Cách Mạng Tháng Tám đã quyết định số phận Việt Nam như thế nào?
adminbasam on 22/08/2015
Nhà báo Trần Quang Thành phỏng vấn ông Nguyễn Gia Kiểng
22-08-2015
LGT: 70 năm trước đây, lợi dụng lòng yêu nước và khát khao độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cướp được chính quyền qua cuộc Cách Mạng Tháng Tám và nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ra đời ngày 2/9/1945
Thay vì mưu cầu hạnh phúc cho dân, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã nhắm phục vụ Đệ Tam Quốc Tế, lấy việc áp đặt chủ nghĩa Mác Lênin và chuyên chính vô sản làm lý tưởng. Và từ đó Việt Nam bước vào thảm họa.
Từ Paris – thủ đô Pháp Quốc – ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Quang Thành về nguyên nhân, diễn biến cũng như hậu quả của biến cố lịch sử này qua chủ đề “Cách mạng tháng Tám quyết định số phận Việt Nam như thế nào?”
Sau đây là tóm lược cuộc nói chuyện dài hơn một giờ này. Độc giả có thể theo dõi toàn bộ cuộc nói chuyện qua video sau đây:
Nguyễn Gia Kiểng: Xin chào ông Trần Quang Thành
TQT: Người cộng sản Việt Nam gọi cuộc Cách Mạng Tháng Tám xảy ra cách đây 70 năm là cuộc cách mạng long trời, lở đất. Nhưng có nhiều người nói rằng đó là cuộc cách mạng đã mở đầu cho một thời kỳ Việt Nam bước vào thảm họa mới.
Là người đã viết nhiều bài báo, nhiều công trình nghiên cứu về Cách Mạng Tháng Tám, nhân dịp này ông cho biết quan điểm của ông, sự đánh giá của ông về tầm quan trọng của cuộc cách mạng này như thế nào đối với Việt Nam ta cũng như đối với thế giới?
NGK: Theo tôi nói cuộc Cách Mạng Tháng Tám là quan trọng, là long trời, lở đất nó cũng không quá đáng đâu. Bởi vì đối với chúng ta, cuộc cách mạng này là một cột mốc rất quan trọng.
Vào thời kỳ đó, vào ngày 19/8 và sau đó là ngày 2/9/1945 Việt Nam đã chính thức trở thành một quốc gia độc lập. Dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ rằng mình cũng có quyền được kính trọng như các dân tộc khác trên thế giới. Chúng ta đã rũ bỏ được ách thống trị của ngoại bang – Pháp hơn 80 năm và Nhật trong vòng 4 năm – Biến cố Cách Mạng Tháng Tám như vậy là quan trọng. Nhưng điều quan trọng hơn là có những người, như ông, đã nói Cách Mạng Tháng Tám mở đầu cho một thảm kịch của dân tộc. Bởi vì nếu chúng ta so sánh chỗ đứng của Việt Nam trên thế giới ngày hôm nay và chỗ đứng của Việt Nam trước Cách Mạng Tháng Tám chúng ta sẽ thấy một tai họa lớn. Hãy tạm gác sang một bên biến cố nhất thời là nạn đói năm Ất Dậu 1945. Phải nói đó là lỗi của quân đội Nhật – Hôm nay 15/8 cũng là ngày cách đây 70 năm Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, ông Shinzo Abe, thủ tướng Nhật Bản trong diễn văn kỷ niệm 70 Thế Chiến II đã xin lỗi về tội ác của quân đội Nhật. Một trong những tội ác đó là đã gây gây ra nạn đói năm Ất Dậu. Ngoài tai nạn bất ngờ đó, vào thời gian ấy Việt Nam có rất nhiều triển vọng. Phải nói lúc đó chúng ta còn khá hơn nhiều so với Đài Loan và Hàn Quốc. Nhưng đến hôm nay chúng ta thua tất cả. Thu nhập bình quân trên mỗi đầu người chúng ta chỉ bằng 15% mức trung bình trên thế giới. Chúng ta chỉ bằng khoàng 1/30 so với Hàn Quốc, 1/20 Đài Loan. Chúng ta thua kém Mã Lai, Thái Lan, Indonesia là những nước vào trong thời điểm ấy còn phát triển thấp hơn chúng ta. Xin mở một ngoặc đơn để nói về ngoại lệ Hàn Quốc. Hàn Quốc có vốn liếng văn hóa, khoa học kỹ thuật hơn chúng ta nhưng lúc đó họ vừa gánh chịu một ách thống trị tàn bạo cùa Nhật. Họ đã kiệt quệ sau hơn 30 dưới ách thống trị của quân phiệt Nhật.
Ngày nay chúng ta tụt hậu một cách thê thảm. Chúng ta vắng mặt trong các thị trường lớn, không có thành tích khoa học kỹ thuật nào đáng kể, không có một tác phẩm văn học nghệ thuật nào, một công ty nào được thế giới biết đến. Không có ngay cả một thành tich thể dục thể thao. Phải nói là chúng ta hiện là một quốc gia không đáng kể.
Nguyên nhân vì sao? Đó là vì 30 năm nội chiến và 40 năm dưới chế độ cộng sản gần như sự thống trị của một lực lượng chiếm đóng ngoại bang. Một trong những đặc tính của Đảng Cộng Sản Việt Nam là họ luôn luôn đặt quyền lợi của Đảng lên trên quyền lợi của đất nước. Bên cạnh quyền lợi của Đảng, hầu như quyền lợi của đất nước không có tầm quan trọng nào. Ngày nay không những chúng ta tụt hậu mà chúng ta còn là một quốc gia phân hóa và chía rẽ bởi vì sự chán nản và tuyệt vọng quá lâu đối với một chính quyền đã dần dần dẫn đến sự chán nản đối với chính đất nước. Phải nói thực là tinh thần dân tộc của chúng ta chưa bao giờ cao cả. Đôi khi chúng ta cũng tự hào một cách thiếu cơ sở và cho rằng chúng ta là một dân tộc anh hùng và yêu nước, nhưng tinh thần dân tộc của chúng ta vốn không cao. Đến bây giờ nó còn xuống đến mức thấp hầu như không đáng kể. Tôi hỏi nhiều bạn bè từ trong nước ra họ đều trả lời thanh niên Việt Nam hiện nay hầu như không quan tâm đến chính trị, đến đất nước nữa. Họ chỉ lo học hoặc ăn chơi, làm ăn thôi. Trong gia đình hầu như chuyện đất nước vắng mặt. Ở hải ngoại, với hơn 3 triệu người Việt Nam di tản ra nước ngoài chúng ta phải nhìn nhận một sự thật đau lòng là không có một cộng đồng nào mất căn cước dân tộc nhanh chóng hơn bằng người Việt Nam. Những người ở thế hệ thứ hai may là một thiểu số còn quan tâm đến đất nước nhưng thiểu số đó nhỏ lắm, còn đa số bây giờ đã hội nhập, đã trở thành người Pháp, người Mỹ, người Đức, người Canada rồi. Đất nước hầu như chỉ là một kỷ niệm. Tại sao có sự lãnh đạm đối với đất nước như vậy? Bởi vì chế độ cộng sản không chỉ đã làm cho người ta phẫn nộ, mà còn làm người ta chán nản đối với đất nước. Phải nói là thảm kịch Việt Nam đã rất lớn. Thành tích của Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất kinh khủng. Cách Mạng Tháng Tám đáng lẽ ra phải là một cơ hội vinh quang của Việt Nam nhưng đã trở thành một thảm kịch lớn.
