Cao ủy Nhân quyền LHQ tố cáo Hội đồng Bảo An bất lực
Cao ủy Nhân quyền LHQ Navi Pillay (phải), Tổng thư ký Ban Ki-moon (trái) – Ảnh Liên Hiệp Quốc
Theo RFI – Trọng Thành – Thứ Sáu 22/8/2014
Hôm qua 21/08/2014, theo AFP, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Navi Pillay, đã tố cáo sự bất lực của Hội đồng Bảo an LHQ trong việc giải quyết các xung đột trên thế giới, do thể thức thành viên thường trực có quyền phủ quyết. Phát biểu được đưa ra trong cuộc họp hôm qua của Hội đồng Bảo an. Trong cuộc họp này, Hội đồng Bảo an đã thông qua một nghị quyết ngăn ngừa xung đột vũ trang.
Trong cuộc thảo luận hôm qua, tại Hội đồng Bảo an về việc ngăn ngừa xung đột, người đứng đầu Phủ Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, người Nam Phi, nhận định: «Các thành viên (của Hội đồng Bảo an) không thường xuyên có được các quyết định cứng rắn và có trách nhiệm để chấm dứt các khủng hoảng». Theo bà Navi Pillay, nếu Hội đồng Bảo an có những phản ứng mạnh mẽ hơn, rất nhiều sinh mạng đã được cứu sống. Giới chức Liên Hiệp Quốc, nổi tiếng về các phát biểu cương trực, cho rằng thể thức phủ quyết đã được sử dụng như một «chiến thuật phục vụ lợi ích trước mắt và xét cho cùng có hệ quả tiêu cực». Bà Navi Pillay kêu gọi 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an cần vượt qua một khái niệm chật hẹp về lợi ích quốc gia. Cao ủy Nhân quyền Navi Pillay đã đề nghị từ nhiệm, sau 6 năm đảm nhiệm chức vụ này. Bà sẽ chính thức thôi chức trong những ngày tới. Việc sử dụng thể thức phủ quyết, đặc quyền của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an – Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc – gây chia rẽ nghiêm trọng. Đơn cử, hồi tháng 5/2014, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết, dự định cho phép Tòa án Hình sự quốc tế can thiệp vào Syria, để truy tố các tội phạm chiến tranh. Hoa Kỳ cũng vừa mới chống lại một nghị quyết về xung đột tại Gaza mới đây, Washington cũng nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết để ngăn cản các nghị quyết chống lại Israel. Hội đồng Bảo an ra nghị quyết ngăn ngừa «xung đột vũ trang» Quan điểm của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng trùng với thái độ của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon. Theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, thất bại của Hội đồng Bảo an trong việc vượt qua các chia rẽ và phản ứng chậm trễ của Hội đồng được trả giá bởi rất nhiều sinh mạng và khiến Liên Hiệp Quốc bị mất tín nhiệm. Trước tình trạng xung đột vũ trang đang bùng phát khắp nơi trên thế giới, tại Syria, Irak, Gaza, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Ukraina và một số nơi khác, cộng đồng quốc tế cần sửa đổi cách hành động. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh Hội đồng Bảo an có trách nhiệm chủ chốt trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, và đây là một trách nhiệm đặc biệt của Hội đồng Bảo an. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lưu ý cơ hội đã đến cho một «kỷ nguyên hợp tác mới» của Hội đồng Bảo an, «hàng triệu người trên khắp thế giới hy vọng và trông cậy vào một hành động chung có tính quyết định của cơ quan độc nhất và duy nhất thế giới, có trách nhiệm duy trì nền hòa bình và an ninh quốc tế». Hội đồng Bảo an đã nhất trí thông qua một nghị quyết «ngăn ngừa các xung đột vũ trang». Trong nghị quyết này, Hội đồng Bảo an tuyên bố sử dụng các công cụ báo động của hệ thống Liên Hiệp Quốc, để thúc đẩy nhanh chóng đưa ra các biện pháp ngăn ngừa cụ thể đối với các xung đột vũ trang, đặc biệt nhằm bảo vệ các thường dân, theo đúng Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết ngăn ngừa xung đột vũ trang dành cho Tổng thư ký một quyền hạn lớn hơn, nhằm giảm các căng thẳng trước khi chúng đi đến trạng thái bùng nổ, không thể vãn hồi. Nhận xét về việc này, Đại sứ Anh tại LHQ Mark Lyall đưa ra hình ảnh : “Hội đồng Bảo an có sứ mạng xác định nơi có khói, chứ không chỉ là phương tiện dập lửa“.