Cải tiến chữ Quốc ngữ
Cách cải tiến hay nhất là xoá bỏ đề xuất cải tiến của Bùi Hiền Bộ Giáo Dục và Đào Tạo của csvn chỉ muốn lừa người Việt khi nói:
Chính phủ và bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chưa có chủ trương cải tiến chữ Quốc ngữ. Chưa không có nghiã là, chưa có hàm ý sẽ Ngay công tác của Bùi Hiền chưa xong mà sách giáo khoa đã sọan xong, ‘xế nà xế lào’?
Đừng tin những gì csvn nói, hãy nhìn kỹ những gì csvn làm; Nhất là cách cải tiến chữ việt mà đằng sau là cả một mưu toan nhằm phá hoại chữ việt, trước đây trên các diễn đàn đã có người đưa ra ý tưởng dùng lại chữ nôm mà than ơi muốn nôm hay phải hán rộng (và chữ nôm là một hệ thống không hoàn hảo ví dụ chữ nôm chỉ năm tháng viết bằng hai chữ tàu nam và niên, chữ năm chỉ số viết bằng chữ nam và chữ ngũ, nhưng chữ nôm là tiếng của người Việt Nam không viết bằng chữ nam và chữ ngữ mà lại viết là chữ khẩu và chữ nam; Nếu hiểu chữ năm là chữ niên của tàu nói theo cách người Việt Nam, chữ năm chỉ số là chữ ngũ của Tàu nói theo người Việt Nam thì chữ nôm phải là chữ ngữ hay ngôn của người Tàu nói theo người Việt Nam., Viết chữ nôm bằng chữ nam và chữ khẩu, tại sao không hiểu là chữ miệng, mồm theo cách hiểu chữ khẩu của người Việt Nam?); Đằng sau việc gọi là cải tiến chữ quốc ngữ là một mưu toan xoá bỏ chữ việt để từng bước thay bằng chữ Tàu trong phương cách ‘diễn tiến hoà bình!’ Chữ Việt còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, dân ta còn, dân ta còn, nước ta còn! Để bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc Việt, người quốc gia VN phải cương quyết giữ vững cách nói và cách viết của mình, viết cho rõ cách phát âm, nói cho rõ ý, không dùng một từ ngữ có nhiều ý do csvn đặt ra như không dùng hoàng tráng đễ diễn tả những ý khác nhau như nguy nga, lộng lẫy, bề thế, xa hoa…., không dùng khẩn trương để chỉ những tình trạng khác nhau như nhanh,mau,vội, khẩn, nghiêm trọng…; Cuộc chiến giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không chỉ có việc bảo vệ tiếng nói, chữ viết, văn hoá mà còn chính là vì sự sinh tồn của dân-tộc Việt.
ndhung
“CẢI TIẾN CHỮ QUỐC NGỮ” – Nguyễn Xuân Quang
Tôi chỉ xin chú trọng góp ý bàn về cách thức cải tiến chữ Quốc ngữ của tác giả Bùi Hiền.
Chữ Quốc ngữ nằm trong hệ thống mẫu tự ABC Latin nhưng rất đặc biệt ‘không giống ai’ vì mang tính đặc thù, sắc thái Việt. Các nhà truyền giáo Tây phương trong đó nhân vật trọng yếu là Alexandre de Rhodes đã làm ra một hệ thống chữ ABC riêng cho Việt Nam dựa vào các qui luật, nguyên tắc dùng ghi âm tiếng nói của hệ thống chữ viết ABC trong đại tộc Latin đã sẵn có. Tiếng Việt có 6 thanh điệu, các nhà truyền giáo đã dùng chữ Latin để ghi âm tiếng Việt nên chữ Quốc ngữ có 5 dấu giọng thể hiện các thanh điệu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Ngoài ra còn có dấu thể hiện các âm đọc của riêng từng mỗi mẫu tự có những âm khác nhau như a có ă, â; o có ô ơ; u có ư và d có đ. Nhờ vậy, chữ Quốc ngữ ghi được hầu hết ngữ âm tiếng Việt. Do đó chữ Quốc ngữ mang tính chính xác rất cao so với các chữ viết khác của thế giới và là chữ dễ phổ biến, dễ học.