Tôi nghĩ rằng trong tương lai sẽ có nhiều công trình nghiên cứu về Cách Mạng Tháng Tám. Tôi nghĩ các sử gia, các nhà nghiên cứu lúc đó sẽ có bản lĩnh chính trị, sẽ hiểu biết lịch sử hơn và sẽ phải kết luận là Cách Mạng Tháng Tám đã là khởi điểm của thảm kịch lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
TQT: Ông Nguyễn Gia Kiểng vừa nói những sử gia, những nhà nghiên cứu sẽ có những công trình nghiên cứu tìm ra sự thật về Cách Mạng Tháng Tám, về những người cộng sản Việt Nam. Về biến cố đó, nhiều người vẫn đang cho rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cướp được chính quyền như chính họ thừa nhận. Cuộc biểu tình ngày 19/8/1945 là do chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức. Đảng Cộng Sản Việt Nam lúc đó cướp lấy thế chủ động để biến thành một cuộc biểu tình ủng hộ Việt Minh và cướp chính quyền. Có đúng không thưa ông?
NGK: Tôi nghĩ giai đọan Cách Mạng Tháng Tám và giai đoạn trước đó mấy tháng là một giai đoạn hết sức dồn dập, hết sức sôi động không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thế giới. Do đó chúng ta dễ nhầm lẫn nếu không nhìn lại những sự kiện chính.
Bây giờ chúng ta nhắc lại một vài sự kiện: Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính lật đổ chính quyền bảo hộ của Pháp. Một tháng sau ông Bảo Đại mời ông Trần Trọng Kim ra lập nội các Trần Trọng Kim. Ở đây chúng ta cũng không thể không nói tới ông Bảo Đại. Tôi đã có dịp gặp ông và quan hệ với những người gần gũi với ông Bảo Đại. Tôi đã tìm kiếm trong lịch sử thế giới và không thấy ông vua nào bất xứng như ông Bảo Đại. Ông hoàn toàn không có trách nhiệm gì với dân tộc và đất nước cả. Ông không phải là người ác độc nhưng chỉ ham vui, ham chơi thôi.
Ngày 9/3/1945 cuộc đảo chính của Nhật gần như có thể dự đoán được. Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng như vậy ông Bảo Đại làm gì? Ông ấy đi săn! Và ngày hôm sau thì ông trở lại hoàng cung và sống như bình thường. Nhật hối thúc ông lập ra một chính phủ Việt Nam độc lập, chứ không phải sáng kiến của ông ấy. Và ông ấy chọn ông Trần Trọng Kim. Tôi nghĩ ông Trần Trọng Kim là một người hiền lành, đáng kính. Ông là một giáo viên đã cố công lao viết ra cuốn Việt Nam Sử Lược, cuốn sử công phu đầu tiên của Việt Nam. Nhưng ông không có một chút hiểu biết nào về chính trị cả. Chính quyền của ông thành lập được 4 tháng, đến ngày 15/8/1945 Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng sau khi Mỹ cho nổ 2 trái bom nguyên tử ở Hirosima và Nagazaki. Chính phủ Trần Trọng Kim ở trong thế rất việt vị. Đây là một chính phủ do Nhật dựng lên. Lúc bấy giờ Nhật đầu hàng, họ phải làm một cái gì đó để tuyên bố với thế giới là họ không theo chân Nhật. Thật ra họ không định làm gì hết.
Những ai thắc mắc về chính phủ Trần Trọng Kim có thể đọc cuốn hồi ký Một Cơn Gió Bụi của ông Trần Trọng Kim. Ông ấy nói là nội các của ông không phải là không làm được việc mà không làm gì hết. Họ là những người không có thẩm quyền nào vầ cũng không có kinh nghiệm nào.
Nhân tiện đây tôi cũng xin nhắc đến một nhân vật quen biết khá gần gũi với cá nhân tôi và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Đó là bác sĩ Hồ Tá Khanh.
Bác sĩ Hồ Tá Khanh sau này ở bên Pháp và ủng hộ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cho đến khi cụ qua đời. Cụ có thuật lại cho tôi rất nhiều về chính phủ Trần Trọng Kim và cuộc cách Mang Tháng Tám. Nội các Trần Trọng Kim chỉ sống được có 4 tháng thôi. Mới chỉ một, hai tháng sau ông Hồ Tá Khanh đã khuyên ông Trần Trọng Kim -và điều này đã được ông Trần Trọng Kim xác nhận trong cuốn hồi ký của ông- là bây giờ mình không làm được gì cả đâu, hãy nhường quyền cho Việt Minh đi. Cũng theo lời ông Trần Trọng Kim, ông Phan Kế Toại là khâm sai Bắc Hà thì quá sợ khi thấy Việt Minh chiếm tất cả nông thôn và các tỉnh chỗ nào cũng ủng hộ Việt Minh cả. Ông sợ quá và xin từ chức. Ông Hồ Tá Khanh thuật lại -và ông Trần Trọng Kim cũng có viết trong hồi ký của ông ấy- là trước Cách Mạng Tháng Tám một thời gian ngắn ông Trần Trọng Kim có cử ông Hồ Tá Khanh vào trong Nam và ông Phan Anh ra ngoài Bắc để thăm dò tình hình xem có thể và làm đươc gì. Cả hai ông này trên đường đi đều bị quân du kích Việt Minh bắt và vì họ thấy hiền lành nên thả ra. Ông Hồ Tá Khanh sau này sang Pháp, còn ông Phan Anh được phong chức bộ trưởng quốc phòng bù nhìn một thời gian. Chính phủ Trần Trọng Kim không phải là chính phủ có thực chất. Nó chỉ là một chính phủ trên giấy tờ thôi. Ngày hôm nay chúng ta phải nói dứt khoát với nhau rằng chính phủ đó không có. Ngày 15/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng thì họ hoảng loạn. Họ phải làm một cái gì đó để nói với thế giới là họ không phải là thân Nhật mà là một chính quyền của Việt Nam. Cho nên họ tổ chức một cuộc mít tinh tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 17/8/1945. Họ tổ chức một cuộc mít tinh mà không có chương trình, không có lực lượng để giữ gìn trật tự. Lúc đó Việt Minh là lực lượng duy nhất nên họ đứng ra điều khiển cuộc mít tinh cũng là việc bình thường thôi. Không thể nói là họ tước đoạt hay ăn cướp cuộc biểu tình đó được. Ngày 19/8 Việt Minh tổ chức một cuộc biểu tình lớn và ngày đó được coi là ngày mở đầu Cách Mạng ThángTám. Đến ngày 2/9/1945 ông Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập.
