Cái chết của Thiếu Tá Nguyễn Anh Tú và vết nhơ lịch sử

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cái chết của Thiếu Tá Nguyễn Anh Tú và vết nhơ lịch sử

Sun, 05/10/2015 – 16:21 – VietTuSaiGon – RFA Viet Nam

Vì sao người ta phải dập tắt nguồn tin chiến đấu cơ Việt Nam bị bắn hạ? Và vì sao người ta phải dấm dúi, bỏ hủ tro hài cốt của Thiếu tá Nguyễn Anh Tú trong túi xách tay, di chuyển bằng máy bay dân sự và giấu đun giấu đút như mang hàng lậu?

Trong tuần vừa qua, có hai sự kiện khiến cư dân mạng giật mình, suy nghĩ nhiều hơn về thân phận, sinh mệnh và giá trị của sự sống trên trái đất này. Sự suy nghĩ phân theo hai hướng: Dân chủ và độc tài; Văn minh và man rợ; Công khai và bưng bít. Đó là sự kiện chú chó cảnh sát tên Kye bị đâm chết và được hơn 1000 đồng nghiệp cảnh sát đến bên quan tài, nghiêng mình tiễn đưa trang trọng, thiếc thương ở thành phố Oklahoma, Mỹ và sự việc Thiếu tá không quân Nguyễn Anh Tú trở về đất mẹ trong chiếc túi xách tay bằng máy bay dân sự, thiếu sự trân trọng, trang nghiêm dành cho một chiến sĩ ngã xuống vì đất nước, vì sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia.

nat2

Tại sao hai sự việc này lại phân hướng rõ ràng giữa dân chủ và độc tài, văn minh và man rợ, công khai và bưng bít?

Ở hai cặp đối lập thứ nhất, người ta dễ dàng nhân thấy sự đối đãi với con dân, kể cả vật nuôi nghiệp vụ như chó, mèo, ngựa, voi, chim… trong ngành cảnh sát các nước văn minh đều được đối xử rất công bằng, nhân văn. Người ta nuôi các loài vật để phục vụ chuyên môn của ngành an ninh, quân đội và người ta xếp các loài vật này ngang với con người, cũng có nhiệm vụ và quyền lợi giống như con người. Đặc biệt, tình cảm giữa con người và loài vật hết sức thắm thiết, cao đẹp. Ở đây có sự bình đẳng, có văn hóa ứng xử, có hiểu biết. Người ta không lợi dụng vật nuôi để phục vụ cho con người theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”.

Câu chuyện chú chó Kye bị kẻ tội phạm đâm chết, kẻ tội phạm bị bắt, Kye được báo công, được phong danh hiệu anh hùng và được chôn cất theo nghi lễ quân cảnh một cách trân trọng, ấm áp và trang nhiêm. Điều này khác xa với cách hành xử của Không quân Việt nam nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung đối với Thiếu tá Không quân Nguyễn Anh Tú. Vị này đã lái chiếc Su_22 để tuần tra bảo vệ vùng lãnh hải cũng như không phận Việt Nam và bị rơi máy bay (mà theo nhiều nguồn thông tin khẳng định là do Trung Quốc bắn hạ). Khi tìm ra xác của Thiếu tá Nguyễn Anh Tú, người ta đã cho thiêu thành tro và bỏ hủ tro vào chiếc túi xách tay, lên máy bay dân sự một cách dấm dúi để đưa về quê.

Tại quê nhà, quân đội đã tổ chức nghi lễ đón rước hài cốt Thiếu tá Nguyễn Anh Tú với hai người lính trẻ mang găng tay trắng cung rước chiếc túi xách màu đen có chứa hủ tro đi ra khỏi sân bay. Hình ảnh này không những cho thấy sự thiếu trân trọng mà vô hình trung vẽ nên một loại bi kịch của người lính Việt Nam thời hiện đại, thiếu hẳn sự trân trọng, tôn nghiêm và thiếu cả sự ấm áp của tình người, tình đồng đội. Cái chết, sự hy sinh của Thiếu tá Nguyễn Anh Tú trở nên trơ trọi, lẻ loi và mất hẳn dáng vẻ bi hùng, bi tráng của một người lính đã ngã xuống vì sự nghiệp đất nước, dân tộc.

Tại sao lại có chuyện kỳ quái như thế này? Lẽ nào người Việt Nam nói chung và quân đội nhân dân Việt Nam đã mất hết tính người? Đã coi rẻ sự hy sinh của đồng đội cho sự nghiệp bảo vệ đất nước, dân tộc? Không, tôi không tin rằng người Việt trở nên xấu xa và tệ hại như vậy! Tôi cũng không bao giờ tin rằng quân đội nhân dân Việt Nam trở nên thô lậu đến mức thiếu cả nghi lễ cần thiết cho một đồng đội đã hy sinh vì quốc gia, dân tộc.

