Cảm nhận Ukraine trong tiếng còi báo động ở Kiev.
Tác giả: Cao Chí Khải (Thời báo Hoàn cầu) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Ghi chú của biên tập viên Thời báo Hoàn cầu:
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã leo thang toàn diện trong hơn một năm, chiến tranh liên miên đã đem lại tổn thất to lớn cho cả Ukraine và Nga. Trung tuần tháng 7 vừa qua, ông Cao Chí Khải (Gao Zhikai), phó giám đốc Globalization Think Tank (CCG), đã đến Kiev, thủ đô Ukraine, để nghiên cứu và điều tra tình hình thực địa. Mới đây, ông đã kể lại cho phóng viên Thời báo Hoàn cầu những gì ông nhìn thấy và nghe thấy ở đó, cũng như cảm xúc của ông sau khi giao tiếp với người Ukraine thuộc các ngành nghề khác nhau. Cao Chí Khải mong rằng chiến tranh sẽ kết thúc càng sớm càng tốt, mong rằng người dân Ukraine có thể sống một cuộc sống hòa bình, hài hòa, phát triển và thịnh vượng. Ông nói: “Hòa bình sẽ không đến một cách dễ dàng, nhưng hoà bình đáng được giành lấy bằng tất cả mọi cố gắng.” Bài viết này được biên soạn dựa trên lời kể của ông Cao Chí Khải.
Trong 36 tiếng đồng hồ, 3 lần tôi gặp báo động phòng không
Do lệnh cấm bay thực hiện trên khắp Ukraine nên toàn bộ hành trình của tôi rất trầy trật: tôi phải bay từ Bắc Kinh đến Warsaw, thủ đô Ba Lan, sau đó đi tàu từ Warsaw đến biên giới Ba Lan-Ukraine, và cuối cùng từ đó đổi sang đi tàu đến Kiev. Tôi chỉ ở Kiev vỏn vẹn 36 tiếng đồng hồ, nhưng nếu tính cả lộ trình khứ hồi thì tổng cộng mất 4 ngày. Qua đó có thể thấy ảnh hưởng của chiến tranh đối với du lịch quốc tế như thế nào.
Ấn tượng sâu sắc nhất trong chuyến đi này của tôi là 3 lần báo động phòng không ở Kiev. Lần đầu vào lúc 12 giờ trưa hôm đầu tiên đến đây, tôi không để ý lắm vì sau đó còi báo yên đến rất nhanh. Lần thứ hai là lúc 4 giờ sáng, trong đêm tối, xung quanh đột nhiên vang lên tiếng còi báo động, tôi vội đội mũ bảo hiểm chạy xuống tầng hầm thứ hai của khách sạn – chiến tranh kéo dài liên miên đã biến chỗ này thành một “nơi trú ẩn”. Lúc bấy giờ tôi mới để ý thấy rằng khách sạn quy mô không nhỏ này hôm ấy có thể chỉ chứa năm hoặc sáu khách. Ai nấy đều không nói gì nhưng tỏ ra rất căng thẳng. Trong bầu không khí như vậy, chúng tôi đợi hơn một tiếng đồng hồ mới ra khỏi “hầm trú ẩn”.
Lần báo động phòng không thứ ba xảy ra vào trưa ngày hôm sau. Khi đó, tôi và nhân viên người Ukraine vừa dùng bữa trưa tại một nhà hàng và đang chuẩn bị lên xe rời đi. Đột nhiên, còi báo động lại vang lên khắp bầu trời thành phố Kiev, tiếng còi báo động cũng vang lên trên điện thoại di động của tất cả mọi người xung quanh, trong một lúc, dường như cả thế giới đều nổ tung lên. Rất nhiều người hốt hoảng chạy qua tôi, chẳng mấy chốc trên đường phố không còn một bóng người nào. Anh bạn Ukraine đi cùng vội kéo tôi xuống tầng hầm của nhà hàng và bảo tôi: “Khi còi báo động phòng không vang lên, mọi vật thể di chuyển trên mặt đất đều có thể trở thành mục tiêu tấn công của quân đội hai bên. Cho nên khi nghe thấy còi báo động phòng không, tất cả mọi người đều phải lập tức chạy vào hầm trú ẩn.” Theo giới thiệu, sau khi chiến tranh bùng nổ, hầu hết các không gian dưới lòng đất ở Ukraine đều biến thành boong-ke ngầm: các ga tàu điện ngầm trở thành “hầm trú ẩn phòng không” lớn nhất — chịu ảnh hưởng của thời Xô Viết, các ga tàu điện ngầm ở Ukraine đều được xây dựng rất sâu dưới đất, cho nên tương đối an toàn. Tầng ngầm 1 và tầng ngầm 2 của nhiều nhà hàng, tòa nhà văn phòng, khách sạn cũng được chuyển thành boong-ke, nhưng hầu hết đều rất “thô sơ” và thực tế là rất khó đảm bảo an toàn.
