Các bạn trẻ nên học gì, làm gì trong chế độ cộng sản này?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Các bạn trẻ nên học gì, làm gì trong chế độ cộng sản này?
Phan Châu Thành (Danlambao)
Những câu hỏi cuộc đời
Hơn chục năm nay tôi thường đi giảng, nói chuyện, tham luận trong các hội thảo, các diễn đàn on- hay off-line, các clb… của các bạn trẻ, các trường trung học, cao đẳng, đại học cả Bắc và Nam, về các vấn đề kinh doanh và khởi nghiệp.
Đến hôm nay, Tết 2015 này, câu hỏi rất đơn giản, nhưng quan trọng và hóc búa nhất mà tôi thường nhận được từ các bạn trẻ, từ các học sinh, sinh viên đến các bạn trẻ đã qua đại học, đang đi làm và đang vật lộn trong cuộc sống, hay đã là các doanh nhân trẻ thành đạt, sắp thành đạt hay đang bế tắc… vẫn là câu hỏi này:
Các bạn trẻ nên học gì, làm gì trong tình đất nước hiện nay? 
Câu hỏi thực sự và chính xác ở đây là: Các bạn trẻ nên học gì, làm gì trong điều kiện (chế độ cộng sản) hiện nay để thành công hạnh phúc? Tất nhiên, không ai gọi tên ra bốn từ “chế độ cộng sản” của cái “điều kiện hiện nay” đó, nhưng ai cũng hiểu mình nói gì, và tôi thì là mình được hỏi gì.
Câu hỏi trên là quan trọng, rất quan trọng, tối quan trọng với mỗi bạn trẻ, bởi vì nó quyết định hướng đi, đích đến và cả khả năng thành đạt hay không (thành công và hạnh phúc), ở mức độ nào của cả cuộc đời mỗi người. Có thể nói, đó là câu hỏi quan trọng nhất, câu hỏi cuộc đời.
Sao tôi không ngạc nhiên khi câu hỏi tối quan trọng đó các bạn trẻ phải tự mình đi tìm tòi trong xã hội, lại phải nêu ra/dành nó cho tôi, hay những người như ông Alan Phan – tức là các doanh nhân bên ngoài xã hội “có định hướng” này, chứ không phải cho các “ranh nhân” quan chức, các nhà hoạt động chính trị văn hóa của chế độ này – họ vừa giàu có vừa oai phong, đầy bằng cấp lại “thét ra lửa”, “khạc ra vàng” khắp nơi kia mà?
Sao tôi không ngạc nhiên khi các bạn trẻ cũng không đi tìm câu trả lời đó trong gia đình, ở quê hương làng bản phố xá thân yêu của mình, hay trong nhà trường (XHCN) – tức là từ “cội nguồn” của mình, như đang lẽ ra phải thế?
Bởi vì, chính tôi và cả thế hệ tôi (thế hệ cộng sản thứ ba – đang cầm quyền ở VN hôm nay) cũng đã trải qua tất cả những điều đó: Luôn đặt ra câu hỏi cuộc đời là “Mình muốn/nên/cần/phải/có thể học gì, làm gì để sống thành công hạnh phúc?”, luôn đi tìm câu trả lời và thực hiện (thử nghiệm) nó trong gia đình, trong “mái trường XHCN”, trong “chế độ XHCN tươi đẹp” này… và tất cả đều thất bại, đỗ vỡ thảm hại (như với tôi và đại đa số người cùng thế hệ), hoặc “thành công rực rỡ” như với một số bạn học của tôi và thiểu số cộng sản cùng thế hệ tôi (họ là những tướng cộng sản, là các quan đầu tỉnh, huyện, là thứ-vụ trưởng ở các bộ hay các đại tổng giám đốc đỏ, có người đang “chiến đấu” để vào trung ương đảng CSVN…)
Và câu trả lời đã bị chế độ định hướng
Tại sao gia đình và nhà trường XHCN, và cả xã hội XHCN này đã/đang không (và không thể) giúp các bạn trẻ hôm nay (và chúng tôi ngày xưa) trả lời được câu hỏi đó?
