Canada sẽ đuổi Đại sứ Trung Quốc về nước nếu không công khai xin lỗi người dân Canada
Ngày 15/10, Bộ Ngoại giao Canada đã triệu tập nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tại Ottawa để trao đổi riêng, sau khi ông này phát biểu rằng, Canada không được cấp tị nạn chính trị cho các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong, nếu không thì “sức khỏe và sự an toàn” của 300.000 công dân Canada đang ở đặc khu hành chính sẽ bị nguy hiểm.
Ngay sau lời phát biểu của Đại sứ Trung Quốc, lãnh đạo Đảng Bảo thủ Canada, ông Erin O’Toole nói rằng, nếu Đại sứ Cong Peiwu không công khai xin lỗi về những bình luận “hiếu chiến” của bản thân – một sự đe doạ đối với công dân Canada – thì Ottawa sẽ phải đuổi ông ấy về nước.
Trong một cuộc họp báo nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Canada – Trung Quốc diễn ra hôm 15/10, ông Cong Peiwu đã đưa ra phát biểu trên với lời cảnh báo Canada không nên xúi giục Hong Kong “phạm tội” và Canada không được can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Một ngày sau đó, trong một tuyên bố vào ngày 16/10, ông O’Toole đã công khai thể hiện quan điểm cứng rắn về phát biểu của Đại sứ Trung Quốc.
Ông O’Toole cho biết, nếu không đưa ra lời xin lỗi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cần thu hồi giấy cấp phép ngoại giao của ông Cong Peiwu ngay lập tức.
“Đại sứ Trung Quốc đã đưa ra những luận điệu hiếu chiến không phù hợp với vị trí của mình. Rõ ràng, đây là sự đe dọa đối với 300.000 công dân Canada đang ở Hong Kong. Điều này là không thể chấp nhận được”, ông O’Toole nói.
Ông tiếp tục: “Đây là giọng điệu của một kẻ tống tiền – chứ không phải là phát biểu của một phái viên chính thức với tư cách là một thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
Ông kết luận: “[Nếu] người Canada bị đe doạ ở bất kỳ đâu [trên thế giới] thì [họ] sẽ bị đe dọa ở mọi nơi”.
Lãnh đạo Đảng Bảo thủ Canada đã liên tục kêu gọi chính phủ Canada xúc tiến việc nhập cảnh vào Canada cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ và những người tị nạn chính trị đang chạy trốn khỏi Hong Kong.
Xem thêm: Canada kêu gọi trừng phạt quan chức Trung Quốc bức hại Pháp Luân Công theo luật Magnitsky
Ngoài ra, ông O’Toole cũng đều nghị chính phủ Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky đối với từng quan chức Bắc Kinh vi phạm nhân quyền, hay liên quan đến việc áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc tại Hong Kong. Ông O’Toole nhận định rằng, luật an ninh này là một sự vi phạm Tuyên bố chung Trung – Anh.
Hôm 15/10, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada là ông François-Philippe Champagne cho biết, ông đã yêu cầu nhân viên gọi điện cho Đại sứ Trung Quốc để nói rõ rằng, Canada sẽ luôn ủng hộ nhân quyền và quyền của người Canada trên toàn thế giới.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Canada xác nhận với tờ The Star rằng, họ đã gặp ông Cong Peiwu hôm 15/10 và đưa ra thông điệp.
Ngày 16/10, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết, chính phủ của ông không muốn “leo thang” căng thẳng với Trung Quốc, nhưng sẽ luôn ủng hộ nhân quyền và không ủng hộ việc Trung Quốc thực hiện chính sách ngoại giao chiến lang.
Ông Trudeau nói rằng, việc Trung Quốc bắt giữ 2 công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor vào năm 2018 là tuỳ tiện. Chính quyền Bắc Kinh coi việc thả 2 công dân này là điều kiện để buộc Canada thả giám đốc tài chính của Huawei là bà Mạnh Vãn Châu. Bà Mạnh hiện đang bị quản thúc tại gia ở Canada, và phải đối mặt với việc bị dẫn độ sang Hoa Kỳ với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của nước này với Iran.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng, Trung Quốc nhận thức được là không chỉ chúng tôi đứng lên đấu tranh cho nhân quyền, cho việc trả tự do an toàn cho 2 công dân đã bị bắt giữ tùy tiện, mà chúng tôi còn sát cánh với các quốc gia đồng minh trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Vương quốc Anh… và các quốc gia châu Âu cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, những nước có chung mối quan tâm này”, ông Trudeau nói.
Lãnh đạo Đảng Bảo thủ ông O’Toole nói: “Canada là một quốc gia nhỏ hơn về cơ sở kinh tế so với Trung Quốc, nhưng cam kết của chúng tôi đối với tự do, nhân quyền và pháp quyền vượt lên trên tư cách của đại sứ này”.
Nguyễn Minh Theo The Star – 17/10/20