Các ngân hàng Ấn Độ hỗn loạn sau lệnh đổi tiền
Tình hình hỗn loạn đã xảy ra bên ngoài nhiều ngân hàng ở Ấn Độ, hai ngày sau tờ tiền mệnh giá 500 rupee (tương đương 7 đô la) và 1.000 rupee (tương đương 14 đô la) bị ngưng lưu hành trên thị trường.
Đây là một trong những biện pháp mà giới chức áp dụng nhằm chống tham nhũng.
Một số ngân hàng đã cạn tiền mặt. Một số nơi khác đã phải nhờ cảnh sát can thiệp để kiểm soát dòng người xếp hàng dài chờ đổi các khoản mà họ đã dành dụm sang các loại tiền vẫn được phép lưu hành.
Chính phủ Ấn Độ đã có động thái ngạc nhiên, nhằm chống tham nhũng và tình trạng trốn thuế.
Tuy nhiên, nhiều người có thu nhập thấp, các tiểu thương và dân thường có tiền tiết kiệm vốn phụ thuộc vào nền kinh tế tiền mặt đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Sau tuyên bố hôm thứ Ba của Chính phủ, các ngân hàng đóng cửa hôm thứ Tư để có thời gian nhập đủ các tờ tiền mới. Lượng tiền mặt được rút từ các máy ATM cũng bị hạn chế.
Hai loại tiền mệnh giá này chiếm khoảng 85% số tiền mặt được lưu thông.
Phóng viên Geeta Pandey của BBC tại Delhi cho hay một số ngân hàng đã kéo dài thời gian mở cửa để đáp ứng nhu cầu đổi tiền gấp của người dân hôm thứ Năm, và thậm chí còn thuê thêm nhân viên tạm thời.
Các quan chức ngân hàng nói với BBC họ nhập thêm tiền mặt để đối phó với tình hình này. Mọi chuyện nhìn chung diễn ra suôn sẻ, ngoài việc cảnh sát phải can thiệp vào một số vụ gây gổ lẻ tẻ giữa các khách hàng.
“Tôi về nhà dự lễ Diwali và cha mẹ tôi làm quà cho tôi bằng tiền,” Vijay Karan Sharma từ bang Chhattisgarh, sinh viên trường đại học Delhi, nói với BBC. Anh nói anh đã phải xếp hàng từ sáng.
“Tôi ước gì họ có một hệ thống đơn giản hơn cho sinh viên. Tôi rất cần tiền mặt để trả tiền thuê nhà và mua sách vở và thức ăn.”
Người dân có mấy ngày để đổi các tờ tiền cũ?
Các tờ tiền 500 rupee và 1.000 rupee là các tờ mệnh giá lớn nhất và rất phổ biến ở Ấn Độ. Các sân bay, nhà ga, bệnh viện và trạm xăng chỉ nhận các đồng tiền này cho đến ngày 11/11/2016.
Người dân sẽ có thể đổi tiền ở các ngân hàng từ 10/11 đến 30/12.
Bao nhiêu “tiền đen” đang được lưu thông?
Chúng ta không rõ con số thực là bao nhiêu nhưng các phóng viên cho biết vấn đề “tiền đen” – tiền kiếm được do tham nhũng hoặc đang bị các cơ quan thuế phong tỏa – là một vấn nạn. Chính phủ Ấn Độ hy vọng sẽ đào thải những kẻ trốn thuế và kiếm các khoản tiền không khai thuế rõ ràng. Có tin đồn là cơ quan nhà nước kiểm tra thuế ráo riết ở nhiều vùng trên khắp Ấn Độ.
Có mức trần giới hạn khoản tiền mặt mỗi cá nhân hay hộ gia đình được đổi không?
Có vẻ như là không. Một cá nhân có thể gửi bao nhiêu tiền vào ngân hàng cũng được – nhưng lượng tiền được rút ra thì bị giới hạn, cho nên hệ thống ngân hàng có thể sẽ có quá nhiều tiền mặt.
Các chỉ dẫn của Chính phủ cho hay từ nay cho tới 24/11, người dân có thể đổi mức tối đa là 4.000 đồng rupee mỗi ngày. Nếu đổi nhiều hơn mức này họ sẽ phải nộp thuế. Người dân cũng được rút không quá 10.000 rupee mỗi ngày và không quá 20.000 rupee mỗi tuần.
Đồng tiền mới có an toàn hơn không?
Các tờ tiền mệnh giá 2.000 và 500 rupee mới có thêm các tính năng đảm bảo an ninh đang được phát hành thay cho các đồng tiền cũ.
Một tờ mệnh giá mới là đồng 1.000 rupê “với kích thước và hình thức mới” cũng sẽ sớm được đưa ra thị trường, một quan chức cao cấp trong Chính nói hôm thứ Năm.
Những người Ấn Độ ở hải ngoại sẽ đổi tiền thế nào?
Người Ấn hải ngoại có thể gửi các đồng tiền cũ vào các tài khoản rupee ở nước ngoài của họ.
Khách du lịch nước ngoài đang có tiền rupi phải làm gì?
Họ có thể dùng các đồng rupee này để mua ngoại tệ trị giá tương đương 5.000 rupee tại các quầy đổi tiền trước nửa đêm ngày thứ Sáu.
Phản ứng của dân tại Ấn Độ ra sao?
Các mạng xã hội gần như không bàn tán về chủ đề nào khác ngoài chủ đề này.
Từ khóa xuất hiện nhiều nhất trên Twitter Ấn Độ là #CashCleanUp với những lời bàn tán từ ngán ngẩm tới hài hước khi nhiều người Ấn đang dần quen với việc phải xếp hàng dài cả ngày. Theo BBC