Cập nhựt tình hình sau hai năm chiến tranh mậu dịch Hoa Kỳ – Trung Quốc – Gs Nguyễn Bá Lộc

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cập nhựt tình hình sau hai năm chiến tranh mậu dịch Hoa Kỳ – Trung Quốc – Gs Nguyễn Bá Lộc

Gs. Nguyễn Bá Lộc

Chiến tranh mậu dịch giữa Hoa kỳ và Trung quốc (TQ) hiện nay là đề tài thời sự quan trong nhứt chẳng những tại Hoa kỳ (HK) mà còn tại rất nhiều quốc gia khác. Vì nó liên quan tới cuộc sống hàng ngày và tương lai của hầu hết mọi người dân Hoa kỳ, và tương lai của cộng đồng thế giới.

Cuộc chiến thương mại nầy thực sự là một cuộc chiến toàn diện của hai siêu cường. Một TQ bằng nhiều chiêu đòn ma giáo đi lên rất nhanh, rất nguy hiểm. Một HK bị nhiều thiệt hại vì bị những tiến công về kinh tế và kỹ thuật. Nay HK phải thức tỉnh, phải quyết tâm nếu không sẽ bị TQ qua mặt trong tương lai, và tình hình sẽ khó khăn hơn nhiều.

1.Sơ lược lại trận chiến mậu dịch Hoa kỳ – Trung quốc

Trong lịch sử chiến tranh kinh tế thế giới, đây là một trong những cuộc chiến lớn. Dù khởi đầu là chiến tranh mậu dịch, nhưng thực sự nó là cuộc chiến trên nhiều mặt. Hoa kỳ coi đây là cuộc chiến chẳng đặng đừng, trể còn hơn không. Còn Trung quốc thì phải chống đở bằng mọi giá, vì đó có liên hệ tương lai chế độ, tương lai mô hình và chiến lược kinh tế.

 Nguyên do cuộc chiến

Thâm thủng mậu dịch: Chánh yếu là sự thâm thủng mậu dịch quá lớn giữa Hoa kỳ và Trung quốc, trên $375.2 tỷ (2017) càng ngày càng lớn (2018 nhập siêu lên 420 tỷ). TT Trump yêu cầu TQ giảm ngay thâm thủng bớt $100 tỷ mỗi năm. Sự mất mát lớn đó của HK chánh yếu là do TQ chơi đòn ma giáo, loại mậu dịch không công bằng, HK yêu cầu TQ phải có chánh sách mậu dịch đàng hoàng (fair trade). TQ đang có nền kinh tế lớn thứ nhì, sau Hoa kỳ về tổng sản lượng (GDP). Trong 30 năm qua, TQ tung hàng hóa ra khắp thế giới với giá rẽ.

Đầu tư ngoại quốc: Nhờ thị trường rất lớn và nhân công rẽ, TQ đã thu hút đầu tư ngoại quốc mạnh nhứt thế giới. TQ lại có luật lệ ép buộc các công ty ngoại quốc phải giao kỹ thuật cao cho quốc doanh. Trong nước thì các công ty quốc doanh được trợ cấp của chánh phủ, tạo ra sự canh tranh bất công.

TQ ăn cắp kỹ thuật cao phần lớn là từ HK (sản phẩm trí tuệ, intellectual property), đem áp dụng trong nước và đã phát triển đến mức quan trọng . Những loại kỹ thuật cao đó xử dựng trong công nghiệp và kỹ nghệ quốc phòng . Về đường dài những tiến bộ kỹ thuật hết sức quan trọng.

Tham vọng bá quyền. Sau thành công vượt bực về kinh tế, TQ nuôi dưỡng mộng bá quyền toàn cầu. Bằng phương cách dụ dỗ, TQ liên kết được nhiều quốc gia với viện trợ và đầu tư to lớn (kế hoạch Belt and Road) . Sự xâm chiếm nầy rất độc hại, như một loại “thực dân mới”. HK rất lo ngại cho sự thay đổi trật tự thế giới trong tương lai theo chiều hướng bá đạo.

