Cách chặt cánh tay nối dài của chế độ vươn ra hải ngoại

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cách chặt cánh tay nối dài của chế độ vươn ra hải ngoại
Ngày 18 tháng 5, 2022

Cách chặt cánh tay nối dài của chế độ vươn ra hải ngoạiLuật Hoa Kỳ: Trừng phạt những kẻ đe doạ, bách hại người bất đồng chính kiến lưu vong

Ts. Nguyễn Đình ThắngNgày 18 tháng 5, 2022
http://machsongmedia.org

Cuối tháng 2 năm 2021, Hành Pháp Biden đề ra biện pháp chế tài mệnh danh là “Khashoggi Ban” để chặn visa nhập cảnh đối với những kẻ bị cho là thừa hành lệnh của một chính phủ để thực hiện các hành vi đe doạ, sách nhiễu, áp chế, hoặc hãm hại nhắm vào các nhà báo, các nhà hoạt động, hoặc những ai bị chính phủ ấy cho là bất đồng chính kiến đang ở ngoài nước hoặc nhắm vào các thân nhân hoặc những cộng sự viên của họ còn ở trong nước. Thân nhân của các thủ phạm cũng có thể bị từ chối nhập cảnh Hoa Kỳ.
Xem thêm: https://www.state.gov/accountability-for-the-murder-of-jamal-khashoggi/

Biện pháp chế tài mới này quan trọng vì các chế độ độc tài không chỉ đàn áp những người bất đồng chính kiến ở trong nước mà còn tìm cách dập tắt tiếng nói chỉ trích từ cộng đồng lưu vong. Nó mang tên của nhà báo Jamal Khashoggi, công dân Mỹ gốc Ả Rập Xê-Út, đã bị bắt cóc và thủ tiêu ngay trong toà tổng lãnh sự của Vương Quốc Ả Rập Xê-Út tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một năm qua, tổ chức Democracy for the Arab World Now (DAWN), do chính Ông Khashoggi đề xướng khi còn sống, điều phối nỗ lực của khoảng 12 tổ chức, trong đó có BPSOS, nhằm khai thác biện pháp chế tài quan trọng nhưng ít ai biết đến này.

Chúng tôi đã họp định kỳ với các viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hữu trách để thảo luận về các tiêu chí nhận diện thủ phạm và biên soạn thể thức lập hồ sơ chế tài.Song song, tổ chức Freedom House bắt đầu soạn bản phúc trình hàng năm về tình trạng các chính quyền độc tài đàn áp các đối tượng trong cộng đồng lưu vong. 

Bản phúc trình đầu tiên, phát hành năm 2021, có nói đến Việt Nam nhưng tập trung vào 6 quốc gia tiêu biểu: Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ả Rập Xê-Út, Rwanda và Nga. Xem: https://freedomhouse.org/report/transnational-repression. Với sự hợp tác của BPPSOS, bản phúc trình năm nay sẽ bao gồm Việt Nam như một quốc gia tiêu biểu.

Chế độ ở Việt Nam có nhiều hành vi sách nhiễu, hăm doạ, hãm hại nhằm bịt miệng các tiếng nói phản biện ở ngoài nước.

Dưới đây là một số ví dụ:
–         Người của Chi Phái Cao Đài do nhà nước Việt Nam dựng lên năm 1997 đã phỉ báng, hăm doạ một số tín đồ Cao Đài ở Hoa Kỳ vì kiên quyết chống lại việc chi phái tôn giáo quốc doanh này chiếm dụng danh xưng, Toà Thánh và hầu hết các cơ sở tôn giáo của đạo Cao Đài. Chi Phái 1997 này từng khoe là họ giúp nhà nước Việt Nam thực thi Nghị Quyết 36 của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Kẻ thừa hành và giới lãnh đạo Chi Phái 1997 có thể bị chế tài theo Khashoggi Ban.

–         Mục Sư A Ga thuộc Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ, khi lánh nạn ở Thái Lan, đã là mục tiêu khủng bố tinh thần của công an từ trong nước – họ phát đi lện truy nã và yêu cầu cảnh sát Thái Lan bắt vị mục sư này và trục xuất về Việt Nam. Sau khi đến Hoa Kỳ, MS A Ga tiếp tục nhận được các lời nhắn đe doạ; gia đình và cộng sự viên của Ông bị công an sách nhiễu và hăm doạ liên tục. Những giới chức, viên chức chính quyền liên quan có thể bị chế tài.

–         Không ít người tị nạn ở Thái Lan bị theo dõi, răn đe và khủng bố tinh thần bởi công an Việt Nam ở trong nước và cán bộ toà đại sứ ở Thái Lan. Có trường hợp, công an hăm doạ thân nhân ở trong nước và bắt ép phải gọi người tị nạn về đầu thú. Các giới chức công an và cán bộ toà đại sứ liên đới có thể bị chế tài.

–         Gần đây có ít ra 2 trường hợp bắt cóc người bị chế độ cho là thành phần bất đồng chính kiến: Ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức và Ông Trương Duy Nhất ở Thái Lan. Các quan chức công an ra quyết định hoặc thực hiện việc bắt cóc có thể bị chế tài.

–         Một số nhà báo Việt Nam ở Châu Âu bị đe doạ bởi chân tay của chế độ và cần sự bảo vệ của nhân viên công lực của quốc gia sở tại. Những chân tay này và kẻ chỉ huy họ có thể bị chế tài.

–         Nạn nhân buôn người, vì lên tiếng đòi công lý, bị chân tay của đường dây buôn người, trong đó có giới chức nhà nước, truy sát; đồng thời, thân nhân của nạn nhân bị công an ở Việt Nam đe doạ. Các kẻ dính líu trong đường dây buôn người và công an ở Việt Nam có thể bị chế tài.

Trên đây là một số ví dụ tiêu biểu dựa trên số hồ sơ mà BPSOS có hoặc biết.

Bắt đầu 1 tháng 6, chúng tôi sẽ có 2 thực tập sinh mùa hè, một người là sinh viên vừa tốt nghiệp và người kia là sinh viên luật, chuyên lập hồ sơ cho việc chế tài theo Khashoggi Ban.

Chúng tôi dự trù sẽ thực hiện khoảng 15 – 20 hồ sơ. Quý vị nào đang ở ngoài nước mà bị đe doạ bởi chính quyền Việt Nam, trực tiếp hoặc gián tiếp, và muốn cùng với chúng tôi lập hồ sơ đề nghị chế tài có thể liên lạc sớm với chúng tôi qua địa chỉ: csdi@bpsos.org.

Quý vị cũng có thể tự lập hồ sơ theo hướng dẫn của tổ chức DAWN: 

https://dvov.org/wp-content/uploads/2022/05/SP-Lenh-Khashoggi-Ban-Nomination-Form-26-04-2022-.pdf