Bởi vì, đó là câu hỏi tư duy của con người mà gia đình và nhà trưởng, cả toàn xã hội cộng sản này, đã bị đảng cộng sản cấm trả lời, cấm tư duy (cướp quyền tư duy) – đơn giản vì đảng ta-ù (đảng CSVN) muốn lãnh đạo toàn diện, nên tất cả phải “để đảng lo hết cả “! Đảng (ta-ù) đã lựa chọn thay và phân công cho từng người ai nên học gì, làm gì rồi (theo nhu cầu của đảng). Các thế hệ trẻ “cứ thế mà thực hiện nhiệm vụ vinh quang đảng giao để góp phần phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước sao cho tốt nhất, vì “chỉ có đảng ta-ù biết điều gì tốt nhất cho đất nước!”
Tại sao từ 1945/1954 rồi 1975 đến nay đảng ta-ù lại cướp quyền trả lời câu hỏi cuộc đời rất cá nhân của từng công dân VN? Bởi vì đó là câu hỏi tư duy – “Làm gì? What?” (tư duy là lựa chọn) mà đảng ta-ù quyết cướp quyền tư duy lựa chọn (quyền sống) của mọi công dân, cho riêng mình. Bằng điều 4 HP – đảng ta-ù cướp quyền lãnh đạo tất tật! Nếu công dân có tư duy thì đảng ta-ù không lãnh đạo được. Và bởi vì, để trả lời câu hỏi tư duy đó mỗi người cần phải trả lời câu hỏi tư duy tiếp mà đảng ta-ù muốn giấu diếm nhất: Tại sao? Tại sao bạn trẻ nên học hay làm gì đó?
Nếu mỗi bạn trẻ, mỗi người được tự trả lời câu hỏi tại sao các bạn nên học hay làm gì đó – đơn giản là vì thành công và hạnh phúc của chính các bạn, thì cả cuộc đời các bạn sẽ chỉ để dành cho thành công và hạnh phúc của chính các bạn (từ đó góp vào và làm nên thành công hạnh phúc của toàn xã hội, cả quốc gia). Nhưng điều đó không phục vụ thành công của riêng đảng ta-ù là đè đầu cưỡi cổ và ăn cướp thành quả (bằng “lãnh đạo”) của cả đất nước và dân tộc bởi một nhóm người ăn cướp quyền sống của người khác gọi là ‘đảng ta-ù” – đảng CSVN đó.
Thế cho nên, cả xã hội CSVN này đã được thiết kế, tổ chức, định hướng, và kiểm soát chặt chẽ, tinh vi, tàn khốc bởi đảng ta-ù sao cho mỗi người trẻ khi tự đặt ra câu hỏi tư duy tất yếu của Con người là “phải học gì, làm gì với cuộc đời mình để sống thành công hạnh phúc?” thì mỗi người đều phải nhận câu trả lời gián tiếp tinh vi từ đảng ta-ù là hãy “theo sự phân công và kêu gọi của đảng” như:
– Hãy học IT đi vì IT sẽ là mũi nhọn của nền kinh tế trí thức định hướng XHCN!
– Hãy học dầu khí đi vì VN sẽ khai thác dầu khí biển Đông để thành cường quốc, thành con rồng kinh tế mới!
– Hãy học quản trị kinh doanh đi để kinh tế VN phát triển vào G20 trong khoảng 100 năm tới…
– v.v. và v.v…
Tất cả những câu trả lời, lời khuyên định hướng trên của đảng ta-ù với các bạn trẻ, các thế hệ VN tiếp nhau, hiện nay đã đến thế hệ thứ tư, thứ năm (là lớp ngang con cháu tôi) rồi, thoạt nghe đều ổn cả, nhưng sao chúng lại đều dẫn đến thất bại toàn diện cho đại đa số công dân VN và cho cả đất nước VN hôm nay, chí có số ít đảng viên quan chức là giàu có thành đạt và “hạnh phúc”?
