng tôi là câu chuyện tại sao các giá trị vẫn phải là nền tảng bền vững. Vực sâu ngăn cách sự khác biệt về chính trị và văn hoá nơi eo biển Đài Loan mỗi ngày mỗi sâu hơn. Mỗi ngày Đài Loan chọn cho mình tự do ngôn luận, quyền cho con người và nền pháp trị là mỗi ngày chúng tôi trôi ra xa hơn khỏi cái vòng ảnh hưởng của độc tài toàn trị.
Câu chuyện của chúng tôi, sự tồn tại của chúng tôi chính là điều đánh thức thế giới rằng dân chủ là tài sản quý báu nhất của chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ dân chủ bằng mọi giá. Từng ngày từng ngày, Đài Loan đứng vững trên tiền tuyến của dân chủ, đương đầu với các thử thách mới đầy cam go, đầy khác biệt chỉ có ở kỷ nguyên công nghệ thông tin.
Nhưng chúng tôi không đơn độc. Thực tế là các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, trên thế giới đều đang phải trong trận chiến chống lại sự xâm nhập trong cuộc chiến tranh kiểu mới về nhận thức từng ngày. Các chính phủ độc tài toàn trị muốn khai thác sự tự do ngôn luận đặc thù của xã hội dân chủ để gieo mầm chia rẽ chúng ta, những mong sẽ làm cho chúng ta phải nghĩ lại về hệ thống chính trị của mình và chúng ta sẽ mất đi niềm tin vào dân chủ. Đài Loan đã ở nơi tiền tuyến của cuộc chiến ấy ròng rã bao nhiêu năm rồi, nhờ đó mà chúng tôi cũng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với thế giới.
Ở kỷ nguyên kỹ thuật số, thông tin sai sự thật có thể được biến hoá thành sự thật chỉ trong vài giờ đồng hồ. Nhưng thử thách lớn nhất để chống lại sự đe doạ này là chúng ta phải tìm được sự cân bằng giữa một bên là an ninh quốc gia và một bên là tự do ngôn luận. Ở Đài Loan, chúng tôi đã thực hiện các bước đầu tiên coi vấn đề này là chính sách ưu tiên.
Chúng tôi đã củng cố sức mạnh của hệ thống pháp lý nhằm xác định và ngăn cản sự lan toả của thông tin sai sự thật. Chúng tôi đang đi sâu vào vấn đề chống rò rỉ tin tình báo bởi các thế lực bên ngoài. Cùng với hệ thống chia sẻ tin tình báo mạnh mẽ hơn với các quốc gia khác, chúng tôi sẽ nâng cao được năng lực làm việc tốt hơn nhằm ngăn chặn các đe doạ loại này.
Nhưng dân chủ cũng phải đương đầu với các thử thách khác nữa, nhất là trong vấn đề lấy đòn bẩy kinh tế treo theo các điều kiện ngầm. Nhiều quốc gia trên thế giới đang bị người ta đặt vào vị thế phải chọn một bên là dân chủ, một bên là phát triển kinh tế và vấn đề lựa chọn thế nào là đúng lại càng ngày càng trở nên mù mờ hơn.
Nhưng khi nào tôi còn ở cương vị Tổng thống, thì Đài Loan sẽ còn tiếp tục chứng minh cho thế giới thấy rằng dân chủ và tăng trưởng kinh tế không chỉ có lợi cả hai mặt và là hai vấn đề thực sự gắn chặt với nhau. Nền kinh tế của chúng tôi đã từng rơi vào tình trạng bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc làm cho sự chủ động của chúng tôi bị giới hạn trong các vấn đề song phương. Trung Quốc đã triệt để khai thác sự lệ thuộc này, lấy đó làm phương tiện xâm nhập xã hội chúng tôi, nhằm tạo cơ sở làm con bài để mặc cả đòi chúng tôi phải lấy nền dân chủ của mình ra để đánh đổi. Nhưng Đài Loan đã quyết tâm theo đuổi con đường khác để phát triển kinh tế. Nền dân chủ sẽ ý nghĩa gì nếu để mất đi mảnh đất gieo mầm cho sự sáng tạo và nuôi dưỡng ý tưởng mới được trở thành hiện thực?
Chúng tôi đã dấn bước cải cách nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư dễ dàng nhờ đó đã đạt được con số kỷ lục các công ty Đài Loan trở về. Cũng nhờ thế mà các công ty nước ngoài, nhất là các công ty lớn cũng mở rộng đầu tư và hoạt động tại Đài Loan. Chỉ trong năm nay, các công ty này đã đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ vào nền kinh tế của chúng tôi và tạo ra hàng vạn việc làm. Dòng chảy đầu tư sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm trước mắt.