Chiến tranh mậu dịch mà HK khởi đầu tấn công TQ chỉ là bề nổi, là một mục tiêu trong nhiều mục tiêu . Cuộc chiến lại càng phức tạp hơn vì hai bên lâm chiến là hai nước có kinh tế số một và số hai thế giới, gần như đối nghịch nhau về thể chế chánh trị, về văn hóa, về triết lý công quyền. Sự thiệt hại của hai nước chẳng những ảnh hưởng cho chính nước đó mà còn ảnh hưởng tới kinh tế thế giới.

Vì vậy cuộc chiến khó kết thúc, mặc dù qua nhiều vòng đàm phán, nhiều yêu cầu nêu ra.

Mục tiêu , Thế và Lực của hai bên lâm chiến

Mục tiêu của phía HK

Giảm nhập siêu với TQ bằng hai cách cùng lúc giảm nhập cảng hàng TQ đủ loại, đồng thời yêu cầu TQ nhập thêm hàng từ Mỹ nhứt là nông sản, computer, xe hơi, máy bay…trong đó nông sản là quan trọng nhứt.

HK yêu cầu TQ sửa luật đầu tư ngoại quốc, bỏ điều kiện chuyển giao kỹ thuật. Bỏ trợ cấp bất hợp lệ cho quốc doanh.

HK yêu cầu TQ ngưng ăn cắp sản phẩm trí tuệ, sao chép tài liệu, ấn bản kỹ thuật.

HK muốn chận sự tiến mạnh giấc mộng Trung hoa.

Thế và lực của HK

Kinh tế mạnh toàn diện, Khoa học kỹ thuật cao hơn. Quân sự và ngoại giao mạnh hơn.

HK tôn trọng và bảo vệ Dân chủ Tự do và Nhân quyền cho nước Mỹ và cho thế giới. Các đồng minh HK , nhứt là các nước Nhựt, Úc, Ấn ủng hộ mạnh mẽ. Âu châu không chống lại nhưng khuyến cáo nên có giải pháp thương lượng. Dân chúng có hai thái độ. Phần ủng hộ có vẽ nhiều

hơn. Nhưng HK có nhược điểm: Trong chế độ chánh trị tự do dân chủ . Dân chúng và truyền thông tự do phát biểu lung tung, Đảng Dân chủ tìm mọi cách hạ TT Trump. Việc tái đắc cử 2020 là điều quan trọng nhứt cho TT Trump. TQ thấy điểm yếu nầy của TT Trump mà câu giờ. Nhưng TT Trump là một TT muốn làm chuyện lớn và cương quyết. TT Trump vẫn muốn thương lượng, nhưng ở thế mạnh, không chấp nhận đình chiến mà hai bên huề. Vì huề là thua.

Mục tiêu của TQ  là cố chịu đựng những thiệt hại. Tìm được thỏa hiệp trước ngày bầu cử HK thì ít thiệt hại hơn.

 Cái mạnh của TQ là chế độ độc tài, dân chúng và truyền thông không dám chống đối. Chánh quyền nắm hầu hết các bộ phận quan trọng của kinh tế . TQ đã có nền kinh tế phát triển nhanh và mạnh trong ba thập niên qua, chánh quyền nắm giử tiền bạc, ngoại tệ, quốc doanh, viện trợ, nhân lực, xuất cảng.. TQ có dân số quá đông, lợi tức đầu người còn thấp. Đã từ một nước rất nghèo đi lên, nay dù có đi xuống dân cũng chịu đựng được.

Nhưng TQ có các nhược điểm là chánh trị và sự đoàn kết giữa dân và chánh quyền , giữa các phe phái đảng viên không bền không tốt. Sự điều hành kinh tế không minh bạch giả dối, không có niềm tin của dân và của quốc tế. Các nhà đầu tư ngoại quốc làm ăn ở TQ chỉ vì lợi nhuận. Nếu có nước nào có điều kiện tương đương , các doanh nghiệp ngoại quốc có thể rời TQ . Cái trung tâm chế biến khổng lồ của thế giới sẽ dần dần teo lại.

