Cần Phải Bảo Vệ Đất – Mai Thanh Truyết
Bảo vệ phẩm chất của đất rất cần thiết và quan trọng như bảo vệ nguồn nước uống và không khí chúng ta cần để thở. Bảo vệ đất còn là một vấn để thiết yếu hơn nữa vì từ đó hệ sinh thái của chúng ta được bảo tồn và nguồn lương thực được bảo đảm cho nhân loại.
Trong vòng 150 năm trở lại đây, theo ước tính của các nhà làm khoa học, thế giới đã mất đi 50% lớp đất thịt (topsoil) do sự tận dụng đất tối đa trong chăn nuôi, nông nghiệp, phát triển đô thị và việc gia tăng sản xuất thành phẩm phục vụ cho nhu cầu của con người. Từ đó, đất bị thoái hóa đi.
Trước hết, phẩm chất của đất có thể được đo lường qua mức sản xuất nông nghiệp và cây trồng, cũng như phẩm chất của nguồn nước mặt và nước ngầm có thể được thẩm định rõ ràng hơn qua tình trạng của đất.
Theo định nghĩa của J.W. Doran: “Khả năng của đất trong hệ sinh thái nhằm vào việc gìn giữ mức sản xuất sinh học (biological productivity), bảo tồn phẩm chất môi trường, và tăng cường sức khỏe cho cây trồng và thú vật”. Phẩm chất đất không những tập trung vào các nguồn dinh dưỡng và nồng độ hóa chất hữu cơ trong đó, mà còn chú trọng vào các hoạt động sinh học, các hợp chất hữu cơ, nguồn nước ngấm vào đất, và cơ cấu hình thành ra đất nữa.
Vì vậy, việc bảo tồn ĐẤT phải là một chính sách quốc gia nhằm mục đích đề phòng cho đất mặt không bị sói mòn, không bị xử dụng quá tải về hóa chất, bị acid hóa hay muối hóa (salinization) hoặc bị ô nhiễm hóa chất độc hại từ các nguồn phân bón hay các hóa chất bảo vệ thực vật. Và quan trọng hơn cả là bảo tồn đất còn là một việc thiết yếu để bảo vệ nguồn nước ngầm, nguồn sống quan trọng nhứt của nhân loại.
Vai trò của đất trong việc bảo vệ nguồn nước ngầm
Nước ngầm là một nguồn nước rất cần thiết cho nhiều quốc gia. Tại Hoa Kỳ, người dân sống ở vùng đồng quê dùng 90% nước ngầm, và 50% người Mỹ lệ thuộc vào nguồn nước ngầm để làm nước uống. Hiện tại, mức xử dụng nước ngầm của quốc gia nầy tăng phi mã so với việc dùng nước mặt. Lý do là, nguồn nước mặt ngày càng khan hiếm vì ô nhiễm, vì tác động của phát triển vừa nông nghiệp, vừa kỹ nghệ.
Lượng nước ngầm (dưới mặt đất) tùy thuộc vào lượng nước di chuyển và thấm thấu xuyên qua các tầng lớp đất bên dưới lớp đất mặt (topsoil). Nước thẩm thấu (percolating water) còn gọi là “làm đầy” (recharge), thấm xuyên qua lớp đất trên mặt và vùng đất chưa bảo hòa (unsaturated zone) để rồi thấm xuống vùng đất bão hòa (saturated zone) và sau cùng chảy vào vùng nước ngầm (water table). Vì vậy, đất dự phần vào việc thanh lọc cả về phẩm chất và số lượng nước trong suốt giai đoạn thẩm thấu trên.
Nước “làm đầy” từ đó, trong suốt quá trình di chuyển hoàn toàn chịu ảnh hưởng của từng loại đất và là hệ quả của việc xử dụng đất do con người. Nếu đất bị ô nhiễm, nước ngầm sẽ không còn xử dụng được nữa hay phải tiêu tốn thêm chi phí cho việc thanh lọc nước trước khi dùng.
Nhiễm chất trong nước ngầm: Nước ngầm bị ảnh hưởng do hóa chất trong đất gồm:
· Nitrogen (N) từ các nguồn phân bón dư thừa trong nông nghiệp tạo thành một chu kỳ nitrogen rất khó thanh lọc trong nước ngần. Tiến trình nitro hóa (nitrification) trong đất sản xuất ra nitrate (NO3) và di chuyển dễ dàng vào nước ngầm.
· Hóa chất trừ sâu rầy (pesticides), trừ cỏ dại (herbicides), trừ nấm mốc (fungicides): Các loại hóa chất nầy đang được xử dụng bừa bãi ở Việt Nam vì nông dân thiếu thông tin và không được hướng dẫn tường tận. Các hóa chất trên sẽ hiện diện trong đất trong một thời gian dài và rỉ (leach) vào mạch nước ngầm.
· Ở những vùng đất gần biển, việc tưới tiêu nơi đây cũng tạo ra sự nhiễm mặn của đất. Nước trong đất sau khi tưới, bốc hơi, và hiện tượng nhiễm mặn (salination) xảy ra. Hiện tượng nầy làm cho chai đất và các nhân tố Natrium (Na+), Kalium (K+), Calcium (Ca2+), Magnesium (Mg2+), và Chlor (Cl-) sẽ thấm vào nước ngầm.
Tóm lại, để bảo vệ nguồn nước ngầm, cần phải xử dụng hóa chất đúng cân lượng dựa theo từng giai đoạn cây cỏ cần thiết cũng như các hóa chất bảo vệ thực vật cũng phải dùng hạn chế và đúng quy cách.
1 – Đất thoái hóa (soil degradation)
Đất được xem như là bị thoái hóa là do việc xử dụng bừa bãi làm cho đất mất đi tính màu mỡ (chất bổ dưỡng), mất đi phẩm chất tốt của đất và không còn cho năng xuất cao vì ô nhiễm. Nguyên nhân chính làm cho đất thoái hóa là sự sói mòn (erosion) và các hiện tượng như nhiễm mặn do phân bón, sự nén chặt (compaction) do các dụng cụ nông nghiệp hay bị cạn kiệt (depletion) vì việc tận dụng khai thác đất cũng làm cho đất thoái hóa.
Thêm nữa, sự chuyển dịch các phần tử trong đất từ nơi nầy qua nơi khác do gió hay nước cũng tạo thành một vấn nạn môi trường như sự xói mòn ở nơi nầy hay tạo ra núi đồi ở nơi khác.
Nguyên do sự thoái hóa của đất:
· Nước làm cho đất thoái hóa. Mưa là một thí dụ điển hình nhứt.
· Gió làm cho đất thịt di dời đi nơi khác. Do đó, đất cần có một thảm thực vật che phủ ở những vùng có nhiều gió.
· Tác động của con người: làm nông nghiệp, nạn phá rừng, hoặc xây dựng cũng là nguyên nhân của sự sói mòn của đất.
Hệ lụy của sự xói mòn:
· Hệ lụy ảnh hưởng lên nông nghiệp trước tiên là làm giảm mức thu hoạch.
· Đất mất khà năng tái tạo (fertility) do sự cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất thịt.
· Phẩm chất và sự ổn định cấu trúc của đất cũng bị ảnh hưởng do mất đất.
· Và sau cùng, đất xói mòn có thể tạo thành lớp trần tích cho ao hồ chung quanh vùng bị xói mòn và tạo ra nguồn ô nhiễm mới cho tôm cá trong đó.
Biện pháp làm giảm thiểu việc xói mòn:
· Thiết lập một chương trình bảo tồn đất do những nhà chuyên môn hoạch định.
· Luôn luôn có một thảm thực vật che phủ đất nhứt là những vùng có nguy cơ xói mòn cao như vùng đất có độ dốc, hay vùng đất khô cằn (arid).
· Nếu đất dùng cho nông nghiệp, cần phải luân canh hơn là độc canh.
· Sau mùa thu hoạch, phế thải nông nghiệp như rơm rạ, cây cành được xay nhuyễn cầnn phủ lên mặt đất tạo thành một lớp che chở đất chuẩn bị cho mùa sau.
· Nếu đất nằm trong vùng có gió mạnh, cần phải khoanh vùng bằng cách che chắn bằng một hay hai lớp cây trồng. Việc nầy có thề làm giảm sự xói mòn lên đến 90%.
Biện pháp phòng ngừa sự xói mòn của đất
Cây cỏ tạo thành một lớp bảo vệ đất và phòng ngừa sự xói mòn của đất qua nhiều yếu tố sau:
· Cây làm chậm dòng chảy của nước mưa, và hấp thu (adsorption) nguồn nước nầy như một nguồn dự trử để giữ độ ẩm của đất.
· Rễ cây giữ đất không di chuyển do dòng chảy của nước mưa gây ra.
· Chính cây làm giảm ảnh hưởng của sức nước mưa trước khi chạm vào đất thịt. Điều nầy hạn chế được sự xói mòn của đất. Cây càng cao, càng rậm, đất sẽ ít bị xói mòn.
· Đặc biệt, những cây trồng ở những vùng ngập nước (wetlands) hay dọc theo hai bên bờ sông rất quan trọng vì chúng sẽ làm chậm dòng chảy và rễ cây bám dính vào đất, ngăn ngừa được sự xói mòn.
Làm thế nào để tránh nạn đất thoái hóa?
Như trên đã trình bày, sự thoái hóa của đất là do hiện tượng cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất, và do ảnh hưởng của gió và nước; từ đó, sinh ra hiện tượng xói mòn. Cây trồng là nguồn bảo vệ các hiện tượng trên với điều kiện là đất phải được tái nạp đầy đủ chất dinh dưỡng (phân bón) hợp thời hợp lúc. Thêm nữa, đất cần phải có một thời gian “nghĩ ngơi” để cho thiên nhiên có thể tái tạo lại nguồn dinh dưỡng ban đầu và thanh lọc một số dư lượng hóa chất còn lại sau mùa thu hoạch cây trồng.
2 – Đất bị sa mạc hóa (desertification)
Đất bị sa mạc hóa gồm nhiều yếu tố khác nhau vừa khách quan và chủ quan như:
· 1 – Khí hậu thay đổi làm cho đất khô hạn quá lâu do ảnh hưởng của sự hâm nóng toàn cầu;
· 2 – Các hoạt động của con người làm giảm hay làm thoái hóa đất;
· 3 – Việc gia tăng dân số và chăn nuôi làm tăng trưởng nhanh hơn sự sa mạc hóa của đất.