Như vậy có thể kết luận rằng những người nói Việt Minh cướp chính quyền là không đúng. Việt Minh cũng nói họ cướp chính quyền nhưng trong một nghĩa khác. Họ không cướp trong tay chính quyền Trần Trọng Kim.
Phải nói là từ sau 1930, lực lượng chính của phe quốc gia không cộng sản là Việt Nam Quốc Dân Đảng đã hoàn toàn sụp đổ. Việt Nam Quốc Dân Đảng đã thiếu sáng tạo, thiếu sáng kiến để đối phó với tình hình mới. Đa số các cấp lãnh đạo đã đào thoát sang Trung Quốc. Việt Nam Quốc Dân Đảng đã không lợi dụng được tình hình thuận lợi của thời kỳ Mặt Trận Bình Dân 1932 – 1936. Vào tháng 8/1945 lực lượng của Việt Nam Quốc Dân Đảng là không đáng kể. Đại Việt thì mới thành lập trong đám sinh viên, cũng không phải một lực lượng quần chúng. Lực lượng duy nhất có hoạt động, có trả giá trong suốt thời gian 1930 – 1945 là Đảng Cộng sản Việt Nam. Phải nói Đảng Cộng Sản Việt Nam không cướp thành quả ngày 19/8 của ai cả. Họ đã giành được chính quyền sau khi đã chịu rất nhiều hy sinh.
Lẽ ra từ ngày 19/8/1945 Việt Nam phải bước vào thời kỳ một kỷ nguyên độc lập, kỷ nguyên của đoàn kết dân tộc, kỷ nguyên của chủ quyền. Nhưng lại bước vào một kỷ nguyên làm chư hầu cho Đệ Tam Quốc Tế. Nếu ta đọc lại những điều người cộng sản viết lúc đó thì độc lập chỉ là khẩu hiệu họ sử dụng sau đó một thời gian. Họ đã chịu muôn vàn hy sinh nhưng là cho chủ nghĩa cộng sản và lý tưởng vô sản chứ không phải là cho dân tộc Việt Nam. Có một lần tôi nói chuyện qua điện thoại và đã gây rất phiền lòng cho một người tôi rất quí mến là ông Trần Độ. Cũng nhân dịp kỷ niệm Cách Mạng ThángTám. Ông rất phiền long khi tôi nói trước Cách Mạng Tháng Tám, những người cộng sản đã làm việc cho Đệ Tam Quốc Tế và họ tranh đấu vì lý tưởng cộng sản, vì chủ nghĩa cộng sản, vì thắng lợi của phong trào cộng sản chứ quyền lợi của dân tộc đối với họ chỉ là thứ yếu. Động cơ tranh đấu của họ là chủ nghĩa cộng sản. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng chủ nghĩa cộng sản là sai lầm, phong trào cộng sản là một phong trào khủng bố. Không chỉ sai lầm mà còn có tội với nhân loại.
Lỗi lớn nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam là đã kéo đất nước Việt Nam vào ngõ cụt, vào thảm kịch, chứ không phải là vì họ tranh giành ngày 19/8. Họ có thể xứng đáng năm chính quyền vào ngày 19/8. Lẽ ra sau ngày 19/8 Việt Nam phải đi theo một hướng khác, nhưng nó đã bị lôi kéo vào quĩ đạo cộng sản. Kết quả là 30 năm chiến tranh, 6 triệu người chết, bao nhiêu gia đình ly tán, con người hận thù lẫn nhau đến tận ngày hôm nay.
TQT: Có nhiều người đến nay vẫn chê trách chính phủ Trần Trọng Kim là nhu nhược, không dảm nhờ Nhật dẹp Việt Minh như họ đã đề nghị. Ông nghĩ sao vấn đề này?
NGK: Như tôi vừa nói, chính phủ Trần Trọng Kim có thực chất nào đâu. Tôi rất phiền lòng khi nghe nhiều người, trong đó có nhiều người rất khoa bảng, nhiều người đã có kinh nghiệm lãnh đạo trong các chính phủ quốc gia đưa ra lập luận này. Nhưng mà nó vô lý quá sức.
Những người nói như vậy phải xét lại vì nó sai quá. Phải nói là Việt Minh nổi lên ngày 19/8. Chính quyền Nhật đầu hàng ngày 2/9 và quân đội Nhật phải giải giới. Thời gian từ 19/8 đến 2/9 có bao nhiêu đâu. Nếu quân Nhật có nổ sung tấn công Việt Minh thì cùng lắm cũng chỉ có thể chiếm được một vài trung tâm Hà Nội, Huế, Sài Gòn mà thôi. Còn đại bộ phận vẫn nằm trong tay cộng sản. Đàn áp của Nhật không giải quyết được gì, ngược lại nó đem đến cho đảng cộng sản sự chính đáng. Những ai chống Nhật hồi đó đều có chính nghĩa. Và nếu lúc đó Nhật gây đổ máu thì họ hoàn toàn đem chính nghĩa về cho Việt Minh. Ông Trần Trọng Kim đã hành động như một người chất phác, thật thà nhưng ông ấy đã hành động đúng. Quân Nhật đã ở trong tình trạng tuyệt vọng lắm rồi và không còn có khả năng để dẹp ai cả.
TQT: Cộng sản đã tiến hành thành lập chính phủ liên hiệp quốc – cộng. Nhưng kết quả mang lại rất đau lòng. Phe quốc gia bị phản bội và tiêu diệt. Đến nay phải chăng bài học 1945 còn mang ý nghĩa thỏa hiệp với cộng sản là ngây thơ, chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi. Có phải như vậy không thưa ông?
NGK: Có một thảm kịch trong Cách Mạng Tháng Tám. Thảm kịch đó chưa được đánh giá đúng mức trên góc nhìn quốc gia. Bởi vì trong thời gian này cộng sản đã tiêu diệt rất nhiều người thuộc phe quốc gia trong các đảng phái như Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, đại bộ phận là Việt Nam Quốc dân Đảng. Gia đình tôi có 2 ông chú bị ám sát trong giai đoạn này. Họ ở trong Mặt Trận Việt Minh. Họ đi họp và bị giết hại. Thân phụ tôi may mắn mà thoát nạn thôi.