Như thế một sự cải tiến lý tưởng chữ Quốc ngữ là sự một cải tiến nào đó phải phù hợp với các qui luật ngôn ngữ Việt và Latin thế giới, phù hợp với tiếng Việt, hồn Việt, tâm Việt, văn hóa Việt, sắc thái Việt..
Tiếng Việt có những âm riêng, nhất là thay đổi theo từng địa phương, từng vùng rất đặc thù. Nếu bỏ các âm này thì chữ Việt không còn mang sắc thái Việt nữa. Chữ Quốc ngữ không còn là Chữ (của cả) Nước Việt nữa.
Cải Tiến Chữ Quốc Ngữ của Tác Giả Bùi Hiền.
Trước hết tác giả Bùi Hiền vẫn giữ hệ thống mẫu tự ABC. Như thế thì cải tiến của ông bắt buộc phải dựa theo các qui luật ngôn ngữ, phát âm của hệ thống chữ viết ABC Việt và Latin (đã có từ hàng ngàn năm nay).
Tôi chưa được đọc toàn bộ tài liệu giải thích cách Cải Tiến Chữ Quốc Ngữ của tác giả Bùi Hiền, chỉ nhặt được một số dữ kiện trên mạng mà thôi.
(Ảnh: Dân trí).
Xin tóm tắt lại, theo tác giả Bùi Hiền:
Tôi đề xuất bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể:
C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế nên tạm thời dùng kí tự ghép “n’” để biểu đạt’.
Tác giả Bùi Hiền cho rằng cách cải tiến chữ Quốc ngữ của ông nhằm mục đích ‘giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…giúp giảm tiền bạc xuống 8%’ trong một trang giấy’.
Bây giờ ta hãy đi vào chi tiết cải tiến của từng chữ cái một:
-C = Ch, Tr.
Tác giả Bùi Hiền dùng C thay cả cho Ch và Tr, loại bỏ chữ Ch, Tr. Chữ Hán không có âm Tr.
Ta thấy âm chữ Hán hiện đại chỉ có âm Ch. Âm này bằng âm Hán Việt Tr. Như:
長 /Cháng/ = Hán Việt Trường, dài.
悵 /Chàng/ = Hán Việt Trướng, buồn bã.
池 /Chí/ Hán Việt Trì, ao.
Chữ cái C, Ch, Tr ta có ba âm khác nhau. Ví dụ: C trong Co (co quắp), Ch trong Cho (cho quà) và Tr trong Tro (tro than). Bây giờ thay C cho Ch và Tr và chỉ còn một chữ Co thì dựa vào mấu hốt nào để biết ngay tức khắc khi nào Co là Co quắp, khi nào Co là Cho, khi nào Co là Tro. Khi nhìn C, Ch và Tr là nhận biết ngay lập tức phát âm như thế nào và có nghĩa ra sao. Rất giản dị và chính xác. Còn C= Ch = Tr rất phức tạp. Ta rơi vào trường hợp một âm có nhiều nghĩa. Phải vận dụng đầu óc tìm tòi. Zắc Zối cuộc đời.
Một chữ ghi ba âm không còn đơn giản, trong sáng nữa.
Tiếng Việt mất hai âm Ch, Tr và mất địa phương tính, vùng tính.
Tác giả Bùi Hiền theo âm chữ Hán không có âm Tr nên bỏ Tr tức Hán hóa chữ Việt.
-D = Z
Ví dụ Dục thành Zụk, Giáo Dục thành Giáo Zụk. Trong mẫu tự ABC Việt ngữ hiện nay không có Z.
Trường hợp này tác giả Bùi Hiền dựa theo cách pinyin Trung Quốc.
Tài liệu trên mạng không rõ nguồn.
Ông Hồ Chí Minh cũng đã dùng chữ Z thay cho chữ D, ông Hồ viết Nhân Dân thành Nhân Zân.
Ở đây nói lơ lớ ngọng ba Tầu.
Tác giả Bùi Hiền muốn Hán hóa chữ và tiếng Việt. Người Việt sẽ nói lơ lớ hay ngọng như người Trung Quốc nói tiếng Việt hiện nay.
-Đ = D.
Tôi đề xuất bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành’.
Tác giả Bùi Hiền cũng theo pinyin Trung Quốc bỏ chữ đ này. Chữ Hán phiên âm bằng Latin theo âm Hán hiện đại không có chữ đ.
