Bà Đỗ Thị Mai mẹ bị can vị thành niên Đỗ Đăng Dư chụp sau khi con trai của bà qua đời. (Ảnh: Châu Đoàn)
Theo BBC – 15 tháng 10 2015
Vụ việc Đỗ Đăng Dư bị đánh chết trong trại giam của công an Hà Nội có dấu hiệu của ‘tội phạm tư pháp’ và cần phải mở điều tra độc lập mà không nên để ngành công an tự điều tra lấy.
Đó là quan điểm của một nguyên quan chức lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Việt Nam tại Bàn tròn Trực tuyến của BBC thứ Năm tuần này về vụ bị can Dư, 17 tuổi, bị đánh chết trong Trại tạm giam số 3 Xa La, Hà Đông, thuộc quản lý của Công an Hà Nội.
Trao đổi tại Tọa đàm với chủ đề “Dấu hỏi xung quanh vụ Đỗ Đăng Dư”, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, Luật sư Trần Quốc Thuận nói:
“Có ý kiến đề nghị rằng nên chăng để một cơ quan độc lập vào điều tra thì tốt hơn, mặc dầu Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng đã có chỉ thị là phải điều tra rõ ràng các sai phạm rồi xử lý nghiêm minh, thì đó cũng là chỉ thị.
“Nhưng có lẽ đây… liên quan đến hoạt động có dấu hiệu của tội phạm tư pháp, phải chăng cơ quan điều tra khách quan hơn, đó là Viện Kiểm sát?”, cựu quan chức Văn phòng Quốc hội nói với Tọa đàm từ Sài Gòn.
Máu tụ quanh não
Tiết lộ với Bàn tròn của BBC về những gì chứng kiến tại cuộc giảo nghiệm tử thi của bị can vị thành niên tiến hành tuần này, Luật sư Trần Thu Nam, người được gia đình của Đỗ Đăng Dư ủy nhiệm và đề nghị hỗ trợ tư pháp, nói:
“Ở trên người, khám nghiệm tử thi thì có hai phần, khám nghiệm ở bên ngoài và khám nghiệm ở bên trong. Khám nghiệm ở bên ngoài thì có một số tổn thương không đáng kể. Ví dụ một số tổn thương ở trên vùng cổ, rồi một số tổn thương nhỏ, sứt da ở những vùng tay chân và ở đằng sau gáy, thì những tổn thương đó không phải là có tính chất dẫn đến cái chết của cháu Dư.
“Mà khi đã mổ những vết thương tổn thương đó, thì không có tụ máu dưới da. Thì xác định rằng những tổn thương mà do xây xước không ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của cháu Dư. Thì những cái đó là do lý do gì đó va chạm hay đánh nhau, hoặc trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam gây nên.
“Nhưng mà xác định vấn đề bên trong mới là quan trọng. Sau khi mổ tử thi thì có mổ não, sau khi cắt sọ não thì tôi chứng kiến rằng các bác sỹ đã làm rất cẩn thận, đã soi tất cả những sọ não lên trên bóng đèn để xem, tìm những vết rạn, những vết thương để mà có thể xác định là có chấn thương sọ não hay không.
“Và có rạn, có những vết lõm ở trên sọ não hay không, thế thì không thấy, nhưng mà sau khi đưa não ra ngoài, xác định trên tất cả những phần đại não, rồi nói chung là phần não thì có máu tụ xung quanh não và màng não cũng bị tổn thương.
“Và cuối cùng tìm rất nhiều nguyên nhân thì cuối cùng xác định được phù não rồi, thế nhưng nguyên nhân dẫn đến phù não ở đâu, thì bác sỹ, đấy là phần rất khó khăn.
“và cuối cùng là đã tìm ra là ở trên trán của cháu Dư có một vết thương tròn và một vết thương nữa là ở gốc, cái gọi là đốt sống ở trên cùng mà tiếp giáp với sọ não, bị giập và bị tổn thương, dẫn đến việc giập mạch máu ở đốt sống trên cùng đó, dẫn đến việc không đưa máu lên trên não để nuôi não được. Vì vậy dẫn đến phù não.
“Nguyên nhân tại sao dẫn đến cái giập của đốt sống đó thì nó sẽ dẫn đến việc có vết thương ở trên chán bên tay phải, có thể là do một lực gì đó tác động vào trên phần trán này dẫn đến việc mà… cái đầu xoay quá mức, có thể bị ngửa lên trên, dẫn đến việc bị tổn thương của đốt sống sau cùng…”
Tổ chức đánh người?
Bình luận về vụ việc Đỗ Đăng Dư, luật sư Lê Quốc Quân từ Hà Nội nói:
“Ở Việt Nam, ở trong trại, người ta tổ chức đánh người để ra tiền. Khi nhập trại, tùy thuộc vào số tiền mình phải đóng bao nhiêu mà bị đánh, bị làm luật, nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào anh ngay lúc nhập trại, mười triệu (VNĐ), bảy triệu, năm triệu hay là ba triệu.
