Các nhà lãnh đạo Âu châu ta thán về lựa chọn rời khỏi EU của Anh
Chủ tịch Ủy hội Âu châu Donald Tusk tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, ngày 24/6/2016 sau khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý ở Anh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố: “Chúng tôi tiếp nhận quyết định của dân chúng Anh với sự tiếc nuối. Chắc chắn đây là một cú đánh giáng vào châu Âu và vào tiến trình thống nhất Âu châu.
Bà Merkel nói thêm rằng bà sẽ chủ trì các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Pháp, Ý và chủ tịch Ủy hội Âu châu Donald Tusk tại Berlin vào thứ Hai tới.
Hôm 24/6, ông Tusk tuyên bố Anh Quốc đã phạm một sai lầm khi rời khỏi EU, thị trường lớn nhất duy nhất trên thế giới. Ông nói: “Việc đó sẽ gây ra những hậu quả, và tôi không cho rằng các nước khác sẽ được khích lệ đi theo con đường nguy hiểm đó”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói ông biết rằng Anh Quốc “sẽ tiếp tục là một đồng minh mạnh và kiên quyết của NATO, và sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu của mình” trong liên minh, mà ông nói trong một thông cáo “sẽ vẫn cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với Liên hiệp châu Âu”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande nói ông rất lấy làm hối tiếc về quyết định của Anh và “đối với châu Âu, nhưng đó là chọn lựa của họ và chúng ta phải tôn trọng sự chọn lựa đó”.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cũng dùng Twitter để bày tỏ sự bất bình về quyết định, và nói ông “lấy làm buồn cho Vương quốc Anh”.
Ông Ayrault nói: “Châu Âu sẽ tiếp tục nhưng phải phản ứng và hồi sinh sự tin tưởng của dân chúng các nước. Đó là điều khẩn thiết”.
Trong một thông cáo hôm 24/6, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói: “Dân chúng Vương quốc Anh đã lên tiếng, và chúng tôi tôn trọng quyết định của họ”. Ông nói thêm rằng “bang giao đặc biệt” giữa Hoa Kỳ và Vương quốc Anh là “bền vững”, và tư cách thành viên của Anh trong khối NATO “vẫn là một nền tảng cấp thiết cho chính sách ngoại giao, an ninh và kinh tế của Hoa Kỳ”.
Ông Obama nói bang giao của Hoa Kỳ với EU đã “có tác động rất nhiều trong việc thúc đẩy sự ổn định, kích hoạt tăng trưởng kinh tế và nuôi dưỡng việc phổ biến các giá trị và lý tưởng dân chủ trên khắp châu lục này và xa hơn nữa”. Ông cũng nói rằng Vương quốc Anh và EU sẽ “vẫn là các đối tác không thể thiếu được của Hoa Kỳ ngay cả trong khi họ bắt đầu thương lượng về quan hệ đang diễn tiến để bảo đảm sự ổn đinh, an ninh và thịnh vượng liên tục cho châu Âu, Anh Quốc và Bắc Ireland với thế giới”.
Một phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết ông trông đợi EU sẽ tiếp tục là “một đối tác vững chắc” đối với Liên Hiệp Quốc, và Vương quốc Anh “sẽ tiếp tục thực thi sự lãnh đạo của mình trong nhiều lãnh vực”.
Hơn 70% cử tri đã ghi danh tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý, được thông qua với số cách biệt gần 4%. Cuộc trưng cầu được nhiều người ủng hộ chủ trương “Rời khỏi” coi là phản ánh cảm nghĩ của người Anh về di trú, chủ quyền, an ninh và tương lai kinh tế của nước Anh.
Ông Donald Trump, người được cho là được đảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức tổng thống, đã ca ngợi quyết định rời khỏi EU.
Có mặt tại Scotland để khai trương một sân golf, ông Trump tuyên bố: “Dân chúng muốn lấy lại đất nước mình và họ muốn có độc lập trong một ý nghĩa nào đó. Và ta thấy điều đó với châu Âu, ở khắp châu Âu”.
Trước đó trong ngày, ông Trump đã so sánh việc ông ra ứng cử với cuộc trưng cầu dân ý, và nói nếu ông đắc cử vào tháng 11, ông sẽ gắng sức tăng cường quan hệ giữa Hoa Kỳ và một nước Anh độc lập.
Trong một thông cáo, ông Trump nói: “Đến tháng 11 này, dân chúng Mỹ sẽ có cơ hội tuyên bố một lần nữa sự độc lập của họ. Người Mỹ sẽ có cơ hội bỏ phiếu về thương mại, về di trú và các chính sách ngoại giao đặt người dân lên hàng đầu. Họ sẽ có cơ hội bác bỏ sự thống trị ngày nay của giới thượng tôn toàn cầu, và ủng hộ sự thay đổi thực sự đem lại một chính quyền của nhân dân, bởi nhân dân và phục vụ cho nhân dân”.