2.Tóm tắt diễn biến trận chiến

Cuộc chiến đã mở màn từ giữa năm 2017, TT Trump nêu lên vấn đề HK cần phải giải quyết bất công , bất hợp lý với TQ mà HK bị thiệt hại quá lớn kéo dài hàng chục năm qua.

Đánh lần 1,Tháng 3/2018: TT Trump đánh thuế quan lên thép 25% và 10% lên nhôm từ TQ.

HK- TQ họp lần 1, hai phái đoàn cấp thấp. Không kết quả.

Đánh lần 2, Tháng 7/2018, HK tăng thuế quan 25% lên $34 tỷ hàng kỹ thuật cao từ TQ.TQ đánh trả tăng thuế quan 25% trên 16 tỷ hàng nhập từ HK.

Đánh lẩn 3, Sau đó một tuần KH đánh 25% lên 200 tỷ hàng TQ. TQ đánh trả lên 60 tỷ hàng HK.

Tháng 12/18 , TQ  hạ thuế đậu nành xuống 10%.

Tháng 12/18 HK-TQ hợp lần 2, cấp Bộ trưởng.

Ngưng chiến 3 tháng để tiếp tục thương lượng, sau khi TT Trump gặp TC Bình ở Thượng đỉnh G20 tại Argentina (12/2019).

Cuối tháng 3/19, hết hạn, cuộc họp ngưng, và đến tháng 5/19 họp lại. Nhưng kéo dài đến tháng 7 lại ngưng. Hai bên đổ lỗi cho nhau là không giữ lời hứa hay đòi những điều quá đáng.

Đánh trận thứ 5, tháng 8/2019.

TT Trump đánh mạnh hơn. Đưa ra hai lists hàng hóa, một list 250 tỷ sẽ bị 25%-30% từ 01/10/2019 và một list 300 tỷ với tariff phụ thêm 10% – 15%, từ 01/09/19 . Nhưng rồi sau đó TT Trump miễn  đánh thuế phân nữa , còn phần kia được hoãn tới 15 tháng 12, vì các tiệm buôn Mỹ cần nhập hàng cho mùa lễ tới. Và list 250 tỷ với 25-30% áp dụng từ 01/10/19. TQ đánh trả lại tăng 25% cho 75 tỷ hàng Mỹ, gồm nông sản, xe hơi, điện tử.. áp dụng từ 1/9/2019. Như vậy từ 1 tháng 9 nầy có độ 125 tỷ hàng TQ tăng giá 10-15%.

Nhưng mấy ngày họp G7 ở Pháp TT Trump muốn tăng thêm 5% nữa cho hai list vừa rồi, $550 tỹ.

Nhưng ngày chót ở Paris, TT Trump nói là TQ muốn nối tiếp các buổi họp thương thảo vào tháng 9 nầy.

Ngoài mặt trận mậu dịch, HK còn yêu cầu TQ phải sửa lại các bất hợp lý lớn:

Cải thiện luật đầu tư, bỏ việc chuyển giao công nghệ.

Không được trợ cấp trái phép cho quốc doanh

TQ đã có một số cải sửa theo yêu cầu của HK và yêu cầu của tình thế.

Không được lủng đoạn tiền tệ (hạ thấp đồng yuan). TQ hạ giá đồng yuan để hàng xuất cảng rẽ.

HK yêu cầu WTO xem lại qui chế “ nước đang phát triển” của TQ.

TT Trump còn ra lịnh cho công ty Mỹ rút khỏi TQ đến một nước khác hay về lại HK.

Mặt khác, HK cho kiểm tra chặt chẻ tình báo TQ ẩn mình trong các công ty lớn của Mỹ và ở một số quốc gia khác. Như đánh đại công ty Huawei và các công ty con.