Từ đó, hệ lụy đương nhiên của hiện tượng sa mạc hóa cho con người là:
1- Kinh tế gia đình và địa phương giảm;
2- Mức sống và phúc lợi cũng giảm theo;
3- Ảnh hưởng lên đa dạnh sinh học (biodiversity);
4- Và nhưt là kéo dài sự hạn hán.
Vì vậy, việc hạn chế hiện tượng sa mạc hóa cũng là một kế hoạch quốc gia cho Việt Nam. Muốn vậy, cần phải:
· Tránh nạn phá rừng và việc nuôi gia súc bằng cách thả ngoài đồng quá mức.
· Hạn chế hoạt động của con người trong nhiều lãnh vực như hủy hoại một số cây trồng thiên nhiên, hoặc thiết lập hệ thống tười tiêu thiếu điều nghiên làm cho đất cằn cỗi.
· Trồng thêm cây (cây để chắn gió và giữ đất chứ không phải cây để sinh lợi) và cỏ để bảo vệ đất và giữ độ ẩm của đất.
· Trồng thêm cây họ đậu (leguminous plants) để hấp thụ nguồn nitrogen trong không khí và hấp thụ vào đất làm tăng nguồn dinh dưỡng cho đất.
3 – Đất bị mặn hóa (salinization)
Hiện tượng nầy gồm nhiều nguyên do khác nhau như:
· Dư lượng muối do phân bón còn tồn đọng trong đất.
· Tận dụng đất tối đa, không dành thời gian cho đất “nghĩ ngơi”.
· Việc tưới tiêu và dẫn thủy nhập điền không hợp lý và thiếu nghiên cứu cũng như không có kế hoạch dự trù…
· Việc thay đổi thời tiết cũng có thể ảnh hưởng đến việc gia tăng nhiễm mặn cho đất như sự hâm nóng toàn cầu.
Và hậu quả đương nhiên của những sự kiện trên sẽ làm chậm lại việc thu hoạch mùa màng với năng suất thấp và làm giảm phẩm chất của nguồn nước.
Hạn chế sự nhiễm mặn rất cần thiết vì sẽ tiết giảm được những hệ lụy trên và mang lại phúc lợi nhiều hơn cho nông dân. Đó là, cần giảm thiểu việc tười tiêu, chọn lựa cây trồng thích hợp cho loại đất mặn, dùng acid mùn (humic acid) để bảo hòa các anion và cation có trong các loại muối, và loại trừ sự bám dính của các hóa chất nầy chung quanh rễ cây. Từ đó làm tăng thêm năng suất của cây trồng.
4 – Ô nhiễm đất ở Việt Nam
Trước kia tên gọi Môi trường (Environment) vẫn còn là một danh từ rất mơ hồ trong cộng đồng thế giới. Cho mãi đến giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, đứng trước những nguy cơ ô nhiễm ngày càng trầm trọng, Hoa Kỳ đã đi tiên phong trong việc thiết lập các quy định về bảo vệ môi sinh cũng như định mức giới hạn mức độc hại của các hoá chất độc, khí độc hấp thụ vào cơ thể có thể chấp nhận được. Những định mức giới hạn nầy đã được ghi vào trong các điều luật về bảo vệ không khí, nguồn nước, và thanh lọc chất phế thải sau một thời gian dài thử nghiệm lên súc vật.
Tuy nhiên, các luật lệ trên còn quá lõng lẽo đối với các quốc gia đang trên đà phát triển vì các quốc gia nầy tự thấy cần phải giải quyết nhiều vấn đề cấp bách hơn cho quốc gia như phát triển chẳng hạn thay vì chú tâm về ảnh hưởng và bảo vệ môi trường.
Chính quan niệm trên đã tạo ra nhiều vấn nạn lớn lao và có cơ may làm cho vấn đề thêm trầm trọng, có thể không giải quyết được. Ngay cả đối với các nước hậu kỹ nghệ, một số nhà sản xuất chỉ vì chạy theo lợi nhuận mà cố tình che dấu hoặc không khai báo thực sự số lượng các phó sản độc hại thải hồi.
Chính quyền của các quốc gia kể trên cũng không cung ứng đủ ngân sách và nhân sự để kiểm soát việc thi hành các luật lệ về môi trường. Do đó, việc bảo quản và kiểm soát các phó sản độc hại để tránh ô nhiễm trên mặt đất, không khí và các mạch nước mặt và nước ngầm vẫn là một nan đề lớn cho từng quốc gia.
Ô nhiểm mặt đất
Diện tích Việt Nam, không tính các hải đảo, ước tính vào khoảng 326.000 km2, trong đó ¾ là vùng đồi núi và đồng bằng. Ba nguồn chính tạo ra ô nhiễm mặt đất là việc sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật quá tải và bừa bãi, và việc thải hồi chất phế thải lỏng và rắn của các nhà máy sản xuất vào môi trường.
Cả hai nguồn hữu cơ và vô cơ đến từ nhiều nguồn ô nhiễm khác nhau đều độc hại khi xâm nhập vào đất.
Ở thành phố do phát triển kỹ nghệ và rác thải.
Ở nông thôn, dư lượng của phân bón, thuôc trừ sâu rầy, trừ nấm mốc v.v…là nguyên nhân chính yếu trong việc ô nhiễm mặt đất.
Từ đó, ô nhiễm sẽ lan dần vào mạch nước ngầm do hiện tượng thẩm thấu.
Các hợp chất hữu cơ trên mặt đất sẽ bị phân hủy thành SO2, nguyên nhân của mưa acid. Còn kim loại độc hại qua nguồn nước rửa sẽ tạo thành những lớp bùn (sludge) ướt hay khô tùy theo mùa và trở thành một vấn nạn lớn ảnh hưởng đến cư dân sống chung quanh vùng.
Thêm nữa, các hóa chất không tan trong nước sẽ nằm trong đất, và cây cỏ sẽ hấp thụ vào rễ, thân lá hay quả…và sẽ xâm nhập vào chu kỳ thực phẩm (food chain) của con người và súc vật.
Một vài thí dụ là, nước thải nhà máy sản xuất DDT ở Palo Verde (California) từ năm 1973 vẫn còn ảnh hưởng cho đến ngày nay qua việc tôm cá bị nhiễm độc hóa chất nầy trong vùng biển bị ô nhiễm. Cho đến ngày nay (2013), chính phủ Hoa Kỳ vẫn phải tiêu tốn hàng trăm triệu Mỹ kim để thanh lọc,và di dời lớp trầm tích dưới đáy biển (sediment) của vùng nầy. Nước hồ Michigan chứa 2 phần ức (ppt- 10 -12) DDT trên mặt, nhưng nồng độ trên tăng lên 14 phần tỷ (ppb-10-9) ở dưới đáy hồ (bùn). Và cá coho salmon (một loại cá hồi) và cá hương (trout) ăn các phiêu sinh vật (đã bị nhiễm 410 phần tỷ) cho nên nồng độ trong hai loại cá nầy lên đến 99 phần triệu (ppm- 10-6). Do đó, chúng ta hình dung mức nhiễm độc của con người khi ăn các loại cá nầy như thế nào?
Chất phế thải ở dạng rắn và lỏng được chia làm hai nhóm chính:
· Rác nhà là chất phế thải từ các sinh hoạt hàng ngày của con người;
· Chất phế thải kỹ nghệ là phó sản của các quy trình công nghệ sản xuất hay chế biến.
Phần lớn rác bao gồm đủ loại thực phẩm dư thừa trong sinh hoạt hàng ngày và các phụ gia cùng những phế thải khác như bao bì, lon hộp, plastic… Phế thải kỹ nghệ bao gồm các hợp chất hữu cơ độc hại nhất là những hợp chất chứa chlor (mầm móng của bệnh ung thư) được tìm thấy trong các công nghệ hoá chất, phân bón, thuốc sát trùng; ngoài ra các kim loại độc hại như chì, thuỷ ngân, selenium, arsenic, chrom, mangan…cũng được tìm thấy trong nhiều công nghệ khác nhau.
Hiện tại, chu kỳ thu gom, quản lý, và thanh lọc rác nhà ở các quốc gia tân tiến hầu như hoàn chỉnh. Các bãi rác lớn ở các thành phố, cách xa khu dân cư, có sức chứa hàng triệu tấn rác được thiết kế có nhiều lớp che phủ ở phần đáy để tránh sự thẩm thấu của các chất độc hại vào các mạch nước ngầm. Qua thời gian, các phản ứng trong hàng ngàn loại rác sẽ phát sinh ra một chất lỏng gọi là “nước rỉ” (leachate), và đây chính là nguồn phế thải ở dạng lỏng do quá trình sinh hoá tự nhiên được thu gom về các nhà máy để thanh lọc lại.
Thêm vào đó, việc phân loại rác ban đầu bằng những thùng chứa tuỳ theo loại rác như rác hữu cơ, plastic, chai lọ, bao bì, các loại lon hộp bằng kim loại cũng đã giúp rất nhiều trong việc thanh lọc rác. Đối với các phế thải kỹ nghệ, mỗi loại phế thải đều có qui định rõ rệt trong việc thanh lọc và tiêu chuẩn hoá. (Gần đây nhất, một giáo sư ở đại học Ohio đã khám phá ra rằng trong thiên nhiên đã có sẵn loại vi khuẩn yếm khí T có khả năng phản ứng tự nhiên với loại phế thải có toluene và các dung môi hữu cơ khác nếu phế thải được bảo quản kỹ lưỡng và được che phủ kín).
Riêng đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc thu gom, thanh lọc và thải bỏ rác nhà còn ở tình trạng sơ khai. Rác được thu gom từ các xe đẩy do sức người và nhiều khi xe đẩy rác phải xếp hàng giờ để chờ xe đến di chuyển rác về bãi chứa. Và bãi chứa đó là những bãi lộ thiên không có che phủ phía trên hay các lớp bao bọc phần dưới. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, nguồn nước ngầm sẽ bị ô nhiễm qua sự thẩm thấu của nước rỉ.