Người có phần chắc sẽ đối đầu với ông Trump trong cuộc chạy đua vào chức tổng thống, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nói trong một thông cáo: “Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn mà dân chúng Vương quốc Anh đã thực hiện. Bà nói công tác chính hiện nay là “bảo đảm rằng sự bất ổn kinh tế do các diễn biến này gây ra không làm thiệt hại các gia đình lao động ở nước Mỹ này”. Đồng thời, bà cũng khẳng định rõ “sự cam kết vững chắc của nước Mỹ với mối quan hệ đặc biệt với Anh quốc và liên minh xuyên Đại Tây Dương với châu Âu”.
Bà Clinton nói: “Thời điểm bất định này chỉ nêu bật tính cách cần thiết của sự lãnh đạo bình tĩnh, vững tâm và dày dạn kinh nghiệm ở Tòa Bạch Ốc nhằm bảo vệ túi tiền và sinh kế của người Mỹ, để hỗ trợ cho bạn bè và đồng minh của chúng ta, để chống lại các đối thủ của chúng ta và bênh vực quyền lợi của chúng ta. Nó cũng nêu bật sự cần thiết chúng ta phải đoàn kết với nhau để giải quyết các thách thức trong tư cách một quốc gia, chứ không phải phá hoại lẫn nhau”.
Nhiều nhà lãnh đạo Âu châu nhìn thấy việc Anh quốc rút lui thành công ra khỏi EU như một cơ hội để vận động cho những cuộc trưng cầu dân ý tương tự ở nước họ, trong đó có nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen của Pháp, người ca ngợi quyết định “Brexit” là một “chiến thắng của tự do”.
Nhà lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Pháp nói qua Twitter: “Như tôi đã yêu cầu từ nhiều năm nay, chúng ta nay phải có một cuộc trưng cầu dân ý như thế ở Pháp và các nước EU”.
Lãnh tụ đảng Tự Do ở Hà Lan, ông Geert Wilders kêu gọi Hà Lan tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU ngay sau khi có tin về kết quả. Hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò công luận, ông Wilders nói nếu đắc cử thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 3 tới, ông sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý.
Trong một thông cáo, ông nói: “Chúng ta muốn nắm quyền quyết định về đất nước của chính chúng ta, về tiền bạc của chính chúng ta, về đường biên giới của chính chúng ta và về chính sách di trú của chính chúng ta. Nếu tôi lên làm thủ tướng, cũng sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý tại Hà Lan về việc rời khỏi Liên hiệp châu Âu. Hãy để cho dân chúng Hà Lan quyết định”.
Một cuộc thăm dò công luận thực hiện trong tuần này ở Hà Lan do kênh truyền hình Een Vandaag thực hiện cho thấy 54% dân chúng Hà Lan ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý.
Tiếp theo cuộc bỏ phiếu ở Anh quốc, các nhà lãnh đạo ở châu Âu và xung quanh châu Âu tìm cách xoa dịu những nỗi lo sợ của dân chúng trong nước họ sau những dấu hiệu ban đầu cho thấy các thị trường kinh tế trên khắp thế giới rúng động. Chứng khoán và thị trường đồng Euro ở Anh, Pháp và Đức sụt từ 7% đến 10% ngay đầu ngày giao dịch, trong khi các chứng khoán ở Hoa Kỳ cho thấy một sự sụt giảm mạnh theo trông đợi khi thị trường mở cửa.
Quyền Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã gửi một thông điệp “bình tĩnh và yên lặng” đến dân chúng Tây Ban Nha, và khuyến khích họ chớ nên quảng bá sự bất định trước việc Anh quốc rút ra khỏi EU.
Tiếp theo một cuộc họp hôm 24/6 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Tashkent, Uzbekistan, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với các phóng viên rằng ông nghĩ cử tri Anh đã chọn việc rời khỏi EU bởi vì “không ai muốn nuôi dưỡng và trợ cấp cho các nền kinh tế yếu kém hơn, hỗ trợ cho các nước khác, cho toàn bộ các dân tộc”. Ông cũng nói cử tri Nga không hài lòng về sự suy đồi của tình hình an ninh trong bối cảnh “các tiến trình di trú mạnh”.
Tổng thống Nga cũng đáp lại những lời bình do Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra tuần trước, nói rằng ông Putin sẽ hoan nghênh quyết định ủng hộ Brexit, rồi nói thêm rằng ông đã nghi là thủ lãnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi cũng sẽ hoan nghênh quyết định đó.
Ông Putin nói với các phóng viên tại Tashkent: “Tuyên bố của Thủ tướng Anh, ông Cameron, trước cuộc trưng cầu dân ý, trong đó ông nêu ra lập trường của Nga, thực ra không có cơ sở nào. Tôi nghĩ đây không khác gì một mưu toan bất xứng định gây ảnh hưởng lên công luận ở ngay nước ông”.
Ông Putin nói: “Không ai có quyền khẳng định điều gì về lập trường của Nga. Đây không khác gì một tuyên ngôn ở mức độ thấp về văn hóa chính trị”