Dù tôi gặp 3 lần báo động phòng không trong 36 giờ ở Kiev nhưng trên thực tế, mục tiêu chính trong các chiến dịch quân sự của Nga không phải là Kiev. Theo phân tích của người dân địa phương, mấy hôm nay báo động phòng không xảy ra thường xuyên hơn chủ yếu là do hội nghị thượng đỉnh NATO đang họp tại Vilnius, Litva, phía Nga dùng cách tăng cường bắn phá Kiev để bày tỏ sự không hài lòng và “thể hiện sự cứng rắn”.
Rất khó nhìn thấy khuôn mặt đàn ông trưởng thành trên đường phố Kiev
Mặc dù chiến sự hiện nay chủ yếu tập trung ở miền đông Ukraine, nhưng tại Kiev và vùng xung quanh chỗ nào cũng thấy dấu vết cuộc chiến để lại, nhắc nhở mọi người về sự thảm khốc của ngọn lửa chiến tranh. Đi ra phía bắc Kiev, có thể thấy các con đường ở ngoại ô vẫn là “ba bước một chốt gác, năm bước một trạm canh”, nhiều vật cản và hàng rào sắt đã được dựng lên để ngăn xe tăng. Tôi chú ý thấy công tác sẵn sàng chiến đấu của Ukraine rất nghiêm chỉnh, chốt gác nào cũng kiểm tra kỹ lưỡng người và phương tiện qua lại, bầu không khí căng thẳng hiện ra rất rõ.
Nhiều tòa nhà ở ngoại ô Kiev đã bị phá hủy nghiêm trọng: một số tòa nhà bị nổ bung mất một nửa, tại chỗ tường nhà bị phá toang, có thể trông thấy đàn piano, đồ nội thất, thậm chí cả cặp sách của trẻ em treo trên tường. Cũng có những trung tâm mua sắm bị sập một nửa, bên trong là một đống đủ thứ bừa bãi hỗn độn. Có lẽ vì đang ở trong thời kỳ chiến tranh nên chính phủ Ukraine không đủ sức lực và tài nguyên để sửa chữa và xây dựng lại những tòa nhà này, hoặc họ muốn giữ chúng lại làm một hình thức “kỷ niệm”, cho nên các tòa nhà ấy được giữ nguyên; mọi người nhìn thấy những cảnh này đều cảm thấy rất đau lòng.
Cuộc sống trong thành phố Kiev yên bình hơn nhiều. Ngoại trừ thỉnh thoảng có còi báo động phòng không và lệnh giới nghiêm hàng đêm, về cơ bản hàng ngày mọi người vẫn có thể tiếp tục đi làm ở cơ quan xí nghiệp, ra phố mua sắm và ăn uống như bình thường. Trong các siêu thị và cửa hàng ở Kiev, ngoại trừ thuốc men, tôi không quan sát thấy bất kỳ dấu hiệu đặc biệt rõ ràng nào về tình trạng thiếu nguồn cung. Giá cả cũng được coi là ổn định, giá một số loại lương thực, rau và trái cây rẻ hơn một chút so với ở Bắc Kinh và Warsaw. Tất nhiên, những thứ hàng nhập khẩu thì đắt hơn nhiều. Hầu hết các nhà hàng ở Kiev cũng đang hoạt động bình thường, ví dụ như nhà hàng tôi đã đến có thể được mô tả là “đầy khách”. Ngoại trừ khi có tiếng còi báo động phòng không, còn bình thường dân chúng qua lại trên phố hiếm khi lộ ra vẻ mặt lo lắng, dường như họ đã quen với cuộc sống như vậy.