Tình trạng chất thải kỹ nghệ càng tệ hại hơn nữa. Đa số những luật lệ về môi trường và quản lý phế thải ở các quốc gia đang phát triển chỉ vừa được công bố trong khoảng thời gian từ sau thập niên 90 đi sau các nước hậu kỹ nghệ hàng 20 năm. Vì thiếu nhân lực kinh nghiệm, ngân sách cung cấp cho việc quản lý và kiểm soát còn quá yếu kém cũng như nạn tham nhũng, hối lộ làm cho việc quản lý hầu như bế tắc ở những nơi nầy.
Tuy đã có quy định khá rõ ràng trong các luật lệ môi trường về thanh lọc từng loại rác, nhưng đại đa số các điều luật của Việt Nam trên chỉ hiện diện trên giấy tờ do những tệ nạn kể trên, và chất thải kỹ nghệ trên đi thẳng vào cống rãnh dẫn đến các dòng nước chính như ao, hồ, sông rạch, và biển cả… mà không qua giai đoạn thanh lọc. Thậm chí có những khúc kênh rạch biến thành vùng chết, không sinh vật nào có thể sống còn và tình trạng bùn đất bồi lấp nâng cao mặt đáy của dòng chảy làm ô nhiễm lan rộng ra thêm, giống như tình trạng hiện tại của một số sông ngòi ở miền Bắc hiện nay.
Phương cách giải quyết vấn đề
Có nhiều suy nghĩ cho vấn đề ô nhiễm mặt đất nầy. Hoặc là khử đất đã bị ô nhiễm theo phương pháp nội tại (in situ) (in-site, trong đất) hay là tìm cách tách rời các chất gây ô nhiễm ra khỏi đất (off-site). Nhưng cho đến hôm nay, vẫn chưa có phương pháp nào có thể giải quyết vấn đề trên một cách thỏa đáng trong việc xử lý đất bị ô nhiễm.
Một trong những phương pháp sử dụng là tách rời đất bị ô nhiễm và đem đổ vào các bãi rác hay dùng phương pháp đốt (incineration).
Nhưng cả hai phương pháp nầy lại nảy sinh ra hai vấn nạn ô nhiễm khác:
· Đối với phương pháp bãi rác, trong tương lai, qua các phản ứng hóa học phức tạp trong lòng bãi rác, các hóa chất độc hại lại sinh ra nước rỉ độc hại và có thể đi vào nguồn nước mặt hoặc nước ngầm nếu không thanh lọc kịp thời;
· Đối với phương pháp đốt, hóa chất độc hại sẽ được tách ra khỏi đất, nhưng ngược lại sẽ tạo ra ô nhiễm không khí.
Đây chính là vòng lẩn quẩn mà con người vẩn chưa giải quyết rốt ráo được!
Hiện tại, các khoa học gia đang thử nghiệm một số phương pháp vi sinh, nghĩa là cố tìm ra từng loại vi sinh thích nghi với từng loại ô nhiễm độc hại. Công việc đang tiến hành với nhiều kết quả đáng khích lệ.
Phương pháp sinh thoái hóa (bio-degradation) do các vi sinh vật có sẳn trong đất, và việc biến đất trở về vị trí trung hòa (neutral giữa pH 5,5 đến 8.0) và giữ nhiệt độ tối ưu từ 20 đấn 300C cũng cho thấy thêm nhiều kết quả phấn khởi.
Tóm lại, đất, nước, khí là ba yếu tố liên quan chặt chẽ với nhau và cần phải luôn luôn được giữ cân bằng theo nghĩa bình thường (common sense). Nếu một khía cạnh nào đó ảnh hưởng lên một trong ba yếu tố trên, như tình trạng ô nhiễm chẳng hạn, tức nhiên hai yếu tố còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng lây.
Vì vậy, Đất – Nước – Khí, chính là Mẹ Thiên Nhiên.
Mọi quản lý và thanh lọc cần phải thực hiện song hành cùng một lúc. Không thể đặt trọng tâm và ưu tiên cho một vấn nạn nào mà lơ là các vấn nạn khác. Cũng đừng biện minh cho từng ưu tiên phát triển vì lý do sống còn của quốc gia mà “quên lãng” hay “tạm quên” những hệ lụy môi sinh thoát thai từ các phát triển cấp bách, vội vã và thiếu điều nghiên cặn kẽ.
Việt Nam trong tương lai cần phải lưu tâm vấn đề bảo vệ Đất Mẹ vì đây chính là nguồn tài nguyên căn bản duy nhứt của dân tộc.
Thế hệ tương lai sẽ phán xét việc làm của chúng ta ngày hôm nay.
Bảo vệ Đất chính là bảo vệ nguồn sinh khí dân tộc, bảo vệ suối nguồn của tổ tiên bồi đắp hàng bao thế hệ.
Bảo vệ môi sinh cho toàn cầu ở thế kỷ 21 mới là ưu tiên hàng đầu cho việc sinh tồn của nhân loại.
Và cũng sẽ không có một biệt lệ nào cho Việt Nam cả!
Bài đọc thêm
Bài 1: Chất độc chôn dưới đất vượt chuẩn 10,000 lần
Friday, September 20, 2013 7:27:21 PM
THANH HÓA (NV) – Cuộc xét nghiệm 13 mẫu đất, nước, chất thải của công ty sản xuất thuốc trừ sâu Nicotex Thanh Thái đợt mới nhất cho thấy, dư lượng hóa chất độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép chục ngàn lần.
Hôm 19 tháng 9, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã chuyển một phúc trình đến cán bộ lãnh đạo cao nhất của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam thừa nhận, tình trạng ô nhiễm lan rộng khắp xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa là “hết sức trầm trọng.”
Theo báo mạng VNExpress, nhà máy Nicotex Thanh Thái đã chôn hàng tấn thuốc trừ sâu hết hạn sử dụng xuống lòng đất suốt 7 năm qua để phi tang mà không ai hay biết. Số hóa chất này được chôn lấp dưới ít nhất 10 hố đào sâu xuống đất, rải rác trong khuôn viên nhà máy, cạnh khu dân cư.
Cho đến khi không còn chịu nổi mùi hôi, cũng như nghi ngờ về sự ô nhiễm trầm trọng do nhà máy gây ra, hàng trăm cư dân túa ra chặn đường xe vận tải chở thuốc rời nhà máy. Cũng hàng trăm người dân, sau đó đã phá cổng, trèo tường, mang theo cuốc, xẻng, xà beng đào bới khắp nơi trong khuôn viên nhà máy. Chỉ mất vài tiếng đồng hồ, người dân đã đào trúng những hố sâu khổng lồ chôn đầy thùng phi chứa hóa chất, cũng như các chai lọ, bao bì.
Kể từ chiều ngày 29 tháng 8 cho đến nay, hàng trăm cư dân cùng dựng lều tạm ngụ chung quanh trụ sở công ty Nicotex Thanh Thái, buộc người của họ “nội bất xuất, ngoại bất nhập.” Người dân được sự tiếp tế của thân nhân, cho biết nhất quyết “bám trụ” để ngăn chặn việc công ty này chở hóa chất đi nơi khác phi tang.
Trước tình thế “chẳng đặng đừng,” cuối cùng thì nhà cầm quyền tỉnh Thanh Hóa cho người đến thu thập 13 mẫu đất, nước và chất thải chung quanh nhà máy đưa đi xét nghiệm. Trong phúc trình kết luận được công bố chiều ngày 19 tháng 9, cán bộ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa xác nhận rằng, độ độc hại của các mẫu nói trên vượt mức cho phép đến hàng chục ngàn lần.
Trước đó, ngày 18 tháng 9, phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho hay, đã xử phạt “hành chính” công ty Nicotex Thanh Thái 421 triệu đồng, tương đương 21,000 đô vì vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, đã tạm đình chỉ hoạt động của công ty Nicotex Thanh Thái, chờ “khắc phục hậu quả.”
Theo dư luận, việc xử phạt hành chính công ty Nicotex là quá nhẹ so với tổn thất nặng nề mà người dân trong vùng gánh chịu. Trong khi đó, theo chánh văn phòng công an tỉnh Thanh Hóa, “khó mà khởi tố vụ án” Nicotex Thanh Thái chôn hóa chất xuống đất gây ô nhiễm môi sinh.
Còn theo VietNamNet, việc người dân ra tay đối phó trực tiếp với công ty Nicotex bởi đã quá sức chịu đựng. Một số cư dân cho hay rất nhiều người đã bỏ đi nơi khác. Tôm cá chết dần, hàng đàn ong mật cũng tan biến trong vài năm trở lại đây vì môi trường bị ô nhiễm.
Ðời sống người dân xã Yên Lâm thê thảm thấy rõ chỉ sau ba tháng kể từ ngày Nicotex Thanh Thái đi vào hoạt động. Ðây là xã có tới 60% dân số sống về nghề nuôi ong đàn để lấy mật. Sau ngày Nicotex Thanh Thái ra đời không lâu, số lượng mật ong thu được của người dân giảm xuống gấp 10 lần. Ông Lê Xuân Riêu, người nổi tiếng của làng ong mật xã Yên Lâm than thở, 40 đàn ong của ông bị chết rụi dần mòn, đến nay chỉ còn khoảng 9 đàn.
VietNamNet còn dẫn lời một cư dân tên Hoàng kể lại, nước suối trong vùng, cạnh nhà máy bỗng dưng “trong” đến lạ lùng. Tất cả các sinh vật trong vùng, kể cả loài đỉa đều biến mất đầy bí ẩn. Một ao hồ rộng 3 mẫu của ông Nguyễn Ðăng Hùng thỉnh thoảng lại nổi lên hàng đàn cá chết trắng xóa trên mặt nước.
Dân chúng trong vùng đã báo cho chính quyền địa phương biết về các hiện tượng chết người kể trên từ nhiều năm nay. Vì không được sự lưu tâm, buộc hàng trăm người dân cuối cùng phải tự mình đi tìm sự thật.
Tuy nhiên, sau khi sự thật được bóc trần, các cấp chính quyền huyện, tỉnh, cũng như nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam tiếp tục “chẳng thèm quan tâm.” (PL)
Bài 2: Khai thác khoáng sản và nhóm lợi ích
Kính Hòa, phóng viên RFA, 2013-10-10
Khai thác và xuất khẩu quặng thô bị nghiêm cấm tại Việt Nam, tuy nhiên điều này vẫn diễn ra và gây nhiều tác động lên đời sống dân chúng, tàn hại môi trường và cơ sở hạ tầng công ích.