Như thế nếu bỏ đi chỉ còn d thay cho đ ta lại phải chọn phát âm lúc thì âm đ lúc thì âm d. Ví dụ Za (cây) người Bắc phải chọn phát âm cây Đa, người Trung, Nam chọn phát âm cây Da.
Trường hợp không có đ này cũng giống như trong mẫu tự Anh, Pháp, Ý… Các tộc này thường phát âm D là Đ như Anh ngữ Day phát âm là /đây/. Còn D có khi dùng J thay thế như xe Jeep phát âm là /Dip/, /Zip/ hoặc /Dep/, /Zep/.
Theo tôi chữ Đ, đ là một nét đặc thù trong chữ Việt. Hầu hết các mẫu tự ABC của dòng Latin không có chữ Đ, ngoại trừ thấy rất ít trong chữ ABC của một vài nước như trong mẫu tự Bồ Đào Nha. Các nhà làm ra chữ Quốc ngữ đã lấy chữ Đ, đ này của Bồ Đào Nha đem vào tiếng Việt. Vì sao? Vì mục đích chính là phân biệt ngay khi nào thì d phát âm theo d khi nào thì phát âm theo đ không phải bận tậm suy nghĩ gì như khi chỉ có một chữ d thôi, làm cho tiếng Việt dễ học, đơn giản, nói thế nào thì có thể viết đúng như thế và ngược lại viết thế nào thì có thể đọc, nói đúng như thế.
Đây là một chữ cái mang tính đặc thù Việt và hữu dụng giúp chữ quốc ngữ chính xác hơn, dễ đọc, dễ học hơn các chữ viết khác không có chữ đ. Không nên bỏ đi.
-G = G = Gh.
Biến âm này có trong Việt ngữ. Ví dụ gành = ghềnh; gác = ghếch; gảnh = ghểnh (đánh cờ)…
Chữ Hán không có Gh nên ông bỏ Gh đi.
-F = Ph.
Tác giả Bùi Hiền muốn đổi f = ph theo pinyin Trung Quốc. Chữ Hán phiên âm bằng Latin theo âm Hán hiện đại không có Ph chỉ có F nên ông bỏ Ph dùng F. Ông muốn Hán hóa chữ Việt (hơn là Tây phương hóa).
Thật ra chữ Ph tương đương với f là chuyện ai cũng đã biết. Trước đây đã có người đề nghị thay ph bằng f. Điểm này không trở ngại gì mà tiết kiệm được một chữ h. Tuy nhiên Ph cũng là một nét đặc thù của chữ viết Việt Nam nên giữ lại dù có tốn kém tí công tí mực. Đây là lý do những người muốn đổi ph = f trong đó có ông Hồ Chí Minh đã thất bại (bây giờ dùng chính sách độc tài đảng trị ép buộc thì sẽ thành công ).
-K = C = Q = K.
C = K không trở ngại gì. Một số quốc gia phương Tây dùng K thay cho C. Ông Hồ Chí Minh cũng đã dùng chữ K thay cho chữ C, ông Hồ viết Kách Mạng thay vì Cách Mạng.
Nhưng K= Q là chuyển âm khá phổ thông giữa chữ Hán phiên âm bằng Latin theo âm Hán hiện đại và Hán Việt ví dụ như /qílin/ = kỳ lân.
Tác giả Bùi Hiền cho C = Q = K là dựa theo âm K Hán ngữ.
-M.
Giữ nguyên như cũ.
-N.
Giữ nguyên như cũ.
-Ng = Ngh = Q.
.Ng = Q.
Tiếng Việt = Tiếq Việt.
Chuyển âm Ng = Q này không thấy có trong tiếng Việt. Nhưng có biến âm Ng = Ngh = K. ví dụ như Mường ngữ K = Việt ngữ Ng: kuôi, kom, kươi = người, kơng, keng = ngẩng, ken = nghẹn… (Diệu Tần, Sơ Lược Về Ngôn Ngữ, San Jose, CA 2.000).
Theo Trung Quốc tác giả Bùi Hiền thay K = Q (xem dưới) nên Ng = K = Q.
Ngh = Q.
Chuyển âm này thấy qua trung gian n không trực tiếp ví dụ con nghê và con kì.
麑 /ní/, nghê.
1: Con hươu con.
2: Cùng nghĩa với chữ nghê 猊. Toan nghê 狻麑 là con sư sử.
麒 /ní/, kì.
