Các công ty sản xuất “rời bỏ Trung Quốc” trở thành xu hướng toàn cầu?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Các công ty sản xuất “rời bỏ Trung Quốc” trở thành xu hướng toàn cầu?
  • 16/04/2020

Gần đây, chủ đề “rời bỏ Trung Quốc” đang được tranh luận sôi nổi trên các mạng xã hội Đại Lục, nhưng bị kiểm duyệt gắt gao bởi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đồng thời trong thời gian này, cộng đồng quốc tế đã bắt đầu có những hành động thực tế. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ nước nhà, đẩy nhanh việc rút khỏi Trung Quốc. “Rời bỏ Trung Quốc” đang trở thành xu hướng chủ đạo trên toàn cầu.

cảng; hàng hóa
Một cảng hàng hóa tại Thanh Đảo, Trung Quốc (Ảnh minh họa từ Shutterstock)

Bản tin Tài chính Hồng Kông (Hong Kong Economic Journal) ngày 13/4, cho biết gần đây đã có rất nhiều cuộc thảo luận sôi nổi về chủ đề “rời bỏ Trung Quốc” trên các nhóm WeChat tại Đại Lục, chủ yếu từ các học giả, các nhà kinh tế, doanh nhân và các quan chức trong thể chế. Nhưng sau đó những cuộc thảo luận này đã nhanh chóng bị chính quyền xóa bỏ. Rất nhiều học giả nhắc nhở rằng, dịch bệnh lần này đã gây ra thảm họa toàn cầu, khủng hoảng “rời khỏi Trung Quốc” có thể sẽ xảy ra.

Một bài viết đã nhắc đến việc 9 học giả Đại Lục trong thể chế đã tổ chức “Bàn tròn cấp cao” tại Thượng Hải ngày 8/4, đã cùng đạt được “9 điểm nhận thức chung” đối với các viễn cảnh ảm đạm, trong đó nhận thức cuối cùng chính là toàn thế giới nên chăng “rời bỏ Trung Quốc”. Bài viết này sau đó đã bị xóa bỏ hoàn toàn trên internet.

Doanh nghiệp nước ngoài “rời Trung Quốc” sẽ thành xu thế?

BBC News ngày 14/4 trích dẫn phân tích của ông Ngô Tĩnh (Wu Jing), trợ lý giáo sư Đại học Kinh doanh Hồng Kông cho biết, sau khi dịch bệnh bùng phát, chi phí không chỉ là cân nhắc duy nhất của các công ty, nguy cơ về năng lực sản xuất tập trung tại Trung Quốc đang dần bị bộc lộ. “Khâu sản xuất một bộ phận linh kiện gặp vấn đề sẽ dẫn đến ảnh hưởng toàn bộ chuỗi sản xuất thành phẩm.”

Ngày 14/4, hãng sản xuất ô tô Pháp Renault tuyên bố rút khỏi Trung Quốc, dự tính chuyển 50% vốn cổ phần của liên doanh cho Tập đoàn Dongfeng, đồng thời ngừng bán xe chở khách thương hiệu Renault tại Trung Quốc. Dịch bệnh lần này đã gây ảnh hưởng lớn đến tất cả các công ty công nghiệp của Pháp, trong đó có cả Renault. Từ giữa tháng 3, Renault, Peugeot Citroen và Michelin đã đồng thời tuyên bố tạm ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Pháp.

Cách đây vài hôm, Hakkasan, một nhà hàng ẩm thực Quảng Đông cao cấp nổi tiếng, đã quyết định vĩnh viễn ngừng kinh doanh tại Trung Quốc và chính thức rút khỏi thị trường này.

Lấy một ví dụ khác về ngành ngư nghiệp quốc tế. Các công ty thủy sản ở Vịnh Jacobs, một cảng cá ở phía tây nam Nam Phi, đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu bên ngoài Trung Quốc. Họ đã phụ thuộc quá nhiều vào khách mua Trung Quốc trong một thời gian dài, 80 – 90% doanh thu kinh doanh bị lệ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu của Trung Quốc giảm mạnh, các công ty thủy sản và ngư dân rơi vào tình trạng khó khăn. Tổng thanh tra tài chính của một công ty thủy sản khẳng định “Kế hoạch B phải được thực hiện!”.

