Các cảng ở nhiều quốc gia có thể trở thành căn cứ quân sự thời chiến của ĐCSTQ
Ảnh minh họa trên mạng
( Còn 3 đặc khu Kinh tế của TQ ở VN là Phú Quốc – Kiên Giang, Vân Đồn – Quảng Ninh, Bắc Vân Phong – Khánh Hoà sẽ không thuộc diện lưỡng dụng và được ngoại lệ ? )
Tiêu Nhiên • Thứ Tư, 09/08/2023
Một nghiên cứu mới cho biết, các cảng vận tải biển của Trung Quốc trên khắp thế giới cung cấp cho Bắc Kinh các căn cứ quân sự trong tương lai. Các căn cứ này có thể được sử dụng trong thời chiến.
Cảng Quốc tế Hambantota ở Sri Lanka ngày 7/6/2023 (Nguồn: Ruwan Walpola/ Shutterstock)
Báo cáo được xuất bản vào đầu tháng 8 bởi phòng thí nghiệm nghiên cứu của Đại học William và Mary có tên “Ôm dã tâm toàn cầu: Dấu chân cảng của Trung Quốc và những tác động đối với các căn cứ hải quân ở nước ngoài trong tương lai”. Nghiên cứu dựa trên dữ liệu chính thức của Trung Quốc từ năm 2000 đến năm 2023. Trung Quốc đã phát triển 124 cảng biển dân sự ở nước ngoài, bao gồm 46 cảng ở các nước thu nhập thấp và 78 cảng ở các nước thu nhập trung bình, với tổng chi tiêu là 29,9 tỷ USD.
Báo cáo cho biết, “Cùng với sự phát triển khả năng quân sự của Trung Quốc, việc thiết lập các căn cứ hải quân ở nước ngoài là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh trong việc phô trương sức mạnh trên toàn cầu.”
Báo cáo cũng đề cập đến việc Trung Quốc đang sử dụng ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ để tài trợ và xây dựng các cơ sở cảng toàn cầu mà hải quân Trung Quốc có thể sử dụng “trong thời bình hoặc thời chiến”. Các căn cứ này cuối cùng có thể trở thành căn cứ quân sự trong tương lai.
Hiện nay, căn cứ hải quân quân sự ở nước ngoài duy nhất của Trung Quốc được đặt tại quốc gia Djibouti ở Đông Phi, tiếp giáp với một cảng thương mại do Trung Quốc tài trợ, xây dựng và vận hành. Một cảng dân sự khác được xác định là một căn cứ hải quân tiềm năng là ở thành phố Hambantota của Sri Lanka. Cảng Hambantota là dự án đầu tư cảng lớn nhất của Trung Quốc, nằm ở Ấn Độ Dương, có vị trí địa lý ưu việt.
Các căn cứ hải quân tiềm năng khác bao gồm cảng Bata của Guinea Xích đạo, trên bờ biển Đại Tây Dương của Châu Phi; cảng Gwadar của Pakistan; cảng Kribi của Cameroon; Ream Naval của Campuchia; Vanuatu ở trung nam Thái Bình Dương; Nacala của Mozambique; và Nouakchott của Mauritanie.
Báo cáo cho biết, Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “đã phát triển từ một lực lượng ven biển thành lực lượng hải quân nước xanh dương, báo hiệu tham vọng triển khai sức mạnh toàn cầu của họ”. “Sự phát triển của hải quân Trung Quốc cũng bao gồm việc chế tạo tàu sân bay, điều này thể hiện tham vọng lâu dài trong việc tiếp tục các hoạt động hàng hải ở nước ngoài.”
Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện có ảnh hưởng thương mại và quân sự mạnh mẽ trên các đại dương của thế giới. Hầu hết các cơ sở hạ tầng thương mại ven biển được xây dựng và kiểm soát bởi các lợi ích của Trung Quốc. Trung Quốc hiện đã trở thành một trong ba quốc gia sản xuất tàu buôn (tàu vận tải thương mại) lớn và có đội tàu buôn lớn thứ hai thế giới.