Tuy nhiên, trong khu vực đô thị của Kiev, tất cả các cơ quan quan trọng đều được bao quanh chặt chẽ bởi các công sự phòng ngự làm bằng bao cát xếp chồng và tường gạch xây, các cổng ra vào đều đóng chặt và có binh lính canh gác. Có thể nhìn thấy xe quân sự và binh lính ở khắp nơi trên các con đường xung quanh. Hôm vừa mới đến Kiev, lần đầu tiên tôi nhìn thấy một hàng dài xe cứu thương đỗ ở bên ngoài nhà ga xe lửa, xem ra đó là xe đang túc trực chờ lệnh chuẩn bị đón những người bị thương sắp được tàu chở đến.
Tôi rất khó quên được những khuôn mặt mình từng nhìn thấy trên đường phố Kiev: có phụ nữ, có trẻ em, có người già, nhưng rất ít thanh niên Ukraine. Ở Kiev, bạn có thể thấy không nhiều đàn ông là những người lính bảo vệ các công sự phòng ngự. Một lần, một binh sĩ mặc quân phục bước ra từ chồng bao cát chặn tôi lại để kiểm tra. Tôi nhìn kỹ thì thấy đó là một cậu bé chỉ khoảng mười lăm mười sáu tuổi, râu cũng chưa mọc, mặt hồng hào, như một “em bé mập”. Khuôn mặt ấy khiến tôi vô cùng cảm động: phải chăng hầu hết đàn ông Ukraine trưởng thành đều đã ra mặt trận rồi?
Tiến trình “phi Nga hóa” đáng xấu hổ của Ukraine
Trong chuyến đi này tôi đã nói chuyện với các quan chức chính phủ, quân nhân và dân thường Ukraine về quan điểm của họ đối với triển vọng của cuộc khủng hoảng này, về cơ bản họ đều có tâm trạng “chống lại đến cùng” với Nga. Tại một số quảng trường, Chính phủ Ukraine cho trưng bày các xe tăng và vũ khí Nga thu được trong cuộc chiến để nâng cao tinh thần dân chúng. Tuy nhiên, phần đông người Ukraine, kể cả những người trong quân đội và chính phủ, về cơ bản vẫn đặt hy vọng “chiến thắng” vào NATO. Họ thích nói về việc “nếu NATO chấp thuận cho Ukraine gia nhập thì có thể thế này thế nọ”, hay “nếu NATO cung cấp thêm vũ khí cho chúng tôi thì có thể làm được gì đó”, mặc dù Mỹ đã nói rõ rằng trước khi chiến tranh kết thúc NATO sẽ không xem xét việc kết nạp Ukraine vào tổ chức này.
Hãy còn có một số người Ukraine gửi gắm hy vọng vào các thay đổi chính trị nội bộ Nga. Một quân nhân Ukraine nói với tôi: “Chìa khóa giành chiến thắng cuối cùng của Ukraine có thể không ở trên chiến trường, mà là ở Moskva.” Có người nói ý tưởng ấy vô cùng “ngây thơ”, nhưng nó cũng hé lộ một dạng tâm trạng bối rối của người Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột đã kéo dài, hai bên Nga và Ukraine đang giằng co bế tắc trên chiến trường.
Sau khi cuộc xung đột nổ ra, tình trạng Ukraine “phi Nga hóa” đang trở nên ngày một rõ ràng– mặc dù xu thế này bắt đầu xuất hiện từ năm 2014, nhưng có thể khẳng định rằng việc nổ ra cuộc xung đột đã đẩy nhanh tiến trình ấy. Ngày nay, trên đường phố Kiev và các thành phố khác đã rất khó còn trông thấy những tượng đài có từ thời Liên Xô hoặc tượng đài có liên quan đến Nga. Không chỉ những pho tượng hay tượng đài của các nhân vật chính trị Liên Xô như Stalin và Zhukov bị dỡ bỏ, mà ngay cả tượng của các nhân vật văn hóa như nhà văn Nga Pushkin và nhà văn Liên Xô Gorky cũng không thấy nữa. Trong bối cảnh “phi Nga hóa”, Ukraine vẫn đang đẩy nhanh việc sửa đổi tên đường phố và làng xóm.