Khoáng sản Việt Nam đang ở đâu?
Trên bản đồ khoáng sản thế giới, Việt Nam không phải là một quốc gia giàu có. Khu quặng mỏ nổi tiếng nhất đất nước là vùng Đông Triều, Quảng Ninh, với những hầm than được khai thác đã hơn 100 năm. Gần đây những mỏ dầu được khai thác ngoài biển Đông có đem lại nhiều lợi tức cho xứ sở nhưng Việt Nam vẫn không phải là một quốc gia dầu mỏ nổi tiếng. Tuy vậy, cũng có nhiều loại khoáng sản có mặt trong lòng đất Việt Nam với trữ lượng không lớn, theo những thông tin cập nhật đến hôm nay.
Với thời gian và sự phát triển của khoa học kỹ thuật có thể các loại khoáng sản ấy sẽ hữu ích cho quốc gia trong tương lai. Vì thế việc gìn giữ những khoáng sản ấy cho thế hệ mai sau là đặc biệt quan trọng. Chính phủ Việt Nam cũng thường xuyên lên tiếng với báo giới về chính sách không thúc đẩy chủ trương khai thác quặng thô để xuất khẩu, cụ thể là chỉ thị ngày 9/1/2012 của Thủ tướng chính phủ về việc cấm xuất khẩu quặng thô, không cấp phép thăm dò và khai thác mới đối với nhiều loại quặng.
Thực tế khai thác khoáng sản tại Việt nam lại là một bức tranh hoàn toàn khác với viễn cảnh bảo tồn và tinh chế quặng như mong muốn của chính phủ.
Bên trong hệ thống ấy mỗi bộ có những quyền lợi khác nhau, mỗi địa phương thậm chí nhóm doanh nghiệp nhà nước họ cũng là một thế lực rất mạnh.
-TS Nguyễn Quang A
Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, vào ngày 8/10/2013 tổ chức một cuộc hội thảo mang tên “Quản trị tài nguyên khoáng sản: Việt Nam đang ở đâu?” Trong cuộc hội thảo này, nhiều ý kiến đã được nêu lên về tình trạng khai thác và xuất khẩu khoáng sản không có kiểm soát tại Việt Nam. Theo đó, việc cấp giấy phép đã có nhiều sai phạm, người dân tại những nơi có khoáng sản không được lợi gì khi khoáng sản được khai thác, việc khai thác đã tàn phá môi trường và cơ sở hạ tầng công ích mà chủ đầu tư không đền bù thiệt hại.
Việc cấp giấy phép đã được nhiều tỉnh cấp mặc dù họ không có thẩm quyền và những giấy phép này lại được cấp sau chỉ thị ngày 9/1/2012 của Thủ tướng.
Trước đây, khai thác khoáng sản là lĩnh vực của Tổng cục địa chất cùng với các Liên đoàn, các xí nghiệp của mình. Nay những chủ tư nhân cũng có thể tham gia vào hoạt động này. Và các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã tìm mọi cách để có được giấy phép. Điều này được giải thích bằng các mối quan hệ chằng chéo nhau giữa các doanh nghiệp ấy với các giới chức chính quyền, giới chức đảng cộng sản, hình thành nên cái mà trong thời gian gần đây được gọi bằng cụm từ ghê gớm, đó là Nhóm lợi ích. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển IDS đã tự giải thể, nói về nhóm lợi ích như sau:
“Về nhóm lợi ích ở Việt Nam, ý người ta muốn nói đến các nhóm lợi ích có ảnh hưởng đến chính sách, đường hướng phát triển của đất nước. Trong đó nhóm mạnh nhất và lớn nhất là nhóm của lãnh đạo. Bên trong hệ thống ấy mỗi bộ có những quyền lợi khác nhau, mỗi địa phương thậm chí nhóm doanh nghiệp nhà nước họ cũng là một thế lực rất mạnh.”
Lĩnh vực tham nhũng tinh vi
Theo ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra chính phủ, trong một phát biểu ngày 18/7/2013, thì khoáng sản là một trong bốn lĩnh vực tham nhũng tinh vi nhất. Rất dễ hiểu rằng sự tinh vi đó chính là nhóm lợi ích của các nhà tài phiệt mới và nhà cầm quyền.
Và dĩ nhiên các nhà tài phiệt này hoạt động theo một nguyên tắc phổ quát của chủ nghĩa tư bản, đó là lợi nhuận. Khi tìm kiếm lợi nhuận, người ta sẽ lấn lướt càng nhiều càng tốt những người dân địa phương thấp cổ bé miệng, và cầu đường hư hỏng vì chuyên chở quặng mỏ sẽ tốt hơn đối với họ là gánh nặng cho ngân sách công ích chứ không phải chi phí mà các công ty của họ phải bỏ ra.
Trong cuộc hội thảo nói trên, một ví dụ được đưa ra về chi phí xã hội mà các hoạt động khai thác khoáng sản tạo nên, đó là chuyện một doanh nghiệp nộp ngân sách 5 tỉ đồng, nhưng đoạn đường mà doanh nghiệp này làm hỏng trị giá đến 30 tỉ đồng. Và theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược thuộc Bộ Công An, thì người xuất khẩu cuối cùng ăn hết mọi lợi nhuận, và dân địa phương vẫn nghèo như xưa, nếu không nói là tệ hơn xưa do cuộc sống và truyền thống bị xáo trộn. Nổi bật lên ở đây là hình ảnh mờ nhạt của các cộng đồng dân cư trong các dự án kinh tế nói chung, khai thác khóang sản nói riêng.
Kỹ sư Phạm Phan Long, người tham gia nhiều vài việc đánh giá tác động môi trường của các dự án tại Hoa Kỳ và cũng có tham gia vào dự án phát triển tiểu vùng Mekong của ngân hành phát triển Á châu nói với chúng tôi về sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các dự án kinh tế xã hội như sau:
“Việc giới thiệu dự án với cộng đồng dân cư, những người chịu ảnh hưởng của dự án, là rất quan trọng. Qua đó những người chủ trương dự án tìm hiểu xem người dân sống thế nào, lịch sử của họ ra sao, và họ nghĩ gì về dự án của mình. Từ đó người người làm dự án đưa những hiểu biết này vào trong dự án, tìm cách đối phó và đáp ứng nhu cầu của người dân.”
Thiếu tướng Lê Văn Cương, cho rằng vấn đề nằm ở chổ là “Không có ai chịu trách nhiệm trước nhân dân Việt Nam.” Và việc thất thoát khoáng sản gắn với cái gốc là trách nhiệm cá nhân từ hệ thống không rõ ràng.
Nhân vật nào phải chịu trách nhiệm đó liệu sẽ chịu trách nhiệm không khi chẳng có người dân nào được hỏi ý kiến? Chẳng có ai hỏi họ về trách nhiệm ấy!
Ông Lê Văn Cương nói tiếp rằng những Bộ có liên quan đến khai thác khoáng sản là Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường phải chịu trách nhiệm, và Chính phủ phải xuất hiện để điều hành. Thực ra trách nhiệm này được qui định rõ ràng bằng điều số 80 của Luật khoáng sản. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản.
Vấn đề là sự quản lý này có được kiểm soát không?
Để chính phủ khỏi lơ là!
Để chính phủ không bị cuốn vào luồng xoáy tạo nên bởi các nhóm lợi ích!
Ai khác hơn để làm việc này ngoài Quốc hội! Cơ quan về nguyên tắc có quyền lực cao nhất đất nước!
Nhưng Quốc hội cũng có sự hiện diện đầy đủ tất cả các thành viên chính phủ!
Và trên tất cả, Quốc hội và Chính phủ, là Đảng cộng sản, với Cương lĩnh đã được ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người từng là Chủ tịch Quốc hội, khẳng định rằng quan trọng hơn cả Hiến Pháp.
Thiếu tướng Cương nói trong buổi Hội thảo: “phải sửa Hiến pháp”. Nhưng sửa như thế nào? Theo Thiếu tướng là phải qui định trách nhiệm nhiều hơn chăng? Rồi trách nhiệm ấy được kiểm soát ra sao?
Có mặt trong buổi hội thảo, TS Lê Dăng Doanh, nguyên cố vấn chính phủ, phát biểu: cần công khai minh bạch và chia sẻ lợi ích hợp lý. Trong lĩnh vực này người dân không có điều kiện tiếp cận thông tin nên “cần các tổ chức xã hội vào cuộc hỗ trợ.”
Nhưng các tổ chức xã hội lại là vấn đề rất lớn của nền dân chủ tập trung do đảng cộng sản lãnh đạo hiện nay! Người ta e rằng nó sẽ thách thức quyền lực của đảng cầm quyền.
Tài nguyên khoáng sản là loại tài nguyên không tái tạo được. Để nó lại cho thế hệ tương lai cùng một cuộc sống ngăn nắp, hẳn là quan trọng hơn quyền lực nhất thời của ai đó.
Bài 3: Nhơn Lý, Bình Định có thể bị mất dấu vì titan và dự án du lịch
Uyên Nguyên, thông tín viên RFA, Việt Nam, 2013-06-03
Bán đảo Nhơn Lý nằm về phía Đông Bắc thành phố Qui Nhơn, Bình Định, nếu đi theo đường đất liền, rẽ ở ngã ba Bà Di, đến Tuy Phước, ngang qua xã Phước Thuận và Gò Bồi, quê hương của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, băng qua một trảng cát dài chừng 5km, gặp bờ biển và tiếp tục len lỏi sâu vào xóm chài Nhơn Lý, đi theo đường biển, chỉ cần đi từ thành phố Qui Nhơn, băng qua cây cầu vượt biển Thị Nại dài 2km, tổng chiều dài đoạn đường chừng 6km cách Qui Nhơn. Nhưng, đời sống giữa hai nơi tưởng là rất gần về mặt địa lý này lại có mức độ chênh lệch đáng sợ.
Người dân Nhơn Lý đang kêu cứu
Nếu như mức sống ở thành phố Qui Nhơn tương đối cao với nhiều nhà hàng, quán xá, trường học, bệnh viện, trường đại học… được xây dựng khang trang, theo chuẩn hiện đại, thì ngược lại, Nhơn Lý chỉ có một trường tiểu học, một trường trung học cơ sở, một chợ cá, một chợ tạp hóa, một ngôi chùa, một tịnh xá, ngoài ra, đời sống của gần 10 ngàn dân ở đây chỉ biết vừa làm quần quật, đầu tắt mặt tối vừa cố gắng chống chọi với những cổ máy công nghiệp đang liếm dần những phần đất sinh tồn nhỏ nhoi của mình.