Chính sách của Đảng Cộng Sản Việt Nam là tiêu diệt những người yêu nước không cộng sản để giành độc quyền lãnh đạo cuộc kháng chiến. Họ chủ trương kháng chiến ngay từ đầu. Chúng ta sẽ bàn xem có cần kháng chiến hay không? Tôi nghĩ rằng các sử gia sau này sẽ nhất trí rằng cuộc kháng chiến này là không cần thiết. Nhưng Đảng Cộng sản lúc đó nhất quyết phải giành độc quyền trong cuộc kháng chiến chống Pháp vì mục tiêu của họ là đánh Pháp, đánh Mỹ, nghĩa là đánh tư bản chứ không phải là để xây dựng Việt Nam. Mục tiêu của họ là chiến đấu cho sự thắng lợi của phong trào cộng sản quốc tế, cho chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Cho nên trong cái logic đó họ phải tiêu diệt những thành phần nào chỉ biết đất nước Việt Nam thôi và có thể tranh giành ảnh hưởng với họ.
Việt Nam Quốc Dân Đảng bị tiêu diệt gần hết lực lượng trong trong thời kỳ đó. Ngày nay ít ai thấy đó là mất mát lớn cho đất nước. Có thể nói lúc đó chúng ta chỉ có một số người yêu nước rất nhỏ mà gần như toàn bộ số người đó đã bị tiêu điệt. Đừng quên trong chính quyền này người đã làm hành động này là ông Võ Nguyên Giáp. Trí thức Việt Nam không quan tâm lắm đến lịch sử Việt Nam nên đã không thấy được trách nhiệm, không thấy được tội ác của ông Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn này. Nhiều người còn ủng hộ ông Võ Nguyên Giáp, coi ông như là giải pháp. Nhưng ông ấy chẳng là giải pháp cho ai cả. Ông có trách nhiệm lớn, không phải là người trách nhiệm duy nhất nhưng là người đứng đầu cuộc tàn sát những người yêu nước trong giai đoạn đó. Đất nước Việt Nam hoàn toàn thiếu những người quan tâm đến đất nước. Những người cộng sản quan tâm đến đất nước nếu có cũng chỉ là một thiểu số không đáng kể. Người cộng sản chủ yếu chỉ quan tâm đến phong trào cộng sản. Số người tha thiết với đất nươc Việt Nam rất ít và những người này đã bị tiêu diệt.
Tinh thần quốc gia do đâu mà có? Trong dự án dân chủ đa nguyên 2015 Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai chúng tôi có một phần nói về khái niệm quốc gia. Có thể nói khái niệm quốc gia chỉ có trong một xã hội dân chủ. Chúng ta chỉ khám phá ra một khái niệm quốc gia khi chúng ta bị người Pháp đô hộ. Qua giáo dục phương Tây, phần nào chúng ta tiếp thu được khái niệm quốc gia và chúng ta vừa mới đào tạo ra được một số lượng nhỏ người yêu nước Việt Nam, đặt lý tưởng phục vụ đất nước Việt Nam là lý tưởng của đời mình thì số người đó đã bị tiêu diệt. Mất mát này rất lớn.
Thế nhưng mà từ đó rút ra kết luận liên hiệp với cộng sản là tự sát như nhiều người nói về bài học năm 1945 là sai. Sau Thế Chiến II trên thế giới -ở Philippine, ở Indonesia, ngay cả ở Pháp nơi tôi đang sống và ở nhiều quốc gia khác- đã có những thỏa hiệp giữa đôi bên, đã có những chính phủ liên hiệp, những thỏa hiệp sống chung hòa bình với phe cộng sản nhưng hầu như ở mọi nơi phe cộng sản đã thất bại. Cho nên rút ra bài học rằng liên hiệp với cộng sản là tự sát là sai, trường hợp Việt Nam là một ngoại lệ chứ không phải là một thông lệ.
Chúng ta phân tích sự liên hiệp với cộng sản như thế nào? Phải nói người cộng sản có đặc tính là họ chối bỏ những giá trị đạo đức truyền thống như không nói dối, không phản bội, không giết người v.v. Họ cho đó là những giá trị của giai cấp tư sản để làm nền tảng cho xã hội tư sản, cho chính quyền tư sản. Những người cộng sản họ không công nhận những giá trị đó. Vì thế họ phản bội, họ tàn sát vì họ cho rằng đó không phải là tội lỗi, không phải là phản đạo đức. Họ có một đạo đức khác. Đạo đức cộng sản đã được Lenin đã định nghĩa trong một câu kinh khủng như thế này: “Là đạo đức tất cả những cái gì có lợi cho đảng cộng sản”’. Có nghĩa là họ có thể làm tất cả. Sự phản bội nằm trong bản chất của họ, điều này không được làm ai ngạc nhiên cả. Họ phản bội khi họ có thể phản bội được. Vấn đề là phải làm thế nào để họ không ở trong tư thế có thể phản bội. Thí dụ như ở Ba Lan họ đã thỏa hiệp với phong trào Solidarnosc. Họ không phản bội mà họ chỉ mong muốn làm sao được giải thể một cách an toàn thôi. Hay là ngay tại Slovakia nơi ông Thành đang sống đó, họ cũng đâu có phản bội, bởi vì họ không phản bội được. Phải nói là người cộng sản phản bội khi họ có cơ hội. Chúng ta cần nhìn lại bài học năm1945. Bài học đó không phải là thỏa hiệp với cộng sản là tự sát. Thỏa hiệp với cộng sản vẫn có thể thắng lợi. Bài học năm 1945, bài học thực sự, là một cơ hội chỉ là một cơ hội với những ai đã chuẩn bị để chờ đợi nó. Nếu không thì nó đến rồi nó lại đi. Và có thể một cơ hội đáng lẽ tốt trở thành một thảm kịch bởi vì quyết định nào cũng có phần rủi ro. Phải nói là cho tới cuộc Cách Mạng Tháng Tám 1945 Đảng Cộng Sản là lực lượng duy nhất. Còn các tổ chức không cộng sản thì bất động và không có chuẩn bị, không có lực lượng gì cả như trường hợp Việt Nam Quốc Đân Đảng sau khi bị đàn áp đã tan rã, các cấp lãnh đạo đào thoát sang Tàu, đảng như rắn không đầu. Đại Việt là tổ chức của các sinh viên còn non nớt về bản lĩnh chính trị. Chủ nghĩa họ đưa ra là chủ nghĩa “dân tộc sinh tồn”, một chủ nghĩa rất sai, lúc đó đang làm nền tảng cho các chế độ Nazi, phát xít vừa bị đánh bại. Không có chuẩn bị gì cả. Điều đó giải thích vì sao phe quốc gia thất bại.