Sự lừa bịp trong lời khuyên định hướng của đảng ta-ù cho các thế hệ trẻ
Có ít nhất ba sự lừa bịp cơ bản và tàn độc của đảng ta-ù với các thế hệ trẻ Việt Nam bấy nay trong sự giáo dục định hướng và trả lời câu hỏi cuộc đời mỗi người một cách định hướng bởi chế độ cộng sản này, đó là:
– Thứ nhất, vì là câu hỏi tư duy, câu hỏi cuộc đời, nên đó là câu hỏi cá nhân, gắn đến cuộc đời và sinh ra từ tư duy (lựa chọn) của mỗi người, nên chỉ mỗi bạn trẻ có thể, nên, hãy và phải tự trả lời câu hỏi đó được thôi, không ai khác (nhất là đảng ta-ù, vốn không phải là một thể nhân có tư duy và có cuộc đời sinh học) trả lời thay được. Gia đình, nhà trường, xã hội chỉ có thể giúp các bạn trẻ trả lời câu hỏi cuộc đời học mà thôi, vì chính các bạn trẻ phải chịu trách nhiệm và nhận hậu quả hay vinh quang từ câu trả lời của mình. Việc đảng ta-u trả lời thay các bạn trẻ (dù gián tiếp) như là họ nói các bạn trẻ: “Hãy nhảy vào lửa đi, nếu chết cháy thì đảng sẽ chịu!” – và các bạn bạn trẻ chết cháy hết, còn đảng cụ thể là ai và sẽ chịu thế nào đây? Hay đảng sẽ nói: Tại các bạn chưa biết nhảy trong lửa, chưa chịu được lửa, tại gió lớn của thế lực thù đinh làm lửa to cháy các bạn… Nói chung là các thế hệ sẽ tiếp nhau nhảy vào lửa và chết cháy hết 3-4 thê hệ rồi để cho đảng ta-ù ngày càng “giàu mạnh hơn”.
– Thứ hai, câu trả lời cuộc đời của các bạn nếu do đảng định hướng – tuyệt đại đa sô là thế mà chúng ta không biết do đã bị tẩy não trong môi trường cộng sản tàn khốc này suốt nhiều thế hệ – thì nó được định hướng vì các lý do khác không dính líu gì đến nguyện vọng, khả năng, mối quan tâm và trách nhiệm của các lớp trẻ cả, mà nó chỉ liên quan đến và xuất phát từ nhu cầu của đảng ta-ù. Mà đảng ta-ù thì rất “khiêm tốn”, chúng chỉ có một nhu cầu duy nhất là “lãnh đạo” phục vụ dân tộc và đất nước VN đi lên XHCN trong khoảng 100 năm nữa, thế thôi. Đây chính là câu hỏi tư duy thứ hai “Tại sao (phải học/làm việc đó?”, vốn luôn phải đi theo cặp với câu hỏi tư duy thứ nhất: “Làm gì? và Tại sao?” (What? & Why?) của chúng ta cũng đã bị đảng ta-ù cướp mất.
Trả lời của câu hỏi tư duy thứ nhất (Học gì, làm gì?) được củng cố ngầm bằng trả lời của câu hỏi tư duy thứ hai (Tại sao?), như hai mặt của đồng xu, lẽ ra phải xuất phát từ nhu cầu của chính các thế hệ trẻ (vì thành công và hạnh phúc của các thế hệ trẻ) thì nó bị đảng ta-ù đánh cắp và đánh tráo bằng “mong muốn tột bậc” của đảng ta-ù là “lãnh đạo” nhân dân… Thế cho nên khi đi vào thực hiện việc học gì rồi làm gì đã được đảng lựa chọn, các thế hệ trẻ lần lượt nhận ra lý do vốn được dấu kín là nhu cầu “lãnh đạo nhân dân” của đảng ta-ù không phải lý do học gì, làm gì của cá nhân mình, cho cuộc đời mình… nên chúng ta mất tự tin và mất niềm tin vào đảng ta-ù, và thất bại. Đơn giản là vì chúng ta không thể hy sinh đời mình cho mục đích của kẻ khác. Nhưng khi đó tất nhiên là quá muộn rồi. Như ông nội tôi chết trong cuộc tắm máu Nam kỳ Khởi nghĩa của CS năm 1940 không để lại trăng trối gì cho cha tôi, rồi như cha tôi – một người công nhân từ Ba Son gia nhập tiểu đoàn 307 năm 1947 rồi tập kết năm 1954, trở về Sài Gòn 1975 để rồi chết oan ức tức tưởi do chính tay các đồng chí cộng sản của mình trên quê hương “giải phóng” này, mà cũng không kịp trăng trối gì cho tôi cả, để tôi lại phải tự tìm đường đi trong đêm đen cộng sản này suốt ba chục năm nay: Làm sao sống được là người (có tư duy) mà không là thú vật trong xã hội CSVN này đây? (Tôi chưa dám mơ và nói gì đến sống thành công hạnh phúc được trong chế độ này!).