Cuộc chiến kỹ thuật đi song song với chiến tranh mậu dịch. Chiến tranh kỹ thuật HK có thế mạnh hơn, không bị đánh trả.

Chiến thuật của Hoa kỳ:

Đánh nhanh, mạnh , toàn diện về các mặt: mậu dịch . Đầu tư. Kỹ thuật . Tiền tệ. Tâm lý chiến. Phối hợp đồng minh.

Nhược điểm của HK là quyền của TT bị nhiều giới hạn và áp lực. Các áp lực với TT trong vài tháng qua gia tăng theo sự leo thang chiến tranh . Áp lực từ truyền thông đối lập. từ các công ty trong và ngoài nước, từ người tiêu thụ .

Chiến thuật của TQ. TQ kỳ nầy phải tính toán thật kỹ. Nếu đỗ vở lớn về kinh tế sẽ là tiêu tan mô hình “tư bản + XHCN” cọng thêm chủ nghĩa Dân tộc.

TQ dùng chiến thuật chịu đựng trường kỳ, thâm hiểm chống lại một xã hội cởi mở tuân thủ luật pháp. Tập cận Bình không bị áp lực quần chúng, nhứt là không có đối lập. Không bị chi phối bởi bầu cử hay bất cứ áp lực từ đâu đến.

Trên bình diện quốc tế, TQ lợi dụng mọi sơ hở của luật pháp, chủ trương giả dối là hợp tác trong hòa bình và lưởng lợi. TQ chống đối mạnh mẽ chủ nghĩa “bảo hộ” TQ chụp lên TT Trump.

TQ dùng tiền mua chuộc các nước tham nhũng qua hay quá nghèo qua các hợp tác đầu tư.

3. Kết quả và Hậu quả chiến tranh mậu dịch

Phải đánh TQ về kinh tế. Đó là quyết tâm của TT Trump ngay khi mới nhậm chức. TT Trump lúc đó nghĩ rằng đánh TQ trên mặt trận mậu dịch dễ thắng. Nhưng thực sự qua hơn một năm, cuộc thương chiến nầy khá phức tạp và không dễ dàng.

Sau đây là một số kết quả và hậu quả sơ khởi. Sự suy yếu và khó khăn của TQ là “sự thắng lợi” của HK và ngược lại. Vấn đề đặt ra là sự suy giảm của mỗi bên có tính cách tạm thời hay lâu dài.

HK được xem là có chánh nghĩa , và có nhiều thuận lợi về mặt tâm lý chiến . TT Trump được sự ủng hộ của nhiều người Mỹ hơn, vì ông dám khởi sự cho một đối đầu đáng lý phải có từ vài chục năm trước, tình trạng nếu càng để lâu càng bất lợi cho HK. Dân chúng HK và thế giới qua cuộc chiến, thấy rõ hơn thủ đoạn và gian manh của chế độ CS, của chánh quyền độc tài toàn trị . Thế giới thấy rõ hơn cái gọi là “ Giấc mộng Trung hoa” hiện nay.

Trên thực tế dù trận đánh thực sự chưa cao và toàn diện, nhưng HK có một số “chiến thắng” :

Kinh tế TQ chậm lại và mức phát triển kém, theo các nhà nghiên cứu thì năm nay chỉ đạt độ 6%, con số thấp nhứt trong ba thập niên qua. Công nợ và nợ xấu rất cao (nợ xấu chiếm khoảng 40%). Xuất cảng giảm, nhứt là thị trường HK . Nhiều công ty phải thu hẹp hoạt động (theo báo China Investment), đầu tư HK tại TQ trong năm 2018 giảm 88% so với 2016). Thất nghiệp tăng.Tiền tệ bị mất giá. Thị trường chứng khoán tụt dốc nặng. Giá cả nội địa tăng. Dân chúng hoang mang và người giàu tìm cách chuồn tiền ra ngoại quốc. Có thể nói đây là tình trạng tệ hại nhứt kể từ khi đổi mới.

Sự phát triển kỹ thuật cao của TQ bị chậm. Điều nầy không tốt cho kinh tế và cả quân sự TQ.