Chúng tôi đã làm việc không mệt mỏi để đóng vai trò tích cực xây dựng trât tự thương mại khu vực dựa trên các quy định pháp luật và xây dựng mối quan hệ thương mại vững mạnh hơn với các thị trường ở vùng Nam Á và Đông Nam Á. Chính sách mới của chúng tôi hướng về phía Nam đã mang lại mức tăng trưởng vượt bậc ở khu vực trong ba năm qua và điều quan trọng hơn nữa đó là sự tăng trưởng thực sự bền vững.
Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới bị rơi vào hoàn cảnh là nạn nhân của cái bẫy vốn vay, chúng tôi trụ vững với chính sách nhấn mạnh sự hợp tác phải là sự phát triển bền vững cho cả đôi bên, và các quốc gia đối tác của chúng tôi ở Nam Á và Đông Nam Á là minh chứng cho sự có lợi của cả hai bên trên cơ sở đó.
Trong khi Trung Quốc tập trung vào thủ đoạn cướp giật đồng minh của chúng tôi nhằm cô lập chúng tôi, chúng tôi vẫn kiên quyết thực hiện các dự án với mục tiêu làm sao cho cả hai bên đối tác đều phải trở thành các quốc gia tốt hơn cho đời sống con người. Chúng tôi cũng đang giúp cho các quốc gia trên thế giới xây dựng năng lực kinh tế và năng lực dân chủ nhằm tạo dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho thế kỷ 21 với hệ thống hạ tầng rõ ràng về cấu trúc cơ bản và công nghệ số.
Một lần nữa, Đài Loan mang tới cho thế giới một hình mẫu về sự phát triển tích cực và phát triển tiến bộ. Chúng tôi từ chối bị thao túng bởi các hành vi đe doạ nhằm nuốt sống chúng tôi, và chúng tôi vẫn từng bước chứng minh rằng sự hợp tác thành thực và công khai sẽ mang lại kết quả thật sự và lâu dài.
Chúng tôi đã thành công trong lĩnh vực điều chỉnh để thích ứng với các thử thách đặt ra bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, không phải vì chúng tôi bất chấp dân chủ mà chính vì chúng tôi có dân chủ nên mới thành công. Hệ thống dân chủ của chúng tôi đã làm cho chúng tôi trở thành quốc gia thân thiện với các các ý tưởng đa dạng và các phát kiến có đất dụng võ, tạo cho quốc gia có sự linh hoạt để phá đi những khuôn mẫu mòn mỏi nay đã lỗi thời.
Nhân câu hỏi quý vị đặt ra rằng làm thế nào để lựa chọn giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế, tôi xin đáp rằng sự lựa chọn đã rõ ràng: dân chủ và tăng trưởng kinh tế là hai mặt không thể tách rời.
Lịch sử đã cho chúng ta bài học rằng các quốc gia dân chủ có sức mạnh nhất khi thống nhất hành động và yếu nhất khi bị chia rẽ. Nếu không có Đài Loan, liên minh quốc tế giữa các quốc gia đồng chí hướng sẽ mất đi sự nối kết mấu chốt trong nỗ lực đảm bảo các giá trị của chúng ta sẽ được truyền lại cho các thế hệ tương lai.
Đài Loan hiên ngang là một minh chứng hiếm có về một quốc gia vừa đã từng nếm mùi độc tài chuyên chế nay lại là quốc gia tiên phong cho dân chủ trong thời hiện đại. Chính vì lẽ đó điều càng quan trọng hơn bao giờ hết là cộng đồng quốc tế hãy ủng hộ một Đài Loan tự do và dân chủ. Sự sống còn của Đài Loan không phải chỉ là trong mối quan hệ xuyên eo biển. Đài Loan là ngọn hải đăng của nền dân chủ ở vùng Ấn Độ -Thái bình dương, và cả thế giới đang theo dõi chặt chẽ những tiền lệ chúng tôi đặt ra cho tương lai của nền dân chủ.
Là một thành viên của cộng đồng thế giới các quốc gia đồng chí hướng, chúng tôi biết rằng chúng tôi không đứng một mình. Xin nhắc lại lời của Herbert Hoover “Tự do là cánh cửa mở ra đón ánh sáng của tinh thần nhân văn và nhân phẩm của con người”. Thử thách ở phía trước quả là không dễ dàng, nhưng cộng đồng quốc tế sát cánh với chúng tôi. Đài Loan luôn đứng vững với quyết tâm của mình. Cùng nhau, chúng ta sẽ làm cho ánh sáng của tinh thần ấy chiếu lên mọi nơi trên thế gian, chỉ cần rằng chúng ta chọn cách mở cánh cửa và trực diện với tương lai đang chờ phía trước.
Kim Chi
Nguồn: facebook.com/bui.k.chi.1/posts/10219854659904814
Nguyên văn tiếng Anh tại đây:
President Tsai attends discussion session at Columbia University
https://english.president.gov.tw/News/5776