Các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Vũ Hán gây ra mối đe dọa chưa từng có đối với ĐCSTQ
Chương Thiên Lượng – Thứ hai, 20/02/2023 – Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện đã bước vào một thời kỳ bất ổn.
Hôm 15/02, khoảng 20,000 người cao niên đã tập trung bên ngoài Công viên Trung Sơn ở Vũ Hán để phản đối “cải cách y tế” của ĐCSTQ. Đây là lần thứ hai những người cao niên trong thành phố này tụ tập đông đến vậy. Cuộc biểu tình đầu tiên đã xảy ra hôm 08/02. Khi các nhà chức trách đến chặn đường, một ông lão đã bị đánh ngã xuống đất. Những người biểu tình hô vang, “Đả đảo chính quyền áp bức.”
Ngoài ra, một cuộc biểu tình quy mô lớn khác nhằm phản đối “cải cách y tế” cũng diễn ra tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.
Dường như người dân đã có thêm dũng khí để đứng lên chống lại chế độ độc tài của Trung Quốc. “Phong trào Giấy Trắng” hồi năm ngoái đã buộc nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình phải từ bỏ chính sách zero COVID của mình. Từ Tết Dương lịch đến Tết Nguyên Đán (từ ngày 22/01 đến ngày 01/02), người dân trên khắp đất nước này hoàn toàn phớt lờ lệnh cấm đốt pháo bông của ĐCSTQ, và lực lượng công an của ĐCSTQ không thể làm gì được.
Một chi tiết mà nhiều người đã bỏ qua là cuộc biểu tình hôm 15/02 đã được quyết định vào ngày 08/02 và được thông báo công khai trên mạng. ĐCSTQ đã có cả tuần để chuẩn bị và đàn áp cuộc biểu tình, nhưng số lượng người biểu tình vẫn tăng lên gấp đôi so với hôm 08/02.
Ngay từ năm 1998, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã từng tuyên bố là “đối với những yếu tố có thể gây ra bất ổn, phải hóa giải ngay từ khi còn trong trứng nước.” Chính sách này đã được thi hành trong hơn 20 năm. Nhưng tại sao lần này chính sách đó lại thất bại?
Hãy để tôi bắt đầu với một phần giới thiệu ngắn gọn về “cải cách y tế,” sau đó giải thích lý do tại sao điều này lại đặt ĐCSTQ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Những cuộc biểu tình này đã bắt đầu khi những người về hưu phát hiện ra rằng khoản tiền gửi hàng tháng trong tài khoản Medicare của họ đã bị giảm đi khoảng 2/3. Bắc Kinh đưa ra lời giải thích là số tiền này đã được chuyển vào một quỹ, nghĩa là những người có nhu cầu có thể hoàn trả một phần chi phí y tế của họ từ quỹ này, do đó chính phủ quản lý khoản tiền đó giùm họ. Mặc dù điều này nghe có vẻ là một ý tưởng hay, nhưng trên thực tế, công chúng Trung Quốc ấp ủ một sự ngờ vực sâu sắc đối với chế độ này.
Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), mặc dù GDP của Trung Quốc lớn thứ hai thế giới, nhưng chi tiêu cho an sinh xã hội của nước này chỉ chiếm khoảng 3% GDP, thuộc hàng thấp nhất thế giới. Giới tinh hoa, bao gồm các quan chức cao cấp từ cấp tỉnh trở lên, được cho là thụ hưởng khoảng 80% chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, mà không phải đóng góp bất kỳ khoản nào. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng nghiêm trọng về nguồn lực chăm sóc sức khỏe giữa chính quyền và người dân, đặc biệt là người dân nông thôn, những người hầu như không được hưởng lợi gì từ hệ thống y tế này.
Do đó, bảo hiểm y tế của Trung Quốc không phải là “cướp của người giàu để giúp người nghèo,” mà là “cướp của người nghèo để giúp người giàu.” Công chúng tin rằng một khi tiền của họ được đưa vào quỹ này, thì rất có thể số tiền đó sẽ bị các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ biển thủ, vì vậy tốt hơn hết là giữ số tiền đó trong tài khoản của riêng họ và có sẵn để họ tùy ý sử dụng.
Tại sao ĐCSTQ lại tiến hành “cải cách y tế” vào thời điểm này?