Về sự kiện, tháng 10/1945 quân đội Tưởng vào giải giới quân đội Nhật mang theo một số nhà cách mạng Việt Nam lưu vong tại Trung Quốc. Nhờ áp lưc của quân Tưởng Giới Thạch, Việt Minh đã phải nhượng bộ, phải lập nên chính phủ liên hiệp. Tôi có quen biết ông Vũ Hồng Khanh. Ông Vũ Hồng Khanh đã giải thích rằng nhờ có chính phủ liên hiệp đó mà Việt Nam Quốc Dân Đảng và các đảng quốc gia khác đã có cơ hội để đào thoát. Nếu không có thì đã bị tàn sát hết.Trái với nhận định hời hợt của nhiều người chính phủ liên hiệp tháng 3-1946 không phải là một sai lầm mà đã có lợi, ít nhất là đã cho phép nhiều người quí hiếm cho đất nước đào thoát được, nếu không họ đã bị tàn sát hết.
TQT: Đảng Cộng sản vẫn khoe rằng họ chỉ có 5.000 đảng viên thôi mà họ cướp được chính quyền khiến cuộc Cách Mạng Tháng Tám thành công. Ông nghĩ tại sao lúc đó họ lại được đa số ủng hộ để thành công như vậy ạ?
NGK: Theo tôi số đảng viên cộng sản nếu nói là 5.000 vào lúc đó thì quá đáng, không đến đâu. Có thể chỉ cỡ 2.000 thôi. Sau này khi chúng ta đọc lại hồi ký của những người trong cuộc như hồi ký Đèn Cù của ông Trần Đĩnh gần đây, thì thấy rằng lúc bấy giờ trình độ của những người lãnh đạo cũng rất thấp, nhưng dù sao họ cũng là tổ chức duy nhất có hoạt động, có lực lượng. Bài học mà chúng ta phải rút ra là một triệu người mà không có tổ chức thì không thể làm gì được trước một nhóm nhỏ có tổ chức.
Cuộc Cách Mạng Tháng 10 năm 1917 ở Nga sở dĩ thành công là nhờ cái nhìn của Lênin. Ông ta là một chuyên viên về khủng bố. Lênin quan niệm rằng không cần đông đảo đảng viên, chỉ cần có một tổ chức khủng bố chuyên nghiệp và có quyết tâm thì sẽ thắng lợi và Lenin đã giành được thắng lợi. Thắng lợi của Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng tương tự như thế. Chúng ta không nên quên là ông Hồ Chí Minh, người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam lúc đó, là một người được đào tạo tại Nga trong lò Stalin. Số người của họ tuy là ít nhưng họ khống chế được quần chúng, khống chế được dư luận. Những người không cộng sản lúc đó không những không có tổ chức mà không có cả tư tưởng chính trị, điều đó mới là quan trọng. Cho nên những tuyên truyền của Đảng Cộng sản rất dễ dàng lọt tai. Bây giờ đây chúng ta hiểu được tại sao Đảng Cộng Sản lúc đó được đa số ủng hộ như vậy. Có thể nói không chỉ đa số mà đại đa số ủng hộ họ hay là làm như ủng hộ họ. Khi lớn lên và đi du học, tôi rất phiền lòng vì những người mình yêu mến nhất đi theo cộng sản. Có người bố bị cộng sản giết nhưng vẫn ủng hô cộng sản vì trước mắt không có gì khác lôi cuốn họ. Đảng Cộng Sản ít ra có một lý tưởng. Bây giờ lý tưởng cộng sản đã bị phơi bày như một sai lầm đẫm máu, nhưng đến thập kỷ 80 vẫn còn một số người cho rằng đó là một lý tưởng đẹp.
Thật ra lý tưởng cộng sản không có gì mới, nó chỉ đáp ứng một dằn vặt của con người từ một thời rất xa xưa, từ mấy ngàn năm, nhất là từ ngày Thiên Chúa Giáo xuất hiện. Lý tưởng Thiên Chúa Giáo coi mọi người đều là anh em bình đẳng trước Thiên Chúa. Thế nhưng trên thực tế xã hội lại được tổ chức thành những người chủ và những người tôi tớ, giữa những người giàu và người nghèo, giữa những người có quyền và người bị thống trị. Cho nên luôn luôn diễn ra những thắc mắc, dằn văt, phẫn nộ. Chủ nghĩa Mác không có gì là hợp lý cả. Khi bỏ thời giờ để nghiên cứu chủ nghĩa Mác, tôi thấy ông ta kết luận bất chấp lý luận. Tôi có thể thách thức bất cứ ai tìm ra được một lý luận hợp lý thôi của Marx. Ông ta xác quyết rất là hồ đồ. Nhưng dù sao sự cám dỗ của chủ nghĩa cộng sản là ở chỗ nó đáp ứng một khắc khoải đã có từ cả ngàn năm. Phải nói là tiếng gọi đấu tranh giai cấp rất có sức thu hút. Nhất là chúng ta đừng quên rằng cách đó không lâu Việt Nam đã trải qua nạn đói năm Ất Dậu trong đó mạng sống con người không bằng bát gạo, không bằng củ khoai. Tâm lý Việt Nam lúc đó là tâm lý đau khổ, tâm lý bi đát. Vì thế tiếng gọi xóa bỏ giàu nghèo lại càng mãnh liệt.
Nhưng đó không phải là tất cả. Chúng ta cũng phải hiểu trình độ tri thức, trình độ trí tuệ của Việt Nam như thế nào ở thời đại này. Tôi mong sau này sẽ có những người bỏ công ra nghiên cứu đất nước Việt Nam từ thập niên 1930 cho tới Cách Mạng Tháng Tám năm 1945. Có một cái gì đó rất là nghịch lý. Sau sự hy sinh rất dũng cảm, rất bi đát và rất xúc động của Việt Nam Quốc Dân Đảng, chúng ta thấy gì? Tiếp theo không phải là sự thức tỉnh ý thức dân tộc của người Việt Nam mà là một giai đoạn của thơ văn lãng mạn, nhạc trữ tình, tranh ấn tượng. Thanh niên Việt Nam một số thì chăm lo học hỏi, nhưng không học chính trị mà học để thi đỗ để làm tri phủ, tri huyện, còn số đông thì lao đầu vào hưởng thụ. Thập niên 30 là thập niên nở rộ của thơ văn lãng mạn kiểu “em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé” hay “tôi muốn tắt nắng đi cho mầu đừng nhạt mất”.