Tôi dám khẳng định, nếu đừng có sự chỉ đạo nào và đừng có sự can thiệp, bưng bít nào, cứ để cho quân đội tổ chức nghi lễ đón rước hài cốt Thiếu tá Nguyễn Anh Tú, câu chuyện sẽ khác đi! Và chắc chắn lúc đó sự trở về của Thiếu Tá Nguyễn Anh Tú sẽ đầy chất bi tráng, có thể xem là một bản anh hùng ca. Bởi dù sao chăng nữa, người lính quân đội Việt Nam (kể cả Việt Nam Cộng Hòa và quân đội Cộng sản) cũng đều là người Việt Nam. Mà đã là người Việt Nam, ngoài đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận”, kinh nghiệm chia li qua nhiều cuộc chiến tranh trong lịch sử dù sao cũng đủ làm cho người ta trưởng thành hơn và coi trọng sự hy sinh, biết nghiêng mình trước cái chết của đồng đội nhiều hơn.

Nhưng tại sao lễ đón rước hài cốt Thiếu tá Nguyễn Anh Tú lại sơ sài đến mức ngoài sức tưởng tượng như vậy? Ở đây lại liên quan đến chuyện “bốn tốt và mười sáu chữ vàng”. Bởi chuyện chiến đấu cơ Su_22 của Không quân Việt Nam bị bắn rơi, trước đây gần một tháng, ngư dân ở Cam Ranh đã bắn tiếng, thông báo rằng họ thấy hai chiếc máy bay bị cháy và rơi xuống biển. Nhưng sau đó, nguồn tin này bị dập, Không quân Việt Nam tuyên bố không xác định được có hay không có máy bay nào bị bắn rơi. Một tuần sau, lại có nguồn tin Trung Quốc đã bắn rơi máy bay chiến đấu của quân đội Việt Nam, nguồn tin này bị dập ngay tức khắc.

Vì sao người ta phải dập tắt nguồn tin chiến đấu cơ Việt Nam bị bắn hạ? Và vì sao người ta phải dấm dúi, bỏ hủ tro hài cốt của Thiếu tá Nguyễn Anh Tú trong túi xách tay, di chuyển bằng máy bay dân sự và giấu đun giấu đút như mang hàng lậu?

Có hai vấn đề: Đại Hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 sắp diễn ra và; Cao trào chống Trung Quốc xâm lược luôn trong tình trạng có thể bùng nổ bất kỳ giờ nào tại Việt Nam. Ở khía cạnh thứ nhất, đại hội đảng 12, dù nói gì thì nói, mọi sự sắp đặt nhân lực của trung ương Cộng sản Việt Nam đều có bàn tay can thiệp và xếp đặt của trung ương Cộng sản Trung Quốc. Chính vì những mối quan hệ chằng chéo này mà bất kì một tác động nào không tốt đến mối quan hệ Việt Cộng và Trung Cộng đều dẫn đến chuyển biến xấu cho đại hội 12. Chính vì vậy, mọi thông tin về vấn đề ai đã bắn rơi chiến đấu cơ Việt Nam và bắn như thế nào đều bị dập tắt.

Hơn nữa, khi chuyển hài cốt của Thiếu Tá Nguyễn Anh Tú về quê, người ta không chuyển một chiếc quan tài phủ cờ đỏ sao vàng mà phải chuyển một hủ tro hài cốt trong tình trạng ngụy trang đủ kiểu. Như vậy, chứng tỏ cái chết của Thiếu Tà Nguyễn Anh Tú đã diễn ra cách thời điểm đưa hài cốt về khá lâu, không thể bảo toàn được thi hài, buộc phải thiêu để lấy hài cốt (điều này cho thấy có sự trùng khớp về thời gian giữa thông tin của ngư dân và cái chết của viên Thiếu tá không quân). Và đặc biệt, buộc phải ngụy trang làm sao cho cái chết ấy càng mau chìm xuồng, mau đi vào quên lãng càng tốt. Bởi lẽ, nếu làm lễ truy điệu và dùng chuyên cơ để vận chuyển hài cốt, điều này sẽ dẫn đến một cái chết bi hùng và báo chí sẽ ca ngợi Thiếu tá Nguyễn Anh Tú.

Mặc dù ca ngợi, tung hê là sở trường của báo chí nhà nước Việt Nam nhưng bây giờ không phải lúc. Bởi bất kỳ sự ca ngợi, tung hê nào cũng tập trung sự chú ý, quan sát của nhân dân. Và rất có thể cái chết của Thiếu tá Nguyễn Anh Tú sẽ châm ngòi nổ cho rất nhiều cuộc xuống đường, biểu tình kêu gọi chống Trung Quốc xâm lược, kêu gọi đền bù nhân mạng, kêu gọi bài trừ Trung Quốc trong nhân dân… Và điều này hoàn toàn gây bất lợi cho đảng Cộng sản Việt Nam lúc này. Chính vì vậy, giải pháp bưng bít, cho vào quên lãng là giải pháp mà trung ương Cộng sản lựa chọn, đây là giải pháp tối ưu của họ.

Nhưng họ quên mất hoặc cố tình quên mất một điều, đó là sự bưng bít bao giờ cũng trả giá rất đắt, chí ít cũng trả giá cho những câu hỏi thuộc về lương tri, thuộc về niềm tin và sự nễ trọng tối cần của cấp dưới đối với cấp trên, của nguyên tắc quân đội và lương tri người lính. Vô hình trung, sự bưng bít này đã phơi bày gương mặt vô nhân tính của đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa. Và họ không thể chối bỏ bằng bất cứ kiểu gì. Bởi họ đã tự trét lên gương mặt của họ thêm một vết nhơ lịch sử!

VietTuSaiGon’s blog