Ông Chức, 79 tuổi, cư dân lâu năm ở Bãi Nồm, Nhơn Lý, than thở với chúng tôi rằng gần ba năm nay, dân xóm ông chẳng còn yên tâm để làm ăn, một phần thì biển bây giờ dữ quá, chuyện ra khơi trở thành mối lo, nỗi bất an hằng ngày. Nhưng điều đó không đáng sợ bằng những chiếc xe ủi, xe múc đang ngày đêm đục xẻo da thịt của các đồi cát, những mảnh vườn và không ngoại trừ nghĩa trang. Nhiều công ty đến đây để đào bới, khai thác quặng titan. Và cuộc đào bới của họ không dừng ở những đồi cát hoặc bãi trống, nhà dân bị đe dọa.
Xe ủi vào khai thác cát trong rừng dương vì đó là nơi quá gần khu nghĩa trang của xã Nhơn Lý và là đồi phi lao của dân trong xã đã trồng để chắn gió, phòng bão. Nếu như rừng phi lao này bị chặt đi, gió bão sẽ thốc thẳng vào khu dân cư, những mái tôn cũ kĩ và những ngôi nhà cấp bốn tạm bợ sẽ bị cuốn đi ngay tức khắc
Một người phụ nữa tên Dung, nhà chị gần Eo Gió, chị cũng là người suốt ba năm nay đã cùng bà con trong thôn căng bạt, che lều ngoài bãi cát, chịu mưa chịu nắng để đấu tranh không cho xe múc, xe ủi vào khai thác cát trong rừng dương vì đó là nơi quá gần khu nghĩa trang của xã Nhơn Lý và là đồi phi lao của dân trong xã đã trồng để chắn gió, phòng bão. Nếu như rừng phi lao này bị chặt đi, gió bão sẽ thốc thẳng vào khu dân cư, những mái tôn cũ kĩ và những ngôi nhà cấp bốn tạm bợ sẽ bị cuốn đi ngay tức khắc.
Mà trên bán đảo Nhơn Lý, hơn 40% nhà cửa xây tạm bợ, vá víu. Trong khi đó, việc khai thác quặng titan sẽ dẫn đến hàng loạt phi lao bị bứng gốc, tiếp theo nữa là những hố cát sâu hoắm, dẫn đến sụt lở, nhà dân chung quanh khu vực khai thác cũng bị ảnh hưởng theo. Nhưng, vấn đề bức xúc nhất vẫn là mội trường. Bà con đang sống trong điều kiện môi trường tự nhiên, sạch sẽ và thoáng mát, những chiếc xe ủi đến thải khói, rơi vãi xăng dầu khắp lối, cát qua xử lý hóa học để lọc quặng cũng là một loại chất thải gây độc cho môi trường.
Một người già 80 tuổi, yêu cầu giấu tên, cũng như nhiều người phụ nữ góa bụa vì chồng con mất tích ngoài khơi, chồng con bà mất tích gần hai mươi năm nay, bà sống trong một căn nhà tuềnh toàng, rách nát, than thở với chúng tôi rằng gần đây có nhiều người đến gạ gẫm bà mua đất, họ hứa sẽ không bứng nhà bà đi, vẫn để nguyên chỗ ở cho bà, họ chỉ lấy cát đen về lọc quặng. Bà không đồng ý vì sợ làm thế sẽ hỏng mất căn nhà trú mưa trú nắng.
Kể từ ngày các công ty khai thác khoáng sản đến Nhơn Lý để khai thác titan đến nay, các thanh niên trong xã trở nên chây lười, thay vì ra khơi đánh bắt thì chúng chỉ ham cờ bạc, rượu chè, chơi bời, hết tiền thì lại mang bị đi đào cát đen để bán
Một cụ bà 80 tuổi
Những tưởng như vậy đã xong, không ngờ, vài hôm sau, bà phát hiện cát chung quanh nhà mình đã bị đào trộm sâu hoắm, móng nhà trơ ra, nguy cơ nhà sập sau một trận mưa nằm trong gang tấc. Bà báo chính quyền địa phương, họ hứa sẽ điều tra bắt kẻ trộm và sẽ liên lạc với bà sau. Sau mấy ngày ôm đơn lên ủy ban xin giúp đỡ, tìm cách lấp lại móng nhà nhưng không được, bà tự mang chiếc thau nhôm ra bãi múc cát về lấp móng nhà, mỗi ngày một ít, cuối cùng, mặt nền bằng cát đen được thay thế bằng cát vàng, bà vẫn chưa hết lo vì phía dưới lớp cát vàng vẫn còn cát đen, kẻ trộm có thể đào bỏ lớp cát vàng để đào cát đen, như vậy, nguy cơ sụp nhà trong lúc đang ngủ, chết không biết giờ là rất cao.
Bà buồn rầu nói rằng ba năm nay, bà xuống gần mười ký, trước đây, bà bốn mươi sáu ký, bây giờ, bà còn ba mươi bảy ký hơn, không ngủ được vì lo, cũng không đi ra bãi mua một mẻ cá về ngồi bán cho đến trưa để kiếm chút lãi sống qua ngày, bà chỉ còn biết buôn một tủ thuốc lẻ ngay trong nhà để mua gạo sống qua ngày, bữa đói bữa no.
Cái giá phải trả của sự quản lý thiếu khoa học
Bà kể thêm rằng kể từ ngày các công ty khai thác khoáng sản đến Nhơn Lý để khai thác titan đến nay, các thanh niên trong xã trở nên chây lười, thay vì ra khơi đánh bắt thì chúng chỉ ham cờ bạc, rượu chè, chơi bời, hết tiền thì lại mang bị đi đào cát đen để bán.
Một ký lô cát đen bán với giá 5 đô la, tương đương một trăm ngàn đồng Việt Nam, chỉ cần chở một bao nhỏ chừng ba chục ký lô cát có sẵn ở đâu đó trong vườn hoặc thềm nhà của một ai đó sơ hở, là kiếm được hơn ba triệu đồng, tiêu xài phung phí cũng được vài ngày. Bà lắc đầu thở dài, than thở về sự vô tâm của những kẻ trộm cắp cát nhà bà vì chúng thừa biết bà quá nghèo, lẽ ra nên giúp người già, đằng này lại đi ăn trộm của bà.
Đó là cái giá của sự quản lý thiếu khoa học, qui hoạch và đầu tư dựa vào lòng tham và tính vô văn hóa của phe nhóm. Tội ác sẽ tiến xa hơn nữa, xã hội sẽ lụn bại hơn nữa một khi tiền đầy túi mà não bộ trống rỗng và u ám, một loại bi kịch quốc gia
Một nhà giáo
Cũng xin nói thêm, về nguồn khoáng sản hắc xa, tức là cát đen dùng để lọc quặng titan, bán đảo Nhơn Lý, Bình Định thuộc vào diện giàu có nhất nhì trên cả nước. Và, đây cũng là bán đảo có ít nhóm ngành nghề nhất, phần đông dân trên đảo hoặc là lên thuyền vượt biên trong những năm đầu thập niên 1980 hoặc là bám biển, người có vốn một chút thì mở vựa làm nước mắm, nhưng con số này đếm trên đầu ngón tay.
Từ những ngày chiến dịch khai thác quặng titan khai triển ở Nhơn Lý đến nay, nạn trộm cắp, xì ke, ma túy tăng cao. Đó là chưa muốn nói đến hàng loạt mâu thuẩn, tội ác phát sinh sau khi dự án qui hoạch khu Nhơn Hội, Nhơn Lý trở thành điểm du lịch sinh thái, giá đất tăng cao, sự tranh giành và kiện tụng nổ ra khắp nơi.
Như lời một vị thầy giáo đã về hưu, ở Nhơn Lý nói: “Đó là cái giá của sự quản lý thiếu khoa học, qui hoạch và đầu tư dựa vào lòng tham và tính vô văn hóa của phe nhóm. Tội ác sẽ tiến xa hơn nữa, xã hội sẽ lụn bại hơn nữa một khi tiền đầy túi mà não bộ trống rỗng và u ám, một loại bi kịch quốc gia!”
Lê Ánh
Bài 4: Lại Câu Chuyện Bùn Đỏ Cao Bằng
Đúng một tháng sau tai nạn thảm khốc ở Hungary do một bức tường chắn của một trong 10 hồ chứa bùn đỏ, phế thải của việc khai thác bauxite bị bể ngày 4 tháng 10, tin tức từ Việt Nam thông báo là vào đêm mùng bốn rạng mùng năm tháng 11, 2010, cơn “lũ” bùn đỏ kéo theo hàng vạn khối bùn đỏ từ thượng nguồn đổ xuống. Bùn nầy là phế thải từ việc tuyển rửa quặng của xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng thuộc công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng, tức công ty TKV, cũng là công ty đang thực hiện việc khai thác bauxite tại cao nguyên Trung phần Việt Nam.
Đây là một sự kiện đã được tiên liệu trong hầu hết các công cuộc phát triển của Việt Nam qua việc khai thác khoáng sản cũng như xây dựng các đập thủy điện và các công trình phát triển khác. Tiên liệu vấn nạn môi trường sẽ xảy ra là một “logic tất yếu” vì một nguyên nhân căn bản chính là hầu hết dự án khai triển ở Việt Nam đều không có nghiên cứu tác động môi trường (Environmental Assessment Impacts-EAI), điều đã được ghi rõ ràng trong Luật Môi Trường Việt Nam (1993) và Luật Đầu tư trước khi cung cấp giấy phép xây dựng dự án…
Chúng ta đã từng nghe và thấy thảm nạn đã xảy ra cho các đập thủy điện trên các sông ngòi ở miền Trung bị bể hay xả nước vô tội vạ làm ngập nhiều làng xóm, thị xã từ nhiều năm qua, mỗi lần mùa mưa đến…
Chúng ta đã từng nghe và thấy dòng sông Thị Vải hầu như hoàn toàn bị ô nhiễm từ năm 1997 do công ty Vedan, ngay sau khi bắt đầu khai thác bột ngọt từ năm 1994. Qua mốc ngoặt, qua bao che v.v…tất cả đều êm xuôi mặc dù nước thải độc hại đã được thải hồi ngay sau khi sản xuất những mẽ đầu tiên. Năm 2007, chúng tôi đã nêu lên vấn nạn nầy, và đã được “phản hồi” bằng những lời lẽ cho là bôi bác chế độ! Mãi đến năm 2008, Công ty Vedan “mới” bị khám phá là có một đường ống “bí mật” xả nước thải thẳng vào sông vào ban đêm từ hang chục năm qua.