Về mặt quốc tế, kế hoạch viện trợ , đầu tư ngoại quốc giảm. Nên trong gần đây TQ vận động thêm đầu tư ngoại quốc và tìm thị trường mới thay thế thị trường HK.

Cái bất lợi và khó khăn cho HK do chiến tranh mậu dịch gây ra ( đó cũng là “thắng lợi” của TQ) là TQ chủ trương trường kỳ chiến đấu mà HK thì vội vàng cho nên cuộc thương thảo có thể bất lợi cho HK. .

Dân chúng HK có lẽ vì truyền thống một nền Dân chủ dễ dãi, nhìn thấy quyền lợi cá nhân và trước mắt quan trọng hơn đất nước và lâu dài.

Các nhà bán lẽ sẽ có khó khăn vì có nhiều món hàng không thể mua ở nước khác. Và thuế lên thì giá bán phải cao hơn. Một số công ty phải giảm nhân viên.

Cái mà TT Trump lo nhứt là nông dân. Đã có vài phản đối trong thời gian gần đây. Mặc dù TT có trợ cấp cho họ do giảm bớt xuất cảng qua TQ.

Ngành công nghiệp trong nước chưa có bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng hảng Boeing lo sợ mất hợp đồng rất lớn của TQ, gần 900 chiếc máy bay trị giá $1,000 tỷ trong vòng 20 năm.

Còn công nghiệp Mỹ và một số công ty nước ngoài tại TQ đã có kế hoạch chuyển qua các nước khác. Nhưng chưa nhiều, vì đây là đại công ty, sự di dời không dẽ dàng, có thể kéo dài năm ba năm. Một số đại công ty đã dời một phần: Dell, Apple, Microsoft, Amazon, Google.. (theo báo Nikki Asian Review).

Chỉ số chứng khoáng trồi sụt bất thường, có lẽ vì sự bất thường của hòa đàm.

Về mặt quốc tế, HK ký Hiệp ước mới với Mexico, Canada có bất lợi cho TQ. HK trấn an Âu châu không để ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu; và yêu cầu hổ trợ chiến tranh mậu dịch với TQ.

HK kết chặc hơn với các đồng minh ở Á châu (Nhựt, Ấn, Úc..)

HK đã và đang tìm thị trường mới ở những nước khác như VN , Nhựt, Nam Hàn .. cho nông sản. Và  tìm nguồn cung cấp mới thay hàng TQ như quần áo , giầy dép, linh kiện điện tử, hải sản…

Sau cùng điều mà TT Trump sợ nhứt là cử tri buông bỏ ông. Điều nầy vừa là lợi thế vừa là nhượng điểm của chánh trị trong nước. Cử tri có tầm nhìn xa thì cho TT Trump làm đúng . Còn cử tri hời hợt chỉ có thấy cái mất mát của hiện tại thì chống lại.

TQ  cũng phải tự mình thay đổi một số chánh sách kinh tế:  Cải sửa quốc doanh. Cải tổ thuế vụ. tìm thị trường mới thay thế thị trường HK.

Cải tiến kỹ thuật cao trong nước. Cải sửa luật đầu tư nước ngoài. Hạn chế tiêu thụ.

Về vận động quốc tế, TQ có vẽ mạnh hơn và khôn khéo hơn. TQ vận động từng khối như: ASEAN, Cộng đồng Âu châu, Các nước Đông âu, các nước Á rạp…

Ảnh hưởng đối với kinh tế thế giới và một số nước

Nếu chiến tranh nầy kéo dài và tăng cường độ thì sẽ có ảnh hưởng xấu chung cho cả thế giới. Một số người lo ngại đến sự suy thoái toàn cầu (recession).

Sơ khởi chiến tranh mậu dịch đưa đến cho một số nước có lợi và một số nước bất lợi.

