Carl Thayer: Bắt giữ Hải Dương Địa Chất 8 thông qua Interpol?
Giáo sư Carl Thayer, trường đại học New South Wales, Úc trong bài viết mang tựa đề « Việt Nam, Biển Đông và cộng đồng quốc tế trong đó có Úc », đăng tải hồi cuối tháng 8/2019, đề nghị Việt Nam nên tham khảo các chuyên gia pháp lý quốc tế, về tiến trình bắt giữ chiếc Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8), thông qua cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol.
Ông khuyến cáo cảnh sát biển Việt Nam cần phải tiếp tục duy trì sự hiện diện ở bãi Tư Chính để bảo vệ chủ quyền. Song song đó, Việt Nam cần tiếp tục phản đối về mặt ngoại giao ở mọi cấp độ : đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, bộ Ngoại Giao Trung Quốc ở Bắc Kinh, các lãnh đạo cao cấp của đảng và chính quyền, quân đội Trung Quốc.
Việt Nam cũng phải tiếp tục vận động các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế để tìm kiếm sự hỗ trợ trước các hành động bức hiếp của Trung Quốc. Cần nói rõ với các nước ASEAN là không thể chấp nhận một bộ quy tắc ứng xử không bảo vệ quyền lợi chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS.
Giáo sư Thayer đề nghị Việt Nam tích cực hơn, rõ ràng và kịp thời hơn trong thông tin về các hành vi phi pháp của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Chẳng hạn mời báo chí nước ngoài đến quan sát trên thực địa, đưa thiết bị bay không người lái đến bãi Tư Chính để cung cấp cho báo chí các bằng chứng sống động.
Bên cạnh đó, đại sứ quán Việt Nam tại Washington nên thông tin kịp thời về hành động bức hiếp của Trung Quốc cho Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Mỹ, vận động thông qua dự luật trừng phạt về Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Cuối cùng, Việt Nam cần duy trì khả năng kiện Trung Quốc theo Phụ lục VII của UNCLOS như Philippines đã làm năm 2013.
Được biết cơ quan cảnh sát quốc tế có trụ sở tại Lyon, Pháp, được phát hành các thông báo liên quan đến các nghi can bị truy nã vì những tội nghiêm trọng, người mất tích, các mối đe dọa tiềm tàng…Tuy nhiên các «thông báo đỏ» của Interpol không thể thay thế các phán quyết của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC) hoặc các tòa án mang tính quốc tế khác.
Theo RFI