Và sự kiện tương tự đã diễn ra tại một công ty khai thác quặng sắt ở Cao Bằng ngày hôm nay…
Vài thông tin về quặng sắt
Sắt có công thức hóa học là Fe, là một thành phần kim loại chiếm 5% của vỏ trái đất. Khi nguyên chất, sắt có màu xẩm đen goi là màu xám bạc kim loại (silvery-gray metal). Đây là một kim loại rất dễ bị oxid hóa còn gọi là rỉ sét và biến thành màu đỏ giống như bùn đỏ trong công nghệ khái thác quặng sắt hay bauxite. Các màu đỏ, cam, hay vàng thường thấy trong đất và đá thông thường là các loại oxid sắt dưới nhiều kết nối giữa sắt và oxy với tỷ lệ khác nhau..
Phần dưới của vỏ trái đất được dự đoán là do hợp kim sắt và nickel vì hợp kim nầy là các “thiên thạch” (meteorites) thỉnh thoảng rơi vào mặt đất, và hợp kim nầy cũng được dự đoán là kim loại đầu tiên cấu tạo ra vũ trụ! Sao Hỏa (Mars) được gọi tên như thế là vì lớp vỏ ngoài được bao bọc bằng oxid sắt có màu đỏ.
Tên Sắt (Iron) có được từ danh từ Old English tên là Isaern, nguyên ủy từ tiếng Celtic là Isarnon.
Trên thế giới, ước tính có khoảng 800 tỷ tấn quặng mỏ sắt dung chứa độ 230 tỷ tấn sắt ròng (nguyên chất). Hàm lượng sắt ở Hoa Kỳ chiếm độ 27 tỷ tấn. Hầu hết (gần 100%) sắt nguyên chất khai thác từ các quặng mỏ được chế biến thành các loại thép khác nhau tùy theo nhu cầu, như hỗn hợp sắt và tungsten, manganese, nickel, vanadium, hay chromium v.v..dùng cho kỹ nghệ xây cất, xe hơi v.v…
Các quặng sắt thường xuất hiện dưới dạng Hematite tức oxid sắt III (Fe2O3) chứa 70% sắt, dạng Magnetite tức oxid sắt sesqui (Fe3O4) chứa 72%, và dạng Taconite chứa độ 30% hỗn hợp hai dạng trên và nhiều kim loại khác.
Sắt còn là một nguyên tố tối cần thiết cho cơ thể con người. Cơ thể con người chứa 0.006% sắt, phần lớn tồn chứa trong máu. Tế bào máu chứa sắt mang oxy từ buồng phổi đi khắp châu thân. Nếu cơ thể thiếu chất sắt, sức miễn nhiễm của cơ thể sẽ bị giảm đi.
Câu chuyện bùn đỏ Cao Bằng
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, những nạn nhân ở xã Duyệt Chung đã điện thoại lên UBND Xã để báo tình hình. Và cũng ngay sau đó (?) (theo lời báo chí!), nhân viên xí nghiệp khai thác Nà Lũng đã tìm cách bít lỗ hổng của đập bị vỡ. Dòng chảy của bùn cao từ 2 đến 3 thước chảy như con rắn tràn vào nhà, tràn xuống giếng, vào các cánh đồng. Nhiều nhà tầng thứ nhứt, tức tầng trệt bị ngập hoàn toàn…
Mãi đến 4 ngày sau, bùn mới rút dần vào con suối cuối làng và chảy vào sông Bằng.
Chính Ông phó Chủ tịch UBND thị xã đã cho biết trước đây từ năm 2005, đã nhiều lần xí nghiệp xả bùn làm ngập đồng ruộng gây thiệt hại cho dân mà không đền bù thiệt hại gì cả.
Mỏ quặng Nà Lũng đã được khai thác từ năm 1990. Quặng sắt sau khi được đào sới lên (giống như quặng bauxite, chỉ che phủ bới lớp đất thịt khoảng 1 m) sẽ được phun nước đểu tầy rửa chất bẩn như đất cát, và các hợp kim khác lẫn trong quặng như các oxid Manganese, Selemium, Arsenic v.v… Sau đó phế thải lỏng nầy chảy vào 4 đập lớn thông nhau và các bờ đập đều được đấp “sơ sài” bằng đất.
Chính đập số 4 là đập bị vỡ và nước thải bùn đỏ ở các đập 1,2,3 vẫn tiếp tục chảy vào đập số 4 cho đến khi công ty ngăn chặn dòng chảy lại. Do đó, ước tính lượng bùn đỏ tràn vào xã Duyệt Chung không chính xác. Nhiều cơ quan ước tính hàng ngàn m3, nhiều báo ước tính hàng chục ngàn…có lẽ những con số trên thay đổi tùy theo mức thay đổi của “thủ tục đầu tiên”.
Giải quyết vần đề của những người có trách nhiệm
Như đã nói ở phần trên, ngay từ đầu, Ông Lê Ngọc Quang, Phó CT UBND thị xã Cao Bằng cho biết không phải là lần đầu tiên người dân Nà Lũng bị ngập bùn, chính quyền đã yêu cầu nhiều lần, lên đến công ty, đến cơ quan bảo vệ môi trường và tài nguyên tỉnh…nhưng tất cả là “vũ như cẩn” cho đến khi có “sự cố” vừa qua.
Gần một tuần sau đó, người dân phải đích thân dọn nhà cửa của chính mình, công ty chỉ cho máy hút bùn trên những đoạn đường đi vào cổng xí nghiệp. Con suối từ cuối xã Duyệt Chung, một nguồn nước sinh hoạt cho dân chúng của xã, hoàn toàn đặc quánh màu đỏ và vẫn từ từ chảy vào sông Bằng. Dấu hiệu cá chết nổi trên mặt nước cũng đã xảy ra.
Ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Cao Bằng cho biết công tác khắc phục bùn đỏ như sau: “Đang khắc phục, mọi hoạt động trở lại chỉ có học sinh đi lại còn vất vả. Đang chuẩn bị gia cố lại hồ chứa. Bùn đỏ tràn ra thì hốt đi khỏi khu vực ấy. Chúng tôi cùng các cơ quan chức năng, kể cả người dân sử dụng máy gạt, máy ủi, đưa xuống nơi bùn tràn qua và đưa đi nơi khác”.
Quả thật người viết hoàn toàn mù tịt về phương pháp giải quyết của một Ông CT Hội BVMT của tỉnh…là làm sao hốt bùn tràn vào suối, tràn vào sông, hay bùn đã thấm vào lòng đất, vào mạch nước ngầm??? (Nếu Ông Chủ tịch nhận được thông tin nầy xin giải thích cho người dân khắp nơi được rõ để viết bài về phương pháp xử lý bùn đỏ sau khi có “sự cố” bể bờ chắn hồ chứa, hay “xả “lậu” phế thải bùn đỏ”.
Tiếp theo, vào ngày 9/11, một nhà lãnh đạo chuyên môn của Tập đoàn Than-Khóang sản Việt Nam tức TKV, Ông Phó Tổng Giám đốc tuyên bố sẽ dùng máy hút bùn từ dòng suối trở lại đập chứa chất thải của công ty.
Giời ạ! Người viết chỉ còn biết đấm ngực ba lần xưng tội với Chúa, lạy 4 lạy sám hối với Trời Phật, xin tội với Alla…cầu mong có được một trí thông minh tối thiểu để có thể hiểu được và cảm nhận được một phương cách giải quyết vấn đề thần sầu của một nhà chuyện môn, đại diện cho đỉnh cao của trí tuệ nhân loại!
Thay lời kết
Qua những phát biểu và các kế hoạch ban đầu của những người có trách nhiệm trong việc tràn bùn đỏ của xí nghiệp Nà Lũng, chúng ta có thể rút tỉa một số kinh nghiệm sau đây, mặc dù ngay từ sau 1975, chúng ta đã từng rút tỉa biết bao nhiêu kinh nghiệm “xương máu” trong cung cách điều khiển và vận hành những công trình phát triển Việt Nam. Đó là:
· Thài độ vô trách nhiệm của những người chiụ trách nhiệm mỗi khi có tai nạn xảy ra;
· Cung cách phát triển chỉ tập trung vào lợi nhuận, không chú ý đến việc bảo vệ môi trường;
· Cung cách xem thường sự hiểu biết của người dân và những nhà khoa học trong nước và ngoài nước qua việc “giấu kín” chi tiết của các dự án;
· Bưng bít, che đậy, trấn áp người người tố cáo tai nạn, bịt miệng truyền thông, thông tin sai lệch là những thủ thuật của cường quyền áp dụng cho người dân trong nước;
· Coi thường sinh mạng, sức khỏe của người bằng cách che đậy mức nguy hại của tai nạn môi trường, nhứt là trong việc khai thác “dưới đất” (khoáng sản).
Tất cả những điều trên đây thể hiện một não trạng cứng ngắt. Đó là não trạng của một chủ nghĩa Sô Viết Liên Sô còn sót lại trong suốt quá trình thành lập và xây dựng cọng sản chủ nghĩa, qua đó, chúng ta đã “chiêm ngưỡng” qua sự bể tường chắn bùn đỏ bauxite ở Ukraina vào năm 2005 (bể tường chắn bằng bê tông cao 140m), vụ bể tường chắn tại Hungary tháng vừa qua (tường chắn cao 41m), và tại Việt Nam qua vụ vỡ bờ chắn bằng đất của xí nghiệp Nà Lũng.
Xin hỏi, kể từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đã khai thác bauxite tại Lâm Đồng bằng phương pháp thủ công để sản xuất hàng năm độ 12.000 tấn Alumina (oxid nhôm Al2O3) dùng trong việc lọc nước sinh hoạt ở các thành phố lớn ở Việt Nam, như vậy số lượng bùn đỏ thải ra từ đó đến giờ đã được chứa ở đâu hay được xử lý như thế nào?
