Các nhà khoa học Úc tuyên bố đã điều chế được vắc-xin ngừa virus Vũ Hán

Cac Bai Khac

No sub-categories

Các nhà khoa học Úc tuyên bố đã điều chế được vắc-xin ngừa virus Vũ Hán
25/03/20 – Daily Mail

Các nhà khoa học Úc gần đây tuyên bố họ đã điều chế được một loại vắc-xin phòng dịch virus Vũ Hán (dịch Covid-19), nhưng phải mất vài tháng nữa loại vắc-xin này mới được đưa ra thị trường, theo Daily Mail.

Nhà nghiên cứu Trent Munro (trái) và Keith Chappell (phải) tại Đại học Queensland, Úc. (Ảnh: Đại học Queensland)

Từ tháng 1 năm nay, Tiến sĩ Keith Chappell cùng các đồng nghiệp Paul Young và Trent Munro thuộc trường Đại học Queensland, thành phố Brisbane, nước Úc đã gấp rút điều chế một loại vắc-xin ngừa chủng virus corona mới. Nhóm của ông đã thử nghiệm 250 công thức khác nhau trước khi nghiên cứu được một loại vắc-xin ứng viên có tên S-Spike.

S-Spike hiện đang được thử nghiệm trên chuột trong phòng thí nghiệm, có thể tiến tới thử nghiệm ở người vào tháng 6 và đưa vào sử dụng vào cuối năm nay.

Vắc-xin này được tạo ra bằng cách chiếm quyền điều khiển các đặc tính truyền nhiễm của virus bằng công nghệ “kiểm soát phân tử” dựa trên DNA mới được cấp bằng sáng chế của trường Đại học Queensland.

Công nghệ này sử dụng trình tự DNA của virus Vũ Hán do Trung Quốc cung cấp để tạo ra một loại protein giống như protein trên bề mặt của virus thực tế. Protein đó là bản chất của vắc-xin, có khả năng tạo ra các phản ứng của hệ miễn dịch để bảo vệ con người trước virus.

“Bằng cách tiêm vắc-xin này, chúng ta có thể nhận được phản ứng miễn dịch tối ưu của cơ thể, giúp bảo vệ [khỏi virus gây bệnh]”, tiến sĩ Chappell nói.

Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đã cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn của vắc-xin này đối với các loại virus nguy hiểm khác như Ebola và virus corona gây ra Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) – anh em họ của virus SARS và virus Vũ Hán.

Trao đổi với tờ The Australian, Tiến sĩ Chappell, người đã hoàn thành các nghiên cứu sau tiến sĩ về việc ổn định protein virus cho biết: “Về việc có được một loại vắc-xin có tác dụng, chúng tôi nghĩ chúng tôi đã làm được”.

Nhóm nghiên cứu cho biết bước tiếp theo là tìm ra cách đưa vắc-xin này vào sản xuất, quá trình này có thể sẽ tốn chi phí từ 20 triệu đến 30 triệu đô.

Hiện nhóm nghiên cứu đang đàm phán với các cơ quan quản lý, như Cơ quan Quản lý Hàng hóa Trị liệu của chính phủ Úc để thảo luận về các kế hoạch phát triển vắc-xin này trong tương lai.

Được biết, dịch virus Vũ Hán khởi phát Trung Quốc vào tháng 12/2019 đã lan ra 197 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 417.000 ca nhiễm virus Vũ Hán, trong đó có hơn 18.000 ca tử vong. Tại Úc, hơn 2.000 ca nhiễm đã được xác nhận, trong đó có 8 ca tử vong.

Daily Mail