Kì lân 麒麟 ngày xưa gọi là giống thú nhân đức. Con đực gọi là kì, con cái gọi là lân (http://www..vietnamtudien.org/thieuchuu/).
Việt ngữ gọi con nghê là con kì ( thường nói chung là kì lân), vì nghê và kì đều phát âm /ní/ theo phát âm Hán ngữ hiện đại. Ta có nghê = kì tức Ngh = K.
Biến âm này có trong Việt ngữ như nghều = kều (cao); nghẹt = kẹt (mũi); nghịt = kịt…
Như thế Ng = Ngh = Q cũng dây mơ rễ mái với Hán ngữ.
-Nh = N’.
Tác giả Bùi Hiền cho rằng: ‘Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế nên trong bản trên tạm thời dùng kí tự ghép N’ để biểu đạt’.
Tôi đề nghị có thể lấy mẫu tự N có dấu ngã ở trên Ñ, ñ của mẫu tự ABC Tây Ban Nha: Ñ = Nh. Mẫu tự này đã có sẵn không làm mọi người thắc mắc hay khó hiểu. Ñ coi như một chữ đơn nên thảo chương (program) trong vi tính chỉ phải đánh chữ có một lần, còn dùng N’ như của tác giả Bùi Hiền thì phải đánh chữ hai lần. Tốn thì giờ và tốn mực hơn.
-Q = Ng, Ngh.
Đã nói ở trên.
R = R.
Vẫn giữ nguyên.
-X = Kh.
Tại sao tác giả Bùi Hiền lại cho X = Kh nhỉ? Eureka! Tôi đã tìm ra! Ông đã ‘cuỗm’ mẫu tự X = Kh này của chữ viết Cyrillic, ngày nay dùng ở Nga và Đông Âu.
Chữ Cyrillic phát triển ra từ chữ Hy Lạp vào khoảng năm 900 (Sau Dương Lịch) bởi St Cyril và St Methodius. Chữ X của Hy Lạp phát âm là Chi nên các vị Thánh này biến Chi thành Kh (Ch = Kh = X).
Tác giả Bùi Hiền lại muốn Nga hóa chữ Quốc ngữ, Nga hóa người Việt nói ngọng theo giọng Nga?
Ông quả thật là giỏi cóp nhặt của Tầu, của Nga để làm ra chữ Quốc ngữ mới.
-W = Th.
Sự thay thế này ai cũng cho là quái lạ. Nhưng với tôi chẳng lạ chút nào! Đây là cách phát âm w = th thấy rõ trong tiếng Gwóngdōngwá = 廣東話 = Quảng Đông thoại (Wikipedia) ví dụ như tìnwá = điện thoại.
Rõ như ban ngày wá = thoại tức ta có w = th.
Tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây nguyên trước kia là đất của Bách Việt. Ngày nay còn gọi hai tỉnh này là Lưỡng Việt.
Tác giả Bùi Hiền dùng chuyển âm này làm phương tiện hữu hiệu để Hán hóa chữ Việt, người Việt qua Bách Việt?
–Z = d, gi, r.
-Z = d.
Đã nói ở trên.
-Z= gi.
Alexandre de Rhodes dùng Gi thay cho J trong chữ Việt cổ ví dụ như Jà = già; jó = gió; jờ = giờ. . . (Từ Điển Việt Bồ La, Alexandre de Rhodes). Nếu tác giả Bùi Hiền dùng Z = gi mà còn dùng J nữa sẽ bị các âm chồng chéo lên nhau.
Chữ Hán phiên âm bằng Latin theo âm Hán hiện đại không có âm Gi. Việt ngữ có biến âm với gi = d tùy theo vùng miền như dàn = giàn; dăng = giăng; duộc = giuộc (thuộc, cái múc dầu)… Tác giả Bùi Hiền lấy âm Hà Nội làm chuẩn chắc chọn Gi = D nên mới có Gi = D = Z.
Chữ Hán phiên âm bằng Latin theo âm Hán hiện đại không có âm Gi nên ông lấy Z của Hán ngữ thay cho Gi Việt ngữ.
-Z = r.