Mai Thanh Truyết
Bài 5: Sử Dụng Phân Bón và Hóa Chất
Kể từ khi có chính sách đổi mới năm 1986, lượng hóa chất sử dụng trong nông nghiệp ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Các loại hóa chất dùng cho nông nghiệp gồm:
(1) Phân bón chứa nitrogen, potassium, phosphor, calcium dưới dạng sulfate, phosphate, hay carbonate;
(2) Các loại thuốc trừ sâu rầy, diệt cỏ dại, trừ nấm mốc, v.v… có tên chung là “hóa chất bảo vệ thực vật”.
Các hóa chất loại (2) thường xuất hiện dưới dạng hợp chất hữu cơ chứa chlor, phosphate, hay carbamate. Tuyệt đại đa số các hóa chất trên rất độc hại, làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lên con người gần 20 năm qua. Những vụ nhiễm độc được đăng tải trên báo chí ở Việt Nam hầu như xảy ra hàng ngày đã nói lên tình trạng trầm trọng của vấn đề.
Theo báo cáo ngày 24/2/2003 của Viện Nghiên cứu Chulabhorn (Thai Lan) và Sở KH CN MT Hà Nội dưới tựa đề “Những vấn đề độc hại môi trường do sử dụng hóa chất ở Việt Nam” (Environmental Toxicological Problems Resulting from Chemical Uses in Viet Nam) cho thấy mỗi năm Việt Nam sử dụng đến 9 triệu tấn hóa chất thuộc 500 loại khác nhau. Tuy nhiên chỉ có 70 – 75% các loại hóa chất này được xác định với tên chính xác, còn lại là những hóa chất không rõ xuất xứ. Đối với các hóa chất bảo vệ thực vật, có trên 200 loại dưới 700 nhãn hiệu khác nhau, và có vô số hóa chất “không tên” vẫn được lưu hành rộng rãi trong thị trường. Đây là báo cáo được hai bên thực hiện do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) từ năm 1998 đến nay.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, lượng hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng ở Việt Nam lên tới 220.000 tấn trong năm 1998, trong đó phần lớn là thuốc trừ sâu và còn lại là trừ cỏ, trừ bịnh. Nhóm hữu cơ phosphate chiếm khoảng 56%, phổ biến nhất là Wolfatox và Monitor, một loại thuốc độc hại cho môi trường và con người. Thậm chí ở một số tỉnh như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Thái, Tuyên Quang, Yên Bái, thuốc trên còn được phun cho cây trà và thuốc lá. Theo ước tính hiện tại cho năm 2013, số lượng hóa chất bảo vệ thực vật lên đến hơn 300 ngàn tấn.
Theo khuyến cáo của Cơ quan Lương nông Quốc tế (FAO) thì trên thị trường có hơn 30% hóa chất bảo vệ thực vật không đáp ứng được tiêu chuẩn yêu cầu và chứa nhiều tạp chất độc hại cũng như có rất nhiều hóa chất đã bị cấm sử dụng trên thế giới. Các hóa chất trên có xuất xứ từ Trung Cộng. Việt Nam là một thành viên đã phê chuẩn danh sách hóa chất độc hại trong đó có DDT, Furan, và PCB thuộc nhóm “hóa chất dơ bẩn” (các chất gây ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy) đã được ký kết qua Công ước Stockholm (Thụy Điển) vào tháng 7/ 2002. Việt Nam cũng vừa được UNDP hỗ trợ kỹ thuật và tài chánh trị giá US$500.000 để giúp thực hiện Công ước Stockholm này nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của các loại hóa chất độc hại đối với môi trường và sức khỏe của con người. Việt Nam cũng là thành viên trong Hiệp ước Rottedam (Rottedam Convention-Hòa Lan) về sản xuất và trao đổi các hóa chất độc hại trên thế giới. Bộ Y tế Việt Nam cũng có niêm yết các loại hóa chất bị cấm sử dụng trong nông nghiệp và gia đình.
Tuy nhiên, mặc dù ký kết những điều cấm kỵ trên, nông dân vẫn tiếp tục sử dụng bừa bãi tất cả mọi hóa chất mà họ có trong tay. Thậm chí những loại hóa chất nhập cảng lậu bị tịch thu cũng được “cán bộ quản lý” tiêu lòn và tung ra thị trường nông nghiệp.
Theo ước tính, hàng năm thế giới tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn thuốc bảo vệ thực vật đủ loại và là một nguồn lợi rất lớn cho những quốc gia sản xuất. Chỉ tính riêng cho ba hãng hóa chất lớn ở Hoa kỳ là Monsanto, Dow, và DuPont, năm 2000 họ thu về tổng cộng là 8,667 tỷ Mỹ kim trên lợi tức từ hóa chất bảo vệ thực vật. Trung Hoa là quốc gia thứ nhì trên thế giới sản xuất 424.000 tấn cho năm 2000. Mặc dù DDT đã bị cấm sản xuất và tiêu dùng trên thế giới nhưng Trung Hoa, Mễ Tây Cơ, Ấn Độ, và Ý Đại Lợi là những quốc gia còn lại vẫn tiếp tục sản xuất bất chấp lịnh cấm của Liên Hiệp Quốc.
Ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng riêng rẽ hoặc dưới dạng hỗn hợp (cocktail) để tăng độ độc của thuốc trước sức đề kháng của côn trùng. DDT được coi như là tác nhân chính trong nhiều hỗn hợp trên, điển hình một hỗn hợp gồm có DDT, Thiodan (hay Endosulfan) và Folidol (Methyl Parathion) thường hay được pha chế để trừ sâu cuốn lá và các côn trùng khác. Ngoài việc dùng hóa chất cho nông nghiệp, nông dân còn sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật trong việc đánh tôm cá nữa.
Sau đây là danh sách một số hóa chất độc hại được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam: DDT, Folodol, Mevinphos, Dichlovos, Carbofuran, Methamidophos, Endosulfan (hay Thiodan), Diazinon, Glycosate (hay 2,4-D), Diazonin, Chlopyrifos, Zinc Phosphide, Paraquat, Aluminum Phosphide.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường sống ở Việt Nam cho đến ngày nay không còn là một sự kiện cần phải bàn cãi mà là một thực tế mà Việt Nam cần phải đối mặt và giải quyết tức thời. Trước việc các hàng thực phẩm của Việt Nam xuất cảng ra ngoại quốc tiếp tục bị trả về hàng loạt vì có dung lượng hóa chất cao hơn quy định, và sản phẩm tiêu dùng trong nội địa bị nhiễm độc thường xuyên, viễn ảnh một nền kinh tế què quặt hiện đang xảy ra khắp nước.
Vì vậy, cần phải có cái nhìn chính xác hơn về việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp.
Hậu quả của việc áp dụng hóa chất không thích hợp
Việc áp dụng hóa chất bảo vệ thực vật không đúng cách (đúng liều lượng thích hợp), không đúng đối tượng (sâu rầy), và không đúng thời gian là ba yếu tố làm cho:
· Môi trường thoái hóa nhanh
· Hiệu quả kinh tế trong sản xuất thấp
· Và sức khỏe của nông dân và người chăn nuối bị ảnh hưởng vì không có biện pháp phòng bị an toàn khi tiếp cận với hóa chất.
Một thí dụ trong việc trồng lúa. Nông dân thường có thói quen phun xịt đồng ruộng trong tháng đầu tiên sau khi gieo mạ. Việc làm này chẳng những không cần thiết mà ngược lại còn tiêu diệt các loại côn trùng “bạn” có khả năng diệt trừ sâu rầy. Thêm nữa, việc phun xịt sớm chỉ tiêu diệt được sâu rầy trưởng thành nhưng không diệt được trứng của chúng. Theo ước tính, Việt Nam đã sử dụng 42% trên tổng số thuốc bảo vệ thực vật để tiêu diệt sâu cuốn lá, nhưng nghiên cứu đã cho thấy rằng cây lúa dù mất đi 50% lá vẫn giữ nguyên năng suất lúc ban đầu. Viện Đại học Cần Thơ và IRRI (Philippines) đã chứng minh từ năm 1995 rằng việc xịt thuốc trừ sâu cuốn lá là điều không cần thiết nữa. Thêm nữa, nếu kể chi phí y tế của nông dân vào việc sản xuất thì việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật là một việc làm không hiệu quả kinh tế.
Vì các lý do trên, những quốc gia sản xuất nông nghiệp trên thế giới đều có khuynh hướng giảm thiểu tối đa việc dùng hóa chất
Nam Dương là một quốc gia nông nghiệp lấy việc trồng lúa làm nền tảng cho phát triển quốc gia để hy vọng tiến đến việc tự túc lương thực. Từ năm 1986, Tổng thống Suharto ra quyết định nghiêm cấm sử dụng 28 loại hóa chất bảo vệ thực vật đặc biệt cho kỹ nghệ trồng lúa. Thành quả trước tiên là, từ 1986 đến 1989, Nam Dương đã khỏi phải tốn hàng năm 100 triệu Mỹ kim qua Quỹ bảo trợ nông nghiệp cho nông dân trong việc dùng các hóa chất trên.
Thêm nữa, chính quyền Nam Dương nâng chính sách “Quản lý toàn diện sâu rầy” (Integrated Pest Management) làm quốc sách, như thiết lập các trường huấn luyện với mục đích nâng cao kiến thức cho nông dân trong việc sử dụng hóa chất. Kết quả là hiện tại Nam Dương có hơn một triệu nông dân “chuyên nghiệp” tốt nghiệp ở các trường đào tạo này, và hầu như làng nào cũng có một hay nhiều nông dân chuyên nghiệp. Những “nông dân chuyên nghiệp” này giúp nâng cao trình độ hiểu biết về canh nông cho mọi nông dân. Mục tiêu của các trường huấn luyện là:
(1) Khuyến cáo nông dân sử dụng càng ít hóa chất càng tốt,
(2) Nếu cần thì phải sử dụng hóa chất có hiệu quả.
Do đó, năng xuất trồng trọt tăng cao và việc cải thiện đời sống kinh tế của nông dân cũng tăng theo sau đó.
