Căng thẳng ở Biển Đông thể hiện sự mong manh của chế độ Trung Cộng
Tàu tuần dương Trung Cộng (màu trắng) cản mũi tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam (ảnh chụp ngày 14/05/2014) – REUTERS
Trung Quốc trong thời gian gần đây đã gây căng thẳng với hầu hết các láng giềng, từ Nhật Bản cho đến Việt Nam, Philippines. Trả lời nhật báo Công giáo La Croix ngày 16/06/2014, chuyên gia Pháp Valérie Niquet, đứng đầu bộ phận châu Á của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược FRS (Fondation pour la Recherche stratégique) nhận định : Chế độ Bắc Kinh – bị suy yếu từ bên trong – đã sử dụng chủ nghĩa dân tộc và tham vọng bá quyền trên biển để lấy lại tính chính đáng. Chiến lược này, theo bà, không phải là không có rủi ro.
Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn:
La Croix: Yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông có chính đáng hay không?
Valérie Niquet : Vấn đề chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc tại Biển Đông hay biển Hoa Đông đã được không chỉ các nước láng giềng của Bắc Kinh (Việt Nam, Philippines,Nhật Bản) mà cả cộng đồng quốc tế nêu lên bởi vì Trung Quốc chỉ đơn thuần giải thích các tuyên bố chủ quyền của họ bằng nguyên nhân lịch sử.
Lập luận của Trung Quốc là gì? Là kể từ thời Hán – hơn hai thế kỷ trước Công nguyên – các thủy thủ Trung Quốc đã nhận biết khu vực này, và trên cơ sở đó Bắc Kinh đòi chủ quyền trên toàn bộ biển bao quanh Trung Quốc. Nếu như vậy, thì Hy Lạp cũng có thể đòi chủ quyền trên toàn bộ biển Địa Trung Hải…
Vấn đề thứ hai là những tuyên bố chủ quyền khá mới mẻ đó lại không được Trung Quốc xác định rõ ràng như Philippines và Việt Nam đã yêu cầu. Ngày nay, Bắc Kinh dựa trên một đường chín đoạn đã được chính quyền Trung Hoa vẽ ra một cách thô thiển và nhanh chóng vào năm 1948, để đòi chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông.
Nhưng người ta không biết là Trung Quốc đòi chủ quyền trên các đảo với các khu vực đặc quyền kinh tế và lãnh hải xung quanh hay là họ muốn toàn bộ Biển Đông mà không dựa vào một vùng lãnh thổ cụ thể nào.
La Croix: Các hành động của Trung Quốc – sự hiện diện của các tàu tuần duyên, việc cắm các giàn khoan dầu… – có thể gây nên hay không một cuộc chiến tranh cục bộ hay rộng lớn hơn, lôi kéo Nhật Bản và Hoa Kỳ nhập cuộc?
Valérie Niquet: Kể từ cuối những năm 2000 và cuộc khủng hoảng kinh tế, Bắc Kinh đã thay đổi chiến lược trên Biển Đông và quyết định thử sức phản ứng và quyết tâm đáp trả của các nước láng giềng và Hoa Kỳ. Mục tiêu của Trung Quốc là tạo ra một tình huống để phân tích quan hệ quyền lực trong khu vực chứ không phải là một cộng đồng quốc tế được tổ chức hài hòa.
Phải đối mặt với chiến lược thử sức đó, các nền dân chủ như Nhật Bản hay Hoa Kỳ không muốn Trung Quốc đi quá xa, nhưng cũng không sẵn sàng lao vào một cuộc xung đột trực diện Bắc Kinh. Nhưng nguy cơ sự cố đáng tiếc xảy ra không phải là không có : Từ đầu năm đến nay, tại Biển Hoa Đông, Nhật Bản đã cho phi cơ cất cánh hơn 400 lần do các sự cố với Trung Quốc.
Tại Biển Đông, tình hình khác hơn, và có thể xấu đi một cách nhanh chóng. Ở đó, Bắc Kinh đang phải đối mặt với các quốc gia kém dân chủ hơn, chẳng hạn như Việt Nam. Khi Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu ở vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, chúng ta không nên quên là nhiều cuộc biểu tình bạo động nhắm vào các cơ sở của Trung Quốc hay Đài Loan đã xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam vào tháng trước.
Trung Quốc hiện nay như đang cho rằng họ ở một thế mạnh và có thể đẩy quân cờ của mình về phía trước. Ta hoàn toàn có thể lo ngại rằng đó là một tính toán sai lầm và cuối cùng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ Việt Nam, Nhật Bản hay Hoa Kỳ.
La Croix: Giới hạn mà Trung Quốc không được vượt quá là gì?
Valérie Niquet: Tại vùng Biển Đông, rất khó mà xác định điều này. Trung Quốc từ lâu đã hiện diện trên quần đảo Hoàng Sa. Và Hoa Kỳ, dù đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực với Philippines, Malaysia và Việt Nam, nhưng chưa sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh để bảo vệ hai hoặc ba hòn đảo do Manila và Hà Nội tuyên bố chủ quyền.
Một trong những lằn ranh mà Mỹ đã đề cập đến trong vấn đề Biển Đông là việc Bắc Kinh thiết lập một vùng nhận dạng phòng không như họ đã làm tại vùng Biển Hoa Đông.
Ngược lại, ở trên Biển Hoa Đông, Bắc Kinh sẽ vượt quá giới hạn nếu dùng võ lực chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý. Điều đó sẽ dẫn đến một phản ứng từ phía Hoa Kỳ. Chỉ mới gần đây thôi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn tuyên bố rằng quần đảo đó được che chở bằng thỏa thuận quân sự giữa Washington với Tokyo.
La Croix: Những mối căng thẳng đó liệu có cơ may giảm bớt hay không?
Valérie Niquet: Tình hình chỉ có thể thay đổi với sự chuyển biến của chính quyền Trung Quốc. Thật vậy, chế độ Bắc Kinh dù mở cửa về kinh tế, nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ về chính trị. Và ngày nay nó xây dựng tính chính đáng trên nền tảng chủ nghĩa đân tộc, điều được gọi là thực hiện giấc mơ về một nước Trung Quốc được phục hưng.
Những tham vọng về một nước lớn đó dùng để bảo vệ tính chính đáng của Đảng Cộng sản giải thích tại sao Trung Quốc rất hung hăng với các láng giềng sát cạnh mình, để cố gắng áp đặt mình vào vị trí một cường quốc không thể tranh cãi và lãnh đạo châu Á.
Các vấn đề tài nguyên, lãnh thổ, năng lượng và thủy sản chỉ là cái cớ. Chúng ta đang phải đối mặt với một cường quốc bị suy yếu từ bên trong và dựa trên chủ nghĩa dân tộc và tham vọng bành trướng để tìm lại tính chính đáng của mình.
|