Việt ngữ cũng có biến âm d = r như dắn = rắn; dàn = ràn; dựt = rựt… Tác giả Bùi Hiền lấy âm Hà Nội làm chuẩn chắc chọn D = r nên mới có Z= D = r. Người Trung Quốc thường phát âm r là nh như /rén/ là Hán Việt nhân (người), /rì/ là Hán Việt nhật (ngày), /ròu/ là Hán Việt nhục (thịt)… nhưng họa hoằn cũng phát âm r là D như 容 /róng/ là Hán Việt dong, dung (bao dong, bao dung).
Như thế ta có Z = D = r.
Như đã nói ở trên dùng Z là theo ghi âm chữ Hán.
Cũng nên nói thêm là ở đây Z= r (chữ r thường không viết hoa) như thế phải phân biệt Z (= r) với R viết hoa. Thật là phiền phức.
-‘Bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z’.
Tác giả Bùi Hiền: “bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z” mới nhìn qua chúng ta và nhất là người Tây phương, lầm tưởng là Tây phương hóa chữ Việt, nhưng thật ra là Hán hóa. Những chữ này đều dùng trong pinyin của Trung Quốc. Ông cải tiến chữ Quốc ngữ theo cách pinyin Trung Quốc.
NHỮNG TAI HỌA CỦA CẢI CÁCH CHỮ QUỐC NGỮ CỦA TÁC GIẢ BÙI HIỀN.
-Hán hóa chữ Việt.
Sự cải tiến chữ Việt của ông Bùi Hiền biến chữ Quốc ngữ thành một con quái vật, không những chỉ có đầu Ngô mình Sở mà có đầu Hán, thân người cũng Hán, đít là Nga, tay là Quảng Đông, chân là Tây phương và đuôi là Việt Nam. Rõ ràng nó mang nặng tính Hán hóa không chối cãi vào đâu được.
Căn bản cách cải tiến chữ Quốc ngữ của tác giả Bùi Hiền là dựa vào Hán hóa chữ Việt, không phù hợp với các qui luật ngôn ngữ Việt.
Những âm đặc biệt của chữ Quốc ngữ mà chữ Hán không có như Tr, Gi… giúp chữ Việt khác chữ Hán, ông bỏ đi cho chữ Việt giống chữ Hán, tiếng Hán.
-Biến người Việt thành một dân tộc nói đớt, nói lơ lớ, nói trọ trẹ, nói ngọng như người Trung Quốc nói tiếng Việt chuẩn ngày nay.
-Cho rằng giúp người ngoại quốc dễ học. Có lẽ chỉ giúp người Trung Quốc hay Nga dễ học tiếng Việt thôi.
-Làm mất các nét đặc thù của chữ Việt, mất dân tộc tính Việt, mất căn cước, bản sắc Việt (như bỏ đ, ph, tr… đi), làm mất hồn Việt, tâm Việt, văn hóa Việt.
-Tách chữ Quốc ngữ ra khỏi dòng chữ Latin thế giới, làm trở ngại cho sự nghiên cứu tiếng Việt của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam và ngoại quốc qua cách dựa vào sự đối chiếu chữ Quốc ngữ với chữ viết, ngôn ngữ loài người, nhất là với Ngôn Ngữ Ấn Âu. Ví dụ: there, đấy, đó, kia, tê, đằng ấy, đằng đó. Ta có there biến âm với tê, phương ngữ Huế (ngoài tê = over there). Nếu viết theo tác giả Bùi Hiền thì There là Were, không có cách nào thấy được there có mặt chữ giống như tê được. Anh ngữ throne, Pháp ngữ trône, Nga ngữ tron, ngai, ngôi. Ta thấy tron- = Việt ngữ trôn (đít), chỗ để ngồi, bán trôn nuôi miệng. Rõ ràng throne, trône, tron biến âm với Việt ngữ trôn. Nếu viết theo tác giả Bùi Hiền là Won thì không có cách nào thấy được throne, trône, tron giống như trôn được. Anh ngữ thrust, đẩy, xô, thúc, thọc vào, đâm bằng vật nhọn, động tác làm tình của phái nam. Th(r)ust biến âm với Việt ngữ thục, thúc, thọc. Theo th = đ, thrust = đục, đụ (đụ là do đục cắt bỏ c, Tiếng Việt Huyền Diệu). Nếu viết theo tác giả Bùi Hiền là Wust thì không có cách nào thấy được thrust có mặt chữ giống như thục, thúc, thọc được… Tôi đã tìm được sự Liên Hệ Giữa Việt Ngữ và Ấn-Âu Ngữ qua chữ viết Quốc ngữ hiện nay một cách dễ dàng (xem Liên Hệ Việt Ngữ và Ấn Âu Ngữ trên blog của tôi).
-Chữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền hiển nhiên làm cho người ngoại quốc có chữ viết của họ thuộc dòng Latin khó học chữ Việt vì không còn tương đồng cách viết với chữ nước họ.
-Chữ viết gắn liền với tiếng nói, ngôn ngữ liên quan với văn hóa. Phá hỏng chữ Quốc ngữ, Hán hóa, ngoại bang hóa làm mất gia tài văn hóa, nguồn cội Việt, hồn Việt. Mất chữ Việt làm mất tiếng Việt không khó. Mất tiếng Việt là mất nước. ‘Tiếng Việt còn nước Việt còn’ (Phạm Quỳnh). Các lớp trẻ khởi đầu học chữ cải cách của tác giả Bùi Hiền phải học lại chữ hiện nay mới đọc được sách ‘cổ” tạo ra những thế hệ mất gốc Việt và dễ bị đồng hóa.
-Gây xáo trộn tâm lý, đời sống tinh thần và xã hội của thế hệ đang dùng hệ thống chữ ABC hiện nay. Có thể đưa tới hỗn loạn.
-Chữ quốc ngữ hiện nay phản ánh tiếng nói ba miền Bắc, Trung, Nam. Ông Bùi Hiền qui về tiếng nói Hà Nội dẹp bỏ đi hết các chữ diễn tả các âm của vùng khác làm phân hóa dân tộc, nghèo nàn tiếng nói đi. Tiếng Việt Nam chỉ còn là tiếng ‘nước Hà Nội’, không còn là ‘Quốc ngữ’, chữ của quốc gia Việt Nam gồm cả ba miền.
…..
NHỮNG LỢI ÍCH CỦA CẢI TIẾN CHỮ QUỐC NGỮ CỦA TÁC GIẢ BÙI HIỀN.
Như đã nói ở trên tác giả Bùi Hiền cho rằng cách cải tiến chữ Quốc ngữ của ông nhằm mục đích ‘giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…giúp giảm tiền bạc xuống 8% trong một trang giấy’.
Những điểm phân tích đã nói ở trên cho thấy những điều ông nêu ra không đạt được mà ngược lại còn làm cho chữ Việt mới của ông bất tiện, rườm ra, phức tạp, khó học, khó nhớ, khó sử dụng hơn. Nhưng quan trọng nhất là cái đại họa bị Hán hóa, mất hồn Việt, sắc thái Việt, văn hóa. Việt Nam bị Trung Quốc đồng hóa…
Còn tiết kiệm thời giờ và tiền bạc 8% trong một trang giấy cũng chưa chắc đã có được hay có đáng để đổi lấy những đại họa nghiêm trọng mà nó gây ra không?
Nếu muốn tiết kiệm thời giờ và tiền bạc ta có thể giản dị hóa chữ Quốc ngữ bằng nhiều cách khác. Tôi xin đề nghị một hai cách.
CẢI TIẾN CHỮ VIỆT CỦA TÔI.
Chỉ nhằm mục đích làm đơn giản, ngắn gọn, để tiết kiệm thời giờ và tiền bạc mà tránh được các khiếm khuyết và tai họa nêu trên tôi xin đưa ra một hai cách cải tiến chữ Quốc ngữ dựa trên các nguyên tắc căn bản của ngôn ngữ học:
1. Vẫn giữ y nguyên hệ thống mẫu tự ABC hiện nay theo dòng chính Latin nói riêng, của ngôn ngữ loài người nói chung, không thay đổi gì về các qui tắc căn bản của ngôn ngữ học.
Chỉ thay đổi hình dạng mẫu tự một chút mà không làm mất mặt chữ hoặc chỉ thêm các dấu chỉ định biến âm nên vẫn còn nhận diện ngay được mẫu tự đó trong nháy mắt.
2. Vẫn duy trì đặc tính, căn cước Việt của chữ Quốc ngữ Việt Nam. Không Hán hóa chữ Việt bằng cách dùng cách biến âm theo pinyin của Trung Quốc qua các mẫu tự chỉ có trong mẫu tự Tây phương như F, J, W, Z.
3. Để tránh cắt bỏ đi mất quá khứ Việt, văn hóa, truyền thống cổ Việt đưa đến diệt vong.