Ngoài ra, theo người dân địa phương giới thiệu, mệnh lệnh do chính phủ Ukraine ban hành trên thực tế đã cấm sử dụng tiếng Nga trên báo chí và phát thanh truyền hình, cho dù tỷ lệ dân số nói tiếng Nga ở Ukraine khá đáng kể. Những thay đổi này ít nhiều khiến người ta ngán ngẩm, bởi vì với nhiều người nước ngoài, khi đi trên phố, bạn không thể phân biệt được người Nga khác người Ukraine như thế nào, và ngôn ngữ họ nói đều thuộc hệ ngôn ngữ Xla-vơ, lịch sử văn hoá hai nước càng là “Trong anh có tôi, trong tôi có anh”.
Ukraine nhận thức rõ tầm quan trọng của Trung Quốc trong việc khuyến khích hoà giải và thúc đẩy đàm phán
Người Ukraine nhìn nhận vai trò của Trung Quốc như thế nào? Trong chuyến đi này tôi đã trao đổi với nhiều người Ukraine về vấn đề đó. Trung Quốc và Ukraine thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4 /1/1992. Năm 2011, hai bên cùng tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Trong mọi lĩnh vực hai nước đối xử thân thiện với nhau, cùng có lợi và hợp tác phát triển nhanh chóng.
Trong chuyến đi Kiev lần này, tôi cảm thấy rõ ràng người Ukraine hiện đang có cảm giác “phức tạp” đối với Trung Quốc. Một mặt, trong vài năm qua, truyền thông và dư luận Mỹ đã có ảnh hưởng rất lớn đến người dân Ukraine. Dư luận Mỹ đang tìm mọi cách để ma quỷ hoá Nga, đồng thời cũng có ý định bôi nhọ Trung Quốc như một “đồng phạm” [của Nga]. Ngày nay, nhiều người Ukraine đã gần như hoàn toàn chấp nhận cách nói của Mỹ, cho rằng Mỹ đang giúp họ giành độc lập và tự do, trong khi Trung Quốc “đang giúp đỡ Nga”. Mọi người đều biết, Trung Quốc không phải là bên tạo ra cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng không phải là bên đương sự. Trên vấn đề khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc luôn đứng về phía hòa bình, và lập trường cốt lõi của Trung Quốc là thúc đẩy hòa bình và đàm phán.
Nhưng mặt khác, nhiều người Ukraine có thái độ chờ đợi đối với Trung Quốc, họ nhận thức rõ tầm quan trọng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy đàm phán hòa bình, và nhiều người còn hy vọng rằng Trung Quốc có thể sử dụng “mối quan hệ mật thiết” với Nga để gây một chút ảnh hưởng đối với Moskva. Thậm chí, một số người trong chính phủ Ukraine còn đưa ra kiến nghị: “Liệu Trung Quốc có thể đóng vai trò là ‘người trung gian‘ để tiếp quản tù binh chiến tranh của cả hai bên Nga và Ukraine không? Mối quan hệ giữa phương Tây với Nga đã xấu đi đến mức đóng băng, không một quốc gia phương Tây nào có thể đóng vai trò này, chỉ có Trung Quốc mới làm được việc ‘Một tay đỡ hai nhà’ và giúp tù binh hai bên được đối xử nhân đạo”. Từ tâm trạng bức thiết của vị quan chức chính phủ Ukraine này có thể thấy phía Ukraine rất coi trọng vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng.
Khi rời Ukraine, tôi luôn luôn nghĩ rằng đất nước này giàu tài nguyên, người dân cần cù, tốt bụng, thông minh và dũng cảm, chỉ cần được quản lý tốt thì Ukraine hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia giàu có ở đại lục Á-Âu. Tương lai tốt đẹp của Ukraine trước tiên nằm ở việc chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện tại và khôi phục hòa bình càng sớm càng tốt.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ nguồn tiếng Trung 在基辅警报声中感受危机下真实的乌克兰, 来源:环球时报 作者:高志凯 2023-08-01