– Thứ ba, lừa bịp nguy hiểm nhất của cộng sản với các thế hệ trẻ trong các định hướng làm gì, đó là hãy đừng làm chính trị vì đã có đảng lo hết cả rồi! Phải, đảng ta-ù muốn và ”khuyên” các thế hệ trẻ không quan tâm và không làm chính trị. Trong bóng tối thì họ ngăn cấm và cản trở, hãm hại tất cả những ai quan tâm và muốn làm chính trị, đòi quyền chính trị công dân. Chúng chỉ cho phép bạn trẻ được làm chính trị theo sự “chỉ đạo” của chúng (trong Đoàn TN và trong đảng ta-ù và trong các tổ chức bán chính trị khác của chúng) tức là không có tư duy gì hết – các bạn được phép làm chính trị nếu chấp nhận không tư duy độc lập! Mà không tư duy thì không phải/chưa phải Con người.
Đảng ta-ù tổ chức, xây dựng, rồi dùng, huy động và ép buộc cả hệ thống xã hội, nhà trường, các đoàn thể, tổ chức, chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước và cơ quan kinh tế, văn hóa, xã hội… vào việc nhồi sọ, ngăn cản và ngăn cấm, cách ly các thế hệ trẻ quan tâm đến chính trị và tham gia chính trị. Kết quả là các thể hệ trẻ hiện nay rất ngu ngơ về chính trị, khiếp sợ chính trị, hay mông muội cực đoan về chính trị (theo cộng sản). Rất hiếm các bạn trẻ có tư duy bình thường (chỉ là tư duy và bình thường thôi) về chính trị!
Với câu hỏi cuộc đời của các thế hệ trẻ: “Học gì? Làm gì?” thì câu trả lời định hướng và ép buộc phải thế của CSVN cho lớp trẻ luôn là: Đừng có mà học luật và làm chính trị!
Đảng ta-ù có cả những cái gọi là học viện chính trị chỉ để dành cho những kẻ đã quen chấp nhận sống không có tư duy của con người nữa – chỉ theo lãnh đạo của đảng thôi, đó là chỉ dành cho những đảng viên cộng sản “ưu tú”. Nói cách khác, những học viện chính trị đó thực sự như/là những trại đào tạo súc vật, vì điều kiện để tốt nghiệp và có các loại bằng cấp đến tiến sĩ xây dựng đảng là không được tư duy.
Tư duy chính trị bình thường cho thế hệ trẻ
Thế nào là một bạn trẻ có tư duy chính trị bình thường? Tôi đã giảng dạy và quan sát thế hệ trẻ hiện nay trên 10 năm liên tục gần đây, và nhận thấy trên 99% lớp trẻ không dám nói chuyện chính trị VN, có nghĩa là cứ 100 bạn trẻ tham gia lớp học kinh doanh thì vẫn khó tìm ra một bạn dám nói chuyện bình thường về đảng CSVN và quan điểm cá nhân của bạn trẻ đó về đảng ta-ù.
Ví dụ, khi tôi chia sẻ và hỏi: “Tôi là người từ thời sinh viên đã liên tục nhiều lần từ chối vào đảng (CSVN) vì tôi nghĩ mục tiêu của đảng đó không phải của tôi. Vậy ai trong các bạn có ý định sẽ vào đảng để thăng tiến hay sẽ không vào đảng, sẽ đứng ngoài đảng, và có thể chia sẻ điều đó với mọi người?” thì thường không có cánh tay nào dám giơ lên cả. Nhưng nếu tôi nói: “Tôi không quan tâm chính trị và chỉ quan tâm kinh doanh, ai chia sẻ quan điểm và cách sống đó với tôi?” thì hầu hết sẽ giơ tay.