Báo cáo nói, trong xung đột, đội tàu buôn của Trung Quốc có thể được tập hợp lại vì mục đích quân sự.
Theo một báo cáo khác, một mối quan tâm lớn khác của quân đội Mỹ là quá trình hiện đại hóa lực lượng chiến lược của Trung Quốc. Trung Quốc đang thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng tấn công hạt nhân từ không gian vào năm 2021, được gọi là Hệ thống ném bom quỹ đạo phân số. Cuộc thử nghiệm đã phóng một tên lửa bay theo quỹ đạo trong không gian trước khi quay trở lại bầu khí quyển và bắn trúng mục tiêu mặt đất mô phỏng.
Ông Glen D. VanHerck, Tư lệnh Lực lượng Không quân, Bộ Tư lệnh Phương Bắc, cho biết sau khi được triển khai, các tên lửa siêu thanh tầm xa của Trung Quốc sẽ có thể tránh được các hệ thống cảnh báo sớm trên mặt đất và trên không gian hiện tại do đường tấn công ở tầm thấp và khả năng cơ động tốc độ cực cao.
Một mối nguy hiểm khác là việc sử dụng một vụ nổ hạt nhân ở độ cao lớn, có thể gây ra một “xung điện từ” chết người từ các thiết bị điện tử, có thể làm hỏng hoặc phá hủy tất cả các thiết bị điện tử trong phạm vi hàng trăm dặm.
Ông Glen D. VanHerck gần đây đã làm chứng trước Quốc hội rằng mối đe dọa của Trung Quốc đối với lục địa Mỹ trải dài trên “nhiều lĩnh vực” sẽ làm nhiễu loạn quá trình ra quyết định của các nhà lãnh đạo quân sự và trì hoãn hành động quân sự trong một cuộc khủng hoảng. Mục tiêu chung của ĐCSTQ là “tiêu diệt ý chí của chúng ta trong xung đột”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshiro Ino gần đây cho biết, quân đội Nhật Bản sẽ hợp tác với các đồng minh để bảo vệ Đài Loan khỏi các cuộc tấn công của Trung Quốc.
Ông Toshiro Ino nói với The Telegraph của Anh rằng, “Nếu người dân trên thế giới có ý chí ủng hộ Đài Loan, giống như cách họ đã ủng hộ Ukraine, vậy thì, đúng như thế, chúng ta rất có thể sẽ hỗ trợ cho Đài Loan bằng một số hình thức.”
Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng chính sách mơ hồ chiến lược về cách giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, chính quyền Biden đã thúc giục Tokyo cam kết nhiều hơn và rõ ràng hơn về vai trò của Nhật Bản trong cuộc chiến Đài Loan, với tư cách là một liên minh mạnh mẽ hơn để ngăn chặn Trung Quốc. Lầu Năm Góc muốn Nhật Bản cam kết sử dụng hạm đội tàu ngầm tấn công và tàu mặt nước chống ngầm để săn lùng tàu ngầm Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Đài Loan.
Ông Toshiro Ino cho biết, Nhật Bản cần xây dựng quân đội để ngăn chặn Trung Quốc cố gắng chiếm đóng Đài Loan bằng quân sự, như Nga đã cố gắng làm khi xâm chiếm Ukraine.
Bài phát biểu của bộ trưởng quốc phòng được đưa ra vài ngày sau khi Nhật Bản công bố một báo cáo chiến lược lớn, báo cáo này xác định Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất mà Nhật Bản phải đối mặt. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang đầu tư mạnh vào các loại vũ khí mới, bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk tầm xa có thể tấn công các mục tiêu nằm sâu trong Trung Quốc.
Ông Toshiro Ino nói: “Điều quan trọng là phải chứng minh rằng rất khó để xâm lược hoặc có hành động gây hấn chống lại Đài Loan bằng biện pháp quân sự”.
Tiêu Nhiên, Vision Times