Các nhân vật chính liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hong Kong
Người biểu tình trong một khu trung tâm của Hong Kong, 9/10/14
Theo VOA – Ivan Broadhead – 10.10.2014
Tuy sẽ cảm nhận được sự hiện diện của ông, thủ hiến trên thực tế của Hong Kong dự trù sẽ không có mặt tại bàn thương nghị nếu 2 bên đồng ý định lại lịch đàm phán. Điều này là bởi vì Phong trào Dù từ chối không chịu thương thuyết trực tiếp với ông này. Lên nhậm chức hồi tháng 7 năm 2012, ông Lương theo nghề khảo sát xây dựng và là một nhà tỷ phú tự lập. Cư dân Hong Kong coi ông là có quan hệ mật thiết với chính phủ trung ương ở Bắc Kinh. Ông là nhà lãnh đạo đầu tiên của Hong Kong đọc bài diễn văn nhậm chức bằng tiếng Quan Thoại – ngôn ngữ chính của lục địa Trung Quốc, thay vì bằng tiếng Quảng Đông, là tiếng mẹ đẻ của Hong Kong. Nhưng ông Lương, năm nay 60 tuổi, có thể không có gì nhiều để cống hiến cho người biểu tình, trừ phi Bắc Kinh thay đổi cơ bản về lập trường đối với cải cách bầu cử – một đề nghị khó có thể xảy ra.
Bí thư Hành chính Carrie Lâm
Nhân vật số 2 của Hong Kong, bà Lâm, 57 tuổi, sẽ thay mặt thượng cấp nếu và khi nào các cuộc đàm phán giữa chính phủ và các nhà hoạt động bắt đầu. Cho đến gần đây, một trong những nhà lãnh đạo được lòng dân nhất ở Hong Kong và được người địa phương mệnh danh cho là Phu nhân Sắt, bà Lâm lớn lên trong một căn hộ nhỏ tiêu biểu của Hong Kong, nơi chỉ có đủ chỗ cho bộ bàn ghế làm việc của bà. Bà Lâm vẫn là một trong số rất ít các nhà lãnh đạo mà sinh viên tin là có thể ứng phó. Tuy nhiên, vẫn còn có sự căm phẫn đáng kể trước thiện chí của bà muốn chấp thuận báo cáo của ông Lương Chấn Anh với Bắc Kinh – được viết sau 5 tháng hội ý với công chúng – nói rằng dân Hong Kong đồng ý rằng các ứng cử viên vào chức hành chánh trưởng quan năm 2017 phải qua cuộc kiểm tra của một hội đồng trung thành với Bắc Kinh. Bà còn mất thêm sự ủng hộ hôm thứ năm khi loan báo vòng thương nghị đầu tiên với sinh viên sẽ bị huỷ bỏ sau khi họ hô hào một đợt bất tuân dân sự khác.
Trương Tiểu Minh, Giám đốc Văn phòng Liên lạc Chính phủ Trung ương
Tuy rất ít chi tiết được biết về người đàn ông Bắc Kinh 51 tuổi ở Hong ông, ông Trương đã thổi ngọn lứa bất mãn hồi tháng 8 khi ông nói với các nhà lập pháp thân dân chủ rằng, “Sự kiện quý vị được phép còn sống đã cho thấy sự dung chấp của quốc gia này.” 12 ngày sau, Ban chấp hành Quốc hội, cơ quan lập pháp cao nhất của Trung Quốc, quyết định rằng các ứng cử viên vào chức hành chánh trưởng quan năm 2017 phải là những người ái quốc và được sự ủng hộ ở mức đa số của một uỷ ban đề cử gồm 1.200 người chủ yếu là các thành viên thân Bắc Kinh. Bình luận về sự kiện các ứng cử viên được tuyển chọn sau đó sẽ được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu, ông Trương hướng tới một thời kỳ đặc biệt tai hại trong lịch sử Trung Quốc và công bố đây là một “bước nhảy vọt”. Một blogger địa phương nói: “Cũng giống như khi cha mẹ anh nói họ sẽ cho anh một danh sách 3 người và sẽ để cho anh kết hôn – mà anh không thích người nào cả.”
Benny Tai Yui-ting, Đồng sáng lập viên Chiếm Trung bằng Hoà bình và Tình thương
Sinh năm 1965, giáo sư luật của trường Đại học Hong Kong nổi tiếng là một giáo viên có nhiều quan tâm và là một nhà dân chủ nhiệt thành. Được hướng dẫn bởi những người đồng lãnh đạo Chiếm Trung, là Chan Kin-man và nhà hoạt động kỳ cựu Chu Yiu-ming, ông Tai đã góp phần dự thảo đề nghị đầu tiên đòi phổ thông đầu phiếu vào năm 2004, trước các cuộc bầu cử năm 2007 và 2008. Đã nhận các thư doạ giết vì những niềm tin của mình và bị Bắc Kinh khinh miệt, ông Tai đã cố gắng giữ mình ở vị thế tương đối không bị chú ý kể từ lúc sinh viên Hong Kong nắm cơ hội chiếm đóng đường phố. Ông Tai nay dường như tập trung vào việc quy tụ hậu thuẫn dành cho sinh viên trong giới chuyên gia lớn tuổi hơn của thành phố.