Tư duy chính trị bình thường là coi chính trị như một chuyên ngành, một nghề nghiệp, một lĩnh vực hoạt động bình thường và không thể thiếu của xã hội có văn hóa, có những đặc thù và yêu cầu đặc biệt với các nhà chính trị và các tổ chức chính trị, đáp ứng các nhu cầu chính trị đặc biệt của các cá nhân và xã hội. Trong năm nấc thang về nhu cầu của con người (mà Abraham Maslow đưa ra tại Mỹ và được chấp nhận rộng rãi từ giữa thế kỷ trước – khoảng 1940-1950) thì nhu cầu liên quan chính trị nằm ở mức cao nhất.
Hoạt động chính trị chỉ là một dạng hoạt động xã hội, đoàn thể cao cấp và đặc biệt, đáp ứng một dạng như cầu phi vật chất của con người. Tư duy chính trị bình thường là không ai có đặc quyền làm chính trị cũng như không ai bị cấm làm chính trị.
Tại sao tôi phải có đề mục nhỏ về chính trị này ở đây? Là vì nếu coi chính trị là một chuyên ngành thì việc trả lời câu hỏi cuộc đời của các bạn trẻ “Học gì? Làm gì?” sẽ có thể coi chính trị là một trong các câu trả lời, thế thôi.
Các bạn trẻ nên học gì, làm gì hôm nay?
Nguyên tắc dạy học và chia sẻ với lớp trẻ của tôi là: Chỉ nói những điều mình làm và làm những gì mình nói. Khi được các bạn trẻ nêu ra câu hỏi cuộc đời đó của họ, và rất thường xuyên, tôi thường trả lời theo bốn bước, như sau:
– Đầu tiên, tôi xác định các bạn trẻ đó như các con, các cháu ruột thịt của mình, và xác định vậy thì tôi sẽ khuyên nhủ gì họ đây? Có nghĩa là tôi sẽ nói với họ như đã nói với con gái, con trai, và các cháu ruột của mình. Việc này chỉ để đảm bảo nguyên tắc trên.
– Tiếp theo, tôi vẽ ra hay bảo các bạn trẻ tự vẽ ra sơ đồ cấu trúc nghề nghiệp xã hội 5 cấp độ (giống như và tương ứng cấu trúc nhu cầu con người – hierarchy of needs của Abraham Maslow), rồi hỏi họ nhu cầu nào, đam mê nào của họ đối với họ là quan trọng và mạnh mẽ nhất mà việc đáp ứng chúng (tương đương việc chọn nghề tương ứng) có thể làm họ mãn nguyện suốt đời. Như vậy là trong 5 nhóm nhu cầu/nghề nghiệp tôi đã giúp họ tự khoanh vùng nhỏ lại còn một hoặc hai hoặc ba để cho lựa chọn cuối cùng của họ. Việc này họ cần và nên xem xét kỹ theo 5 khía cạnh: đam mê (mong muốn), khả năng (có thể), trách nhiệm (phải), đạo lý (nên) và nhu cầu (cần).
– Bước thứ ba là tôi giải thích thêm đặc thù và sự khác nhau giữa các dạng nhu cầu làm mỗi người cảm thấy thành công và hạnh phúc trong các nấc thang nghề nghiệp và/hay nhu cầu của Maslow trên. Tại sao tôi không làm điều này ngay trong đầu bước hai? Là vì cần để các bạn trẻ có tư duy độc lập về nhu câu của chính mình khi nói ra chúng – lý do tại sao /Why họ chọn việc gì đó cho cả đời mình. Điều cơ bản ở đây là càng chọn công việc ở mức cao hơn thì số người cạnh tranh của bạn trên tầng đó càng ít hơn và khả năng ảnh hưởng đến (chất lượng cuộc sống) của người khác về cả số lượng người và mức độ đều cao hơn, tức là cơ hội thành công của bạn càng cao hơn. Chế độ cộng sản luôn muốn dân đen lao động – mức thấp nhất (“Lao động là vinh quang!”) còn chính họ thì làm tài chính, làm luật, và làm chính trị – hai nấc thang nghề nghiệp cao nhất.
