Campuchia kỷ niệm ngày Phnom Penh rơi vào tay Khmer Đỏ
Bé trai nhìn hàng sọ người tại khu tưởng niệm Choeung Ek ở ngoại ô Phnom Penh, Campuchia, 17/4/14
Theo VOA – 17.04.2014
Hôm thứ Năm, nhân dân Campuchia kỷ niệm năm thứ 39 ngày thủ đô Phnom Penh rơi vào tay Khmer Đỏ, với nhiều nạn nhân của chế độ này vẫn còn lo âu để xem kết thúc vụ xử hai người lãnh đạo đang bị tù.
Ngày 17 tháng 4 năm 1975, Khmer Đỏ tràn ngập thủ đô và bắt đầu chính sách đuổi dân chúng ra khỏi các thành phố và đưa vào các trại lao động cải tạo và làm việc tập thể ở vùng nông thôn.
Bou Meng là một trong số ít người sống sót của trại tù khét tiếng ở Phnom Penh, nơi vợ ông bị tra tấn và hành quyết. Ông nói với đài VOA rằng điều quan trọng là nhớ những nỗi kinh hoàng trong quá khứ:
“Ngày 17 tháng Tư là một ngày lịch sử và không ai trong chúng ta có thể quên.”
Gần 40 năm sau, chỉ có Kaing Kek Iev, được biết nhiều hơn với tên Duch, người chỉ huy trại tù Tuol Sleng, đã bị đưa ra xử một cách thành công bởi một tòa án do Liên Hiệp Quốc bảo trợ.
Những thủ lãnh cao niên của Khmer Đỏ, Nuon Chea và Khieu Samphan đang đợi một phán quyết trong giai đoạn đầu vụ xử họ, cũng như khởi đầu giai đoạn thứ nhì và cũng là giai đoạn chót. Họ bị cáo buộc về những hành vi tàn ác kể cả tội diệt chủng về vai trò lãnh đạo của họ trong chế độ này.
Long Panhavuth, thuộc chương trình Sáng kiến Công lý Campuchia, theo dõi các phiên xử nói rằng vụ xử đang tiếp diễn phải được coi như một lời nhắc nhở rằng những hành động như vậy không được bỏ qua mà không bị trừng phạt. Ông nói:
“Trước hết, chúng ta có thể nói rằng những hành vi tàn ác trên quy mô lớn như tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh, và tội diệt chủng, thời gian truy tố không có giới hạn. Thứ nhì, điều này cho chúng ta thấy rằng, trong bất cứ trường hợp nào, những người chịu trách nhiệm về các tội ác này phải được đưa ra trước công lý về vai trò của họ trong việc gây nên những cái chết cho dân chúng.”
Hôm thứ Năm, phát ngôn nhân chính phủ Phay Siphan nói rằng ngày kỷ niệm 17 tháng 4 được dùng như một bài học cho những người lãnh đạo trong chính phủ:
“Chúng ta đã học được nhiều điều từ kinh nghiệm dẫn tới việc thay đổi bạo động những gì Khmer Đỏ đã làm, và tiến trình xây dựng quốc gia dựa trên bạo lực.”
Chế độ Khmer Đỏ bị quy trách nhiệm về cái chết của gần 2 triệu người Campuchia trong bốn năm cai trị đẫm máu của họ vào cuối thập niên 1970.