Các nhà ly khai Trung Quốc nhìn lại Thiên An Môn 30 năm sau
Thanh Phương
Ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi những chiếc xe tăng của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc nghiền nát phong trào biểu tình phong trào đòi dân chủ của sinh viên Bắc Kinh, các nhà ly khai Trung Quốc nhìn lại sự kiện này như thế nào ? Hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe ý kiến của một số người.
Trên đài RFI, nhà văn Thái Sùng Quốc (Cai Chongguo), một sinh viên từ Vũ Hán lên thủ đô tham gia phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh, nhớ lại không khí lạc quan vào thời ấy:
«Sau vụ thảm sát, người ta cho đó là những sinh viên mơ đến nền dân chủ và chỉ muốn lật đổ chế độ cộng sản. Sự thật không phải như thế. Đa số sinh viên chỉ đòi những cải tổ. Chúng tôi đã tin rằng đảng, các lãnh đạo và nhà nước sớm muộn gì cũng sẽ lắng nghe chúng tôi. Chúng tôi chỉ muốn cải tổ chính trị, chứ không làm cách mạng.
Vào năm 1989, chúng tôi có phần nào lạc quan, vì đã có một cải tổ chính trị, đã có một cải tổ kinh tế rộng lớn. Kể từ những năm 1978-1979, Đặng Tiểu Bình đã từ bỏ chính sách của Mao Trạch Đông, ông ấy đã mở cửa Trung Quốc, đưa tư bản nước ngoài vào, cho phép người dân lập công ty.
Giới sinh viên chúng tôi nghĩ rằng một lãnh đạo Cộng Sản như Đặng Tiểu Bình đã tiến hành những cải tổ kinh tế triệt để, như vậy ông ấy có thể tiến hành luôn cải tổ chính trị. Thế mà cuối cùng ông ấy lại bắn vào sinh viên. Chẳng khác gì ông nội bắn vào những đứa cháu của mình.»
Là một trong những lãnh đạo phong trào Thiên An Môn cách đây 30 năm, nhà bất đồng chính kiến hiện sống lưu vong Ngô Nhĩ Khai Hy (Wu’er Kaixi) không giấu vẻ cay đắng:
«Vào năm 1989, chúng tôi đã rất hy vọng, nhưng rốt cuộc phong trào lại kết thúc với một vụ thảm sát. Trong 30 năm qua, tôi đã phải sống lưu vong, nhưng tôi không muốn mất hy vọng. Tuy vậy, thế hệ trẻ hiện nay rất khó mà huy động lực lượng để chiếm quảng trường Thiên An Môn một lần nữa, bởi vì trong thời gian qua, chính phủ Trung Quốc đã trở thành một trong những chế độ toàn trị và tàn bạo nhất trong lịch sử thế giới.
Tôi lên án thế giới và nhất là phương Tây đã giúp cho Trung Quốc trở thành một chế độ như thế. Hiện nay ta có thể tự hỏi không biết nhân dân Trung Quốc có dám nổi dậy lần nữa hay không, nhưng ai cũng thấy là tình hình bây giờ khó khăn hơn rất nhiều. Phương Tây có lỗi một phần và lẽ ra phải thúc đẩy Trung Quốc đi theo con đường dân chủ.
Thế mà trong 30 năm qua, cộng đồng quốc tế lại đối xử với Trung Quốc như là với một chính phủ có trách nhiệm. Vào thời đó, chúng tôi nghĩ rằng, đối thủ của chúng tôi, tức nhà nước, sẽ chọn đi theo con đường đúng đắn. Chúng tôi tin tưởng như thế, chúng tôi tin tưởng như thế. Nhưng rất đáng buồn là chế độ này đã chọn phương án tệ hại nhất cho Trung Quốc.»
Về phần nhà thơ Liêu Diệc Vũ ( Liao Yiwu ), trả lời phỏng vấn RFI, ông đưa nhận định:
«Vụ thảm sát Thiên An Môn đã là điểm khởi đầu của mọi tiến triển của Trung Quốc trong 30 năm qua. Chính vì vậy mà rất cần nhớ lại sự kiện này. Chúng ta cần phải nhớ rằng vào lúc đó một viên tướng đã nói với Đặng Tiểu Bình điều này: “Giết 200 ngàn người sẽ mang lại cho chúng ta 20 năm ổn định”.
Tôi nghĩ là ông đã hiểu quá rõ chế độ này và chúng ta cũng vậy, cũng cần phải hiểu điều đó. Rồi người dân và chính phủ đã thỏa thuận với nhau như thế này: các người có thể làm bất cứ điều gì, kể cả làm giàu, nhưng các người sẽ không có tự do ngôn luận, lẫn nhân quyền và dân chủ.
Nói như thế chẳng khác gì: Chúng tôi đã nổ súng và việc này là hoàn toàn đúng đắn. Cần phải đàn áp để duy trì chế độ hiện hành. Và đúng là chính phủ vẫn tiếp tục nghĩ như thế: Nếu không có vụ thảm sát Thiên An Môn, sẽ không có một đất nước Trung Quốc thịnh vượng, với những thành công kinh tế như hiện nay.
Tóm lại, phương Tây đã không thể xuất khẩu nền dân chủ của họ sang Trung Quốc, nhưng bây giờ có nguy cơ là Trung Quốc xuất khẩu chế độ toàn trị của mình sang các nước khác trên thế giới.»