Cảnh báo nhiều năm trước đã trở thành hiện thực

Giáo sư Trương Hồng Đào (Hongtao Zhang) Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, cho biết: “Đối với Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, một mặt là lợi nhuận tài chính và lợi ích kinh tế, một mặt là an ninh quốc gia và chính trị vững chắc. Một quốc gia bình thường sẽ ưu tiên an ninh quốc gia và an toàn của công dân.”

Ông Ngô Giới Thanh (Wu Jiesheng), người sáng lập diễn đàn Xu hướng và Quản lý kinh doanh Đài Loan, đã có bài viết đăng trên trang “Minh Nhân Đường” (opinion.udn.com) ngày 14/4 rằng cảnh báo dài hạn của cố vấn thương mại Nhà Trắng Hoa Kỳ Peter Navarro đã được kiểm chứng.

Ông Navarro cảnh báo rằng 20 năm qua ngành công nghiệp sản xuất của Hoa Kỳ đã bị lệ thuộc quá sâu vào thị trường Trung Quốc. ĐCSTQ đang cố gắng kiểm soát tất cả các lĩnh vực của Hoa Kỳ. Điều này có liên quan đến an toàn kinh tế và an ninh quốc gia. Ông Navarro đã đề cập trong cuốn sách “Chết bởi Trung Quốc” (Death by China), theo các quy tắc thương mại công bằng thông thường, thì “tám loại vũ khí cướp đoạt cơ hội việc làm” của ĐCSTQ là bất hợp pháp. Một trong các vũ khí chiến lược này là hạn chế xuất khẩu các sản phẩm hoặc nguyên liệu chủ chốt.

Ông Ngô Giới Thanh cho biết, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, ĐCSTQ đã cấm các công ty có nhà máy tại Trung Quốc như 3M và Honeywell xuất khẩu khẩu trang và các vật tư y tế sang Mỹ. Ngược lại, ĐCSTQ đã cho xuất khẩu một lượng lớn sản phẩm kém chất lượng, đồng thời lệnh cho các tổ chức hải ngoại mua gom hàng số lượng lớn, giành mua khẩu trang, găng tay y tế, quần áo bảo hộ, thuốc thử… dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng vật tư y tế ở nhiều quốc gia. Cách làm này của chính quyền Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế đặt câu hỏi liệu họ có đang cố tình cản trở tiến trình chống dịch của các quốc gia?

Hiện giờ, Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản đã cảm nhận được mất mát đau đớn, kinh hoàng nhận ra công nghiệp chế tạo là huyết mạch của quốc gia, cần phải cảnh giác với “giấc mộng Trung Quốc” về chi phí rẻ và thị trường rộng lớn. Ngày 9/4, Nhật Bản và Hoa Kỳ liên tiếp tuyên bố sẽ hỗ trợ các công ty rời khỏi Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản đã phân bổ 2 tỷ USD hỗ trợ các công ty Nhật Bản dời dây chuyền sản xuất của họ trở lại Nhật và 220 triệu USD hỗ trợ các công ty di dời sang các quốc gia khác. Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế Nhà Trắng, nói rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ toàn bộ “chi phí di dời” cho tất cả các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc, bao gồm các chi phí và tổn thất về nhà máy, thiết bị, sở hữu trí tuệ…

Mới đây, thượng nghị sĩ liên bang của Đảng Tự do Úc, bà Concetta Fierrabidei-Wells nói rằng Úc nên xem xét “tách rời” quan hệ thương mại với ĐCSTQ một khi đại dịch virus corona qua đi.

Trung Quốc là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của Úc về hàng hóa và dịch vụ, chiếm 26% thương mại của quốc gia này theo số liệu do Bộ Ngoại giao Úc công bố. Trước cuộc khủng hoảng virus corona, giao dịch hai chiều đã đạt mức kỷ lục 235 tỷ đô trong năm 2018 – 2019, tăng hơn 20% so với năm trước.

Bà Fierraaugei-Wells nói với Sky News rằng đại dịch đã khuyến khích các doanh nghiệp cũng như chính phủ đa dạng hóa mạng lưới thương mại của họ. “Toàn bộ đại dịch này đã phơi bày cho chúng ta thấy bản chất bấp bênh của chuỗi cung ứng của chúng ta“, bà nói.

Mộc Lan (T/h)