“Đại bàng, đại bác bây giờ trong trại không có, mà là do tiền.
“Nhưng mà thường quản giáo họ chỉ đạo việc đấy trong tuần đầu thôi.
“Còn hết tuần đầu làm luật, sau đó thì những va chạm phạm nhân là va chạm với nhau rất thường xuyên.
“Và hay dẫn đến chuyện có đánh nhau ở trong trại.
“Nội dung như thế nào đấy, người ta sẽ phải tiến hành điều tra và tôi nghĩ ở đây công luận cần vào thật mạnh, vào thật khách quan, sâu sát hơn nữa.
“Để hy vọng chúng ta có một kết luận điều tra chính xác và kẻ thủ ác, kẻ gây ra tội phạm này phải bị trừng trị.
“Và cuối cùng thì để làm cho nó trong sạch hơn và cách thức cũng không có gì khác ngoài như Luật sư (Trần Quốc) Thuận đã nói tức là cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát là nên vào chứ không phải là của công an.
“Và tương lai xa hơn nữa, thì cái việc trại giam cũng nên giao cho một cơ quan độc lập khác là Bộ Tư pháp, chứ không phải là trại giam cũng chính là cơ quan của cơ quan công an, Bộ Công an,” Luật sư Lê Quốc Quân nêu quan điểm.”
Vì rửa bát bẩn?
Đỗ Đăng Dư, đang ở tuổi vị thành niên, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội, khởi tố và tạm giam khoảng hai tháng về hành vi được mô tả là bị “bắt quả tang” trộm cắp tài sản.
Thông tin chính thức của Bộ Công an Việt Nam nói: “Khi vào Trại tạm giam, Dư được bố trí tạm giam tại buồng C15 (dành cho người chưa thành niên), khu C, cùng buồng với 03 bị can là Vũ Văn Bình (sinh năm 1998), Nguyễn Nam Trường (sinh năm 1998), Lê Đức Anh (sinh năm 1998).”
Sáng 4/10, “Thấy Dư rửa bát bẩn, Bình gọi Dư đến ngồi ở khu vực giữa hai bệ xi măng nơi bị can ngủ. Bình đứng đối diện Dư và dùng tay phải tát hai cái vào má trái, dùng chân trái đá ba, bốn lần vào đầu Dư theo hướng từ trên xuống dưới.”
“Sau đó, Bình đứng dậy đi ra phía cửa ra vào, còn Dư vào đi vệ sinh. Khoảng 05 phút sau, Dư đi ra khỏi khu vệ sinh thì bị ngã xuống sàn nhà.”
Dư được đưa đi cấp cứu nhưng Dư qua đời ngày 10/10.
Vũ Văn Bình hôm 8/10 bị công an TP Hà Nội khởi tố về tội danh cố ý gây thương tích.
Mẹ nạn nhân Đỗ Đăng Dư nói bà rất đau lòng vì “công an ngăn gia đình vào thăm Dư trong bệnh viện và bác sĩ không nói rõ bệnh tình của Dư mà chỉ bảo gia đình chuẩn bị tâm lý cho điều xấu nhất. Đến lúc Dư mất, gia đình vẫn không có trong tay giấy tờ nào làm bằng chứng về vụ việc”.
Bà hối tiếc vì đã “ký giấy của công an mà ban đầu chỉ nghĩ là giúp Dư đi giáo dưỡng vài tháng để bớt ham chơi”.
Hôm 14/10, bà Đỗ Thị Mai, nói với BBC quan điện thoại rằng hiện gia đình phó thác mọi chuyện tiếp theo cho luật sư.
Đơn gửi Bộ Trưởng
Liên quan đến cái chết của Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, luật sư tại Hà Nội đã ký vào đơn gửi Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.
Hôm 12/10, luật sư Ngô Ngọc Trai, giám đốc công ty luật Công Chính, cho BBC biết ông và một số đồng nghiệp đã cùng ký vào ‘đơn trình báo’ gửi Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Giám đốc Công an Hà Nội.
Trước mắt, đơn của các luật sư đề nghị tạm đình chỉ công tác với thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chương Mỹ, người đã ký quyết định tạm giữ và tạm giam Đỗ Đăng Dư “để phục vụ cho việc điều tra xác minh và xử lý sai phạm” và sau đó “tiến tới chấp nhận các đề xuất cải cách tư pháp”.
Tin cho hay, Bộ trưởng Công an Việt Nam, Đại tướng Trần Đại Quang, đã yêu cầu điều tra về vụ việc.
Các khách mời của BBC tại Bàn tròn hôm 15/10 bao gồm một số luật sư, nhà báo, nhà phân tích… đã đang theo dõi vụ việc như Luật sư Trần Thu Nam, Luật sư Trần Quốc Thuận, Luật sư Lê Quốc Quân, blogger, nhà báo tự do Trương Duy Nhất và blogger Bùi Thanh Hiếu.
BBC sẽ tiếp tục giới thiệu các ý kiến, quan điểm, phân tích được trao đổi tại cuộc Tọa đàm, mời quý vị đón theo dõi.