4. Chỉ cải tiến mẫu tự kép.
Tôi vẫn giữ y nguyên hệ thống chữ Quốc ngữ hiện nay, chỉ cải tiến các chữ cái kép hay ghép nhằm mục đích đơn giản xuống còn một chữ để giảm thời gian và giấy mực.
A. Cách Thứ Nhất.
Vẫn giữ y nguyên hệ thống ABC hiện hành của chữ Quốc Ngữ chỉ thay đổi biến các chữ kép (phải đánh chữ hai lần) hay ghép (phải đánh chữ ba lần) thành một chữ, chỉ cần đánh chữ một lần. Ví dụ Ch, Tr, Đ, Gh, Gi, Kh, Ng, Ngh, Nh, Ph, Qu, Th thảo chương vi tính thành một đơn vị chỉ cần đánh chữ một lần. Gõ một lần nhẩy ra Ch chẳng hạn.
Cách này đánh chữ kép, ghép chỉ một lần. Tiết kiệm thời gian mà không gây xáo trộn gì.
Cách này có khuyết điểm là viết tay vẫn như cũ.
B. Cách Thứ Hai.
Cách này thay đổi chữ kép hay ghép thành một chữ cái mới mà vẫn giữ nguyên hình chữ cũ. Cách này có thể viết tay và đánh chữ.
-C vẫn giữ nguyên.
-Ch.
Có ba cách:
Hoặc biến dạng chữ C đi như đầu trên chữ C cong quặp vào như móc câu liêm chẳng hạn. C móc câu liêm = Ch: . Phát âm là /chờ/.
Các này có thể viết tay và muốn đánh chữ thì thảo chương (progam) trong vi tính và cũng chỉ đánh một lần. Tiết kiệm thời gian và giấy mực.
Hoặc thêm một dấu phẩy trên (apostrophe) như C’, ta có C’ = Ch.
Cách này viết tay vẫn phải cần hai động tác nhưng dấu phẩy ít tốn mực hơn chữ h. Còn program được thành một chữ C’ hay Ć (đã có sẵn như thấy trong font Verdana) thì đánh chữ chỉ còn một lần.
Hoặc dùng mẫu tự Ĉ, ĉ (có sẵn trong font Verdana) = Ch.
Cách này dễ dàng cho việc thảo chương.
Các cách này dễ phân biệt được ngay C và Ć hay Ĉ (Ch) mà vẫn duy trì được cả âm Ch của các vùng địa phương.
-D và Đ
Vẫn giữ như cũ. Phân biệt được hai âm d và đ ngay tức khắc và đ là một nét đặc thù trong chữ Việt mà chỉ thấy trong chữ viết của Bồ Đào Nha mới có chữ Đ.
-G, Gi, Gh.
Tương tự:
-G = Gi.
Biến đổi hình dạng G một chút thay cho Gi. Như G đầu có móc câu liêm chẳng hạn.
Thay G có dấu chấm i ở trên Ġ, ġ (có trong font Verdana) cho gi.
-G = Gh.
Gh thay đổi hình dạng của G hay Ĝ, ĝ thay cho Gh..
-K.
Giữ nguyên như cũ vì dùng trước i, e. Đây cũng là một nét đặc thù của chữ Việt.
-Kh.
Biến đổi hình dạng K một chút hay K’thay cho Kh. Thảo chương K’ thành một chữ.
-L.
Giữ nguyên như cũ.
-M.
Giữ nguyên như cũ.
-N.
Giữ nguyên như cũ.
-Ng.
Nếu muốn thay Ng hằng chữ N có chấm hay phẩy ở dưới Ņ ņ (vì chữ g có phần thòng xuống dưới nên chọn dấu phẩy để ở dưới).
-Nh.
Biến đổi hình dạng N một chút hay Ń, ń thay cho Nh (vì chữ h có phần cao lên nên chọn dấu phẩy để ở trên).
Cách này viết tay và thảo chương được.
Lấy Ñ, ñ trong mẫu tự Tây Ban Nha.
Ngoài ra, như đã nói ở trên có thể lấy N có dấu ngã Ñ, ñ trong mẫu tự Tây Ban Nha thay cho Nh. Nếu lấy mẫu tự này ta cắt giảm bớt đi được một chữ h. Mẫu tự này đã có sẵn coi như một chữ đơn nên thảo chương trong vi tính dễ còn N’ phải đánh hai lần ngoại trừ thảo chương thành một chữ.