Joshua Wong Chi-fung, Đồng sáng lập viên của Scholarism
Gương mặt cũa anh Wong, 17 tuổi đã được đưa lên bìa số báo mới nhất của Tạp chí Time, và quả thực là người học sinh trung học này thể hiện cho lý tưởng và đạo đức mà những người biểu tình đòi dân chủ trẻ tuổi của Hong Kong đã trở nên lừng danh khắp thế giới. Trong khi nghe nói điểm ở trường của anh đã bị trắc trở, có bao nhiêu thiếu niên có thể nhận là mình đã thách thức toàn quyền của chính phủ Trung Quốc trước khi hoàn thành năm thứ nhất đại học? Wong đã bắt đầu tham gia hoạt động chính trị từ lúc mới 13 tuổi qua việc phản đối đường sắt cao tốc do thành phố đề xuất. Sau đó anh đã huy động trên 100 ngàn sinh viên đối đầu với các kế hoạch của chính phủ về một chương trình yêu nước và giáo dục Trung Hoa cộng sản trước khi đi đầu trong vấn đề cải cách dân chủ. Trung Quốc cáo buộc anh là một gián điệp của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bất cứ ai nghe Wong nói chuyện đều có thể nghe thấy sự thuyết phục trong niềm tin của anh: rằng dân chúng phải được phép chọn ra các ứng cử viên muốn đứng lên là người lãnh đạo kế tiếp của thành phố miền nam Trung Quốc này.
Alex Chow Yong-kang, Tổng thư ký, Liên đoàn Sinh viên Hong Kong
Trong khi Chiếm Trung quy tụ sự ủng hộ của công chúng và Scholarism lo về mặt mạng xã hội của Phong trào Cách mạng Dù, chính Alex Chow là và Liên đoàn Sinh viên Hong Kong đã thương nghị việc mở một cuộc đối thoại với chính quyền. Là một sinh viên tại trường Đại học Hong Kong, người ta đã thấy nhiều lần anh Chow ứa nước mắt khi các diễn biến xảy ra trong mấy tuần lễ vừa qua. Được coi là người lãnh đạo biểu tình khả tín duy nhất mà chính phủ có thể làm việc với – một phần vì kỹ năng lãnh đạo của anh và một phần vì Tai và Wong được cho là có tên trên “Danh sách Xanh” của Bắc Kinh về các nguy cơ an ninh quốc gia – thực sự chính Chow là người đã khai ngòi cho cuộc chiếm đóng khu vực trung ương lần đầu tiên trong những giờ sau khi cuộc tuần hành dân chủ của Hong Kong ngày 1 tháng 7 năm nay. Cuộc ngồi lì này đã dẫn tới vụ bắt giữ hơn 500 người và khiến Chow tuyên bố: “Chúng ta phải nâng cấp phong trào bất tuân dân sự.” Trong khi một số người lập luận phong trào Cách mạng Dù cần có người lèo lái mạnh tay hơn, anh Chow vui lòng chấp nhận trò chơi kéo dài – và để cho sinh viên xuống đường quyết định họ muốn trình bày quan điểm của mình trong bao lâu. Carrie Lam và người sinh viên môn văn chương và xã hội học 24 tuổi này sẽ là những người đóng vai chính trong việc mưu tìm chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài nhiều tuần nay.
Andy Tsang, Uỷ viên Cảnh sát Hong Kong
Khi một trong các giới chức cấp cao của ông ra lệnh bắn 87 bình chứa hơi cay mắt vào người biểu tình đòi dân chủ tụ tập bên ngoài viện lập pháp Hong Kong ngày 28 tháng 9, tên tuổi của ông Tsang gắn liền với Phong trào Chiếm Trung. Chính vào lúc đó, hình ảnh các sinh viên trẻ tuổi tự vệ bằng ô dù đã được chiếu lên trên khắp thế giới, và một phong trào bất tuân dân sự đã phát triển thành cuộc Cách mạng Dù – trước sự kinh ngạc của giới tinh hoa chính trị ở Bắc Kinh lo ngại trước bất cứ sự so sánh nào với Mùa xuân Ả Rập và quãng trường Thiên An Môn năm 1989. Hành chánh trưởng quan Lương Chân Anh có thể bị bãi chức đã tuyên bố, “Chính quyền và cảnh sát phúc vụ với một trái tim.” Dù sao, cũng không còn bao nhiêu tình thương dành cho ông Tsang trong giới người biểu tình. Trong khi cảnh sát vẫn tỏ ra kín đáo kể từ lúc sử dụng hơi cay mắt, nhiều người biểu tình đồng ý rằng ông Tsang sẽ không do dự nếu được lệnh chiếm lại đường phố. Tương lai của ông có phần chắc sẽ là một điểm chủ chốt để thảo luận trong bất kỳ cuộc thương nghị nào giữa người biểu tình và chính quyền.