Cam Bốt chỉ trích tuyên bố “khiêu khích” của Mỹ về Biển Đông
Phay Siphan trong phòng thu đài RFI ở Cam Bốt. (Ảnh chụp tháng 3/2015) RFI
Theo RFI – Trọng Nghĩa – 04-06-2015
Sau những lời cảnh cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong tuần qua rằng các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của TC tại Biển Đông đe dọa ổn định trong khu vực Đông Nam Á, Phnom Penh không ngần ngại lên tiếng bênh vực Bắc Kinh và chỉ trích Washington. Theo nhật báo Cambodia Daily, số ra hôm nay, 04/06/2015, phát ngôn viên chính phủ Cam Bốt đã cho rằng các tuyên bố gần đây của ông Ashton Carter mang tính «khiêu khích» và đe dọa nền hòa bình mà Mỹ tuyên bố sẽ bảo vệ.
Theo tờ báo Anh ngữ xuất bản tại Phnom Penh, Quốc vụ khanh tại Hội đồng Bộ trưởng Cam Bốt Phay Siphan, đồng thời là phát ngôn viên chính phủ, đã nhận định rằng sở dĩ tình hình căng thẳng trên biển hiện nay gia tăng, phần lớn đó là vì những lời đe dọa của ông Carter gửi tàu chiến và máy bay do thám tiến vào bên trong khu vực 12 hải lý (22 km) chung quanh các đảo mà TC tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Đối với ông Siphan, đó là những lời lẽ mang tính chất «khiêu khích… đi ngược lại mục tiêu duy trì hòa bình trong khu vực».
Cho đến nay, là quốc gia được TC hết sức ve vãn, Cam Bốt bị cho là luôn đứng về phía Bắc Kinh trong tranh chấp Biển Đông giữa TC và bốn đồng minh của Cam Bốt trong khối Đông Nam Á ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Bruneii.
Một ví dụ rõ rệt nhất là việc Cam Bốt, trong tư cách là chủ tịch luân phiên ASEAN, đã sẵn sàng để cho Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 thất bại, không ra được thông cáo chung, chỉ vì Phnom Penh kiên quyết không đề cập tới vấn đề Biển Đông.
Cam Bốt dĩ nhiên đã phủ nhận các cáo buộc bênh TC, lần này cũng thế. Tuy nhiên, Siphan đã lặp lại lời cảnh báo mà TC đã gởi đến Mỹ, yêu cầu Washington không nên thực hiện những lời đe dọa nếu không muốn gánh chịu hậu họa.
Sau khi cho rằng Biển Đông không của riêng ai, nhân vật này khẳng định: «Chính phủ Cam Bốt không muốn nhìn thấy tàu chiến hoặc bất kỳ một hành động gây hấn nào tại Biển Đông. Bất kỳ quốc gia nào gây nên loại phản ứng đó (tức là gây hấn) phải chịu trách nhiệm nếu xẩy ra xung đột».
Nhật báo Cambodia Daily đã nhắc lại là mới đây, vào tháng Tư vừa qua, Bộ Ngoại giao Cam Bốt đã cho rằng ASEAN nên đứng ngoài các tranh chấp Biển Đông và để cho các thành viên có liên can tự mình giải quyết tay đôi với TC.
Theo tờ báo Cam Bốt, trên đây cũng là một quan điểm của TC, vốn đã trở thành cản lực cho các cuộc đàm phán.