-Q, Qu.
Qu = Q’.
–R.
Vẫn giữ nguyên.
-S.
Vẫn giữ nguyên.
-X.
Vẫn giữ nguyên.
.T
Vẫn giữ nguyên.
.Th.
Có thể thay thế bằng T’, ť (font có sẵn như trong Verdana).
.Tr.
Thêm hai dấu phẩy như dấu ngoặc kép vào T, ta có T” = Tr.
-V.
Vẫn giữ nguyên.
-X.
Vẫn giữ nguyên.
-Y.
Vẫn giữ nguyên.
Tóm lại các cách cải tiến này nếu được thảo chương đánh chữ chỉ một lần. Tiết kiệm thời gian và giấy mực mà không gây xáo trộn gì.
Ghi Chú
Nếu muốn tránh mang tiếng ngoại quốc hóa và sợ người ngoại quốc nhầm lẫn với các chữ cái của nước họ vì dùng các các mẫu tự sẵn có như Ĉ, ĉ, Ġ, ġ, Ĝ, ĝ, ť thì các phần dấu thêm vào C để thành Ch, vào G để thành Gi, Gh, vào N để thành Ng, Nh, Ngh, vào Q thành Qu, vào T để thành Th, Tr có thể dùng bất cứ dấu nào thấy thích hợp và dễ nhớ cũng được nhưng phải thảo chương thành một chữ đơn có dấu.
Tôi đề nghị các dạng trên chỉ để làm ví dụ.
KẾT LUẬN
Tóm lại chữ Quốc ngữ hiện nay đã ghi được hầu hết ngữ âm tiếng Việt, đã đáp ứng được nhu cầu tiếng nói Việt. Chữ Quốc ngữ rất chính xác, dễ học, dễ nhớ, dễ viết, dễ dùng. Chữ Quốc ngữ mang sắc thái Việt, tâm hồn Việt…
Chữ quốc ngữ vì mang tính đặc thù, sắc thái Việt nên ‘không giống ai’, trông có vẻ ‘loạn chữ’ (danh từ của tác giả Bùi Hiền) hay còn một vài không hợp lý nhỏ. Nếu muốn gọn lại, nhất là chỉ nhằm mục đích làm gọn, tiết kiệm thời giờ và tiền bạc, chúng ta chỉ cần giữ nguyên bộ chữ Quốc ngữ hiện nay rồi thảo chương các chữ kép, chữ ghép lại thành một đơn vị gõ chữ hay cắt tỉa bớt, xén bớt chữ kép, chữ ghép lại thành một chữ đơn có dấu như cách cải tiến của tôi mà không gây xáo trộn gì.
Chữ Quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền mang nặng tính Hán hóa, Nga hóa chữ Việt. Nếu thành hình là một đại họa cho dân tộc Việt Nam.
Có một điều rất lạ là tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ và bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chưa có chủ trương cải tiến chữ Quốc ngữ. Tác giả Bùi Hiền nói là“Tôi mới nghiên cứu xong một nửa… (còn nửa phần nguyên âm nữa -ghi chú của tác giả-) Nghiên cứu này của tôi hoàn toàn mới chỉ nằm ở bên lề một hội thảo khoa học, tôi chưa trình bộ GD&ĐT… (www.24h.com.vn).
Vậy mà sách giáo khoa dành cho lớp 1 đầu tiên đã phát hành dưới danh hiệu Bộ Záo Zục và Đào Tạo.
Tiếq Việt tập 1 của Bộ Záo Zụk và Đào Tạo.
(Hình trên mạng không rõ nguồn).
Lạ nhỉ! Chỉ có ở Việt Nam ta mới có chuyện lạ như thế này!
Có vẻ như sách phải phát hành gấp rút như để đạt một mốc thời gian đã ra lệnh phải làm, đến nỗi sai sót còn thấy ngay trên bìa sách là chữ Đ vẫn còn (trong khi tác giả Bùi Hiền đã đề xuất bỏ chữ Đ).
Xin hồn thiêng sông núi Việt, tổ tiên Rồng Tiên phù trợ cho chữ Quốc ngữ Việt Nam, cho Tiếng Việt, cho dân tộc Việt, cho đất nước Việt Nam.