Tôi mong rằng trong tương lai sẽ có những nhà sử học nghiên cứu về những gì xảy ra lúc đó. Đấu tranh giai cấp, xóa bỏ giàu nghèo có sức mạnh của nó và phong trào lãng mạn đã yểm trợ cho nó. Tôi đã có một bài phân tích về mối tương đồng giữa Cách Mạng Tháng Tám 1945 của Việt Nam và Cách Mạng Pháp năm 1789. Cả hai đều có động cơ chính là phong trào lãng mạn. Phong trào lãng mạn rất có lợi cho Đảng Cộng sản. Nói chung, chủ nghĩa lãng mạn đặt cảm xúc trên lý luận. Người ta đi tìm cảm giác mạnh, coi đó là tất cả. Người ta từ chối những cố gắng bền bỉ, kiên trì. Người ta thích đập phá thay vì xây dựng vì đập phá gây cảm xúc mạnh trong khi xây dựng đòi hòi kiên nhẫn và mồ hôi. Sau 200 năm nước Pháp vẫn chưa gượng dậy được sau những đập phá của Cách Mạng 1789. Phải nói nước Pháp trước năm 1789 mạnh hơn tất cả các nước trên thế giới. Về hải quân chỉ thua nước Anh thôi. Còn về tất cả các mặt khác, về khoa học, kỹ thuật và kinh tế thì hơn tất cả. Nhưng ngày nay nước Pháp đã trở thành một cường quốc trung bình và đang có khuynh hướng trở thành một nước trung bình bởi vì không gượng dậy được sau những đập phá của Cách Mạng 1789. Việt Nam cũng vậy. Trước đây Việt Nam cũng là một quốc gia đầy hứa hẹn, nhưng sau Cách Mạng Tháng Tám 1945 đã bị đẩy vào tình trạng vô cùng bi đát. Lãng mạn của Việt Nam có cái gì bi đát hơn lãng mạn của Pháp. Lãng mạn của người Pháp mang cảm xúc thực. Lãng mạn của Việt Nam vào những năm 1930 là lãng mạn vay mượn của Pháp. Lãng mạn của Việt Nam là lãng mạn giả tạo nhưng nó cũng đủ để đưa người ta lao vào bạo lực, bạo lực cộng sản. Bây giờ cũng phải nói cho công bằng rằng cũng có những người lao vào vì nông cạn hẹp hòi nhưng sau đó không dám bỏ vì sợ hãi. Qua hồi ký của những người trong cuộc, như Đèn Cù, chúng ta thấy đa số sau khi đã đi theo cộng sản rồi thì thấy ngay nó là một lưc lượng khủng bố, trình độ tri thức nó kém, ngay cả đạo đức của nó cũng không có gì. Nhưng không dám bỏ vì sợ. Sợ nguy hiểm cho tính mạng mình, sợ chết. Đừng quên đảng cộng sản là một đảng khủng bố. Nó có kỷ luật thép để duy trì sự bền vững trong nội bộ.
Tôi lấy thí dụ trường hợp ông Thép Mới. Tôi có đọc mấy cuốn sách của ông Thép Mới. Tôi nghĩ con người này cứng rắn ghê nhỉ. Ông ta viết môt cuốn sách về thời dựng đảng, về Cách Mạng Tháng Tám. Ông ta viết cũng khá tỉ mỉ. Cũng tô son, điểm phấn chứ không phải là trung thực gì. Nhưng lúc đó tôi nghĩ đây là một người cộng sản sắt máu nên mới lấy tên là Thép Mới và viết theo sự cuồng tín của mình. Nhưng khi đọc Đèn Cù thì thấy ông ấy làm như vậy chỉ vì sợ thội. Ông phát minh ra một cái khẩu hiệu, một phương châm là muốn sống ở trong chiến khu thì phải sống như đui, mù, câm, điếc. Tức là mất hết tất cả nhân cách con người, là tha hoá tuyệt đối. Thế thì có gì là thép đâu. Trí thức Việt Nam có một sự giả dối ở chỗ là mình đã nhát sợ, mình hành động hèn nhát nhưng lại không muốn người khác biết mình hèn nhát nên làm ra vẻ cứng rắn và đóng góp vào một vở kịch. Vở kịch đó không phải là hài kịch mà là bi kịch cho đất nước
TQT: Cách Mạng Tháng Tám đã đem lại cuộc kháng chiến rất đau thương gần 10 năm mở đầu từ 19/12/1946 và kết thúc vào ngày 20/7/1954 mà hậu quả cùa nó là chia đôi đất nước và nạn chạy trốn cộng sản của hàng triệu người dân miền Bắc di cư vào Nam. Ông nghĩ rằng cuộc kháng chiến này có cần thiết hay không và hậu quả nó mang lại có đúng là sự đau lòng không?
NGK: Phải nói rằng cho đến nay cuộc tranh cãi vẫn còn dai dẳng. Tôi đọc nhiều tác giả nói cuộc cách mạng chống Pháp có thể có chính nghĩa, nhưng cuộc cách mạng chống Mỹ thì không vì nó được phát động vào lúc sự có mặt của Mỹ tại miền Nam chưa đáng kể so với sự hiện điện của Liên Xô và Trung Quốc tại Hà Nội. Cuộc chiến tranh 1946-1954 được một số người cho là có sự chính đáng. Tôi cho rằng lập luận này sai và đã đến lúc phải nói thẳng thắn là cuộc chiến tranh này không cần thiết. Nếu chúng ta cho là cần thiết thì đó là vì chúng ta đã không hiểu rõ tình hình thế giới lúc đó.
Ngay từ trước Thế chiến II nhiều học giả và nhà nghiên cứu đã nói đến nhu cầu – tôi nhấn mạnh là nhu cầu – của các đế quốc thực dân như Pháp, Anh, Hòa Lan là phải mau chóng rút khỏi các thuộc địa vì nếu không thì phong trào đòi nhân quyền sẽ tràn tới và chính họ sẽ bị những hậu quả ngược lại. Hậu quả ngược lại là gì? Bây giờ chúng ta cứ giả thử với nhau nếu Việt Nam với Pháp vẫn còn là một thì cái gì sẽ xảy ra? Với 90 triệu người Việt Nam và 65 triệu người Pháp thì tổng thống của Pháp chắc phải là một người Việt, chính quyền sẽ nằm trong tay người Việt. Cho nên trước Thế Chiến thứ hai đã có đồng thuận là các nước đế quốc phải mau chóng rút khỏi các nước thuộc địa.