Sau mười năm áp dụng, Nam Dương thu thập được những kết quả sau đây:
· Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hầu như chấm dứt trong việc trồng lúa
· Năng suất lúa gạo tăng 10%
· Chi phí y tế do bị nhiễm độc giảm từ khi áp dụng chính sách Quản lý toàn diện sâu rầy
Bài học của Nam Dương trên đây đáng cho Việt Nam ta suy gẫm.
Từ mô hình cân bằng giữa quản lý môi trường và phát triển quốc gia của Chí Lợi mà người viết đã trình bày vào năm 2002, Nam Dương đã mở ý cho chúng ta khái niệm về Quản lý toàn diện sâu rầy trong nông nghiệp. Hay tích cực hơn nữa là cần phải giảm thiểu việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Có thể nói, Việt Nam là một quốc gia đã sử dụng một sản lượng hóa chất quá liều lượng so với diện tích đất trồng trọt. Từ năm 1992 đến 1994, hàng năm Việt Nam đã nhập trên 200.000 tấn DDT từ Nga Sô cho mục tiêu diệt trừ bịnh sốt rét và trừ sâu rầy.
Qua các nhận định trên, dù muốn dù không, Việt Nam cũng phải chuyển đổi quan niệm về phát triển và sản xuất cho phù hợp với tiến trình phát triển bền vững toàn cầu và bảo vệ môi trường. Các biện pháp sơ khởi được đề nghị sau đây nhằm mục tiêu tận dụng thiên nhiên, áp dụng chu kỳ của sinh-thực-động vật để phát triển nông nghiệp và giảm thiểu tối đa việc sử dụng các hóa chất độc hại. Liên Hiệp Quốc vẫn thường xuyên cổ võ việc trồng trọt dựa theo yếu tố thiên nhiên để không làm đảo lộn hệ sinh thái nông nghiệp (agro-ecosystem), và khuyến khích áp dụng cơ chế kiểm soát sâu bọ tự nhiên (natural pest control mechanism).
Kỹ nghệ lúa gạo
Trong việc trồng lúa, nông dân cũng nên học hỏi các khái niệm mới (đúng đắn) để dứt khoát thay đổi cung cách và quan niệm cổ điển do việc không được huấn luyện đúng cách, và có những thông tin sai lạc, nhứt là việc sử dụng hóa chất trừ sâu rầy:
· Diện tích đất trồng trọt và môi trường: Trước kia, khi chưa có vấn nạn gia tăng dân số, mô hình tiêu biểu cho một gia đình nông dân là một miếng ruộng, một miếng vườn nhỏ có cây bao bọc chung quanh nhà. Đây là mô hình lý tưởng cho quan niệm môi sinh mới. Nơi đây có chu kỳ sinh-diệt tự nhiên của ếch nhái, muỗi mòng, chim chóc, rắn rết, chuột bọ, và một số côn trùng khác. Các loại kể trên tiêu diệt lẫn nhau tạo ra một sự cân bằng sinh thái mà không cần thiết phải bón phân hay dùng thuốc bảo vệ thực vật. Đây cũng là một mô hình lý tưởng cho việc phát triển bền vững.
· Kiểm soát sâu rầy bằng sinh vật: Theo nguyên tắc tự nhiên, bất kỳ một loài sinh vật nào cũng có một loài khác cấm kỵ. Do đó nông dân cần phải đủ trình độ (được huấn luyện) để nhận diện các loại côn trùng, thấu hiểu phương cách ăn uống hay săn mồi của chúng để từ đó dùng các loại côn trùng thích ứng để bảo vệ mùa màng. Thí dụ như các loại côn trùng cánh cứng (lady beetles) hay nhện đồng (wold spiders) có thể tiêu diệt được sâu rầy ăn lá lúa.
· Kiểm soát cỏ dại: Cần nên giải quyết vấn đề này trước khi bắt đầu một chu kỳ trồng trọt mới. Các biện pháp cơ học như lật đất, nhổ cỏ, hay thiêu đốt là phương pháp đúng đắn để bảo vệ và làm tăng năng suất cây trồng hơn là dùng thuốc diệt cỏ dại.
· Chọn giống lúa có khả năng đề kháng sâu rầy cao, kiểm soát hạt giống: Hạt giống cần được bảo quản kỹ lưỡng, thoáng khí và khô. Năng suất có thể tăng thêm 10% với hạt giống tốt.
· Thời gian sử dụng thuốc trừ sâu rầy: Dù muốn dù không cũng cần phải dùng một số thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên phải cần sử dụng đúng nơi, đúng lúc. Kenneth Fisher thuộc viện IRRI khuyến cáo là nên bắt đầu xịt thuốc trừ sâu rầy 40 ngày sau khi gieo mạ. Nếu làm sớm hơn, các loại côn trùng “hữu ích” chưa đủ sức đề kháng sẽ bị tiêu diệt cùng một lúc với sâu rầy, và sẽ không còn đủ số lượng để tiêu diệt sâu bọ còn sống sót sau cơn phun xịt. Nên nhớ trứng sâu bọ sẽ không bị hủy diệt nếu phun xịt sớm.
· “Con tôm ôm cây lúa”: Một chính sách đề ra cách đây 10 năm của Việt Nam đã thất bại là chính sách “con tôm ôm cây lúa”, chính sách đề ra đây sẽ giúp cho nông dân vừa tăng năng suất lúa lại có thêm nguồn protein động vật phụ trội (Vào những năm 1980-81, trong khi còn kẹt lại ở Việt Nam, người viết đã từng sống ở một miền quê. Trong khoảng thời gian này, sau mỗi cơn mưa, chúng tôi đi “đặt thời” và đã thu nhặt được rất nhiều tôm (tép) cá … Mãi đến sau này, qua người thân còn ở lại nơi đây, vì lượng thuốc trừ sâu rầy được sử dụng bừa bãi cho nên không còn thấy bóng dáng cá tôm trong thửa ruộng khi xưa nữa). Đây là một mô hình tự nhiên đã ăn sâu vào đời sống các dân tộc vùng Đông Nam Á hơn 2000 năm qua.
Chu kỳ tự nhiên như: Cá ăn trùng, ốc, sâu bọ, và các loại rong thuộc loại cỏ dại mềm (soft weeds) (dân Đức Hòa, Hậu Nghĩa gọi là “hẹ ruộng”). Một số côn trùng trong ruộng cũng là mồi ngon cho cá như bọ lá (leaf hooper), và để trả lại cho thiên nhiên, phân cá cung cấp nguồn nitrogen, phosphor quan trọng cho đất.
Từ đó, việc sử dụng phân bón cũng được giảm thiểu. Thêm nữa, nếu ruộng được dẫn thủy nhập điền đúng cách và đúng chu kỳ, mô hình này có thể làm tăng năng suất lên đến 25-30% không kể nguồn chất đạm (do cá cung cấp) có thêm sau mùa gặt.
Kỹ nghệ rau xanh
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong kỹ nghệ rau đậu rất cao so với việc trồng lúa. Theo Cơ quan Lương nông quốc tế (FAO), một mẫu lúa chỉ cần 1 – 2 lít thuốc, trong lúc đó một mẫu đất trồng hoa màu cần đến 72 lít. FAO khuyến cáo là nên kiểm soát sâu rầy bằng sinh vật hơn là dùng liều lượng thuốc mạnh hơn khi sức đề kháng của sâu rầy lên cao.
Tại Việt Nam, sở dĩ mức nhiễm độc hóa chất ở thực phẩm cao là vì:
· Liều lượng sử dụng quá nhiều và không đúng cách;
· Khoảng thời gian thu hoạch và chuyển tải ra thị trường quá ngắn;
· Thực phẩm thu hoạch không được tẩy rửa kỹ lưỡng trước khi được tiêu thụ.
Thay lời kết
Khoa học đã chứng minh một cách rõ ràng là các loại thuốc bảo vệ thực vật dù dưới dạng hữu cơ chứa chlor hay phosphate đều là những hóa chất độc hại làm ô nhiễm môi trường. Đó là nguyên nhân của rất nhiều “bịnh lạ” xảy ra ở Việt Nam như: dị hình dị dạng, cơ thể bị liệt, hệ thống thần kinh không hoạt động bình thường, thiếu một bộ phận trong cơ thể, ung thư, hệ thống nội tiết bị đảo lộn v.v… Do đó, hạn chế việc sử dụng hóa chất trên cho nông nghiệp cần phải được đẩy mạnh tối đa.
Với 9 triệu tấn hóa chất độc hại tiêu thụ hàng năm không kể một số lượng lớn ước tính hàng triệu tấn được nhập cảng lậu từ Trung Hoa và Thái Lan, Việt Nam hiện tại lại phải đối mặt với hai vấn nạn lớn: môi trường thoái hóa nhanh, và sức khỏe nông dân bị đe dọa trầm trọng. Thêm nữa, việc phát triển xã hội không cân đối, nhất là trong lãnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và chăn nuôi càng làm cho hệ sinh thái bị hủy diệt mau hơn. Và điều sau này đã vô tình đi ngược lại nguyên tắc phát triển bền vững do LHQ đề ra qua Nghị trình 21.
Cân bằng phát triển xã hội và bảo vệ môi trường qua bài học của Chí Lợi cùng với chính sách quản lý toàn diện sâu rầy của Nam dương là hai bài học lớn Việt Nam cần phải áp dụng vào điều kiện xã hội hiện tại trước vấn nạn gia tăng dân số và nhu cầu gia tăng lương thực cho quốc gia.
Do đó, giảm thiểu tối đa việc dùng hóa chất bảo vệ thực vật là bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của nông dân bằng cách giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm độc, và nhất là không lệ thuộc vào nguồn hóa chất phải nhập cảng hàng năm và tiết kiệm hàng trăm triệu Mỹ kim cho ngân sách quốc gia.
Tăng gia diện tích trồng trọt để có đủ lượng thực phẩm cần cho chỉ tiêu “xuất khẩu” chỉ làm cho môi trường thoái hóa thêm mà đời sống nông dân vẫn không được cải thiện đúng mức.
Xin hỏi, lợi nhuận hay ngoại tệ có được do việc xuất cảng hàng triệu tấn gạo có cân bằng được số lượng ngoại tệ phải chi ra để đổi lấy phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hay không?
Hay đó chỉ là giải đáp của bài toán giải quyết hàng triệu lao động nông dân có việc làm để đổi lấy một đời sống “con trâu với cái cày” và những di hại không thể lường được cho sức khỏe trong tương lai?
Mai Thanh Truyết