“Trung Quốc tiếp tục chối bỏ Thiên An Môn, nhưng chúng tôi sẽ không để thế giới lãng quên”, đó là đề tài một bài viết của ông Hà Tiểu Thanh ( Rowena Xiaqing He ) đăng trên tờ nhật báo Anh The Guardian ngày 03/06/2019. Hà Tiểu Thanh là tác giả cuốn sách “ Những người Thiên An Môn lưu vong: Những tiếng nói đấu tranh cho dân chủ ở Trung Quốc” (Tiananmen Exiles: Voices of the Struggle for Democracy in China)
Tác giả bài viết kể lại câu chuyện của Liane, một sinh viên từ Hồng Kông sang Bắc Kinh để ủng hộ các cuộc biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn. Vào đêm 03/06/1989, khi 200 ngàn binh lính Trung Quốc tàn sát những thường dân trong tay không một tấc sắt, Liane đang đứng kế bên Viện Bảo tàng Cách mạng Trung Quốc, nằm ở một góc của quảng trường. Cô đã bất tỉnh sau khi không thể ngăn được một thanh niên liều chết xông về phía các binh lính. Người Liane dính đầy máu của thanh niên này.
Khi Liane tỉnh dậy, những người xung quanh định đưa cô lên xe cứu thương, nhưng khi biết rằng Liane không bị thương, một nữ bác sĩ tuổi trung niên bèn nắm tay cô và nói: “ Này cháu, cháu nên trở về Hồng Kông, cháu cần phải sống để nói cho thế giới biết rõ chính phủ của chúng tôi đêm nay đã đàn áp chúng tôi như thế nào.”
Theo Hà Tiểu Thanh, do lúc đó công dân Hồng Kông còn được hưởng các quyền tự do trước khi vùng lãnh thổ này được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, cho nên người dân Bắc Kinh đã hy vọng là những người như Liane sẽ là nhân chứng dùm cho họ. Mà đúng như thế: Vào đêm hôm ấy, đa số người dân Trung Quốc cứ lo rằng máu đã đổ một cách vô ích.
Tác giả bài viết nhắc lại rằng, trong 30 năm qua, chế độ Bắc Kinh đã sử dụng bộ máy nhà nước để xóa bỏ hoặc bóp méo ký ức về hai ngày 03 và 04/06. Ban lãnh đạo của thời kỳ hậu Thiên An Môn mô tả phong trào này là một âm mưu của phương Tây nhằm làm suy yếu và chia rẽ Trung Quốc, đồng thời biện minh cho cuộc đàn áp của quân đội là cần thiết cho sự ổn định và thịnh vượng của đất nước.
Nhưng những người sống sót và gia đình các nạn nhân vẫn bác bỏ quan điểm chính thức nói trên. Chính vì vậy mà những người mẹ vẫn không được phép mở miệng để công khai khóc than cho con mình, và yêu cầu của họ đòi mở điều tra độc lập để khôi phục sự thật và công lý vẫn luôn bị khước từ.
Đối với Hà Tiểu Thanh, “di sản của Thiên An Môn không chỉ thuộc về Trung Quốc hay nhân dân Trung Quốc, mà là của cả thế giới. Nỗi khao khát tự do, công lý, sự thật của nhân loại là không biên giới. Cuộc đàn áp ngày 04/06 đã phá vỡ cái nền tảng chung đó của nhân loại. Chính vì vậy mà trong suốt ba thập niên qua, các thành phố lớn trên thế giới vẫn tưởng niệm sự kiện này.”
Cũng trên nhật báo The Guardian, nghệ sĩ và cũng là nhà hoạt động chính trị Ngải Vị Vị ( Ai Weiwei ) thẳng thừng lên án phương Tây đồng lõa trong việc che giấu sự kiện Thiên An Môn trong 30 năm qua. Ông Ngải Vị Vị nhắc lại rằng 30 năm sau, vụ thảm sát này vẫn chính thức được gọi là «Sự cố Bốn tháng Sáu» và chính phủ sử dụng đủ mọi cách để trấn áp, bắt bớ và giam cầm bất cứ ai nói đến «Bốn tháng Sáu».
Nghệ sĩ Ngải Vị Vị nhấn mạnh: «Những gì xảy ra ngày 4 tháng 6 không chỉ là vấn đề của riêng Trung Quốc. Đó không chỉ là một sự kiện đã xảy ra cách đây 30 năm. Sự bất công không có thời hạn. Nó vẫn ám ảnh chúng tôi và tác động đến suy nghĩ của chúng tôi cho đến khi nào công lý được thực thi. Nhưng dung thứ sự bất công và bóp méo thông tin là một hành động khuyến khích và đồng lõa. Chính sự dung thứ này khiến cho các chế độ toàn trị thoải mái vượt qua những lằn ranh đỏ. Đó chính là điều đã xảy ra sau sự kiện «Bốn tháng Sáu», khi phương tây viện cớ rằng xã hội Trung Quốc sẽ trở nên dân chủ hơn sau khi trở nên giàu hơn. Trung Quốc nay đã trở nên thịnh vượng hơn và hùng mạnh hơn trên trường quốc tế, nhưng vẫn chưa phát triển thành một quốc gia dân chủ đa nguyên. Chế độ này vẫn tiếp tục bác bỏ mọi giá trị căn bản : công bằng xã hội, cạnh tranh bình đẳng và tự do. Tất cả chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho sự thất bại này.»