Người Pháp đã có những cố gắng đó, như Mặt Trận Bình Dân chẳng hạn. Trước năm 1930 toàn quyền Varenne khi sang Việt Nam đã có hai ý định một là trả chính quyền miền Bắc cho triều đình Huế, hai lại tham khảo giới trí thức Việt Nam lúc đó về vai trò tương đối giữa Việt Nam và Pháp sau này như thế nào sau khi Việt Nam có độc lập. Việc người Pháp sẽ rút đi không còn là bí mật đối với người nào theo dõi và nghiên cứu chính trị về giai đoạn này. Sau Thế Chiến Thứ Hai thì càng rõ rệt hơn nữa. Sau Thế Chiến II phong trào nhân quyền lên rất mạnh, Hoa Kỳ trở thành cường quốc áp đảo và chính sách của Hoa Kỳ là buộc các nước thực dân phải trả lại độc lập cho các thuộc địa. Vả lại năm 1948 trong hiệp ước Elysée Pháp đã nhìn nhận Việt Nam độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp với sự bảo trợ của Pháp. Đó là một chặng đường để cho Pháp rút lui.
Tôi nghĩ là vấn đề chúng ta sẽ được độc lập là đương nhiên. Ở Phi châu sau này có kháng chiến gì đâu nhưng người Pháp cũng rút ra. Ngay cả những nước không muốn độc lập họ cũng trả độc lập để ra đi. Tội xin kể trường hợp đảo Tahiti. Tôi có một thời gian công tác ở bên đó, làm cố vấn cho chính quyền bên đó một thời gian. Đảo đó rất phồn vinh nhưng Pháp vẫn thiệt hại vì phải viện trợ cho đảo đó, cho nên người Pháp có khuynh hướng xúi giục dân đảo này – mà người ta gọi là thiên đường của hạ giới – hãy giành độc lập đi. Tôi khuyên các bạn bè người Polynésie là chớ có dại. Độc lập thi không được nhận viện trợ nữa mà với dân số chỉ có 400.000 người, các anh chả có chỗ đứng nào đáng kể trên thế giới.
Sau Thế Chiến Thứ Hai phong trào độc lập không thể đảo ngược được. Tôi nói thế không có nghĩa là chúng ta không cần đấu tranh. Cuộc đấu tranh là để buộc người Pháp phải nhượng bộ vào lúc nào những địa hạt nào, phải nhượng bộ về kinh tế như thế nào, phải từ bỏ một số đặc quyền với lịch trình như thế nào v.v. Cuộc thảo luận đó sẽ khó khăn bởi vì những người lập nghiệp ở các thuộc địa có tập quán không cởi mở bằng những người ở Pháp ở bản xứ. Nhưng mà kết quả sau cùng vẫn có thể tiên liệu được.
Trao trả độc lập cho Việt Nam là đương nhiên. Chúng ta có thể tranh đấu bằng giáo dục, bằng đào tạo, bằng luật pháp nhưng không có cần phải kháng chiến. Tôi cần nhắc rằng cuộc kháng chiến đã xảy ra là vì đảng Cộng Sản không đấu tranh vì quyền lợi của nước Việt Nam vào lúc đó mà cho chủ nghĩa Mác – Lênin mà họ coi như mặt trời chân lý. Họ cho đó là một lý tưởng tuyệt đối đẹp. Bên cạnh lý tưởng cộng sản quyền lợi quốc gia chỉ là thứ yếu, nếu có, mà chưa chắc đã có. Họ đặt mục tiêu giành thắng lợi cho phong trào cộng sản thế giới lên trên hết cho nên họ đã tiêu diệt hết những người yêu nước mà không phải là cộng sản trong giai đoạn Cách Mạng Tháng Tám. Cuộc chiến tranh này là cần thiết trong nhãn quan của ông Hồ Chí Minh và những đệ tử của ông vì lý tưởng của họ không phải là lý tưởng Việt Nam. Lý tưởng của họ là lý tưởng cộng sản. Họ là những người cộng sản trước khi là người Việt Nam. Nếu chúng ta nhìn từ góc độ quyền lợi đất nước cuộc kháng chiến chống Pháp là không cần thiết. Đấu tranh để đòi người Pháp phải nhượng bộ là điều cần thiết, nhưng phải đấu tranh bằng những phương tiện khác, bằng những khả năng khác chứ không phải bằng chiến tranh.
Cuối cùng cũng phải nói một điều là ông Hồ Chí Minh và những người thân cận của ông ấy có trách nhiệm lớn là đưa dân tộc Việt Nam vào cuộc nội chiến. Nhưng có một câu hỏi là họ do Đệ Tam Quốc Tế yểm trợ, họ chỉ sống được nếu có yểm trợ của Đệ Tam Quốc Tế. Nếu họ không tận tình phục vụ lý tưởng cộng sản và phong trảo cộng sản có thể họ sẽ thất bại. Có thể đất nước Việt Nam thắng nhưng họ sẽ thất bại. Cho nên một mặt họ thiển cận, nhưng tôi nghĩ mặt khác họ cũng bị trói tay bởi vì họ phải dựa vào phong trào cộng sản thế giới. Và muốn dựa vào phong trào cộng sản thế giới họ phải hành động theo quyền lợi của phong trào cộng sản thế giới. Trong chính trị hoặc chúng ta có phương tiện để có thể thực hiện đường lối của chúng ta hoặc chúng ta phải thực hiện đường lối của những người cung cấp phương tiện cho chúng ta. Có thể Đảng Cộng sản một phần nào đã bị trói buộc nhưng khi nghe lại những gì họ đã nói và đọc lại những gì họ đã viết tôi có cảm tưởng họ thực sự cuồng tín chủ nghĩa cộng sản
TQT: Thưa ông Nguyễn Gia Kiểng, nhớ lại cuộc Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 ông rút ra ở đó điều gì tâm đắc nhất và những bài học gì chúng ta phải nhớ tới cho tương lai?
NGK : Tôi cảm ơn ông về câu hỏi này. Tôi mong rằng anh em dân chủ và cả anh em trong Đảng Cộng Sản tự hỏi về bài học cần rút ra về Mách Mạng Tháng Tám.
Có một điều mà mọi người chúng ta đều đồng ý là nếu không có Cách Mạng Tháng Tám, không có ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản thì chắc chắn Việt Nam ngày hôm nay sẽ khá hơn nhiều, nếu không là một trong mười nước phát triển nhất cũng là một trong hai mươi nước phát triển nhất chứ không đến nỗi đội sổ như ngày hôm nay. Không đến nỗi chia rẽ, phân hóa. Không đến nỗi sáu triệu người chết. Chúng ta phải cùng nhau rút ra bài học về Cách Mạng Tháng Tám.