Mức thấp nhất là Khoa học Kỹ thuật và Sản xuất; Tiếp theo là Quản lý, Kinh tế, Kinh doanh; Mức trung bình thứ ba là Dịch vụ, Văn hóa, Nghệ thuật; Mức cao hơn là Tài chính và Luật pháp; Và mức cao nhất là Chính trị và Tôn giáo.
Bước thứ tư, tôi phân tích các khía cạnh của tình hình VN liên quan công việc cần được cân nhắc lựa chọn bởi từng bạn trẻ (đã chia sẻ với tôi ở bước hai), và kể về lời khuyên của tôi đã cho con gái, con trai mình. Rồi tôi mới đưa ra lời khuyên của mình cho bạn trẻ đó tự cân nhắc và lựa chọn. Tuyệt đại đa số là giống như lời khuyên cho các con tôi – đó là hãy học luật, tài chính hay tốt nhất là chính trị!
Các con tôi đều theo luật (hai đứa em) và tài chính (cô chị), có thể sau này chúng sẽ làm chính trị. Từ luật sang chính trị chỉ cần một nửa bước đi. Còn các bạn trẻ tôi khuyên cũng đa số theo luật hay tài chính. Tôi đặc biệt khuyến khích tất cả học luật và chính trị!
Có nhà tư vấn nói với tôi: Đứa nào anh cũng khuyên học luật hết thì sau này toàn thầy cãi sao? Tôi nói: Không lo đâu, vì tôi có giỏi thuyết phục đến thế đâu mà bạn trẻ nào cũng nghe theo và học luật như các con tôi. Và có phải bạn trẻ nào cũng đủ khả năng tố chất và muốn học luật đâu, nhưng biết rõ luật để sống thành công thì ai cũng cần, không bao giờ thừa, dù họ có làm gì. Vả lại, VN đang chỉ có 1 luật sư trên 50,000 người trong khi con số này ở châu Âu là 1/500 và ở Mỹ là khoảng trên 300/ người cho 1 luật sư. Tại sao thế? Vì với chế độ CSVN năm 1954 việc giáo dục đầu tiên của Hồ là giải tán trường Luật HN, sau 1975 cũng vậy ở SG, và chỉ miễn cưởng đào tạo Luật nhỏ giọt có kiểm soát theo nhu cầu của đảng ta-ù thôi, nên số luật sư đang đào tạo ra là cho đảng, không phải cho dân. Vả lại nữa, tôi cũng chỉ có cơ hội giảng dạy cho 1-2 chục ngàn bạn trẻ thôi (trong 10 năm qua), chả thấm vào đâu so với nhu cầu luật sư khổng lồ trong tương lai của nước VN Dân chủ và có Nhân quyền.
Tại sao tôi rất khuyến khích các bạn trẻ ngày nay học luật và làm chính trị?
Tôi đã và đang làm thế (khuyến khích các bạn trẻ học luật để làm chính trị) trong khoảng gần chục năm nay, vì tôi thấy thế là đúng, là tốt cho đất nước này, cả hiện tại lẫn tương lai đất nước sau này – sau chế độ cộng sản.
Bởi vì, tôi tin, trong vòng 10 năm tới chế độ cộng sản này sẽ phải sụp đổ, và trong 20 năm tới để xây dựng lại đất nước từ hoang tàn, nhất là hoang tàn văn hóa, hoang tàn đạo đức và hoang tàn pháp lý mà xã hội cộng sản để lại, chúng ta cần rất nhiều luật sư để đưa pháp trị và văn hóa, đạo đức vào trở lại mọi mặt xã hội đời sống VN. Đó là công việc quan trọng hàng đầu, lớn lao và khó khăn của chế độ dân chủ tương lai và các luật sư tương lai. Vì thế, nếu có cơ hội nào nói chuyện và chia sẻ với các bạn trẻ, tôi đều chia sẻ như với con cháu mình: Hãy học luật để mình và dân tộc luôn ngẩng cao đầu, cán bạn ạ! Không lũ cộng sản hay bành trướng Tàu nào có thể khuất phục dân tộc Việt nước Việt Dân chủ Tự do lần nữa, vì chúng ta có xã hội pháp trị là sức mạnh của cả dân tộc Việt và có luật pháp dân chủ quốc tế ủng hộ.
