Cải cách thể chế tại Việt Nam – Khi thay đổi không là điều tất yếu

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cải cách thể chế tại Việt Nam – Khi thay đổi không là điều tất yếu
Tác giả: John Gillespie
Dịch giả: Étranger Nguyen
27-10-20
Ảnh bình sách
Lý thuyết về nhà nước pháp quyền ra mắt năm 1991 tại Việt Nam đã mở ra những cuộc tranh luận cho phép các nhà bình luận Việt Nam đánh giá lại những khái niệm pháp luật xã hội chủ nghĩa đã tồn tại trong một thời gian dài. Những khác biệt hết sức đa dạng trong các tranh luận của họ, đã được xem xét trong chương này, thể hiện nhiều cách hiểu khác nhau về pháp luật xã hội chủ nghĩa. Trong một vài lĩnh vực pháp luật xã hội chủ nghĩa đã được đồng hóa với những quyền pháp lý đến từ pháp luật tư bản chủ nghĩa; trong một số lĩnh vực khác nó vẫn sử dụng những quan điểm từ vài thập niên trước của pháp luật Liên Xô.
Có thể đưa ra ba xác nhận liên quan lẫn nhau về những thay đổi khả dĩ trong lĩnh vực pháp luật dựa trên những tranh luận pháp lý đã xem xét trong suốt chuỗi bài viết.
Thứ nhất, pháp luật là một tiến trình được các thành viên của xã hội sử dụng để đấu tranh với quyền lực nhà nước.
Thứ hai, quyền lực nhà nước đang phải vật lộn để xác định liệu hệ tư tưởng pháp luật là đóng kín và tự tham chiếu, hay là một hệ tư tưởng mở và sẵn sàng chấp nhận những quan điểm mới.
Thứ ba, những điều luật kiểm soát quyền lực thực tế được quan tâm và tranh cãi nhiều hơn là những tư tưởng lý thuyết về giới hạn của quyền lực (Dezalay và Garth 2002).
Tập trung dân chủ và làm chủ tập thể đã nhanh chóng trở thành những nguyên tắc tổ chức trung tâm cho các quan hệ quyền lực giữa Đảng và chính phủ. Những nguyên tắc này vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong những phát ngôn về chính trị và đạo đức, và việc chống lại những thay đổi mang tính quan niệm có thể phá vỡ [nỗ lực nhằm tạo ra] một thỏa thuận chia sẻ quyền lực trong dài hạn [giữa các thành phần xã hội].
Ngược lại, pháp chế xã hội chủ nghĩa đã bị giam hãm hàng thập niên trong ngôn ngữ pháp luật gần như tương tự Liên Xô, và chỉ một số ít các luật sư đào tạo ở Liên Xô về mới có thể hiểu thứ ngôn ngữ này. Như là một thứ lý thuyết ngoại biên và có rất ít liên hệ với quyền lực chính trị, pháp chế xã hội chủ nghĩa ít bị giới hạn hơn trong các tranh luận chính trị nếu so với tập trung dân chủ và làm chủ tập thể.
Đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, khi mà Đảng tích cực khuyến khích những thay đổi trong pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa đã nhanh chóng phát triển để phù hợp những tư tưởng kinh tế mới. Các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại được du nhập ngày nay đã bắt đầu hỗ trợ các chuẩn mực pháp luật mà một thời đã bị loại bỏ bởi các sắc lệnh và chiến dịch đạo đức đầy quyền lực của Đảng. Sự thay đổi diễn ra chậm hơn nhiều ở những lĩnh vực mà tư tưởng pháp lý va chạm với quyền lực của Đảng và nhà nước. Ví dụ, các nhà bình luận thảo luận về năng lực của pháp luật xã hội chủ nghĩa nhằm giới hạn quyền lực chính trị của Đảng không được phép nhắc tới pháp quyền phương Tây [như là một giải pháp thay thế].
Những thỏa thuận chia sẻ quyền lực cũng ảnh hưởng tới những nhận thức cho phép thay đổi những tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Nhằm phản ứng với những lực đẩy của thị trường, hệ tư tưởng kiến trúc thượng tầng – cơ sợ hạ tầng cứng nhắc ngày nào đã phải nhường bước một phần cho các quan điểm đặt pháp luật trong một ma trận rộng hơn gồm xã hội học, chính trị học và kinh tế học của Durkheim và Weber. Những tranh luận trong lĩnh vực luật pháp đang học hỏi từ các tư tưởng kinh tế mới, đặc biệt là các khái niệm được cổ vũ bởi các thỏa thuận thương mại quốc tế. Những rào cản nhận thức khác cũng đang bị suy yếu.
Ác cảm của chủ nghĩa Marx đối với văn hóa Á Đông đã bị thay thế bằng một quan điểm thực tế hơn cho các mục tiêu phát triển hiện đại. Đã không còn những giấc mơ hoang tưởng về mô hình xã hội chủ nghĩa hiện đại[1], mà thay vào đó là phương thức phát triển Đông Á với đặc trưng xã hội chủ nghĩa. Trong những lĩnh vực khác khi mà các tranh luận pháp luật đã vượt ra khỏi cái bóng bao trùm của chính trị, pháp luật xã hội chủ nghĩa trở nên “hợp pháp” hơn rất nhiều.
Đảng và nhà nước đã không thể cách ly những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội khỏi những thay đổi đang đến bằng cách sử dụng những lý do mang tính tôn giáo như trước. Quy luật thị trường và hệ thống pháp luật tiện lợi đã mở ra những thách thức cho “quản lý nhà nước về kinh tế”, vốn là yếu tố then chốt của nguyên tắc “Đảng lãnh đạo”. Chủ nghĩa xã hội khoa học tuyệt đối đúng, một khái niệm khác rất gần gũi với nguyên tắc “Đảng lãnh đạo”, cũng đã bị xói mòn bởi các luận điểm xã hội học cho rằng luật pháp thuộc về bối cảnh xã hội và không đơn thuần là công cụ phục vụ cho quyền lực của Đảng. Dù sao thì ngày nay, nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong các vấn đề nhạy cảm chính trị liên quan tới an ninh quốc gia vẫn là “vùng cấm” cho mọi tranh luận pháp lý.
Phân tích này nhằm vào ý nghĩa của pháp luật xã hội chủ nghĩa trong các tranh luận và phát biểu được chấp nhận một cách “chính thức” ở Việt Nam. Khi mà các tư tưởng pháp lý tương tác nhiều hơn với những quan điểm “không chính thức”, những nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa Marx – Lenin đã phải nhường đường cho những tiếp cận quản trị mới. Xu hướng này đặc biệt rõ trong lĩnh vực kinh tế thương mại, khi mà những quy phạm pháp luật du nhập đã tương tác và hình thành nên một hệ pháp luật lai tạp với những truyền thống và thực tiễn địa phương. Trong những lĩnh vực xã hội khác, nơi mà chính trị và đạo đức vẫn nắm giữ những quyền lực lớn so với pháp luật và không có những nguyên do ép buộc việc pháp điển hóa hay hiến pháp hóa những quy trình chính trị, xem ra “pháp luật xã hội chủ nghĩa” vẫn trung thành với những khái niệm Marx – Lenin đã tồn tại từ lâu.
___
Dịch từ chương Changing Concepts of Socialist Law in Vietnam” của tác giả John Gillespie. Trích từ “Asian Socialism and Legal Change: The Dynamics of Vietnamese and Chinese Reform” (“CNXH và thay đổi luật pháp ở châu Á: Động năng của cải cách ở Việt Nam và Trung Quốc”)

baotiengdan.com/2017/10/27/cai-cach-the-ch-tai…