Có thể chính quyền địa phương đang cạn kiệt ngân quỹ. Theo báo cáo hôm 15/02 của Reuters, hồi năm 2022, các tỉnh của Trung Quốc đã chi ít nhất 352 tỷ nhân dân tệ (khoảng 51 tỷ USD) để đối phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới đây, làm gia tăng áp lực về tài chính lên các tỉnh trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
Tài chính địa phương của Trung Quốc hiện đang có nhiều điểm yếu. Chính sách zero COVID, bao gồm cả các đợt phong tỏa, đã làm cạn kiệt các khoản tiết kiệm của chính quyền địa phương. Suy thoái kinh tế đã khiến thị trường địa ốc Trung Quốc trở nên suy yếu, mà lĩnh vực địa ốc lại là nguồn thu quan trọng nhất của địa phương. Các khoản nợ địa phương ở tất cả các cấp đã tích lũy lên tới 65 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 9 ngàn tỷ USD) — vượt xa khả năng trả nợ của các chính quyền địa phương.
Tất cả những áp lực tài chính nặng nề này đã buộc các quan chức chính quyền địa phương phải cắt giảm lương từ 20% đến 40%. Đồng thời, các chính quyền địa phương được yêu cầu chia sẻ khoảng một nửa chi phí bảo hiểm y tế với chính quyền trung ương. Do đó, chính quyền địa phương không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm chi tiêu y tế.
Điều đáng ngạc nhiên là cuộc biểu tình hôm 15/02, được thông báo trước một tuần, lại không bị chính quyền địa phương đàn áp. Điều này cũng liên quan đến sự cạn kiệt nguồn tài chính địa phương. Chi tiêu trong một năm cho “các lực lượng duy trì ổn định” của ĐCSTQ (công an, tình báo, giám sát dư luận, tổ chức cơ sở ở tất cả các cấp, v.v.) nhiều hơn quân đội và 90% khoản chi tiêu này do ngân sách địa phương chi trả. Khi trong kho ngân khố của địa phương không còn tiền, thì lực lượng duy trì sự ổn định này cũng bị suy yếu. Hơn nữa, các bậc cha mẹ của những người công an này cũng là nạn nhân của đợt “cải cách y tế” nói trên.
ĐCSTQ đã và đang hy vọng đánh đổi sự phát triển kinh tế để lấy sự ủng hộ của người dân. Thế nhưng vào lúc tình hình kinh tế vĩ mô xấu đi, thì ĐCSTQ lại đang nhanh chóng mất đi sự ủng hộ của người dân. Trong tương lai, các cuộc biểu tình như ở Vũ Hán sẽ ngày càng diễn ra thường xuyên hơn.
Những cuộc biểu tình ở Vũ Hán đặt ra một mối đe dọa chưa từng có đối với ĐCSTQ và đặt đảng này vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chi phí dành cho việc đàn áp quá cao, vì cuộc “cải cách y tế” ảnh hưởng đến cuộc sống của 2 triệu người về hưu ở Vũ Hán. Chính sách này sẽ được thực hiện trên toàn quốc và sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người cao niên. Đối với ĐCSTQ, dùng 1 triệu nhân viên công an để đàn áp hàng trăm triệu người dân là điều khó có thể làm được.
Mặt khác, việc ĐCSTQ thỏa hiệp ở Vũ Hán cũng sẽ cho thấy hai vấn đề nghiêm trọng. Một là, ĐCSTQ không có tiền; hai là, nếu ĐCSTQ thỏa hiệp, thì đảng này sẽ gửi tín hiệu cho người dân rằng cuộc biểu tình của họ có hiệu quả. Vì vậy, khi người dân nhận thấy rằng các quyền lợi khác của họ bị xâm phạm, họ sẽ lại ra đường biểu tình. Nếu xu hướng này tiếp tục, và dư luận luôn thắng thế, thì Trung Quốc sẽ trở thành một xã hội dân chủ. Người dân chắc chắn sẽ yêu cầu tự do chính trị, và chế độ độc tài của ĐCSTQ sẽ tiêu vong.
Các cuộc biểu tình ở Vũ Hán sẽ mang lại kết quả gì là điều khó có thể dự đoán, nhưng chúng ta phải nhớ rằng chủ đề của các cuộc biểu tình không phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng là bản thân cuộc biểu tình vì đó là một quá trình dần dần loại bỏ tâm sợ hãi ĐCSTQ trong lòng người dân. Và cảm giác sợ hãi đó chính là trụ cột quan trọng nhất để ĐCSTQ duy trì sự cai trị. Một khi cột trụ này sụp đổ, thì chế độ ĐCSTQ sẽ gặp đại họa.Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Thanh Nhã biên dịch
https://www.epochtimesviet.com/cac-cuoc-bieu-tinh-quy-mo-lon-o-vu-han-gay-ra-moi-de-doa-chua-tung-co-doi-voi-dcstq_361959.html