Khi phân tích thảm kịch của cách mạng Việt Nam và trách nhiệm của ông Hồ Chí Minh là đã kéo Việt Nam vào một hướng đi bi đát và một thảm kịch tôi không có mục đích lên án họ đâu. Mỗi người hành động theo cái mình nghĩ là đúng. Ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam lúc đó cho rằng đường lối của họ là đúng. Họ đã đi vào con đường đó là vì họ hiểu sai. Nhưng vì sao họ hiểu sai? Đó là vì trí tuệ Việt Nam lúc đó thấp kém. Cho tới cách Mạng Tháng Tám chúng ta không có được một nhà tư tưởng mặc dù đã có gần 100 năm tiếp xúc với phương Tây.
Chúng ta có một người duy nhất hơi quan tâm đến vấn đề tư tưởng và triết học là ông Phạm Quỳnh. Nhưng ông Phạm Quỳnh chỉ giới hạn chân trời của ông trong nước Pháp. Đối với ông Phạm Quỳnh nước Pháp đã là thiên đường rồi. Trong khi nước Pháp đô hộ mình mà có một người cứ đứng ra ca ngợi nước Pháp là cao thượng, là tất cả thì làm sao có thể nghe được. Nhưng ngoài ông Phạm Quỳnh tôi thấy không có một bóng dáng nào của sự khởi đầu khai sinh ra một tư tưởng chính trị, chưa nói tư tưởng chính trị cho Việt Nam. Những bài viết và bài nói của những người như Nguyễn Bách Khoa, Dương Đức Hiền, Trường Chinh v.v. thì thấp kém một cách bi đát. Những trí thức bên ngoài Đảng Cộng sản thì học để lấy bằng làm quan, để có danh vọng chứ không phải học để lấy kiến thức. Thảm kịch hàng triệu người chết, trong đó có những người rất đáng kính, buộc tôi phải nói thành thực không chút dè dặt về Cách Mạng Tháng Tám và về Việt Nam nói chung.
Chúng ta phải nói thực là trí thức Việt Nam ngoài những người học làm quan và ăn trên ngồi trước là một số người học để có bằng cấp cao, học để cho người khác nghĩ rằng mình biết chứ không phải học để biết và do đó cũng đóng góp nhiều cho uy tín của Đảng Cộng sản. Như trường hợp của ông Nguyễn Khắc Viện, ông Nguyễn Mạnh Tường, ông Trần Đức Thảo. Tôi biết họ không phải là không có tâm tư, nhưng mà họ không hiểu về chủ nghĩa cộng sản mà vẫn đi theo. Họ tưởng là họ theo một lý tưởng đúng. Trong trường hợp ông Trần Đức Thảo thì rất rõ. Ông học ở một trường lớn nhất của Pháp và học môn cần sự chính xác về lý luận nhất là môn triết, trong môn triết ông lại học về tri thức học. Nhưng tại sao ông không thấy một điều là trong tất cả lý luận Marx đưa ra không có một lý luận nào hợp lý cả? Tất cả đều là những xác quyết rất hồ đồ. Tại sao ông không nhìn thấy một điều là một người kết luận trước khi lý luận chỉ có thể là sai thôi? Chủ nghĩa Mác đưa ra những kết luận trong Tuyên Ngôn Cộng Sản năm 1848. Hơn 20 năm sau nó mới loay hoay tìm cách chứng minh bằng cuốn Tư Bản Luận. Cuốn Tư Bản Luận là một cuốn sách rất nhàm chán. Tất cả những người đã đọc đều nói Tư Bản luận là cuốn sách nhàm chán và vô giá trị. Bởi vì nó loay hoay để chứng minh cho một cái sai. Nhưng còn có một điều đối với một người trí thức không thể chấp nhận được, đó là trường hợp của một người kết luận trước khi lý luận.
Sau này lớn lên tôi rất phiền muộn khi nhìn lại giai đoạn đó. Những trí thức mà mình đã một thời ái mộ như Phạm Duy, Văn Cao, Trần Đức Thảo, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Mạnh Tường vv…đều đi theo cộng sản. Một phần họ có uy tín, một phần khác danh vọng của họ được thổi phồng lên thành một công cụ tuyên truyền cho cộng sản. Họ lôi kéo những người khác đi theo. Lý luận của người dân thường là những người cao siêu như vậy còn theo huống chi mình, thôi thì mình cũng đi theo. Và như vậy họ đã đóng góp cho một phong trào rất tai hại cho đất nước. Chúng ta đã thiếu một cố gắng quốc gia để có một tư tưởng chính trị, trước hết là môt tư tưởng chính trị nói chung, sau đó là một tư tưởng chính trị cho Việt Nam.
Đến ngày hôm nay tôi có cảm giác người Việt Nam vẫn chưa ý thức được sự cần thiết của tư tưởng. Người ta vẫn chưa cảm thấy rằng phải có một tư tưởng chính trị và một đội ngũ trí thức chính trị để lèo lái đất nước.
Thế hệ thanh niên ngày nay khá hơn thế hệ thanh niên năm 1945 nhiều lắm, nhưng vẫn chưa có ý thức đủ rõ rệt là một dân tộc cần phải có một tư tưởng chính trị và một đội ngũ trí thức chính trị.
Câu hỏi của ông là phải rút ra bài học nào. Tôi thấy nếu phải rút ra một bài học thôi thì chúng ta nên rút ra bài học này: đó là một dân tộc không có tư tưởng chính trị và một thành phần trí thức chính trị thì cũng không khác gì một con tàu không có la bàn, không có phương hướng. Con tàu không có là bàn, không có phương hướng nếu không đụng tảng đá ngầm này thì cũng đụng tảng đá ngầm khác và chìm đắm. Một dân tộc không có môt tư tưởng chính trị và một tầng lớp trí thức chính trị nếu không rơi vào tai họa này thì cũng sẽ sa vào tai họa khác và cuối cùng cũng rất đau khổ.
Đó, tôi nghĩ nếu có bài học nào cần rút ra từ Cách Mạng Tháng Tám thì chúng ta nên rút ra bài học đó.
Đến giờ phút này chúng ta không nên quy kết buộc tội lẫn nhau. Chúng ta nói lên những trách nhiệm nhưng phải nói Cách Mạng Tháng 8 đã như thế không phải là do trách nhiệm riêng của Đảng Cộng Sản mà là trách nhiệm của cả một thế hệ trí thức Việt Nam bất xứng. Bất xứng không phải vì trí tuệ Việt Nam kém mà là vì chúng ta không có can đảm đoạn tuyệt với văn hóa Khổng Giáo. Vì không dứt khoát với Khổng Giáo nên chúng ta đã tạo ra môt lớp trí thức rất ủy mị từ thập niên 1930 đến 1945. Cuối cùng lớp trí thức đó đã bất lực để cho một đảng, có lẽ vì cuồng tín và thiển cận, kéo đất nươc vào thảm kịch
TQT: Xin cảm ơn ông Nguyễn Gia Kiểng
NGK: Xin cảm ơn ông Trần Quang Thành