Tôi rất nhớ câu tâm sự của ngài John Adams – Phó Tổng thống Đầu tiên và Tổng thống Thứ hai của Nước Mỹ sau ngài Washington, với báo chí Châu Âu khoảng năm 1790, khi ngài đại diện Chính phủ lâm thời Mỹ sang Châu Âu đàm phán với Lục địa Già để Thành lập nước Mỹ Tự do hơn 200 năm trước, khi ngài được hỏi rằng tại sao một luật sư giàu có như ngài lại vất vả tham gia chính trị làm gì?, rằng:
Tôi và thế hệ tôi của Nước Mỹ phải làm chính trị (dựng nên Hiệp chủng quốc Hoa kỳ Dân chủ) để các con tôi có thể học Khoa học và làm Kinh tế và để các cháu nội ngoại tôi có thể học Văn học và Nghệ thuật nếu chúng muốn như ở Châu Âu…
Trong tình hình Việt Nam hiện nay, còn chưa được như Nước Mỹ khi đó, khi chưa thành lập nước, thậm chí tệ hại hơn nhiều, sau gần cả thế kỷ bị nô dịch bởi cộng sản VN và Tàu/Nga. Cho nên, tôi xin mượn lời ngài John Adams để nói với các bạn trẻ Việt Nam hôm nay:
Tôi biết nhiều bạn có ước mơ làm kinh tế để có thể sống giàu sang hạnh phúc, nhiều bạn muốn nghiên cứu khoa học và nghệ thuật để thể hiện tài năng và đóng góp sức mình cho xã hội, nhưng tôi cũng biết với chế độ cộng sản này các bạn sẽ không thể thực hiện được những ước mơ cao đẹp đó đâu, không bao giờ! Như thế hệ của tôi và thế hệ cha, ông tôi, cha ông các bạn… đã sai lầm và thất bại đau thương, tất cả chỉ vì tin theo cộng sản. Thế cho nên chúng ta phải tạm gác các ước mơ Khoa học và Nghệ thuật đó lại để học Luật và làm Chính trị trước hết đã, để đưa đất nước trở lại con đường Văn minh Dân chủ của Loài người mà cộng sản đã làm dân tộc ta giật lùi trễ mất hàng trăm năm. Rồi thì các bạn và con cháu các bạn sẽ được làm Kinh tế, học Khoa học và theo đuổi đam mê Nghệ thuật như chúng ta ước mong…
Hôm nay, vì các thế hệ tương lai và vì cả dân tộc, vì đất nước này, chúng ta phải làm chính trị! Làm chính trị hôm nay là lật đổ chế độ cộng sản này thì tất cả mới có thể bắt đầu lại được, như nước Mỹ bắt đầu huy hoàng hơn 200 năm trước! Dân tộc Việt phải hồi sinh!
Đó cũng là câu trả lời của cá nhân tôi đối với rất nhiều người trong gia đình và bạn bè luôn lo lắng và cố gắng khuyên tôi hãy tránh xa và đừng làm chính trị.
Tôi phải làm chính trị hôm nay để các con tôi có thể nghiên cứu khoa học và làm kinh tế, và các cháu tôi có thể theo đuổi đam mê nghệ thuật. Tôi không còn lựa chọn nào khác. Tôi phải sửa chữa sai lầm của cả hai thế hệ cộng sản trước tôi là ông bà và cha mẹ tôi, và tôi phải tham gia lật đỏ chế độ cộng sản này để các con cháu tôi có thể làm lại từ đầu cuộc sống của Con người, để chúng được thực sự Làm Người trên đất nước Việt Nam.