Cái lợi trước mắt cho một số nước như VN, Malaysia, Philippines, Cambodia là một số công ty may quần áo giầy, linh kiện điện tử, telephone… rời TQ qua đầu tư. Như VN đã có gia tăng đầu tư ngoại quốc và xuất cảng thay thế hàng TQ, trong năm 2018 và 6 tháng qua. Nhưng nếu kinh tế TQ yếu đi thì hàng xuất TQ bị giảm. Sai trái của VN là cho TQ mượn chứng chỉ xuất xứ hàng hóa để TQ xuất qua HK. Cũng như VN sẽ gặp khó khăn trong “sự cân bằng kinh tế đối ngoại“ giữa HK và TQ. Cái thế không dễ dàng cho VN. Cái cách gian dối của VN có thể bị khó khăn.

Với Âu châu, chiến tranh mậu dịch chắc chắn có ảnh hưởng về thương mại và đầu tư. Nhứt là tại hai thị trường lớn là HK và TQ bị suy giảm . Hai nươc nầy có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới. Lập trường của Âu châu từ trước tới nay vẫn chủ trương mậu dịch tự do. HK trước kia và từ đầu phong trào Toàn cầu hóa cũng khởi xướng tự do mậu dịch. Nay dưới thời TT Trump chánh sách có phần thay đổi.

4.Chút suy nghĩ về tương lai cuộc thương chiến

Cuộc chiến tranh mậu dịch HK-TQ thực sự phức tạp. Tới nay thì tình hình chưa ngã ngũ rõ ràng . Trận chiến nào rồi phải kết thúc. Chấm dứt bằng hoặc một bên đại tháng , một bên đầu hàng. Hay kết thúc bằng một thỏa hiệp có vẽ vừa lòng cả hai. Hoặc có một thỏa hiệp tạm thời tương đối thỏa mãn được hai bên, rồi sau bầu cử ở HK sẽ tiếp tục giải quyết thêm. Hoặc TQ không nhượng bộ tới mức tối thiểu theo yêu cầu của HK, thì trận chiến sẽ leo thang thêm. Khi đó gần như toàn bộ hàng TQ vào Mỹ sẽ bị đánh thuế vào khoảng 25-30% hay cao hơn nữa. Hệ quả tình hình sẽ xấu nhiều hơn nữa.

Về cuộc chiến kỹ thuật chăc chắn phải kéo dài. HK thì nghiên cứu thêm kỹ thuật mới đồng thời chống sự ăn cắp của TQ. Còn TQ thì cố phát triển thêm vì nay đã có một căn bản cũng khá, mặc dù còn kém xa HK.

Về cải đổi cơ cấu, mô hình kinh tế thì HK sẽ tiếp tục tấn công TQ, thông qua đồng minh và Tổ chức quốc tế.

Về chánh trị nội bộ, thì HK sẽ bị đối lập tấn công nhiều hơn. TQ thì không đáng kể ngay khi có những vụ tranh giành nội bộ và các vụ lộn xộn như Hồng kông.

Tóm lại đây là cuộc chiến thuộc loại chiến tranh lạnh kiểu mới, nó toàn diện và phức tạp hơn Không ai biết nó sẽ chấm dứt bằng cách nào. Dù gần đây cuộc chiến gia tăng. Một bên phải gánh lấy tai hại nhiều, rất nhiều hơn bên kia. Khả năng chiến thắng, ít hay nhiều , thì HK nhiều lợi thế hơn. Khả năng chịu đựng thì TQ cao hơn, ít bị tác động từ bên ngoài.

Hoặc có thể trở lại con đường cũ là hai bên tương nhượng để cùng nhau chia chác lợi và thế trên thế giới. Khả năng thương lượng cũng còn đó. Buổi họp hai bên lại mở ra trong tháng 9 nầy. Cho tới nay, hai bên không tin nhau. Hai yêu cầu còn cách xa. Có thể lại đánh tiếp tục và rồi đàm phán tiếp. Thời gian thì không lợi cho TT Trump.

Cali, ngày 1 tháng 9 – 2019

Gs. Nguyễn Bá Lộc